top of page
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: ra đi và trở về
Đi để trở về 

Bất cứ bác sĩ nào ở Việt Nam và trên thế giới điều trị bệnh loãng xương hay nghiên cứu về loãng xương đều có lần làm quen hay sử dụng mô hình đánh giá nguy cơ gãy xương có tên là "Garvan Fracture Risk Calculator". Ít ai biết rằng tác giả của mô hình đó là một người Việt: Nguyễn Văn Tuấn. Ông vừa mới vừa được Đại học New South Wales (Australia) trao học vị tiến sĩ cao nhất vì những đóng góp xuất sắc cho chuyên ngành loãng xương trên thế giới. Đằng sau vinh dự đó là một cuộc đời đầy gian truân, một tấm gương vươn lên tự nghịch cảnh, và một minh chứng cho câu nói "một cõi đi về".

Sau gần một năm khổ cực nơi "đất khách quê người" ở Thái Lan, ông được nhận đi Australia định cư vào đầu năm 1982. Trả lời câu hỏi vì sao chọn sang Australia, ông kể lại đó là kết quả của một cuộc phỏng vấn với viên chức tòa đại sứ Australia. Khi được hỏi ông muốn sang Australia làm gì, sau một vài vấp váp, ông trả lời một cách hồn nhiên: "Tôi muốn nhìn thấy con Kangaroo", Người phỏng vấn bật cười và nói: "Ok, tôi nhận anh. Qua bên kia làm thủ tục mau đi"!

Ông đến Australia đúng vào ngày Quốc Khánh năm 1982. Sau 8 giờ bay, ông đã đặt chân đến thành phố Sydney. Trong khi mọi người đều có hành lý sang trọng thì ông chỉ có một túi xách chứa hai bộ quần áo; chân đi bata, mặc áo màu trắng và quần tay màu đen dài lòng thong. "Hai Lúa còn hơn tôi, vì lúc đó tôi chẳng có nổi một đồng xu", ông nhớ lại.

Bắt đầu từ phụ bếp  

Việc đầu tiên đến Australia, việc đầu tiên là học tiếng Anh. Nhưng chỉ vài ngày theo học ông thấy chán khi ngày nào cũng “How are you”, “I am fine, thank you”, “I am looking for a job”. Vì vậy, ông quyết tâm tự học, mỗi ngày chỉ một từ nhưng tìm hiểu tường tận về nó. Từ nào không hiểu ông lại lôi cuốn từ điển ra tra.  

Khi tự tin hơn trong giao tiếp với người bản địa, ông bắt đầu đi tìm việc và được nhận vào làm phụ bếp trong bệnh viện nổi tiếng St Vincent. Công việc hàng ngày là rửa nồi niêu, chén bát và thái hành tây. “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy đống hành tây lớn như vậy. Vừa gọt nước mắt vừa chảy ra giàn giụa vì cay quá, nhưng tôi không dám kêu, bởi có một công việc lúc đó là may mắn lắm rồi”, ông nói.

Sau một thời gian ở St Vincent's, với kinh nghiệm phụ bếp, ông tìm thêm việc làm thứ hai trong nhà bếp của một khách sạn 5 sao mới mở, với mức lương cao gấp đôi.  Chỉ một thời gian ngắn, ông đã kỳ cóp đủ tiền mua được ô tô để đi lại.

Khi đã tạm ổn định cuộc sống, ông xin vào học ĐH Sydney bán thời gian, nhưng không được nhận vì họ cho rằng ông không có khả năng học đại học! Ông ghi danh học ở ĐH Macquarie, nơi mới mở môn học về dịch tễ học và thống kê học mà ông muốn theo đuổi, vì có liên quan trực tiếp với công việc mới. Công việc mới là làm trợ lý nghiên cứu ở Phòng Nghiên cứu và Kế hoạch thuộc Bộ Y tế bang New South Wales.

Rào cản ngôn ngữ lại chính là yếu tố gây khó khăn cho chàng sinh viên gốc Việt hạn chế khả năng nghe giảng. Ông chỉ còn biết dựa vài dòng giảng viên ghi trên bảng để đoán xem ông ta đang nói về điều gì. Hàng đêm khi các bạn rời giảng đường thì ông ngồi lại thư viện đọc sách và làm bài. Suốt 3 năm liền, đêm nào về đến nhà cũng 10-11 giờ đêm.

