Số giáo sư tăng "đột biến" không phải là hiện tượng mới
Tôi mới phát hiện rằng số giáo sư được 'phong' trong quá khứ đã có vài lần tăng đột biến, chứ không phải chỉ năm nay. Có năm (1991, 1996) số giáo sư và phó giáo sư cộng lại gần xấp xỉ con số 1000! Biểu đồ dưới đây cho thấy xu hướng phong giáo sư và phó giáo sư trong 38 năm qua.
Chúng ta biết rằng qui chế phong giáo sư được khởi xướng từ năm 1980. Năm đó có đến 83 người được phong giáo sư và 347 người là phó giáo sư. Hai năm sau, số GS và PGS lần lượt là 117 và 664, tính ra tăng 82% so với năm 1980. Lạ lùng thay, đến năm 1986, số người được phong GS giảm xuống chỉ còn 6 người, và số PGS cũng chỉ 10 người! Cá biệt hai năm 1989 và 1997, chỉ có 2 người được phong GS và không có ai được phong PGS. Từ 1998 đến 2000 không có đợt phong giáo sư (?)
Bắt đầu từ năm 2001 trở đi, tình hình có vẻ 'ổn định', với tổng số GS và PGS dao động giữa 400 và 700. Nhưng đến năm 2017, như chúng ta thấy có sự tăng đột biến. Số GS/PGS (85 GS và 1141 PGS) năm 2017 tăng 74% so với năm 2016.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại những năm trong thế kỉ 20 thì đó không hẳn là quá cao. Chẳng hạn như năm 1992, Nhà nước phong giáo sư cho 247 người, và con số này là kỉ lục trong suốt 38 năm qua. Ngay cả những năm 1984, 1992, 1996 và 2002, con số GS dao động trong khoảng 115 đến 210 người!
Để thấy những con số GS/PGS của Việt Nam là bất bình thường, chúng ta phải nhìn sang Thái Lan để so sánh. Số liệu năm 2015 của Bộ Giáo dục Thái Lan cho biết các đại học hiện có 6376 associate professor và 754 professor (tức cỡ "giáo sư" của Việt Nam). Tính chung, các đại học Thái Lan có khoảng 7130 giáo sư và phó giáo sư. Ở Việt Nam, chỉ tính từ 2001, đã có 981 giáo sư và 8074 phó giáo sư, tức tổng số cao hơn Thái Lan khoảng 27%!
Trong thực tế, nếu nhìn vào chuẩn đề bạt thì có lẽ đa số phó giáo sư của Việt Nam chỉ tương đương với Assistant Professor của Thái Lan. Cũng có thể nói rằng qua "track record," đa số giáo sư Việt Nam có thể tương đương với Associate Professor hay thấp hơn của Thái Lan.
Tóm lại, hiện tượng tăng "đột biến" số giáo sư và phó giáo sư trong năm qua không phải là mới. Trong quá khứ đã có ít nhất là 3 đợt tăng đột biến như thế. Những xu hướng tăng giảm một cách đột biến như thế phản ảnh qui trình và tiêu chuẩn "phong" hay "công nhận" giáo sư ở Việt Nam có vấn đề. Có lẽ vấn đề lớn nhất là những tiêu chuẩn đặt ra thiếu tính khoa học (bởi vì nếu mang tính khoa học thì con số không thể 'irreproducible' như trong thời gian qua). Nếu thiếu tính khoa học thì có lẽ các tiêu chuẩn được đặt ra vì mục đích khác chứ không vì mục đích khoa học.