top of page

Chuyên ngành loãng xương có gì mới? 

​Đây là bài viết tóm lược cho các bạn quan tâm đến loãng xương 

Loãng xương và gãy xương ở người cao tuổi

 

Trong bài nhạc được phổ thành vọng cổ có tựa đề là Mây chiều, nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy viết “Ngoại đứng dáng lưng còng, một con đò qua mấy sông”.  Nghe ca khúc này làm tôi nhớ lúc còn nhỏ, mỗi lần chèo xuồng qua thăm ngoại là tôi thích sờ vào cái lưng còng của ngoại, mà tôi thấy hình như đường cong càng ngày càng oằn thêm theo năm tháng.  Nhưng ngoại tôi vẫn đi đứng bình thường, và không thấy có dấu hiệu có gì khó khăn cả.  Tôi cũng tự hỏi tại sao những người bạn chơi bài tứ sắc với ngoại, có người còn cao tuổi hơn mà vẫn không bị còng lưng như ngoại.  Câu hỏi đó đeo đuổi tôi cho đến ngày nay, và cũng là động cơ để tôi tìm hiểu thêm về bệnh loãng xương.

 

Loãng xương là một bệnh thường hay thấy ở nữ hơn là ở nam, và khá phổ biến ở người cao tuổi.  Theo nghiên cứu của chúng tôi ở Việt Nam thì cứ 5 phụ nữ trên 50 tuổi, có 1 người được xem là loãng xương.  Tỉ lệ này ở đàn ông trên 50 tuổi là 10%.  “Được xem là loãng xương” ở đây có nghĩa là mật độ chất khoáng trong xương giảm thấp đến mức độ nguy hiểm cho gãy xương. 

 

 

 

Tại sao loãng xương? 

 

Trái với những suy nghĩ phổ biến cho rằng xương là một mô bất biến, trong thực tế, xương là một mô cực kì năng động.  Mật độ chất khoáng trong xương (thường gọt tắt là “mật độ xương”) chịu sự chi phối của hai loại tế bào chính: tế bào tạo xương và tế bào hủy xương.  Hai tế bào này làm việc liên tục trong suốt quãng đời chúng ta, qua sự điều phối của một hệ thống hormones và gien rất phức tạp.  Khi tế bào hủy xương đục một mảng nhỏ trong xương, thì tế bào tạo xương lập tức thay thế mảng xương bị đục đó bằng một mảng xương mới.  Do đó, có thể nói rằng xương chúng ta chết và sống từng phút!

 

Trong độ tuổi còn trẻ, các tế bào tạo xương hoạt động trội hơn các tế bào hủy xương, và kết quả là mật độ xương tăng dần đạt mức độ cao nhất trong độ tuổi  20-30.  Nhưng sau thời kì mãn kinh (ở nữ) hay sau tuổi 50 (ở nam) thì các tế bào hủy xương hoạt động mạnh hơn các tế bào tạo xương, nên mật độ xương giảm dần, và dẫn đến tình trạng loãng xương.  Tính trung bình, mật độ xương của một phụ nữ vào độ tuổi 60 chỉ bằng 40% so với mật độ đỉnh vào tuổi “xuân thì”.

 

Cũng như cao huyết áp là một yếu tố nguy cơ của đột quị, loãng xương là một yếu tố nguy cơ của gãy xương.  Nói cách khác, gãy xương là một hệ quả của loãng xương.  Tuy bất cứ xương nào cũng có thể bị gãy do mật độ xương giảm thấp, nhưng những xương thường hay bị gãy là cổ xương đùi, xương cột sống, xương cổ tay, xương sườn, và xương chậu.  Không cần phải nói ra, có lẽ ai cũng biết rằng gãy xương làm cho bệnh nhân rất đau đớn, hạn chế công việc hàng ngày, và giảm chất lượng cuộc sống.