Làm giáo sư tại trường danh tiếng

Đầu năm 1990, ông được "chiêu dụ" về làm nghiên cứu viên tại Viện Nghiên Cứu Y Khoa Garvan (Garvan Institute of Medical Research), thuộc Bệnh viện St Vincent's. Viện Garvan là một trong những viện nghiên cứu y khoa hàng đầu trên thế giới. Viện này là một trung tâm đào tạo chuyên khoa cho trường đại học New South Wales và bệnh viện St Vincent's. Thế là gần 10 năm ông đi đúng một vòng, lại quay về nơi khởi đầu là bệnh viện St Vincent's.

Lúc đó, Viện Garvan đang thực hiện một nghiên cứu qui mô lớn về loãng xương, và họ cần người để điều hành nghiên cứu, thu thập dữ liệu, như phỏng vấn bệnh nhân, đo lường xương, và phân tích dữ liệu phục vụ cho công bố quốc tế. Ông làm cùng một giáo sư hàng đầu trong chuyên ngành, người sau này hướng dẫn luận án cho ông. Suốt 8 năm, ông dồn tâm trí vào việc học hành và nghiên cứu về nội tiết, xương và bệnh loãng xương, từ các vấn đề căn bản về sinh học tới di truyền lâm sàng. Năm 1994, trong một khám phá tình cờ, ông và một nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ nảy ra ý tưởng nghiên cứu vai trò của di truyền tố thụ thể vitamin D (gọi tắt là VDR gene) trong xương.  Nghiên cứu được công bố trên nhiều tạp chí hàng đầu thế giới và mở ra một hướng đi mới trong chuyên ngành. Ông và thầy nhận được nhiều giải thưởng quốc tế từ công trình nghiên cứu về di truyền loãng xương.

Năm 2007, ông và một nghiên cứu sinh gốc Việt sử dụng các thành tựu nghiên cứu trước đây để xây dựng một mô hình tiên lượng nguy cơ gãy xương, dựa trên nguyên lý "cá nhân hoá". Mô hình này có tên là "Garvan Fracture Risk Calculator" hay "Nguyen's Model", được giới bác sĩ khắp thế giới sử dụng trong quản lý lâm sàng bệnh nhân loãng xương. Phương pháp đánh giá này đã đặt tên Garvan trong thế giới nghiên cứu loãng xương quốc tế. Mới đây, ông và một nghiên cứu sinh khác tạo ra một "chữ ký gen" để tiên lượng gãy xương ở phụ nữ sau mãn kinh, và công trình được giải thưởng năm 2017. Năm 2015 khi Viện Garvan kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, ông là một trong 25 người được chính thức ghi nhận công trạng.

Năm 2008, sau nhiều năm phấn đấu cùng những thành tựu, ông được Hội đồng Quốc gia Y khoa và Y tế Úc (NHMRC) thưởng một "ghế nghiên cứu" (gọi là research fellowship). Đó là một thành tựu vì mỗi năm chỉ có 50-70 người trong số 2000 ứng viên được bổ nhiệm chức danh research fellowship. Cho đến nay ông là người Việt duy nhất ở Australia được trao chức danh này.

Sau khi được NHMRC thưởng, Trường Đại học New South Wales (xếp hạng "top 50" trên thế giới) thăng chức giáo sư thực thụ cho ông. "Thời kỳ đó, người châu Á mình lên chức giáo sư khó lắm. Tôi luôn đặt mục tiêu phải cố gắng làm sao cao hơn người bản xứ gấp 2 lần. Tức là, nếu tiêu chuẩn của họ đòi hỏi x thì mình cố gắng đạt 2x", ông nói ông vẫn khuyên nghiên cứu sinh gốc Việt như thế. Hiện nay, ông còn đồng thời giữ chức giáo sư ở Đại học Công nghệ Sydney (UTS) và giáo sư của Đại học Notre Dame Australia. Ông nhận được rất nhiều lời mời giảng và hợp tác nghiên cứu từ các trường và viện nghiên cứu của Mỹ, các nước Châu Âu, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Tính đến nay ông đã có hơn 250 công trình khoa học công bố trên các tập san danh tiếng trên thế giới. Ông là một trong những giáo sư y khoa được nhiều trích dẫn nhiều nhất thế giới. Nhưng ông lưu ý là nhiều công trình đó là do đóng góp của nghiên cứu sinh tiến sĩ và sau tiến sĩ, và ông chỉ đóng vai trò hướng dẫn. Ông đã đào tạo hơn 10 tiến sĩ và hậu tiến sĩ, một số nay là giáo sư ở Canada, Na Uy, Thái Lan, Trung Quốc. Khi được hỏi ai là nghiên cứu sinh ông tâm đắc nhất, ông nói đó là TS Nguyễn Đình Nguyên và TS Trần Hoàng Ngọc Bích, vì hai người đã được trao rất nhiều giải thưởng quốc tế.

