Cải cách chương trình đào tạo tiến sĩ
Đã và đang có quá nhiều hiểu lầm về bản chất của học vị tiến sĩ, và hiểu không đúng về mục đích và chương trình đào tạo tiến sĩ. Nhu cầu cải cách chương trình đào tạo tiến sĩ là rất cấp bách để giúp giáo dục và khoa học Việt Nam hội nhập quốc tế. Có lẽ cần phải kiến tạo ra hai chương trình đào tạo tiến sĩ khác nhau, một chương trình dành cho "tiến sĩ hàn lâm", một dành cho "tiến sĩ hướng nghiệp."
Nhiều người ở Việt Nam nghĩ rằng ở các nước Âu Mĩ đa số các tiến sĩ làm việc trong hệ thống đại học hay viện nghiên cứu khoa học, nhưng thực tế thì không phải vậy. Trong thực tế, ý nghĩa và mục đích của đào tạo tiến sĩ đã thay đổi nhiều trong thời gian gần đây. Năm 1973, hơn 50% những người tốt nghiệp tiến sĩ về sinh học sau 6 năm được bổ nhiệm chức vụ assistant professor (một chức vụ tương đương với "phó giáo sư"); ba thập niên sau, tỉ lệ này chỉ còn 15%. Ngày nay, có rất nhiều (có thể hơn 50%) tiến sĩ bỏ sự nghiệp nghiên cứu khoa học vì họ không có cơ may tìm việc trong các đại học và viện nghiên cứu. Nói chung, tình hình ở các nước Âu Mĩ ngày nay là thừa tiến sĩ, vì số tiến sĩ được đào tạo hàng năm cao hơn nhu cầu trong các đại học và cơ quan nghiên cứu khoa học.
Nhưng ở các nước phát triển như Việt Nam thì tình hình ngược lại: các đại học rất thiếu các giảng viên có trình độ tiến sĩ. Số liệu năm 2013 của Bộ GDĐT công bố cho thấy trong số gần 60000 giảng viên đại học, chỉ có 8519 (tức 14%) có bằng tiến sĩ. Ngay cả ở Mã Lai, nơi có nền giáo dục đại học tốt hơn Việt Nam, cũng chỉ có 20% giảng viên đại học có bằng tiến sĩ. Do đó, khác với các nước Âu Mĩ, Việt Nam thiếu giảng viên với trình độ tiến sĩ.
Ở Việt Nam, lại còn tồn tại một nghịch lí quan trọng về con số tiến sĩ. Việt Nam hiện có hơn 24,300 tiến sĩ, nhưng đa số không làm việc trong các đại học. Ngoài ra, trong số 10,000 giáo sư và phó giáo sư, nhưng khoảng 50% không làm việc trong các đại học hay viện nghiên cứu. Như vậy, có thể nói rằng Việt Nam ở trong tình trạng vừa thừa vừa thiếu tiến sĩ!
Tình hình tiến sĩ làm ngoài khoa học không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Theo số liệu trong một báo cáo của American Institutes for Research (2014) thì 61% người tốt nghiệp tiến sĩ lĩnh vực khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán (STEM) và 52% tiến sĩ chuyên ngành sinh học làm việc ngoài môi trường khoa bảng và nghiên cứu khoa học.
Mục đích học tiến sĩ là gì?
Những sự thật trên đặt ra câu hỏi căn bản: Mục đích của đào tạo tiến sĩ là gì? Không phải chỉ ở Việt Nam câu hỏi này mới được đặt ra, mà ngay cả ở những nước có nền giáo dục tiên tiến và có một lịch sử đào tạo tiến sĩ lâu dài, câu hỏi này vẫn còn mang tính thời sự.
Câu trả lời thực tế nhất là từ những người thầy đào tạo tiến sĩ. Trong một nghiên cứu trên những giáo sư hướng dẫn luận án tiến sĩ ở Anh, khi được hỏi mục đích của đào tạo tiến sĩ là gì, thì đa số giáo sư (72%) xem đào tạo tiến sĩ là chuẩn bị cho họ một sự nghiệp nghiên cứu khoa học chung ("training for a career in scientific research in general"), những người vừa có thể giảng dạy trong đại học, vừa có thể làm nghiên cứu khoa học trong môi trường đại học, và vừa có thể ứng dụng kĩ năng cho môi trường ngoài đại học. Do đó, một hội đồng giáo dục chuyên trách về đào tạo hậu đại học ở Anh (do Viện Hàn lâm Anh thiết lập) định nghĩa rằng mục đích của chương trình đào tạo tiến sĩ là giúp họ chuẩn bị cho một sự nghiệp nghiên cứu khoa học hoặc giảng dạy trong đại học, trang bị cho ứng viên những kĩ năng về nghiên cứu khoa học để có thể ứng dụng trong môi trường kĩ nghệ, quản trị công, truyền thông và văn hóa.
Chúng ta cần phải thay đổi nhận thức về đào tạo tiến sĩ. Những kĩ năng có được trong thời gian học tiến sĩ có thể ứng dụng để giải quyết nhiều vấn đề trong thực tế và do đó có thể áp dụng cho nhiều sự nghiệp khác nhau, kể cả trong bộ máy hành chánh. Chúng ta phải chấp nhận rằng không phải tiến sĩ nào cũng thích hợp cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Chúng ta cũng phải chấp nhận rằng tiến sĩ không phải chỉ để làm việc trong các đại học hay nghiên cứu khoa học, nhưng kĩ năng nghiên cứu của họ có thể ứng dụng cho nhiều môi trường ngoài khoa học.
