top of page

Ý nghĩa của Phật Giáo

Mấy tuần nay, công chúng trong và ngoài nước bàn tán về bức tranh có hình Đức Phật một bên và hình của Hồ Chí Minh một bên. Tôi không bàn về bức tranh đó và ý nghĩa của nó, mà chỉ lấy đó cảm hứng để ... học tiếng Anh. Bản dịch này có rất nhiều thuật ngữ Phật Giáo mà tôi nghĩ các bạn sẽ thích vì thấy Giáo huấn của Phật quả thật là thực tế và dễ hiểu. Sau khi đọc xong, các bạn sẽ thấy bức tranh kia có ý nghĩa gì. Đây cũng là một bài cho ngày Phật Đản 2019.

Đức Phật, Thái tử Tất Đạt Ma sinh ra trong một gia đình hoàng tộc thuộc một vương quốc nay là một phần đất của Nepal 623 năm trước Chúa Jesus. Ngài tu hành đạt tới Giác Ngộ dưới cây Bồ Đề.

Có khi nào các bạn thấy 'nhức đầu' với những thuật ngữ Phật giáo? Tôi thì có thời từng bị nhức đầu với những từ ngữ có vẻ xa lạ khi đọc sách về Phật giáo. Nào là Tứ diệu đế, Niết bàn, Bát nhã, đến những thuật ngữ đơn từ như Tuệ, Ngã, Pháp, Tri, Nghiệp, v.v. làm cho việc đọc và hiểu rất chậm chạp. Cứ đọc mỗi chữ mới thì phải tra cứu từ điển để biết ý nghĩa của nó. Nhưng không phải từ điển nào cũng giải thích dễ hiểu, nhất là cách viết của người xưa vừa dài dòng vừa bí hiểm. Nhưng khi có dịp đọc sách viết về Phật giáo bằng tiếng Anh thì tôi như thấy mình 'sáng' ra. Hóa ra, những thuật ngữ thoạt đầu có vẻ phức tạp kia khi dịch sang tiếng Anh lại rõ ràng và dễ hiểu. (Cũng có thể trong quá trình dịch thì nghĩa cũng bị 'đột biến', nhưng về căn bản tôi thấy là đủ để mình hiểu). Do đó, tôi thấy học về Phật hay nhất là đọc sách và những bài luận tiếng Anh, chứ đọc sách tiếng Việt viết về Phật giáo thì có khi rất khó hiểu.

Bài luận dưới đây có tựa đề là "The Meaning of Buddhism" (Ý nghĩa của Phật Giáo) và tác giả là Hòa thượng (hay Thượng tọa?) người Miến Điện Bhikkhu U Thittila, đăng trên tạp chí The Atlantic vào năm 1958 (1). Bài này giải thích ý nghĩa Phật giáo một cách cô đọng (chỉ 8 trang). Bài luận văn được viết bằng một văn phong vô cùng trong sáng, đúng là của bậc thầy. Khi đọc xong, các bạn sẽ hiểu một số khái niệm cơ bản của Phật giáo. Do đó, tôi dịch sang tiếng Việt, trước là để tôi học, sau là chia sẻ cùng các bạn. Tôi có chú giải một số thuật ngữ quan trọng (2) để các bạn dễ hiểu hơn. Ngoài ra, tôi thấy Thư viện Hoa Sen có hẳn một bộ từ điển Phật giáo rất hay nhưng ... khó tìm (3) và tôi trích dẫn từ đó để các bạn tham khảo. Có khi đọc qua những thuật ngữ này tôi mới thấy nhiều thuật ngữ khoa học người ta dịch sai. Ví dụ như "Trí tuệ Nhân tạo" dịch từ "Artificial Intelligence" là hoàn toàn sai theo nghĩa của Phật giáo. Do đó, nói là dịch, nhưng thật ra là học.

Thật ra, tôi dịch bài này lâu lắm rồi, nhưng cứ mỗi năm học thêm một chút, tôi lại chỉnh sửa theo cách hiểu của mình. Bản này cũng chỉ là bản 'quá độ' để bạn đọc nào am hiểu hơn góp ý và chỉ giáo.