Đóng góp cho nước nhà

Có thể nói ông là một trong những nhà khoa học gốc Việt ở nước ngoài có nhiều đóng góp và đóng góp bền bỉ cho Việt Nam. Ngay từ những năm giữa thập kỷ 1990, ông đã viết rất nhiều bài báo về chất độc da cam (dioxin) đăng tải trên báo Tuổi Trẻ. Ông kể lại kỷ niệm viết bài xã luận về dioxin trong lúc đi xe đò từ TPHCM về Kiên Giang. Lại có những đêm thức đến 12 giờ đêm ở Sài Gòn để cùng phóng viên Tuổi Trẻ viết bình luận về phiên tòa dioxin bên New York.

Vì vậy ông lúc nào cũng hướng và muốn đóng góp cho quê hương. Ngay từ những năm trong thập kỷ 1990, ông đã dùng kinh nghiệm nghiên cứu của bản thân cùng với nghiên cứu sinh viết bài về dioxin và công bố trên tập san y khoa quốc tế. Những bài đó sau này giúp cho vụ kiện dioxin ở Mỹ, và được tổng hợp in thành sách về chất độc da cam đầu tiên ở Việt Nam, "Chất độc da cam, dioxin, và hệ quả" (Nhà xuất bản Trẻ).

Hơn 10 năm trước ông cùng vài đồng nghiệp trong nước thành lập Hội Loãng Xương TPHCM, và tổ chức hội nghị khoa học thường niên. Năm ngoái, ông được trao bằng thưởng "Vinh Danh Cống Hiến" vì những đóng góp cho chuyên ngành loãng xương ở Việt Nam. Ông là người xuất bản cuốn sách giáo khoa về loãng xương đầu tiên ở Việt Nam. Ông tham gia tổ chức hội nghị loãng xương và hội nghị nôi tiết học quốc tế trong vai trò chủ tọa chương trình khoa học, và đích thân mời các giáo sư hàng đầu từ nước ngoài về giảng ở Việt Nam. Năm ngoái, nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Hội, ông và Giáo sư Trần Ngọc Ân (Hà Nội) được trao bằng thưởng "Vinh Danh Cống Hiến".

Năm 2015, ông được Đại học Tôn Đức Thắng mời thành lập Labo nghiên cứu về xương và cơ. Ông và đồng nghiệp trong nước đã thực hiện công trình nghiên cứu loãng xương lớn nhất ở Việt Nam (và một trong những dự án lớn nhất ở Á châu) có tên là "Vietnam Osteoporosis Study". Ông đang tìm mạnh thường quân để giúp ông giải mã toàn bộ hệ gen cho 200 người Việt từ công trình nghiên cứu này. Một trong những mục tiêu của ông là xây dựng mô hình tiên lượng bệnh tật cho người Việt dựa trên gen và các yếu tố môi trường, và qua đó có những đóng góp mang tính đột phá mang tên Việt Nam cho y học thế giới.

Ngoài hàng chục lớp học chuyên ngành ông giảng dạy cho hàng ngàn bác sĩ trong nước, ông còn dành thì giờ hướng dẫn nghiên cứu sinh ở trong nước. Tính đến nay ông đã hướng dẫn cho 6 nghiên cứu sinh từ Đại học Y Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và Viện Karolinska (Thụy Điển). Một vài nghiên cứu sinh được ông hướng dẫn trong thực tế nhưng trường đại học ở Việt Nam không ghi nhận chính thức. Nhiều nghiên cứu sinh của ông nay đã thành danh và được trao các giải thưởng cấp quốc gia và quốc tế. Ông cho biết ông đã giúp cho đồng nghiệp và nghiên cứu sinh trong nước công bố hơn 35 bài báo khoa học trên các tập san hàng đầu trong thế giới y khoa.

Ông được Hội Y học TPHCM trao bằng thưởng vì có công đóng góp cho y học TPHCM. Ngoài ra, ông còn được Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, Ủy ban Nhân dân TPHCM, và Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang vinh danh vì có những đóng góp cho khoa học và y khoa nước nhà.

