top of page

Về vấn đề tập san khoa học và công nhận chức danh giáo sư

Ở Việt Nam, các hội đồng giáo sư dùng cách phân loại tập san khoa học (kiểu Q1 - Q4) để xác định tập san chánh thống. Nhưng chính cách làm đó gián tiếp khuyến khích các ứng viên công bố trên tập san dỏm. Nếu không có cải cách về phân loại tập san thì vấn đề của năm nay sẽ còn xảy ra dài dài trong tương lai.

Phân biệt giữa tập san dỏm (phony) và chánh thống (legit). Tập san dỏm chỉ quan tâm đến tiền, tập san chánh thống quan tâm đến phẩm chất khoa học. Ref: https://libguides.rutgers.edu/c.php?g=644942&p=4519187


Trước hết, chúng ta phải xác định một lần nữa về danh từ: tập san và tạp chí. Tạp chí là magazine (như Scientific American, The Scientist) đăng những bài báo phổ thông, dễ hiểu, dành cho đại chúng, không có bình duyệt (peer-review), và không cần tài liệu tham khảo. Còn tập san là journal, thuật ngữ dùng để chỉ các chuyên san khoa học, đăng những bài mang tính hàn lâm, có bình duyệt, dành cho giới khoa học và phải có tài liệu tham khảo. Chúng ta đang bàn về tập san.

Trên thế giới ngày nay có chừng 50,000 tập san khoa học, và các tập san này nằm trong 2 danh mục chánh là Clarivate và Scopus. Trong danh mục Clarivate (ngày xưa là ISI) có chừng 21,000 tập san. Còn danh mục Scopus có chừng 36,000 tập san. Một số tập san nằm trong cả 2 danh mục. Nhìn chung, danh mục Clarivate mang tính chọn lọc hơn là Scopus, vì Scopus có xu hướng 'kết nạp' những tập san có phẩm chất thấp, thậm chí tập san dỏm.

"Tập san săn mồi" và Scopus

Các tập san "săn mồi" (predatory journals) hay đơn giản hơn là 'tập san dỏm' là những trạm thông tin, chớ không phải tập san khoa học đúng nghĩa. Chỉ cần một máy tính nối mạng ở Việt Nam hay bất cứ nơi nào trên thế giới, một người không liên quan gì đến khoa học có thể tạo ra hàng trăm 'tập san' như vậy. Các trạm thông tin này không có bất cứ hiệp hội khoa học nào là cơ quan chủ quản. Ban biên tập thì toàn những người mà người trong chuyên ngành không biết đến, hay nói chung là 'lôm côm'. Vì ban biên tập lôm côm, nên các trạm thông tin này không có cơ chế bình duyệt đúng nghĩa. Vì cách vận hành như thế và vì muốn có một sự "chính danh", các tập san dỏm này rất muốn được có trong danh mục Scopus và Clarivate.

Cách để các tập san dỏm được 'kết nạp' vào Scopus để được 'chính danh'. Tiêu chuẩn để được kết nạp vào Scopus là như sau:

· Có cơ chế bình duyệt rõ ràng;

· Bài vở mang tính đa dạng địa phương (tức tác giả đến từ nhiều quốc gia);

· Có đóng góp học thuật vào chuyên ngành;

· Bản tóm tắt (abstract) rõ ràng;

· Tuân thủ theo qui định về chất lượng và nội dung học thuật;

· Bài báo dễ đọc và theo qui chuẩn chung;

· Có trích dẫn các tập san trong Scopus;

· Ban biên tập gồm những nhà khoa học danh tiếng;

· Trang web có đầy đủ thông tin về đạo đức công bố và chi phí.

Tiêu chuẩn quan trọng nhứt mà Scopus không đòi hỏi là cơ quan chủ quản! Tức là ai cũng làm ra tập san! Không cần có hiệp hội khoa học nào đứng đằng sau.

Nhưng qui định là một chuyện, còn chuyện lạm dụng thì vô cùng đa dạng và Scopus không thể nào biết hết được. Chẳng hạn như có trạm xuất bản ép tác giả phải trích dẫn tập san này, tập san kia sao cho có 'citation' và đạt tiêu chuẩn của Scopus. Do đó, có những 'tập san' mới ra đời 2-3 năm mà đã nhảy tót lên đứng ngang hàng với các tập san tồn tại cả 50 năm! Nói chung, rất dễ để đưa một tập san lôm côm và dỏm vào Scopus.

Phân nhóm tập san theo tứ phân vị

Vì các tập san có chất lượng khác nhau, nên người ta phải tìm một cách phân nhóm. Nhóm SCImago dùng dữ liệu của Scopus và có sáng kiến phân nhóm theo tứ phân vị (quartile). Trong mỗi chuyên ngành, SCImago dùng số lần trích dẫn trong 3 năm, rồi chia các tập san trong chuyên ngành đó thành 4 nhóm:

· Nhóm Q1 (quartile 1) bao gồm các tập san có trích dẫn cao top 25%;

· Nhóm Q2 là các tập san với trích dẫn trong tứ phân vị 25-50%;

· Nhóm Q3 là tứ phân vị 75%;

· Nhóm Q4 là tứ phân vị 75-100% (tức thấp nhứt).

Thường, các tập san dỏm được xếp vào nhóm Q4 hay Q3, nhưng cũng có tập san leo lên nhóm Q2! Thậm chí, có tập san mới ra đời 2-3 năm nhảy lên nhóm Q1!