 

"Căn bệnh âm thầm" 

Một khía cạnh đáng sợ của loãng xương là bệnh thường xảy ra một cách âm thầm, bệnh nhân không hề hay biết hay đau đớn cho đến khi xương đột ngột bị gãy.  Nhiều khi một cái hắt hơi cũng làm xương gãy.  Gãy xương đốt sống là một đặc điểm của “bệnh âm thầm” đó.  Gãy xương đốt sống cũng thường xảy ra ở người cao tuổi, và thường là tín hiệu cho thấy xương chúng ta “có vấn đề”.  Theo một nghiên cứu mới đây của Bs Thục Lan (Đại học Y Phạm Ngọc Thạch) tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉ lệ gãy xương đốt sống ở phụ nữ trên 50 tuổi là 17%, tức tương đương với tần số ở phụ nữ phương Tây.  Trường hợp của ngoại tôi, với lưng còng (kyphosis) và giảm chiều cao là một trong những triệu chứng dễ nhận nhất của bệnh loãng xương.

 

Nhưng có lẽ hệ quả quan trọng nhất của loãng xương là gãy cổ xương đùi, bởi vì đây là một biến cố nghiêm trọng trong đời người, do tăng nguy cơ tử vong và suy giảm chất lượng cuộc sống ở những bệnh nhân còn sống sót sau gãy xương.  Ở các nước phương Tây, cứ 100 người phụ nữ sống đến tuổi 80 thì có 10 người bị gãy cổ xương đùi (tương đương với tần số bệnh ung thư vú); trong số này, khoảng 15 đến 20% tử vong sau 1 năm.  Số còn sống sót thì khó đi lại, thậm chí nằm một chỗ, với nhiều biến chứng nguy hiểm.  Ở nam, tỉ lệ tử vong vì gãy cổ xương đùi còn cao hơn nữ.

 

Bởi vì phần lớn các bệnh nhân gãy cổ xương đùi thường trên 70 tuổi, và do tuổi thọ của dân số càng ngày càng tăng, nên gãy cổ xương đùi được xem là một vấn nạn y tế ở qui mô toàn cầu.  Ở Việt Nam, chúng tôi ước tính rằng mỗi năm có khoảng 25 ngàn ca (18 ngàn nữ và 7 ngàn nam) gãy cổ xương đùi, và đây là một vấn đề y tế công cộng lớn, vì làm hao tổn ngân sách gia đình của người dân.

Yếu tố nguy cơ 

 

Ngoài tình trạng loãng xương là một yếu tố chính dẫn đến gãy xương đùi, các yếu tố mang tính môi trường khác cũng nguy hiểm không kém.  Khoảng 95% ca gãy cổ xương đùi là do té ngã hay trượt chân.  Môi trường dễ dẫn đến té ngã là sàn nhà trơn (như lót gạch men, nhất là trong phòng tắm), giây nhợ chằng chịt trong nhà, hay môi trường thiếu ánh sáng. 

 

Khoảng một phần ba phụ nữ trên 60 tuổi té ngã hàng năm.  Ở nam, tỉ lệ này là khoảng 20%.  Những người thiếu vitamin D có nguy cơ té ngã cao hơn những người mà vitamin D đầy đủ.  Nguồn vitamin D chủ yếu là từ ánh nắng mặt trời.  Các nghiên cứu từ Thái Lan và các nước trong vùng Đông Nam Á cho thấy khoảng 40% người dân thiếu vitamin D.  Ở Việt Nam, tuy chưa có nghiên cứu về vitamin D ở Việt Nam, nhưng với thói quen trùm kín mặt khi ra đường để tránh nắng, chúng ta có thể tiên đoán rằng số người cao tuổi thiếu vitamin D có thể lên đến 50%.

 

Nhìn từ quan điểm quần thể, loãng xương và gãy xương có khi được xem là một hệ quả của quá trình hiện đại hóa xã hội.  Tỉ lệ gãy xương (nhất là cổ xương đùi) ở các nước kĩ nghệ phát triển (như Mĩ, Tây Âu) cao gấp 20 lần so với ở các nước đang phát triển ở châu Á như Việt Nam hay Thái Lan.  Có một mối tương quan giữa nguy cơ gãy cổ xương đùi và chỉ số đô thị hóa.  Đô thị hóa hay hiện đại hóa thường đi kèm theo giảm vận động thể lực, và tăng lượng tiêu thụ chất béo và thịt đỏ.  Thật vậy, nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy những nước tiêu thụ nhiều chất béo và đạm động vật hay người dân ít vận động là những nước có tỉ lệ gãy xương cao so với những nước nghèo hơn mà nguồn thực phẩm chủ yếu là rau quả, cá và người dân vận động nhiều hơn.