NVT

====

Ý nghĩa của Phật Giáo: Những nguyên lí cơ bản của học thuyết Theravada (4)

Bhikkhu U Thittila

Phật Giáo là những giáo huấn của Đức Phật. Vậy thì câu hỏi đặt ra là "Phật là ai?" Thật ra, chữ "Phật" (tiếng Anh là Buddha) là người đạt đến giác ngộ. Giác ngộ có nghĩa là sáng suốt, một trạng thái lí tưởng của tri thức và hoàn thiện về đạo đức. Bất cứ ai cũng có thể đạt tới giác ngộ qua những phương tiện hoàn toàn nhân bản. Do đó, chữ "Phật" hay Buddha chỉ đơn giản có nghĩa là kẻ đã được giải thoát, một trí nhân (knower). Các Phật tử tin rằng Phật được sinh ra trong mỗi khoảnh khắc của vạn cố, và Đức Phật của chúng ta -- ngài Tất Đạt Ma hay Gotama -- đạt tới giác ngộ dưới cây Bồ Đề ở Ấn Độ là người kế vị thứ bảy.

Tất Đạt Ma

Tất Đạt Ma sinh ra trong một gia đình hoàng tộc thuộc một vương quốc nay là một phần đất của Nepal 623 năm trước Chúa Jesus. Những người trong cung đình và vương quốc nhìn thấy trước rằng Ngài sẽ trở thành một hoàng đế hay một Phật, và thân phụ ngài muốn ngài nối nghiệp ông làm hoàng đế. Do đó, thân phụ Ngài tìm cách cách li Ngài khỏi cuộc sống đói khổ bên ngoài cung điện. Nhưng các thần thánh biết rằng Tất Đạt Ma sẽ là một Phật, và bằng nhiều cách, họ viếng thăm trái đất để cho Ngài thấy họ. Trong suốt 3 ngày liên tiếp, trong khi dạo chơi trong vườn thượng uyển, Tất Đạt Ma thấy một người già, một người bệnh, và một tử thi, và thế là Ngài biết rằng nhân loại -- tất cả nhân loại -- đều đau khổ và chết. Đến ngày thứ tư, Tất Đạt Ma thấy một thầy tu; từ đó Ngài hiểu rằng để học cách khắc phục nỗi khổ của nhân loại, Ngài phải rời cuộc sống hoàng cung đầy tiện nghi và xa hoa. Năm 29 tuổi, Ngài rời hoàng cung và trở thành một người tu khổ hạnh.

Tất Đạt Ma lang thang qua các miền quê như là một người tìm chân lí và hòa bình. Ngài gặp nhiều vị thầy lớn thời đó, nhưng chẳng ai có thể cung cấp những gì Ngài đi tìm. Ngài cố gắng thực hành tất cả những qui định khắt nghiệt của người tu khổ hạnh, với hi vọng đạt được niết bàn. Cuối cùng thì thân thể Ngài ốm o như một bộ xương. Nhưng càng tra tấn thân thể chừng nào thì Ngài càng thấy mình đi xa hơn khỏi mục tiêu chừng nấy. Nhận thức được sự vô ích của việc tự hủy thân, Ngài quyết định theo đuổi một hướng đi khác, tránh những thái cực của khổ đau và lạc thú.

Con đường mới mà Ngài phát hiện là Trung Đạo (Middle Way), tức Bát Chánh Đạo (Eightfold Path), mà sau này trở thành một phần của giáo lí Phật Giáo. Bằng Chánh Đạo, tuệ (wisdom) của Ngài gia tăng đến mức đầy đủ nhất và Ngài trở thành Phật - Buddha.

Thái tử Tất Đạt Ma đạt tới Phật nhờ vào ý chí, tình thương và tuệ giác của chính Ngài. Ngài không nhờ một ai giúp mình đạt được Phật. Do đó, Ngài dạy các đệ tử rằng họ cũng có thể đạt tới Phật. Bất cứ ai đều sở hữu năng lực để trở thành thiện, sáng suốt, và hạnh phúc.

