top of page

Kỉ niệm 100 năm nghệ thuật cải lương ở Sydney

Hôm qua (10/11/2018), một nhóm nghệ sĩ gốc Việt tổ chức buổi sinh hoạt kỉ niệm 100 năm nghệ thuật Cải Lương tại Bryan Brown Theatre, thành phố Bankstown. Đó là một buổi sinh hoạt văn nghệ rất có ý nghĩa về sự duy trì văn hóa Việt Nam ở hải ngoại, và công lớn thuộc về những nhạc sĩ, nhạc công và nhất là các nghệ sĩ Cải Lương thuộc thế hệ lớn lên ở Úc.

Một sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa

Cộng đồng người Việt ở Sydney tương đối nhỏ, nhưng những sinh hoạt mang tính văn hóa thì ý nghĩa không hề nhỏ. Tiêu biểu cho sinh hoạt giàu ý nghĩa đó là buổi lễ kỉ niệm 100 năm nghệ thuật cải lương ngày hôm qua. Đó là một dịp để không chỉ ôn lại hành trình hình thành và phát triển nghệ thuật Cải Lương, mà còn là một buổi lễ vinh danh bộ môn nghệ thuật truyền thống. Đó cũng là một buổi "seminar" để quảng bá lịch sử và nghệ thuật Cải Lương đến người nước ngoài. Hơn 80 năm trước, đoàn cải lương Phước Cương đã đem nghệ thuật Cải Lương đến khán giả Paris, thì hôm nay một nhóm nghệ sĩ trẻ gốc Việt chẳng những làm công việc quảng bá đó mà còn làm sống lại và giới thiệu sân khấu cải lương đến người Úc.

MC của chương trình kỉ niệm 100 năm nghệ thuật Cải Lương. Anh này người Huế, nhưng thích Cải Lương và nói năng hết sức duyên dáng (tiếng Anh và tiếng Việt)

Tiến sĩ Mai Viết Thủy nói lời chia sẻ về Cải Lương. Ngày xưa, thân phụ của anh rất thích Cải Lương và từng lập một đoàn hát. Không ngờ anh ấy là dân Kiên Giang, quê ở Gỏ Quao.

Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên tuyên bố khai mạc bổi sinh hoạt kỉ niệm 100 năm nghệ thuật Cải Lương.

Bà Clare Raffan nói lời chào mừng khán giả đến với Thành phố Bankstown.

Sự ủng hộ của đồng hương Việt tại Sydney và của người Úc thật đáng ghi nhận ở đây. Trước khi buổi sinh hoạt diễn ra, anh bạn tôi trong ban tổ chức tỏ vẻ lo lắng về số khách đến tham dự, do nghệ thuật cải lương không phải là tân nhạc vốn có sức hấp dẫn cao đối với đa số khán giả gốc Việt. Thế nhưng, tất cả những lo lắng về số lượng trở thành mối lo lắng về số ghế ngồi! Khán phòng của Bryan Brown Theatre chừng 200 ghế ngồi đầy kín khách đến dự buổi sinh hoạt. Một số khách đến sau đành phải đứng, vì không có chỗ để thêm ghế. Tôi biết có khán giả đi từ Adelaide (cách Sydney 1000 km) đến đây chỉ để dự buổi sinh hoạt về cải lương! Số khán giả đến tham dự nhiều hơn dự đoán của ban tổ chức, và đó là một tín hiệu tuyệt vời. Tín hiệu là người Việt, dù ở ngoài quê hương, vẫn trân trọng văn hoá truyền thống Việt Nam.

Nhưng điều đáng nói hơn nữa là trong số khách đến dự, có khá nhiều người Úc. Trong số người Úc đó, có cả cả bà Phó thị trưởng Bankstown tên là Clare Raffan, rất dễ mến và hoạt bát. Tôi ngồi bên cạnh một cô người Úc đang là sinh nghiên nghiên cứu nhạc thuộc Đại học Quốc gia Úc ở Canberra. Nghe nói cô ấy biết cả tiếng Việt, nên theo dõi buổi diễn sân khấu rất chăm chú. Nhìn quanh khán phòng tôi ngạc nhiên chừng 1/3 khán giả là người trẻ, có lẽ trưởng thành sau 1975 hay ở Úc. Sự ủng hộ nồng nhiệt chắc chắn làm cho ban tổ chức có lí do để mừng, nhưng đó còn là một phát biểu "về nguồn" của giới trẻ ở nước ngoài.