Thế nhưng các tập san dỏm này khi đã được thu nạp vào danh mục Scopus thì người ta mới phát hiện họ làm việc không theo đúng các qui ước về đạo đức công bố (publication ethics). Những vi phạm về đạo đức công bố của các tập san dỏm thường là (a) ban biên tập ma, tức không có người thật hay người giả mạo; (b) cơ chế bình duyệt không nghiêm chỉnh; (c) mưu mẹo để có trích dẫn và tăng impact factor; và (d) khuynh đảo học thuật có tổ chức. Có một tập san từ Việt Nam cũng được thu nhận vào Scopus nhưng chất lượng ban biên tập, chất lượng bình duyệt, chất lượng bài báo và nhứt là quá trình phát triển về citation của tập san này rất đáng ngờ đối với dân trong chuyên ngành.

Do đó, nhiều tập san dỏm sau khi đã được thu nạp vào danh mục Scopus thì ngay sau đó lại bị loại ra. Mỗi năm, có hơn 600 tập san bị loại khỏi danh mục Scopus! Nhưng mỗi năm cũng có vài trăm tập san được thu nạp vào Scopus. Nói cách khác, sự 'chu chuyển' của các tập san trong danh mục Scopus là khá cao. Đó chính là lí do tại sao cộng đồng khoa học elite không bao giờ đánh giá xếp hạng theo Q1-Q4 là đáng tin cậy.

Việc hội đồng giáo sư dựa vào cách xếp hạng Q1-Q4 để xem đó là tập san chánh thống, là một sai sót và tôi nghĩ cần phải thay đổi. Sai sót là vì tập san A năm nay được công nhận (theo qui định của hội đồng) nhưng năm sau bị loại ra, và như thế là gây bất công bằng cho các ứng viên.

Một cách phân loại tập san khác

Tôi đề nghị một cách phân loại tập san chánh thống và 'phi chánh thống'. Tập san chánh thống là những tập san:

1. do các hiệp hội khoa học chánh thống làm chủ quản và xuất bản bởi các nhà xuất bản học thuật; hoặc

2. do các nhà xuất bản học thuật (như Elsevier, Springer-Nature, Wiley, Sage, Taylor & Francis, Routledge, Oxford, Cambridge, Harvard, MIT, Academic Press, v.v.) lập ra nhưng được công nhận bởi cộng đồng khoa học.

Tiêu biểu cho nhóm tập san thứ 1 là JAMA (thuộc hiệp hội y khoa Hoa Kì), BMJ (hiệp hội y khoa Anh), New England Journal of Medicine (thuộc hiệp hội y khoa bang Massachusetts), JCEM (Hiệp hội Nội tiết Hoa Kì), v.v. Nhóm 2 bao gồm các tập san thuộc nhóm Lancet, Nature.

Không cần phân nhóm Q1-Q4 theo kiểu SCImago. Tiêu chuẩn 1 & 2 đã tự động loại bỏ các tập san dỏm.

Không cần có trong Scopus hay Clarivate như là một tiêu chuẩn. Một tập san mới thuộc một hiệp hội khoa học có thể chưa có trong Scopus hay Clarivate, nhưng là tập san chánh thống. Ví dụ như Journal of Endocrine Society, Osteoporosis and Sarcopenia, JBMR Plus, v.v. tuy chưa có trong danh mục Clariavate hay Scopus, nhưng người trong chuyên ngành ai cũng biết là tập san chánh thống. Người ngoài ngành có thể không biết và không am hiểu đủ để đánh giá các tập san này.

Không có bảng phân nhóm hoàn chỉnh!

Trước đây, để đối phó với tình trạng lạm phát tập san khoa học, Hội đồng Nghiên cứu Úc (ARC) có đề ra một bảng xếp hạng gọi là ERA [Excellence of Research in Australia] rất thú vị và bài bản. Họ xếp hạng các tập san theo 4 nhóm: A*, A, B, và C. Tập san A* là thuộc nhóm top 5%, nhóm A (top 15%), nhóm B (top 30%), và C (bottom 50%).

Thế nhưng sau vài năm áp dụng, bảng xếp hạng này bị giới khoa học Úc phản đối kịch liệt. Họ chỉ ra rằng cách xếp hạng là vô duyên, chẳng hạn như tập san y khoa Úc có hạng A*, ngang hàng với Lancet! Thứ hai là chỉ có người trong chuyên mới biết thứ hạng của tập san, còn người ngoài ngành không thể nào đánh giá chính xác được. Thứ ba là cách đánh giá đó tạo ra một sự chạy đua mà tác hại nhiều hơn lợi ích, và dẫn đến những nghiên cứu đáng ngờ. Chỉ chưa đầy 5 năm áp dụng, bảng xếp hạng đó bị huỷ bỏ. (Thế nhưng cho đến nay, các đại học vẫn ngấm ngầm đánh giá ứng viên qua bảng xếp hạng ERA này).

Không có bảng xếp hạng nào là hoàn chỉnh cả. Bảng xếp hạng Q-1Q4 của SCImage quá đơn giản và dễ bị lợi dụng, không thể chấp nhận được. Bảng xếp hạng ERA là bài bản và công phu như vậy mà vẫn bị loại bỏ. Kinh nghiệm ở Úc cho thấy một lần nữa là cách xếp hạng máy móc không thể nào thoả đáng.

Tóm lại

Xin nói lại để nhấn mạnh: cách phân nhóm tập san theo kiểu của SCImago (Q1-Q4) là có vấn đề, vì tiêu chuẩn quá lỏng lẻo, dễ bị lạm dụng, và do đó các tập san dỏm vẫn có thể lọt vào danh mục. Trong bối cảnh Việt Nam, dựa vào cách phân nhóm này, hội đồng giáo sư rất dễ phạm sai sót trong việc thẩm định ứng viên cho các chức danh giáo sư.

Tôi đề nghị cách phân loại dựa trên cơ quan chủ quản và nhà xuất bản học thuật để sàng lọc tập san chánh thống chính xác và hợp lí hơn.

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page