Tại sao công bố trên tập san dỏm?
Kĩ nghệ xuất bản khoa học dỏm không chỉ làm vẩn đục khoa học mà còn nguy hiểm. Nguy hiểm là vì những dữ liệu công bố đã được người khác sử dụng để biện minh cho các phương pháp điều trị phi chánh thống và có thể tác hại đến bệnh nhân. Ngoài ra, công bố trên các tập san dỏm được xem là một việc làm phung phí con người, động vật, và tiền bạc [1].
Nhưng câu hỏi là tại sao có nhiều nhà khoa học công bố trên các tập san dỏm? Một công trình nghiên cứu trên BMJ Open [2] trả lời câu hỏi này và cung cấp thêm nhiều thông tin rất thú vị, giúp chúng ta hiểu hơn về những người chọn công bố trên tập san dỏm.
Công trình này là một 'survey' trực tuyến. Các nhà nghiên cứu trước hết nhận dạng những tác giả công bố trên tập san dỏm. Đây là những người có nghiên cứu dưới dạng thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu đoàn hệ, nghiên cứu quan sát, và nghiên cứu tiền lâm sàng. Họ gởi câu hỏi cho 583 người, nhưng chỉ có 82 người đồng ý sẵn sàng trả lời. Đa số các tác giả này là ở Ấn Độ (25%), Mĩ (21%) và Ethiopia (6%). Khoảng 60% trong số này là cấp giáo sư. Sau đây là tóm tắt những kết quả chánh từ nghiên cứu:
1. Tại sao chọn công bố trên tập san dỏm? Lí do là:
(a) áp lực công bố khoa học để giữ vị trí hay biên chế;
(b) tập san có công bố những bài hợp với nội dung bài báo của tác giả;
(c) vì nghiên cứu có chất lượng nghiên cứu thấp nên không thể công bố trên các tập san khác;
(d) vì bị các tập san khác (chánh thống?) từ chối. Khoảng 35% những người trả lời cho biết họ đã nộp bài báo cho một tập san khác và bị từ chối, trước khi nộp cho tập san dỏm;
(e) vì được tập san dỏm mời công bố; 41% cho biết họ chọn vì qua các email quảng cáo;
(f) vì được bạn bè giới thiệu;
(g) vì không được thầy cô hướng dẫn tập san nào là chánh thống;
(h) vì thấy tập san có địa chỉ ở Mĩ, Âu châu.
2. Kiến thức về tập san dỏm
· 46% những người trả lời cho biết họ không nghĩ tập san họ chọn để công bố là tập san dỏm.
· Ngay cả sau khi công bố và sau khi đã được cho biết rằng đó là tập san dỏm, họ vẫn nghĩ đó là tập san chánh thống!
· Khoảng 28% cho biết họ sẽ công bố trên tập san dỏm một lần nữa, 37% nói không và 31% nói là 'chưa biết'.
3. Vấn đề thể chế
· 41% những người trả lời cho biết họ chịu áp lực công bố khoa học. Có 25% người trả lời cho biết nơi họ nghiên cứu có chỉ tiêu cụ thể phải công bố bao nhiêu bài mỗi năm.
· Nhưng chỉ có 5% các đại học và trung tâm nghiên cứu có chánh sách cấm công bố trên các tập san dỏm.
4. Chi phí. Khoảng 45% cho biết họ không trả phí công bố. Số còn lại (55%) có trả ấn phí cho biết giá trung bình là 348 USD mỗi bài (nhưng dao động từ 30 đến 4000 USD).
5. Bình duyệt: 83% người trả lời cho biết bài báo của họ qua bình duyệt, và 17% cho biết là không qua bình duyệt. Trong nhóm có bình duyệt. 80% cho biết họ thấy nội dung bình duyệt là có ích.
6. Tác động đến sự nghiệp? Chừng 66% người trả lời cho biết sự nghiệp của họ không bị ảnh hưởng vì công bố trên tập san dỏm. Nhưng 34% cho biết họ bị cảnh cáo bằng hình thức khiển trách vì đã công bố trên tập san dỏm.
Tóm lại, kết quả nghiên cứu trên cho thấy có 3 nhóm lí do giải thích tại sao các nhà khoa học chọn công bố trên tập san dỏm: thể chế, kiến thức, và chất lượng khoa học. Lí do thể chế ở đây là đại học gây áp lực lên nha khoa học về công bố khoa học, nhưng đại học lại không có chánh sách về công bố khoa học và không có hình phạt những người công bố trên tập san dỏm. Lí do thứ hai là bản thân nhà khoa học kém kiến thức về đạo đức công bố, không phân biệt được tập san dỏm và chánh thống. Lí do thứ ba là những người biết là tập san dỏm nhưng họ vẫn chọn công bố vì bài báo của họ có chất lượng thấp hoặc/và bị các tập san chánh thống từ chối công bố.
Biết được 3 lí do đó cũng là gợi ý cho biện pháp phòng ngừa tập san dỏm. Các đại học và bệnh viện phải soạn chánh sách về công bố khoa học, và phải minh định rằng công bố trên tập san dỏm sẽ không chấp nhận mà còn bị phạt. Các đại học phải tổ chức các lớp học về Publication Ethics (Đạo đức Công bố) cho tất cả các nghiên cứu sinh, giảng viên, và giáo sư. Làm được như vậy thì các tập san dỏm sẽ khó có cơ hội xâm nhập khoa học ở Việt Nam.
____
[1] https://www.nature.com/news/stop-this-waste-of-people-animals-and-money-1.22554
[2] https://bmjopen.bmj.com/content/9/3/e026516
Comments