Ban tổ chức có tham vọng cao, nên họ thiết kế một chương trình sinh hoạt khá dài và phong phú. Chương trình khởi đầu đúng 1 PM, và kết thúc sau 5 PM. Có lẽ do sự hấp dẫn của chương trình, nên đại đa số khán giả thì dự từ đầu đến cuối.

Chương trình được bắt đầu bằng phát biểu khai mạc của Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên. Tôi rất tâm đắc khi anh Tuyên nói lời ghi nhận những người Úc gọi là "Custodian" hay chủ nhân của mảnh đất chúng ta đang sinh sống. Đây không phải là một mĩ từ, mà là một sự ghi nhận nghiêm chỉnh và thành khẩn của chúng ta -- những người Việt tị nạn -- về chủ quyền của người thổ dân. Anh Tuyên nói rằng Úc là một "Nước May Mắn", và người Việt là một cộng đồng may mắn nhất ở đây. Sự kiện văn hóa này cũng là một phát biểu cảm ơn đến nước Úc đã dung nạp và cho người Việt một cơ hội để đóng góp vào một xã hội Úc đa văn hóa.

Kế đến là phát biểu của bà Phó thị trưởng thành phố Bankstown. Bà cho biết Bankstown là một thành phố chỉ 160 ngàn dân nhưng rất đa dạng, với hơn 120 sắc tộc đang định cư ở đây. Cộng đồng người Việt tuy không phải là lớn nhất, nhưng là cộng đồng năng động nhất và có nhiều đóng góp nhất trong việc làm giàu văn hóa địa phương. Buổi sinh hoạt kỉ niệm 100 nghệ thuật Cải Lương là một trong những đóng góp của cộng đồng Việt Nam trong việc phong phú hóa nền văn hóa địa phương.

Lịch sử và khoa học Cải Lương

Buổi sinh hoạt có một số bài thuyết trình có phẩm chất khoa học cao. Một trong những bài thuyết trình đó là bài của anh bạn tôi, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp, về lịch sử hình thành của nghệ thuật Cải Lương Nam Bộ trong giai đoạn 1930 - 1945. Anh Hiệp là người làm nghiên cứu khoa học, nhưng anh còn có một 'nghề tay trái' là một nhà khảo cứu về văn hóa. Anh đã từng xuất bản nhiều sách về lịch sử Sài Gòn, lịch sử kinh tế Nam Bộ, và có nhiều phát hiện rất thú vị về Cải Lương. Xuất thân từ khoa học, nên những bài khảo cứu về văn hóa của anh cũng giàu khoa học tính. Bài diễn thuyết của anh Hiệp đã đưa khán giả về những năm đầu thế kỉ 20 ở Sài Gòn, Mỹ Tho, hay nói chung là miền Tây qua những hình ảnh được sưu khảo rất cẩn thận và công phu. Những cái tên các nghệ sĩ và ông bầu lừng danh trong nghệ thuật Cải Lương được nhắc đến trong thời đó như Năm Phỉ, Thầy Năm Tú, Ba Đợi, Tư Triều, v.v. như là một ghi nhận những đóng góp của họ cho sự ra đời của nghệ thuật Cải Lương.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp trình bày về quá trình hình thành Cải Lương.

Một bài thuyết trình khác cũng mang tính học thuật là của Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên. Nếu Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp nói về lịch sử Cải Lương, bài của Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên cung cấp cho khán giả những cách nhìn và những cái nhìn tinh tế về nghệ thuật Cải Lương mà có lẽ đa số chúng ta không để ý đến. Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên trình bày những khám phá hết sức thú vị về đoàn Cải Lương Việt Nam sang biểu diễn lần đầu ở Pháp vào thập niên 1930s. Đó là đoàn hát Phước Cương đã được mời trình diễn trong một Hội chợ Quốc tế ở Paris vào năm 1931. Trong Hội chợ, có nhiều đoàn nghệ thuật từ các nơi trên thế giới, và đoàn Việt Nam diễn tuồng cải lương Xử Án Bàng Quý Phi (hay Sủng Phi), với diễn viên chính là cô đào Năm Phỉ. Khán giả có dịp nghe lại những giọng nói và tiếng hát đã được thu thanh vào thời đó. Báo chí Pháp nhiệt liệt khen ngợi tài nghệ của đoàn cải lương bằng những chữ mà tôi có khi nghĩ họ "nói quá". Nhưng nghĩ lại thì không "nói quá" chút nào, vì quả thật những vị tiền bối đã rất có tài để "đem chuông đi đấm xứ người", và họ đã làm cho chúng ta có quyền tự hào về tài sắc của nghệ thuật Cải Lương.