Pháp: giáo huấn của Phật

Tất cả những giáo huấn của Đức Phật có thể tóm lược chỉ bằng 1 chữ: Pháp. (Pháp là dịch từ chữ Dhamma hay Dharma trong tiếng Anh). Pháp có nghĩa là chân lí. Pháp cũng có nghĩa là qui luật. Qui luật hiện hữu trong tim và trí của chúng ta. Pháp là nguyên lí của Chánh Đạo. Do đó, Đức Phật kêu gọi con người nên sống cao quí, tinh khiết, và nhân ái. Sống cao quí, tinh khiết và nhân ái không phải để làm hài lòng một Đấng Tối Cao nào cả, mà để đạt được chân lí cao nhất cho mình.

Pháp như nói trên là qui luật của Chánh Đạo không chỉ hiện hữu trong tim và tâm trí của chúng ta, mà còn hiện hữu trong vũ trụ. Vũ trụ là một hiện thân và thể hiện của Pháp. Khi trăng sáng lên và tàn, khi mưa xuống, khi hạt lúa nảy mầm, mùa màn cũng thay đổi theo, bởi vì đó là qui luật của Pháp. Luật của Pháp chính là luật của vũ trụ làm nên hiện tượng được biểu hiện qua những nghiên cứu khoa học tự nhiên.

Nếu một người sống theo Pháp, người đó sẽ thoát khỏi sự đau khổ và đến niết bàn. Niết bàn là điểm đến sau cùng của mọi khổ đau. Niết bàn không phải tới được qua cầu nguyện, hay qua các nghi lễ, càng không qua những thỉnh nguyện đến Thượng đế. Con người tự khám phá Pháp và Pháp sẽ dẫn con người đến mục tiêu của họ. Con người sẽ phát hiện Pháp bằng cách riêng của người đó (nói theo ngôn ngữ y khoa hiện đại là 'cá nhân hóa'). Mỗi người có một cách đến Pháp, và cách đó là kiểm soát tâm trí và làm sạch những cảm tính. Một khi con người còn trong tâm bão của trái tim và không mở rộng lòng tốt đến chúng sanh, con người sẽ không có khả năng đạt được Pháp.

Do đó, "Phật Giáo" không phải là một tôn giáo. Phật Giáo cũng không phải là một hệ thống nghi lễ thờ phượng. Trong Giáo huấn của Phật, không có niềm tin vào một giáo điều nào, cũng chẳng có một Đấng Tối Cao nào. Giáo huấn của Phật bắt đầu bằng hành trình đi tìm chân lí. Đức Phật dạy rằng chúng ta nên tin những gì mà chúng ta có thể trải nghiệm được, những gì hợp lí, và những gì dẫn đến cái thiện và nhân ái cho chúng sanh. Con người có thể phải "lánh nạn" vào Phật, nhưng con người phải kiểm soát chính mình. Con người phải hứa với chính mình sống một cuộc sống Chánh Đạo, và đừng để mình trở thành một nạn nhân của của niềm tin rằng Phật có thể cứu rỗi anh ta. Đức Phật có thể chỉ ra con đường, nhưng người đi trên con đường đó là chúng ta -- những người đi tìm chân lí -- chứ Phật không thể đi dùm cho chúng ta.

Chân lí mà Phật tử nhìn thấy chung quanh mình là chân lí về nhân quả (cause and effect). Mỗi hành động, bất kể nhỏ lớn ra sao, đều có tác động; mỗi tác động trở thành một nguyên nhân và sản sinh ra tác động khác. Do đó, đi tìm cái nguyên nhân đầu tiên là vô nghĩa. Thay vì đi tìm cái Nguyên nhân Đầu tiên (là điều không thể), chúng ta cần nhận thức rằng nguyên nhân và hệ quả mang tính chu kì và vũ trụ. Khi vũ trụ này tiêu tan đi thì một vũ trụ khác sẽ được hình thành. Nguồn gốc của vũ trụ, cũng giống như một cá nhân hay một sự vật, tùy thuộc vào một chuỗi nguyên nhân, và chuỗi nguyên nhân này sẽ tiến hóa theo chu kì sanh, tử và tái sanh. Đây chính là Nguyên lí của Duyên Khởi (Dependent Origination).