Vẫn là người Việt Nam

Dù thời gian ở Australia lâu hơn ở Việt Nam, đã mang quốc tịch Australia nhưng chưa bao giờ ông xem mình là người Australia. Đôi lúc ông còn cảm thấy không gắn bó với đất nước này. "Tôi nghiệm ra bản thân đang ở vị trí chông chênh giữa một bên là quê hương và một bên là nơi an cư lạc nghiệp. Australia đã cho tôi tất cả và tôi cũng đóng góp cho đất nước này hết mình, song vẫn khó gọi đất nước này bằng hai chữ 'quê hương'," ông nói.

Hàng ngày ông vẫn theo dõi tin tức của Việt Nam, với nhiều trăn trở. Ông tin rằng, cũng như ông, nếu hàng triệu người Việt Nam khác nếu có được cơ hội và điều kiện học hành họ cũng sẽ là ngôi sao của thế giới khoa học.  "Tôi rời quê hương không phải là sự chối bỏ, mà bắt đầu cho việc trở về tốt đẹp hơn. Tôi tin một ngày không xa, tôi sẽ quay về quê nhà, để làm tròn bổn phận của một người được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam", ông nói.

Bài của VNExpress.net 2017

Phan Xuân Loan phỏng vấn (báo Tuổi Trẻ 2007)

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn không xa lạ với độc giả Tuổi Trẻ. Nhiều năm sống và làm việc ở nước ngoài, nhưng ông chưa bao giờ là người ngoài cuộc. Ông luôn theo sát và có ý kiến về nhiều vấn đề thời sự cấp bách của VN: từ vấn đề bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam Dioxin VN, đến chuyện bệnh viện công - tư, xã hội hóa giáo dục, văn chương Nguyễn Ngọc Tư, mà mới đây nhất là câu chuyện "xin lỗi mắm tôm". Một ngày cuối năm 2007 ở Sydney, Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện thú vị với ông tại Viện nghiên cứu y khoa Garvan, nơi ông làm việc nhiều năm qua.

Phòng làm việc của ông nằm ở tầng hai trong một tòa nhà 10 tầng của Viện nghiên cứu y khoa Garvan trên một khu phố cổ phía đông thành phố Sydney. Đó là một căn phòng nhỏ chừng 20 m2 chật chội với các tủ sách, kệ sách và những công trình nghiên cứu. Tôi cảm ơn ông tuy bận giảng bài vẫn giành thời gian tiếp đón, ông đáp: " Thật ra tôi chỉ giảng có một giờ mỗi hai tuần thôi, đâu phải như mấy anh bên nhà giảng khan cả cổ". Ngoài giờ giảng (rất ít này), ông cho biết phần lớn thời gian còn lại trong tuần được giành cho công tác nghiên cứu và xin tài trợ cho nhóm nghiên cứu mà ông phụ trách. Nhóm có 7 thành viên cả Úc, Đài Loan, lẫn Việt, gồm các nghiên cứu sinh tiến sĩ và hậu tiến sĩ, các bác sĩ.

Phan Xuân Loan (PXL): Tiêu chuẩn của một Giáo sư ở Úc là phải thực hiện bao nhiêu công trình/năm?

NVT: Mỗi năm tối thiểu phải có một công trình. Nếu hai năm mà không có một công trình nào, họ sẽ mời mình lên yêu cầu giải thích, và nếu giải thích không thỏa đáng, sẽ được "mời" đi tìm việc khác, và họ cho sáu tháng để chuẩn bị.

 

PXL: Áp lực xem ra không nhẹ, nhưng làm sao để luôn có ý tưởng mới?

NVT: Phải luôn đặt mình ở vị trí tiên phong, lúc nào cũng theo đuôi thì không được, phải luôn là người mở đường. Muốn có ý tưởng mới, phải xuất phát từ nhu cầu thực tế lâm sàng và thực tế cuộc sống: chẳng hạn, chúng tôi đặt vấn đề làm sao có thể đánh giá nguy cơ ai đó có thể bị gãy xương trong 5 hay 10 năm tới? Ngoài việc đo mật độ xương, di truyền, có những chỉ số lâm sàng về việc tạo xương và hủy xương, chúng tôi đặt câu hỏi liệu có sự tương tác giữa yếu tối di truyền với yếu tố môi trường không, v.v... Để có được những ý tưởng mới, lâu lâu chúng tôi đi "ẩn dật" một vài ngày. Đó là lúc chúng tôi kéo đi đến một địa điểm hẻo lánh, tắt hết máy fax, điện thoại bàn lẫn di động, cả máy tính để lại nhà, để vắt óc suy nghĩ đề án cho năm tới. Đó cũng là lúc chúng tôi phân tích mạnh yếu của đối thủ lẫn của mình, tìm xem đối thủ mình là ai, họ mạnh tới đâu. Nếu thấy thế yếu đó của mình không có khả năng khắc phục, thì mua quách đối thủ luôn cho rồi (cười)!.