Nghệ sĩ Kim Phượng khai mạc với một bài vọng cổ ngọt ngào không chịu được :-)

Bài học từ Tuyệt Tình Ca

Sự tự hào đó cũng được duy trì qua tài nghệ của các diễn viên Cải Lương tại Sydney. Đó là những diễn viên còn rất trẻ và được đào tạo ở Úc như Kim Phượng, Ái Thanh, Thạch Vũ, Lê Trí và Minh Quang. Dưới sự đạo diễn của nghệ sĩ Ngọc Hà (người từng có thời làm việc chung với Văn Vĩ ở trong nước), các nghệ sĩ đã diễn lại một trích đoạn trong tuồng Tuyệt Tình Ca. Xin nhắc lại tuồng Tuyệt Tình Ca hay Ông Cò Quận Chín. Vở tuồng Ông Cò Quận Chín xoay quanh câu chuyện xảy ra thời trước chiến tranh ở hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang ngày nay. Ông giáo Hương là người Mỹ Tho được điều về dạy học ở Vĩnh Long, nơi đây ông quen với cô giáo Lê Thị Lan, và hai người ở với nhau có 2 con. Đứa con gái lớn tên là Lê Thị Trường An và đứa con trai tên là Lê Long Hồ, lấy tên hai địa danh nổi tiếng ở Vĩnh Long. Rồi chiến tranh xảy ra, loạn lạc khắp nơi, ông giáo Hương về Sài Gòn làm cảnh sát trưởng Quận 9 (gọi là "Ông Cò Hương") và xây dựng một gia đình mới. Một hôm, nhân viên cảnh sát của ông cò Hương bắt một cô gái tên Thoa, nghi ngờ hành nghề bán hương phấn. Ông Cò Hương phỏng vấn cô gái, và định mệnh trớ trêu, người con gái đó lại chính là Lê Thị Trường An, đứa con gái ông thương như ngọc như ngà. Hai cha con trùng phùng trong nước mắt. Sau đó, ông Cò Hương cùng con gái về thăm vợ cũ lúc này đang sống trong cảnh nghèo túng trong một căn nhà lá ọp ẹp ở Vĩnh Long, và mắc bệnh lao.