Còn linh hồn thì sao? Phật dạy rằng không có linh hồn hay bản ngã (self). Phật ví von rằng nếu chúng ta lấy cái bánh xe và trục xe, cái nền xe, hai bên xe, và càng xe, cái gì còn lại? Không có gì cả, tức cũng giống như lúc cái xe mới được lắp đặt. Thành ra, cái qui trình tâm sinh lí diễn ra lên tục, và biến chuyển từ sự sống này sang sự sống khác. Mỗi sự sống qua đi trong khoảnh khắc và tạo ra một sự sống mới, và sự sống mới là hệ quả của sự sống trước đó. Cũng giống như ngọn nến tại thời điểm này khác với ngọn nến của thời điểm trước đó, nhưng ngọn nến diễn ra một cách liên tục.

Do đó, trong cái hệ thống các chuỗi nguyên nhân lệ thuộc lẫn nhau, sự hiện hữu của các hiện tượng biến chuyển liên tục. Các nguyên tố hợp và tái hợp mà không có một chất nào hay một linh hồn nào giúp cho các nguyên tố này cố định. Đây chính là Vòng Luân Hồi (Wheel of Life, hay Bánh Xe Cuộc Đời). Nguyên nhân chính của sự luân chuyển liên tục này là khổ đau. Khổ đau khởi đầu từ khi chúng sanh khát khao tìm một sự hiện hữu ích kỉ, và chính sự ham muốn này là cái lực làm cho Vòng Luân Hồi luân chuyển. Khát khao được thể hiện qua hành động. Hành động là tự ý và chịu trách nhiệm cho việc tạo ra chúng sanh. Hiện tượng đó được gọi là karma (tiếng Phạn) hay Nghiệp hay Nhân Quả (tiếng Việt).

Vòng luân hồi (Wheel of Life)

Trong vũ trụ này, không có cái gì là cố định; tất cả đều biến chuyển. Tất cả biến chuyển chịu sự chi phối của luật Nhân Quả. Do đó, karma cũng có thể hiểu là hành động. Nói chung, karma hay Nhân Quả hay Nghiệp có thể là hành động tốt nhưng cũng có thể là hành động xấu. Nhân quả đề cập đến tất cả các hành động cố ý, bao gồm suy nghĩ, lời nói, thể lực, chữ, hay hành động thực tế. Nhìn từ góc độ này, nhân quả có nghĩa là tất cả những hành động tự ý có đạo đức hay phi đạo đức.

Mặc dù Nghiệp (nhân quả) kích hoạt một chuỗi nguyên nhân và hệ quả, nhưng nhân quả mang tính bất định. Quá khứ ảnh hưởng đến hiện tại, nhưng quá khứ không thống trị hiện tại. Quá khứ là nền tảng mà cuộc sống đi từ thời điểm này đến thời điểm khác; quá khứ và hiện tại ảnh hưởng đến tương lai. Chỉ có hiện tại hiện hữu ngay trong khoảnh khắc, và việc sử dụng cái khoảnh khắc cho việc thiện hay ác là lựa chọn của mỗi cá nhân.

Mỗi hành động dẫn đến một hệ quả. Khởi đầu bằng nguyên nhân, và hệ quả theo sau. Do đó, chúng ta nói đến Nhân Quả hay karma như là một qui luật của nguyên nhân và hệ quả. Nếu chúng ta biết rằng khi một hòn đá được ném vào một cái ao, thì một làn sóng lăn tăn sẽ hiện ra, nhưng đó không phải là tất cả, bởi vì các sóng lăn tăn sẽ quay lại cho đến khi chúng chạm vào hòn đá một lần nữa. Khi chúng ta hành động thì sẽ gây ảnh hưởng, và sự ảnh hưởng sẽ quay về với chúng ta. Nếu chúng ta hành động với ý đồ xấu, thì ảnh hưởng xấu sẽ xảy đến chúng ta. Nếu chúng ta làm việc thiện và giữ cho lòng mìng thanh thản, thì chúng ta sẽ hưởng phước lành.