 

PXL: Ông nói giống hệt người  Mỹ...

NVT: Đúng vậy. Đó là bài học tôi học của người Mỹ. Từ kinh nghiệm của chính mình.  

PXL: Ông có thể kể rõ hơn "bài học" này cho độc giả Tuổi Trẻ?

 

NVT: Câu chuyện hơi dài dòng. Đầu năm 1997, tôi sang Mỹ dự hội nghị thường niên về xương tại thành phố Cincinnati thuộc bang Ohio, và qua một cơ duyên, được bổ nhiệm làm chức phó giáo sư thuộc trường y ở một đại học thuộc bang Ohio. Sau này tôi mới biết cái "cơ duyên" đó là cả một kế hoạch có bài bản để lôi kéo tôi về làm việc cho trường, vì lúc đó trường muốn "khắc tên" mình vào lĩnh vực loãng xương, và họ cần một người có khả năng thực hiện những công trình nghiên cứu quan trọng. Thật ra, họ có thể tìm một vài giáo sư khác ở Mỹ để làm việc đó, nhưng có lẽ một phần do trường chưa có tên tuổi trong lĩnh vực này nên họ khó thu hút những chuyên gia trong nước Mỹ, và đành phải tìm người nước ngoài. Lúc đó tôi làm về di truyền trong xương và gien VDR, một địa hạt hẹp nên có rất ít "đối thủ" trên thế giới. Họ lên kế hoạch "mua" tôi cho gọn, và với tôi thì lại có lợi ích vì Mỹ dù sao cũng là xứ sở của cơ hội. Vả lại, lúc đó tôi đã trót hứa nên không dám từ chối, sợ làm phật lòng và sau này mất uy tín, nên vui vẻ khăn gói lên đường sang Mỹ làm. Tôi thấy kiểu "mua" như thế cũng hay vì cả người mua và được mua đều có lợi.

PXL: Nhưng chính tinh thần thực tế - có khi thực dụng này - đã giúp nước Mỹ thành công?

NVT: Đúng thế! Mỹ là nước mở rộng đón nhận người tài khắp nơi trên thế giới, và họ rất thành công tạo những cơ hội cũng như điều kiện để nuôi dưỡng người có tài. Tôi nghĩ sẽ không ngoa nếu nói rằng Mỹ là nước số 1 trên thế giới về thu hút người tài. Hãy so sánh một trường hợp tiêu biểu về sự nghiệp của một anh sinh viên mới tốt nghiệp tiến sĩ ở Úc và đồng nghiệp của anh ta ở Mỹ. Ở Úc, anh nghiên cứu sinh này sẽ phải "lận đận lao đao" trong nhiều năm làm hậu tiến sĩ trước khi trở thành một nhà nghiên cứu độc lập hay có thể lãnh đạo một nhóm nghiên cứu; ngay cả khi trở thành độc lập, anh ta sẽ phải vô cùng gian nan trong việc xin tài trợ, vì phải cạnh tranh với những người cao cấp hơn (như thầy của) anh ta. Trong khi đó ở Mỹ, đồng nghiệp anh ta, chỉ sau một hay ba năm hay thậm chí không qua năm nào làm hậu tiến sĩ, đã trở thành giáo sư và được nâng đỡ và tài trợ để trở thành một nhà khoa học độc lập. Thành ra, không ai phải ngạc nhiên khi thấy nhiều nhà khoa học trẻ có khả năng ở các nước Âu, Á và Úc châu đều tranh nhau đi Mỹ làm việc. Những người này đã góp một phần lớn đưa nước Mỹ vào vị thế siêu đẳng trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật ngày nay. Ngay cả ngày nay, mặc dù đã ở vào vị thế vô đối thủ trong khoa học, Mỹ vẫn có chính sách ưu tiên cho nhập cư người có tài từ các nước trên thế giới.

PXL: Điều gì làm ông chạnh lòng nhất khi là nhà khoa học gốc Việt trên đất Mỹ?