Các nghệ sĩ diễn lại đoạn ông Cò Hương phỏng vấn cô gái tên Thoa đến đoạn ông về thăm người vợ cũ là cô giáo Lan. Nghệ sĩ Minh Quang (em ruột của nghệ sĩ Minh Vương) đóng vai ông cò Hương, Ái Thanh vào vai cô Thoa (Trường An), Thạch Vũ nhập vai Long Hồ, và Ngọc Hà trong vai cô giáo Lan. Tất cả các nghệ sĩ đã nhập vai một cách tuyệt vời. Ái Thanh vào vai cô Thoa chẳng khác gì Bạch Tuyết trước đây. Ái Than đã làm nổi bậc rằng Thoa ngày nay không còn là một cô gái đậm chất quê nữa, mà đã trở thành một cô gái tân thời và có cái nhìn xã hội đầy thách thức. Với vóc dáng dễ nhìn, trong bộ trang phục thời trang, và cái nhìn khinh khỉnh vào ông Cò Hương, Ái Thanh cho thấy Thoa là một cô gái hận đời, khinh bạc đám đàn ông lợi dụng cái giàu của họ để mua vui trên thân xác của những cô gái nghèo. Đó là một cô gái bướng bỉnh bề ngoài, nhưng rất yếu đuối nội tâm. Đến khi Long Hồ (Thạch Vũ) xuất hiện thì lại là một thanh niên ham học, cũng tân thời nhưng đầy tình nghĩa với người chị (Thoa), và không chấp nhận bất cứ một sự thoái hóa đạo đức nào. Đó là mẫu mực của một người thanh niên tân học thời đó. Hai nghệ sĩ lớn tuổi hơn là Lê Trí và Ngọc Hà cũng đã nhập vai không thể nào chê được. Ông Cò Hương đeo kiếng xệ xuống sóng mũi, mặc áo trắng, và cách nói y chang như nghệ sĩ Út Trà Ôn trước đây. Ngọc Hà trong vai cô giáo Lan cũng là một vai diễn xuất sắc. Từ cái áo bà ba, màu áo, đến vóc dáng gầy gò và cách ho đúng với bệnh lao, Ngọc Hà quả thật làm sống lại nhân vật cô giáo Lan trong vở tuồng cải lương bất hủ này. Những trích đoạn và cách diễn cảnh ông Cò Hương gặp lại cô giáo Lan có thể nói là làm cho khán giả ... xé lòng. Tôi nhìn chung quanh thấy rất nhiều người, nam cũng như nữ, dùng giấy tissue rất nhiều. Họ đang khóc. Chính tôi cũng có lúc dùng đến giấy tissue lau nước mắt. Những giọt nước mắt của khán giả là một minh chứng thực nhất và tốt nhất cho tài diễn xuất của các nghệ sĩ. Các diễn viên Sydney diễn quá tuyệt vời. Tôi không dùng chữ tuyệt vời một cách tùy tiện, nhưng trong trường hợp này tôi phải dùng chữ đó để nói về tài nghệ diễn xuất của họ.

Nhân vật ông cò Hương trong vở tuồng Tuyệt Tình Ca vẫn còn tính thời sự ngày nay. Ngay cả cách gọi “ông cò” đã nói lên tính thân mật của người làm dịch vụ cảnh sát. (Thử tưởng tượng vở tuồng đó có cái tựa đề như Ông Công An Quận Chín thì chắc dân chúng sẽ phỉ nhổ thế nào.) Ông cò Hương là một người của công quyền, ông bị dằn co giữa một bên là tình cảm gia đình (con gái ông) và một bên là luật pháp (cấm hành nghệ mại dâm) mà ông có vai trò bảo vệ. Cuối cùng thì cái tình cảm gia đình phải nhường cho sự ưu tiên của pháp luật. Tôi nghĩ ý nghĩa của vở tuồng Tuyệt Tình Ca vẫn còn là một bài học cho Việt Nam ngày nay.

Tại sao 100 năm?

Tại sao 100 năm nghệ thuật cải lương? Có lẽ một số bạn đọc đặt câu hỏi này, bởi vì trong thực tế thì nghệ thuật cải lương đã được hình thành từ những năm đầu thế kỉ 20, trước 1918. Thật vậy, điểm qua lịch sử hình thành bộ môn nghệ thuật Cải Lương, chúng ta dễ dàng thấy trước 1918 đã có một số hoạt động mang dấu ấn Cải Lương, nhưng dưới danh nghĩa 'đờn ca tài tử'. Thật ra, ngay từ năm 1906 đã có phong trào đờn ca tài tử ở Mỹ Tho (lúc đó, Mỹ Tho là thành phố lớn thứ 3, sau Sài Gòn và Hà Nội).

Nhưng cần phải có một thời gian hơn 10 năm thì phong trào đờn ca tài tử mới trở thành có tổ chức hơn dưới danh nghĩa gánh hát. Năm 1917 có một gánh hát, tuy chưa gọi chính thức là 'Cải Lương', nhưng diễn tuồng Cải Lương Lục Vân Tiên. Ngày 15/3/1918, ông bầu Năm Tú cho khai trương gánh hát gọi là "Gánh hát Thầy Năm Tú Mỹ Tho" và diễn tuồng đầu tiên là Kim Vân Kiều suốt 3 đêm liền. Do đó, các nhà nghiên cứu văn hóa lấy cái mốc 1918 là năm Cải Lương ra đời. Thật ra, cái mốc 100 năm chỉ là một biểu tượng [hơn là một con số mang tính khoa học cân đo đong đếm] về một lịch sử phong phú của Cải Lương.