Trong thế giới chung quanh chúng ta, có nhiều bất bình đẳng. Có những người giàu, có những người nghèo, những người sống trọn vẹn, những người chết sớm, v.v. Theo giáo huấn của Phật, bất bình đẳng hiện hữu là do môi trường. Môi trường được nhào nặn bởi nguyên nhân và hệ quả -- hay nói đúng hơn là Nhân Quả, là Nghiệp. Nhân Quả từ những hành động hiện tại, quá khứ gần, và quá khứ xa. Con người chịu trách nhiệm cho sự hạnh phúc và khổ đau của chính họ. Nhân quả không phải là một định mệnh hay là một yếu tố xác định, bất biến. Con người có một số ý nguyện mà họ có thể sửa đổi hành động để ảnh hưởng đến tương lai. Mỗi hành động, dù là tinh thần hay thể chất, đều có xu hướng sản sinh ra một tác động. Nếu con người làm việc thiện hay nghĩ điều lành, thì con người sẽ hưởng phước lành.

Nhân quả và Duyên khởi

Hiểu về Nhân Quả sẽ cho chúng ta sức mạnh. Càng xem nhân quả là một phần của cuộc sống chúng ta, chúng ta càng hưởng phúc lành nhiều hơn, và có sức mạnh không chỉ hướng về tương lai, nhưng còn giúp những người chung quanh một cách có hiệu quả hơn. Thực hành nhân quả đầy đủ sẽ giúp chúng ta chiến thắng cái xấu, thậm chí chiến thắng Nhân Quả, và đưa chúng ta đến Niết bàn.

Nguyên lí Duyên Khởi (dependent origination) và luật Nhân Quả cung cấp cho chúng ta cái nền tảng để hiểu về bản chất của tái sanh. Theo giáo huấn của Phật, cái chết là một điểm dừng nhất thời của một hiện tượng nhất thời ("the temporary end of a temporary phenomenon.") Cái chết không phải là một sự hủy diệt hoàn toàn (hư vô), bởi vì dù cuộc sống hữu cơ đã chấm dứt, nhưng cái Nghiệp lực hay lực của Nhân Quả vẫn còn tồn tại. Hình thể chỉ là biểu hiện của lực vô hình của Nhân Quả. Khi hình thể hiện tại mất đi, một hình thể khác sẽ thay thế theo những gì tốt hay xấu trong quá khứ. Nhân Quả là hiện tượng mạnh nhất trước thời khắc của cái chết.

Khi chết, lực Nhân Quả vẫn còn tồn tại và không hề bị hủy diệt, và sự qua đời của ý thức (còn gọi là Danh) hiện tại sẽ tạo ra những điều kiện cho một cơ thể mới được tái sanh. Dòng ý thức hay Danh trôi chảy nhưng một dòng sông được tạo nên bởi những nhánh sông và phân phối nước đến những vùng đất mà dòng sông đi qua. Tính liên tục của dòng chảy ý thức lúc chết không bị gián đoạn bởi thời gian; không có một sự ngừng nghỉ của ý thức, và do đó không có chỗ cho một giai đoạn trung gian giữa sự sống hiện tại và sự sống tương lai. Tái sanh diễn ra lập tức và liên tục.

Sự hiện hữu hiện tại tùy thuộc vào hoàn cảnh của quá khứ. Đặc tính và hoàn cảnh của hiện tại là kết quả của tất cả những gì người ta đã làm trong qúa khứ cho đến thời điểm hiện tại, nhưng sự hình thành của tương lai sẽ tùy thuộc vào việc làm của ngày hôm nay. Người Phật tử chân chánh xem cái chết là một biến cố mang tính khoảnh khắc giữa sự sống của người đó và sự sống kế tiếp. Do đó, người Phật tử đón nhận cái chết một cách bình thản. Người Phật tử chỉ quan tâm đến tương lai như là một cơ hội để tự hoàn thiện mình.