NVT: Tôi nhớ khi mới sang Mỹ công tác các đồng nghiệp thường hỏi tại sao tôi trở thành giáo sư trễ vậy? Ở ngoài tuổi 40! Tôi thường trả lời rằng cuộc đời của mỗi người Việt cùng thế hệ với tôi là một lịch sử, là một con đường gập ghềnh, chứ không phẳng phiu như các đồng nghiệp ở Tây phương. So sánh với đồng nghiệp nước ngoài, tôi mới thấy sự phá hoại của chiến tranh về trí lực và nhân lực rất ư là ghê gớm. Một người ngoại quốc trung bình, sống trong cảnh thanh bình có thể đã thành danh và đang ở đỉnh cao của sự nghiệp vào độ tuổi 30 hay 40. Trong khi đó, ở tuổi hai mươi, vì hoàn cảnh lịch sử, tôi chẳng làm gì được nhiều. Khi xong tiến sĩ, tôi đã trở thành một trung niên hơn 30 tuổi. Ở những năm cuối tuổi 30, tôi mới có dịp cống hiến. Mà, cần phải nói ngay và nói rõ rằng những gì tôi đạt được trong vài năm qua chỉ là những đóng góp rất nhỏ trong khoa học; nó chưa xứng đáng được đề cao và chưa phải là những đóng góp mà tôi thấy tự hào.

PXL: Nhưng tôi được biết ông đã nỗ lực rất nhiều trong 10 năm đầu di dân tới Úc, khẳng định mình như một nhà khoa học có tài ...

NVT: Có tài hay không thì không dám nói, vì điều đó để cho người khác nhận xét, nhưng tôi chỉ có thể nói là đã nỗ lực hết mình, và phần nào, chính hoàn cảnh đã khiến tôi không nên thúc thủ hay an phận. Cái khó khăn lớn nhất của những người từ Việt Nam lúc đó ở Úc là các đại học Úc không công nhận bằng cấp từ Việt Nam, và điều này có nghĩa là ai cũng phải học lại từ đầu. Tôi cũng không phải là ngoại lệ. Khi mới đến Úc, tôi làm trong nhà bếp bệnh viện như rửa chén, rửa rau, phụ bếp, v.v… Tôi sớm nhận ra là nếu tôi yên phận thì tương lai tôi sẽ chẳng tới đâu. Thành ra, tôi ghi danh đi học bán thời gian ban đêm. Mà thời đó học cũng khó khăn lắm, vì tiếng Anh mình kém, nghe thầy giảng cứ như là vịt nghe sấm! Vì không hiểu bài ở trong lớp, nên hàng đêm tôi phải ngồi lại ở thư viện để đọc sách và làm bài. Trong suốt năm năm trời hầu như ngày nào tôi cũng về nhà sau 10 giờ đêm! Nhưng thời gian là người thầy tuyệt vời; chỉ vài tháng sau tôi nhanh chóng lấy lại tự tin và trở thành một sinh viên, và sau này là nghiên cứu sinh rất tích cực, vừa học vừa dạy kèm sinh viên khác. Rồi từng bước làm quen với hệ thống khoa bảng và khoa học bên này, tôi bắt đầu làm việc có thể nói là "cật lực" để đuổi kịp hay hơn đồng môn, bởi vì lúc đó tôi biết rằng nếu mình làm việc với tốc độ trung bình của họ và với độ tuổi của mình thì chắc đến bạc đầu tôi chẳng bao giờ đạt tiêu chuẩn giảng viên chứ nói gì đến giáo sư. Nói tóm lại là mình phải làm việc gấp hai lần đồng nghiệp thì mới khá được. Nhưng ở xứ này người ta cũng không phụ lòng những ai chịu khó làm việc, nên phần thưởng không sớm thì muộn cũng đến tay mình thôi.

 

PXL: Và đến nay, ông được đánh giá là "một trong những nhà khoa học gốc Việt có những thành tựu hiếm hoi trong lĩnh vực loãng xương trên toàn thế giới...

NVT: Điều đó nói lên rằng tôi thụ hưởng nhiều may mắn và cơ hội hơn người khác. Ông bà mình hay nói "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng", và tôi phải nói là tôi may mắn gần đèn trong sự nghiệp của mình. Cái may mắn thứ nhất là tôi theo học từ những giáo sư hàng đầu (hay nói theo cách nói trong nước là những "cây đa cây đề") trong ngành, cho nên thầy có tiếng thơm thì trò cũng … thơm lây. Vì thầy nổi tiếng nên tôi có cơ hội làm việc và cộng tác với các trung tâm và nhóm nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới, những nhóm chỉ có thể nói là "elite". Khi thầy già đi cũng là lúc trò đã "đủ lông đủ cánh" thì cũng rơi vào những môi trường như thế và dần dần tự tạo cho mình uy tín và tên tuổi. Thành ra, có được ngày hôm nay không phải một sớm một chiều mà được, nhưng là thành quả của những cơ duyên gắn bó với thầy, với đồng nghiệp tiên tiến trên thế giới. 