Hai hệ tiến sĩ: hàn lâm và hướng nghiệp
Với những nhận thức mới này về tiến sĩ, đã có ý kiến phân chia thành 2 hệ tiến sĩ (xem chẳng hạn như Nature 3/12/2015). Một hệ tiến sĩ chỉ để theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học ("academic PhD", tạm gọi là "nhóm tiến sĩ hàn lâm") và một hệ tiến sĩ cho các sự nghiệp ngoài khoa bảng ("vocational PhD", tạm gọi là nhóm "tiến sĩ hướng nghiệp"). Nhóm tiến sĩ hàn lâm theo đuổi những nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu "mây xanh" (còn gọi là "blue sky"), nghiên cứu nhằm kiến tạo kiến thức mới, có thể chẳng có ứng dụng gì trong thực tế cả thế kỉ. Nhóm tiến sĩ hướng nghiệp được đào tạo theo kiểu hướng nghiệp cho một sự nghiệp cụ thể, với sứ mệnh nhằm cung cấp cho kĩ nghệ những chuyên gia cao cấp có khả năng vừa nghiên cứu vừa quản lí.
Trong thực tế, ở vài nước tiên tiến các đại học đã triển khai văn bằng tiến sĩ hướng nghiệp dưới những học vị như EngD (tiến sĩ kĩ thuật), EdD (tiến sĩ giáo dục), PharmD (tiến sĩ dược), DrPH (tiến sĩ y tế công cộng), DBA (tiến sĩ quản trị kinh doanh), v.v. Chẳng hạn như chương trình đào tạo EngD của Đại học Manchester có mục đích rõ ràng là đào tạo những chuyên gia vừa có khả năng nghiên cứu và quản lí.
Riêng trong ngành y, tôi đề nghị chấm dứt chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và II. Hai chương trình đào tạo này quả thật chẳng phù hợp với bất cứ chương trình nào trên thế giới, và có lẽ không cần thiết. Thay vào đó, tôi đề nghị nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo bác sĩ và tiến sĩ (MD/PhD) song song. Dĩ nhiên, ứng viên phải là những sinh viên xuất sắc đã tốt nghiệp cử nhân và ít nhất 21 tuổi. Trong thời đại khoa học phát triển rất nhanh như hiện nay, bác sĩ ra trường rất cần có những kiến thức khoa học cơ bản và phương pháp khoa học, chứ không chỉ đơn thuần kĩ năng lâm sàng. Chương trình MD/PhD thật ra không phải là mới nhưng đã được triển khai rất thành công ở một số đại học bên Mĩ. Sinh viên sẽ học lâu hơn (7-9 năm), nhưng khi ra trường sẽ được trang bị kĩ năng lâm sàng và nghiên cứu khoa học rất tốt.
Có rất nhiều hiểu sai hay hiểu chưa đúng về mục đích và bản chất của văn bằng tiến sĩ. Có người hiểu học tiến sĩ là phải đề ra một học thuyết mới, hay sáng chế ra một sản phẩm mới có ích cho xã hội. Nhưng trong thực tế, học tiến sĩ phần lớn là học về phương pháp khoa học và cách tiếp cận khoa học. Cách hiểu truyền thống là người tốt nghiệp tiến sĩ chỉ làm trong hệ thống giáo dục đại học như giảng dạy và nghiên cứu khoa học (và đây cũng chính là cách người viết bài này từng hiểu). Nhưng qua trải nghiệm thực tế và một lần tiếp xúc với một hiệu trưởng của một trường đại học ở Melbourne, tôi nghĩ cách hiểu trên có lẽ quá hẹp, vì trong thực tế người tốt nghiệp tiến sĩ (và tôi chỉ nói tốt nghiệp từ các trung tâm đào tạo nghiêm chỉnh) có thể áp dụng phương pháp khoa học cho nhiều lĩnh vực ngoài khoa học. Tôi tin rằng với cải cách theo hướng hai hệ tiến sĩ hàn lâm và hướng nghiệp sẽ giúp cho hệ thống giáo dục đại học tiếp cận với xu hướng mới trên thế giới.
Box 1
Con đường từ tiến sĩ đến giáo sư
Con đường từ tốt nghiệp tiến sĩ, đến hậu tiến sĩ, và đến giáo sư rất "gập ghềnh". Theo thống kê, chỉ có 10% nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ ở lại với nghiên cứu khoa học vì không có cơ hội (1). Một phân tích khác của Royal Society (2) cho thấy hành trình từ khi tốt nghiệp tiến sĩ đến một nhà khoa học thực thụ cũng rất gian nan. Theo thống kê của báo cáo này:
· hơn phân nửa (53%) tiến sĩ ở Anh tìm sự nghiệp ngoài khoa học và kĩ thuật;
· 17% làm nghiên cứu ở các công ti kĩ nghệ;
· 30% tìm được việc làm ở giai đoạn đầu sự nghiệp (tức là hậu tiến sĩ, giảng viên, assistant professor) trong các đại học.
Chỉ có 3.5% trong số tốt nghiệp tiến sĩ tìm được việc làm nghiên cứu khoa học trong các đại học. Chỉ có 0.45% (tức ~5 người trên 1000) sau này trở thành giáo sư thực tụ (2). Còn số người thành giáo sư thực thụ và có labo độc lập thì còn hiếm hơn nữa.
Thời gian từ tiến sĩ đến xong hậu tiến sĩ là từ 3-6 năm, nhưng cũng có thể lâu hơn. Điều này chỉ để nói rằng đào tạo được một nhà khoa học thực thụ cần thời gian và đầu tư nhiều công sức và tài nguyên.
(1) https://www.ecoom.be/en/research/doctoralcareers
(2) http://royalsociety.org/uploadedFiles/Royal_Society_Content/policy/publications/2010/4294970126