Thiền

Giáo huấn của Phật dạy rằng kí ức hay tâm trí có thể được rèn luyện bằng thiền (trầm tư) và tập trung. Qua thiền và nuôi cấy tâm trí, con người sẽ có sức mạnh để nhình thấy sự tái sanh của chính mình như là một nối kết của sanh tử, và có khả năng nhìn về những sự sống của mình trong quá khứ. Giáo huấn của Phật cũng dạy rằng một khi đã đạt được Niết Bàn trong cuộc sống hiện tại, qua khai sáng và tuệ giác, chúng ta có thể đi đến tận cùng của chuỗi sanh và tái sanh.

Niết Bàn là một trạng thái mà tất cả Phật tử muốn đạt được. Niết Bàn là sự chấm dứt các ham muốn và do đó là điểm cuối cùng của đau khổ. Trong tiếng Phạn, Niết Bàn có nghĩa là "the blowing out" (thổi bay đi). Niết Bàn đuợc hiểu là dập tắt các ngọn lửa ham muốn cá nhân. Đối với người phương Tây, Niết Bàn được xem là một trạng thái tiêu cực, một kiểu "hư không". Nhưng trong các sách Phật giáo, Niết Bàn được mô tả là một trạng thái tích cực, là nơi lánh nạn cao nhất, an toàn nhất, hòa bình nhất. Niết Bàn là tự do, nhưng không phải tự do từ hoàn cảnh, mà là tự do từ những mối ràng buộc mà chúng ta tự trói mình vào hoàn cảnh. Người tự do là người mạnh mẽ để nói "bất cứ cái gì đến với tôi, tôi sẽ chấp nhận là cái tốt nhất."

Niết Bàn là sự kết thúc của lực Nhân Quả (chúng ta sẽ gọi là "Nghiệp lực"). Phật tử đi lên Niết Bàn qua nhiều giai đoạn của Trung Đạo. Trung Đạo là đường đến tuệ, đạo đức, và kiểm soát. Ở đây, chúng ta không có đủ thì giờ để đề cập đến những mệnh đề đó hay những khía cạnh của Trung Đạo được nói đến trong các sách của Phật. Nhưng có thể nói rằng cuộc sống ý thức của một Phật tử là đầy đủ và phong phú. Qua chu kì tái sanh mà người Phật tử đi lên, họ sẽ tự hoàn thiện và chinh phục những ham muốn. Chinh phục bằng tình yêu thương và tuệ giác. Một khi sự ham muốn đã được chinh phục, thì Nghiệp lực sẽ giảm xuống và ngọn lửa khát khao sẽ tắt dần.

Trọng tâm của sự đau khổ của con người là tình trạng Si. Si ở đây là dịch từ chữ 'ignorance' trong tiếng Anh, có nghĩa là dốt, không biết. Chính Si dẫn đến khát khao, và khởi động Nhân Quả. Do đó, con đường đến Niết Bàn nằm ở kiến thức, và chúng ta lại phải nói đến Pháp (Dharma). Pháp như đề cập trên là giáo huấn của Phật. Pháp, cũng giống như chân lí, nằm trong Si và ham muốn và sự thay đổi liên tục. Trong Pháp, Phật chỉ chúng ta con đường đến chân lí.

Ý nghĩa của Phật giáo là gì?

Vậy thì ý nghĩa của Phật giáo (hiểu theo nghĩa giáo huấn của Phật) là gì? Về cơ bản, Phật giáo không phải là một tôn giáo mà là một hệ thống tập luyện tinh thần. Phật giáo là một hệ thống luyện tập tâm trí vĩ đại nhất. Phật giáo cung cấp một phương tiện mà con người có thể tự mình hoàn thiện qua hiểu biết, đạt đến Cảnh Giới (plane) mà trong đó Ngã (self, cái tôi) và Tự Ngã Tri (self-knowledge) không còn có ích nữa. Nhà tiên tri Công giáo Meister Eckhart từng nói rằng "vương quốc của Thượng Đế không dành cho ai, nhưng là một sự vô tri hoàn hảo" ("The kingdom of God is for none but the thoroughly dead.") Người Phật tử đồng ý với nhận định này, nhưng có một cách nói kém kiên quyết hơn. Niết Bàn trong cuộc sống chính là một trạng thái khám phá những dòng chảy hiện tượng tâm sinh lí. Người Phật tử tin rằng qua thiền và thiện ý, họ có thể theo Đức Phật qua những giai đoạn khai sáng (hay giác ngộ) và đạt được tuệ giác sau cùng.