Cải Lương và cải lương

Cải lương nhìn chung là một nghệ thuật độc đáo, hiểu theo nghĩa không phải là hát bội, mà cũng không là kịch nói. Nó kết hợp giữa hát theo giai điệu ngũ cung và kịch nói. Có lẽ chính sự kết hợp này mà cải lương giúp cho người thường dân một phương tiện để bày tỏ quan điểm và các chuẩn mực đạo đức xã hội. Mượn cải lương để nói những điều cao xa mà lại rất gần.

Cải Lương, theo cách giải thích của Giáo sư Trần Văn Khuê, là "Cải lương là sửa đổi cho trở nên tốt hơn". Đó là cách giải thích hợp lí, vì đoàn hát Tân Thinh khi ra mắt khán giả năm 1920, họ ghi rõ đoàn hát cải lương, và kèm theo đôi liễn nói lên những đặc điểm chính của nghệ thuật Cải Lương:

Cải cách hát ca theo tiến bộ

Lương truyền tuồng tích sánh văn minh

Như vậy, Cải Lương là một danh từ riêng. Do đó, tôi rất tâm đắc khi Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên và các bạn trong Ban tổ chức không dịch sang tiếng Anh hai chữ đó, mà giữ nguyên "Cải Lương" cho khán giả nước ngoài.

Và nhìn về tương lai

Buổi sinh hoạt kỉ niệm 100 năm nghệ thuật Cải Lương cùng những diễn xuất của các nghệ sĩ làm tôi suy nghĩ về tương lai của nghệ thuật truyền thống này. Mấy năm gần đây, công chúng tỏ ra quan tâm về sự suy sút của nghệ thuật cải lương ở trong nước, và tôi nghĩ quan tâm này cũng có cơ sở. Trong giới thanh niên, số người yêu thích Cải Lương chẳng những không nhiều, mà còn có xu hướng suy giảm theo thời gian. Nhiều nhà nghiên cứu đã tìm cách nhận ra những nguyên nhân của tình trạng này. Riêng tôi nghĩ rằng Cải Lương cần phải làm mới một lần nữa thì mới có khả năng hấp dẫn khán giả tốt hơn trong tương lai.

Tôi đã xem qua khá nhiều tuồng cải lương gần đây do các nghệ sĩ trẻ trình diễn, và thấy 2 xu hướng chung: thiếu sự độc sáng ở người nghệ sĩ và thiếu những vở tuồng mới. Tuy các nghệ sĩ trẻ ngày nay có chất giọng tốt, nhưng hình như họ chưa tạo cho mình một phong cách hay một làn hơi riêng như những người đi trước trong thập niên 1960 – 1970. Rất khó phân biệt giọng ca của các nghệ sĩ trẻ bây giờ vì họ đều có giọng hát giông giống nhau. Ngoài ra, các vở tuồng cải lương ngày nay có vẻ nhiều hơn trước, nhưng chất lượng thì không cao như khán giả kì vọng. Một số vở tuồng được dàn dựng, theo tôi là, quá hấp tấp và chất lượng nghệ thuật giống như một tác phẩm loại “mì ăn liền”. Cũng có thể đây là “thời kì quá độ” để nghệ thuật cải lương Việt Nam tìm một định hướng mới hơn. Có người cho rằng cải lương không còn khả năng thu hút khán giả trẻ như thời thập niên 1970s. Nhưng lấy kinh nghiệm cá nhân và qua buổi diễn ở Bankstown vừa qua, tôi nghĩ chúng ta có lí do để hi vọng rằng nghệ thuật Cải Lương sẽ phát triển trong tương lai, khi đời sống kinh tế được nâng cao và người ta sẽ tìm về những giá trị văn hóa dân tộc, trong đó có nghệ thuật Cải Lương. Thuở còn đi học, dù rất mê Cải Lương, tôi ít khi nào dám thố lộ với bè bạn vì sợ bị chê là "dân cải lương", tức đồng nghĩa với quê mùa. Nhưng bây giờ tôi lại thấy Cải Lương mới đích thực là một nghệ thuật của dân tộc, và không ngần ngại nói tôi yêu Cải Lương. Thật ra, đó cũng chỉ là một tình cảm tự nhiên. Càng sống trong thế giới văn hóa của người khác, người ta có khao khát tìm về nguồn cội, về bản sắc văn hóa của mình, mà Cải Lương là một bản sắc văn hóa dân tộc. Ở phương Tây người ta có nghệ thuật opera, một loại hình nghệ thuật thuộc vào hàng trưởng giả; còn ở Việt Nam chúng ta có hát bội, chèo, và Cải Lương thu hút mọi thành phần trong xã hội. Nói như một số nhà phê bình văn học Tây phương, nếu hát bội phản ánh chủ nghĩa anh hùng, chèo nói lên cái trào lộng, thì Cải Lương thể hiện cái trữ tình và đạo lí của dân tộc. Mỗi vở tuồng cải lương hàm chứa nhiều bài học đạo lí ở đời, và lúc nào cũng có những câu mà chúng ta hay nói theo Tây là "key messages". Những thông điệp chính thường là ở lành gặp hiền, làm ác thì sẽ trả giá sau này, yêu thương gia đình, kính trọng bề trên nhường kẻ dưới, và tử tế với bạn bè. Những thông điệp đó vẫn còn mang tính thời sự ở Việt Nam ngày nay. Tuồng cải lương nào dù éo le thế nào thì cũng có một kết thúc có hậu: thiện thắng ác. Có một đặc điểm chung là các tuồng cải lương Việt Nam không bạo động như các vở tuồng hồ quảng của Tàu.