 

PXL: Chúng tôi từng băn khoăn vì sao có nhiều sinh viên học rất giỏi, nhưng VN lại có ít những nhà khoa học lừng lẫy?

NVT: Ngoài một số sinh viên xuất sắc của ta, tôi thấy đứng trên bình diện quần thể mà nói, sinh viên ta nói chung chỉ trung bình hay trên trung bình một chút. Sự thật là nhiều sinh viên Việt Nam cũng rất vất vả, gian truân trong học hành để có đỗ đạt. Ở những năm đầu đại học sinh viên ta học tương đối giỏi, nhưng khi lên đến cấp nghiên cứu sinh (tức lúc đòi hỏi một sự độc lập trong học hành và sáng tạo) thì sinh viên Việt Nam yếu kém rõ rệt. Điều này đúng vì mỗi khi tôi đọc lại sách xưa thấy người xưa cũng nhận xét như thế rồi. Chẳng hạn như cách đây hơn 60 năm, cụ Đào Duy Anh, khi nhận xét về tính cách của người Việt, viết: "Về tính chất tinh thần thì người Việt Nam đại khái thông minh, nhưng xưa nay thấy ít người có trí tuệ lỗi lạc phi thường.  Sức ký ức thì phát đạt lắm, mà giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, giàu trực giác hơn luận lí.  Phần nhiều người có tính ham học, song thích văn chương phù hoa hơn là thực học, thích thành sáo và hình thức hơn là tư tưởng hoạt động.  ... Tính khí cũng hơi nông nổi, không bền chí, hay thất vọng, hay khoe khoang trang hoàng bề ngoài, ưa hư danh và thích chơi cờ bạc". Vì số nghiên cứu sinh ít, và cũng không bao nhiêu người theo đuổi con đường khoa bảng, nên chúng ta không có nhiều nhà khoa học, và càng ít những nhà khoa học. Chúng ta vẫn có nói theo chị là những nhà khoa học "lẫy lừng" đấy, nhưng con số thì ít lắm.

Tôi nghĩ điều này có lẽ xuất phát từ yếu tố văn hóa. Có thể nói từ xưa, nước ta không có một truyền thống khảo cứu khoa học. Hệ thống giáo dục của nước ta ngày xưa được bắt chước theo mô hình giáo dục của Trung Quốc. Hệ thống này đòi hỏi người học sinh phải tuân theo sách vở một cách máy móc, và không khuyến khích sự tự do tìm tòi, thử nghiệm, hay chất vấn.  Khi người Pháp vào Việt Nam,  mục tiêu của hệ thống giáo dục Pháp là đào tạo những thầy thông, thầy phán, hay quan chức để thực thi đường lối chính sách của người cai trị. Ngay cả ngày nay báo chí nêu hiện tượng người ta theo học thạc sĩ hay tiến sĩ chỉ vì để thăng quan tiến chức, chứ không phải để làm khoa học. Hậu quả là định hướng học tập đó làm cho người học sinh tiêm nhiễm cái tâm lý hám danh và sính bằng cấp, học ra để làm quan, làm ông nghè hay nhằm giật được một mảnh bằng để làm rạng danh gia đình hay khoe cùng người hàng xóm, chứ không nhằm đóng góp kiến thức hay mang lại phúc lợi cho xã hội và nhân loại. Cái lối giáo dục này vẫn còn kéo dài tới những năm trong thập niên 60s và 70s mà tôi và nhiều người cùng thế hệ là những "nạn nhân" của nó.  Chúng tôi không được khuyến khích đi tìm hiểu những sự việc, hiện tượng chung quanh chúng tôi xảy ra như thế nào và tại sao?  Kết quả cuối cùng là nhiều thế hệ học sinh không có cơ hội nghiên cứu khoa học. Rồi khi ra ngoài này, tôi cảm thấy bị thiệt thòi ngay. Phải cần một thời gian mới lấy lại quân bình để hội nhập được.

PXL: Vậy thì ông dự báo thế nào về sự phát triển của khoa học VN?