Nhưng không phải Phật tử nào cũng là thầy tu hay giỏi về giáo lí. Vậy thì đối với người thường, ý nghĩa của Phật giáo là gì? Phật giáo giúp cho người thường tự mình đứng vững trên đôi chân. Phật giáo đánh thức sự tự tin và năng lượng trong mỗi con người. Phật giáo nhắc nhở những người theo Phật là không có ai trên thiên đường hay trên trái đất có thể giúp con người giải phóng họ khỏi những hành vi xấu xa. Người Phật tử biết rằng sức mạnh tâm trí của họ đủ để dẫn họ đi trong cuộc sống hiện tại và uốn nắn cuộc sống trong tương lai, và đem đến cho họ chân lí. Người Phật tử biết rằng họ sở hữu sức mạnh vô song.

Phật giáo chỉ ra những khía cạnh đạo đức cho cuộc sống hàng ngày. Mặc dù Niết Bàn là amoral (hiểu theo nghĩa cái hòa bình cuối cùng vượt qua những xung đột giữa cái thiện và cái ác), nhưng đó là con đường đến tuệ và là con đường đạo đức. Điều này hoàn toàn phù hợp với triết lí Nhân Quả. Mỗi hành động nhất định tạo ra một ảnh hưởng, và hành động của một người nào đó sẽ tạo ra tác động cho người đó trong cuộc sống. Do đó, nghiệp lực dẫn chúng ta tiến lên chỉ có thể là lực của thiện và sau cùng đến tuệ.

Từ tâm

Cái biểu hiện cao nhất của học thuyết Phật là metta mà chúng ta dịch là Từ Tâm (tâm từ bi). Từ Tâm là mục tiêu phổ quát của người Phật tử. Từ Tâm kêu gọi yêu thương và tha thứ. Từ Tâm có nghĩa cao hơn tình yêu thương anh em và lòng tốt. Từ Tâm là lòng nhân đức tích cực, là tình yêu thương thể hiện và hoàn thiện qua tác động thiện đến đồng loại, chúng sanh. Từ Tâm đi song song với giúp đỡ và ý chí loại bỏ sự íck kỉ để xiển dương phúc lợi và hạnh phúc cho nhân loại. Từ Tâm trong Phật giáo là một động lực cho sự tiến bộ của xã hội. Cần nói thêm rằng Từ Tâm là sự cảm thông rộng lớn nhất dành cho những người đau khổ. Người Phật tử chân chánh làm tất cả để thực hành Từ Tâm đến mỗi chúng sanh và không phân biệt chúng sanh dựa vào đẳng cấp, màu sắc, hay giới tính.

Ngoài ra, giáo huấn của Phật còn là một yếu tố văn hóa trong đời sống Phương Đông, cũng giống như Kinh Thánh là nguồn gốc của tư tưởng và văn hóa Phương Tây. Nhưng những sách của Phật rộng hơn và chi tiết hơn là Kinh Thánh. Trong tiếng Pali, các giáo huấn của Phật được gọi là Tripitaka, có nghĩa là "The Three Baskets" ("Ba Rổ" hay nói cho văn hoa là "Tam Tạng Kinh"). Tam Tạng Kinh bao gồm 3 bộ kinh: Vinaya Pitaka, Sutta Pitaka, và Abhidhamma Pitaka. Vinaya Pitaka là Luật Tạng, bao gồm 5 cuốn sách viết về các qui định về cuộc sống của tu sĩ. Sutta Pitaka là Kinh Tạng là một tập hợp những nghị luận, thảo luận, câu chuyện, thơ, và cách ngôn được viết bằng một ngôn ngữ đơn giản nhằm chuyển tải những ý tưởng cơ bản của Phật Giáo. Quyển kinh thứ ba là Abhidhamma Pitaka là Thắng Pháp Tạng hay Vi Diệu Pháp là tập hợp những bài giảng của Đức Phật về nhận thức luận, siêu hình học, tâm lí học, rất có ích cho các triết gia và giới học thuật. Do đó, bộ Tam Tạng kinh cung cấp một phác đồ khúc chiết hướng dẫn hoạt động cho mỗi cá nhân thuộc mỗi trình độ tri thức, đạo đức và tinh thần.