Giới trẻ trong nước ngày nay thích chạy theo phong trào nhạc hip hop, và một ngày nào đó trong tương lai, họ cũng sẽ như giới giới trẻ ở nước ngoài hiện nay đang có xu hướng về nguồn và tìm về với tình tự dân tộc qua các giai điệu cải lương. Tất cả các nghệ sĩ cải lương trong nước ra ngoài trình diễn đều được đón nhận nồng nhiệt. Có người phải lái xe hàng trăm cây số chỉ để nghe lại những "giọng ca vàng" một thời như Minh Vương, Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Thanh Sang. Cần phải tận dụng công nghệ thông tin và internet để xây dựng nhiều "ngôi nhà" Cải Lương cho thế hệ mai sau.

Tôi nghĩ Cải Lương rất cần những cơ sở khoa học và lí luận. Có người cho rằng [và tôi đồng ý] rằng nghệ thuật Cải Lương là một trong những bộ môn nghệ thuật thuần Việt Nam. Chỉ người Việt Nam mới có Cải Lương. Nhưng để phát triển, Cải Lương cần có những nghiên cứu mang tính lí luận và khoa học. Chỉ có lí luận và khoa học thì bộ môn nghệ thuật này mới có thể thành một bộ môn "Cải Lương học" nghiêm chỉnh. Tôi nghĩ, không biết có quá hay không, rằng một ngày trong tương lai gần, các nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật và các nghệ sĩ Cải Lương sẽ đưa bộ môn này vào một di sản văn hóa của thế giới như trường hợp của nhã nhạc Huế. Những buổi sinh hoạt như kỉ niệm 100 năm nghệ thuật Cải Lương ở Sydney vừa qua là một đóng góp có ý nghĩa cho mục tiêu cao cả đó.

TB: Một số hình ảnh trích đoạn tuồng Ông Cò Quận Chín.

Cảnh khi ông cò Hương thẩm vấn có gái tên Thoa

Cảnh khi Thoa (Trường An) gặp người em là Lê Long Hồ trong đồn cảnh sát.

Cảnh ông cò Hương nhận ra cô gái là con mình.

Cảnh khi Lê Long Hồ gặp mẹ là cô giáo Lan

Cảnh khi ông cò Hương gặp lại vợ cũ là cô giáo Lan. Đoạn này làm biết bao người khóc.

Đoạn ông cò Hương phải đặt luật pháp trên tình cảm gia đình. Cảnh sát phải bắt Trường An.

Chụp hình lưu niệm. Tôi chỉ ké thôi. Người đứng bên phải sau cùng là Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên.

Từ trái sang phải: Thạch Vũ, Kim Phượng, Ái Thanh, Ngọc Hà, và tôi. Lâu lâu chụp một tấm hình làm kỉ niệm.

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page