NVT: Tôi e rằng dự báo của tôi không mấy sáng sủa. Tình trạng khoa học của một nước thường được đánh giá qua các ấn phẩm khoa học được công bố trên các tập san quốc tế. Mới đây tôi và một đồng nghiệp có làm một phân tích về các ấn phẩm khoa học từ các nước trong vùng Đông Nam Á thì thấy rằng trong thời gian từ 1996 đến 2005 (10 năm), các nhà khoa học Việt Nam công bố được khoảng 3500 bài báo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế. Con số này thoạt đầu thì khá đấy, nhưng sự thật là thấp nhất trong vùng, thấp hơn cả Indonesia và Phi Luật Tân. Con số công trình khoa học của Việt Nam chỉ bằng 1/5 số bài báo từ Thái Lan, 1/3 so với Mã Lai, 1/14 so với Singapore (n = 45.633) ! Tôi cũng ước tính rằng nếu tốc độ tăng trưởng chậm như hiện nay thì phải cần đến 60 năm sau chúng ta mới bắt kịp số lượng bài báo của Thái Lan vào năm 2005 !

Đó là mới nói về số lượng. Còn chất lượng cũng kém lắm. Nhưng điều đáng quan tâm nhất với tôi là chỉ có 20% các công trình nghiên cứu khoa học từ Việt Nam là do nội lực, phần 80% còn lại là do hợp tác hay giúp đỡ từ nước ngoài. Trong khoa học, chúng ta chưa đứng vững bằng đôi chân mình. Hợp tác khoa học là xu hướng tất yếu trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, nhưng điều tôi quan tâm là các hợp tác khoa học từ Việt Nam là theo kiểu "khoa học nhảy dù", tức nhà khoa học ngoại quốc vào Việt Nam hợp tác nhưng họ dành công trạng về họ !

Nếu chúng ta không sớm chấn chỉnh hệ thống hoạt động khoa học, kể cả hệ thống cung cấp tài trợ và xây dựng các chuẩn mực khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế, tôi sợ chúng ta sẽ tụt hậu và trượt dài trên trường quốc tế.

PXL : Tôi thật ngạc nhiên khi thấy công việc ông nhiều như thế, mà ông vẫn theo dõi sát sao tình hình quê nhà và luôn đóng góp nhiều vấn đề hữu ích cho quê hương.

NVT: Tôi quan tâm đến nhiều vấn đề ở trong nước, từ chuyện xã hội, khoa học, giáo dục đến văn học, và vì thế lúc nào cũng đau đáu suy nghĩ và quê nhà, lúc nào cũng thấy không yên. Ban ngày tôi là người của Viện Garvan, của Đại học New South Wales, của bệnh viện St Vincent’s, nhưng ban đêm tôi giành thì giờ cho Việt Nam. Tôi làm đủ thứ việc, như thực hiện các nghiên cứu liên quan tới chất dioxin, tham gia nghiên cứu loãng xương, cố vấn cho đồng nghiệp và nghiên cứu sinh viên bên nhà, viết báo, viết sách, v.v… Hễ thấy "có chuyện" là lên tiếng.

Mà, tôi nghĩ chẳng riêng gì tôi, nhiều người cùng cảnh ngộ khác cũng vậy thôi: ra khỏi quê hương nhưng vẫn gắn bó với quê nhà, chứ không có nghĩa là chối bỏ quê hương. Thật ra, ngoại trừ những người không muốn nhận gốc gác của mình, còn bất cứ người Việt nào cũng nghĩ về cội nguồn, muốn làm một cái gì đó cho quê nhà, bởi vì nói cho cùng con người chẳng qua chỉ là một chủ thể luôn phải gắn mình với một nơi chốn nào đó, luôn phải chứng kiến sự có mặt của mình bằng một gắn bó với một địa điểm cụ thể. Với tôi thì mặc dù thân thì ở đây, nhưng tâm thì ở Việt Nam. Tôi có lần viết đại khái rằng một lần lênh đênh nguồn cội mới nghiệm ra rằng mình là ai, nơi chốn của mình là chỗ nào ; thành ra, tôi là người mãi mãi phát hiện, phát hiện một sự thực hiển nhiên rằng: đi không phải là chối bỏ mà bắt đầu cho việc trở về tốt hơn.  Tôi vẫn nghĩ rằng sẽ có một ngày không xa, tôi sẽ quay về quê nhà để làm tròn bổn phận của một người được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam.

 

PXL: Xin cảm ơn ông và chúc ông mọi điều tốt đẹp.

Phan Xuân Loan thực hiện

bottom of page