 

Suy luận từ những sự thật trên cho thấy việc phòng ngừa loãng xương và gãy xương nằm trong tầm tay của mỗi chúng ta: đó là duy trì một chế độ ăn uống quân bình (ít chất béo, giảm đạm động vật, tăng rau quả), một lối sống lành mạnh (bỏ hút thuốc và giảm rượu), duy trì vận động cơ thể bằng tập thể dục vừa phải, và phơi nắng mặt trời khoảng 10-15 phút mỗi ngày.  Những biện pháp đơn giản này có thể giúp duy trì mật độ xương, giảm té ngã và qua đó phòng ngừa gãy xương cho từng cá nhân, và góp phần giảm gánh nặng y tế cho cộng đồng.

 

Hình ảnh lưng còng của người cao tuổi như ngoại tôi đã và vẫn là một đề tài cho giới văn nghệ sĩ thi vị hóa nỗi cực khổ và sự hi sinh của các bà mẹ Việt Nam.  Nhưng có lẽ đã đến lúc thay vì thi vị hóa hình ảnh đó, chúng ta nên nhìn đó là một vấn nạn y tế cộng đồng cần phải khắc phục để hình ảnh của các bà mẹ Việt Nam đẹp và sang hơn trong thế hệ tương lai.

 

 

Box 1. Những ca gãy cổ xương đùi nổi tiếng

Mẹ nữ hoàng Anh Elizabeth, cựu tổng thống Mĩ Ronald Reagan, và đức giáo hoàng John Paul đệ nhị có cùng một bệnh trạng: loãng xương.  Cả ba người cũng kinh qua một biến cố quan trọng trong đời: gãy cổ xương đùi.  Mẹ nữ hoàng Elizabeth bị gãy cổ xương đùi năm 1998 (lúc 98 tuổi). Bà qua đời 2002, thọ 102 tuổi. Năm 1992, Giáo hoàng John Paul đệ nhị cũng bị gãy cổ xương đùi do một sự trượt chân nhẹ.  Tuy nhiên, ông được điều trị tốt, và may mắn sống đến năm 2005.  Ronald Reagan là tổng thống thứ 40 của Mĩ. Ông cũng bị gãy cổ xương đùi vì té ngã vào năm 2001 (lúc đó ông đã 90 tuổi).  Sau 3 năm bị gãy xương, ông qua đời năm 2004, thọ 93 tuổi.

 

Box 2. Xét nghiệm và điều trị

 

Xét nghiệm mật độ xương là một phương pháp chuẩn để chẩn đoán loãng xương.  Hiện nay, ở Thành phố Hồ Chí Minh, một số bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, 115, Từ Dũ, v.v… có các máy DXA (dual energy X ray absorptiometry) phục vụ cho việc xét nghiệm mật độ xương một cách chính xác.  Xét nghiệm mật độ xương hoàn toàn không xâm phạm hay đau đớn gì cả, bệnh nhân nằm trên giường một cách thoải mái để máy scan qua cơ thể và ước tính mật độ xương ở cổ xương đùi, xương đốt sống và xương toàn thân.  Ngoài ra, máy DXA còn có thể đo lường lượng mỡ và nạc trong cơ thể để tham khảo trong việc chẩn đoán béo phì.

 

Với những phát triển nhanh chóng của y học trong vòng 20 năm qua, ngày nay chúng ta có khá nhiều thuốc để điều trị loãng xương.  Các loại thuốc này đã được phát triển chủ yếu nhằm ức chế các tế bào hủy xương hay kích thích các tế bào tạo xương.  Một số thuốc thông dụng trên thị trường hiện nay là alendronate, risedronate, ibandronate, zoledronate, raloxifene, calcitonin, strontium ranelate, teriparatide, v.v…  Tất cả các thuốc này đã được thử nghiệm và kết quả cho thấy giảm nguy cơ gãy xương đốt sống.  Một số thuốc còn có hiệu quả giảm nguy cơ gãy cổ xương đùi.  Tuy nhiên, giá cả các thuốc này có khi rất khác nhau, và việc lựa chọn thuốc tối ưu còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố lâm sàng, khoa học, và nhất là chi phí điều trị.

bottom of page