Chữ của Đức Phật là ánh sáng, là cái đèn cho Miến Điện -- và cho mọi người.

====

(2) Chú giải một số thuật ngữ trong bài

  • Bản ngã: Atta

  • Bát Chánh Đạo: Eight fold path

  • Bát nhã: Prajma (có nghĩa là trí tuệ, sự sáng suốt)

  • Chánh Đạo: Righteousness (?)

  • Cảnh giới: Plane

  • Duyên Khởi: Dependent Origination

  • Giác ngộ: Bodhi

  • Hư vô: Annihilation

  • Kinh Tạng: Sutta Pitaka

  • Luật Tạng kinh: Vinaya Pitaka

  • Ngã, cái tôi: Self

  • Niết bàn: Nirvana

  • Nghiệp, Nhân quả: Karma, Kamma

  • Nghiệp lực: Karmic force hay Kammic force

  • Pháp: Dharma, Dhamma

  • Tâm từ bi, từ tâm: Metta

  • Thắng Pháp Tạng: Abhidhamma Pitaka

  • Thiện: Good

  • Trung Đạo: Middle Way

  • Trí nhân: Knower

  • Tuệ: Wisdom

  • Tự ngã tri: Self-knowledge

  • Tứ Điệu Đế: Four Noble Truths

  • Vòng Luân Hồi: Wheel of Life

  • Vô ngã: Non-self

  • Vô thường: impermanence

(3) Trích từ Thư viện Hoa Sen

Atta được mô tả là sự hợp thành của năm uẩn — năm món tích tụ, hòa hợp làm thành thân tâm con người. Năm uẩn đó là Sắc uẩn (chỉ chung mọi thứ vật chất hữu hình, gồm các giác quan, bốn tay chân và ngũ tạng); Thụ uẩn (tức cảm giác, cảm thụ sự vật của tâm đối với cảnh); Tưởng uẩn (tưởng tượng về sự vật của tâm đối với cảnh); Hành uẩn (tác dụng về mọi thứ thiện ác như tham sân si, v.v. của tâm đối với cảnh); và Thức uẩn (nhận thức, ý thức, phân biệt sự vật của tâm đối với cảnh). Web: https://thuvienhoasen.org/a7611/ban-nga

Tứ Diệu Đế: Khổ đế (Dukkha) là thực trạng đau khổ của con người; Tập đế (Samudaya) là nguồn gốc hay nguyên nhân dẫn đến thực trạng đau khổ; Diệt đế (Nirodha): là sự kết thúc hay sự chấm dứt khổ đau; và Đạo đế (Magga) là con đường hay phương pháp thực hành dẫn đến chấm dứt khổ đau. Web: https://thuvienhoasen.org/a11636/bai-1-bon-chan-ly-tu-dieu-de

Trung Đạo là con đường giữa mà Phật đã tìm ra, khuyên người nên từ bỏ nhị biên, tránh làm các điều ác, làm các điều lành và giữ tâm thanh tịnh. Trung Đạo có nghĩa là “bất nhị (không hai)”. Trung Đạo vượt trên hữu vô, nhưng chứa đựng tất cả. Đức Phật dạy: “Khi phân biệt bị loại bỏ thì trung đạođược đạt đến, vì chân lý không nằm trong sự cực đoan mà là trong trung đạo.” https://thuvienhoasen.org/a10859/chuong-8-dao-va-trung-dao-path-and-middle-path

(4) Theravada có thể xem là "Phật giáo nguyên thủy".

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page