Tại sao các đại học Việt Nam không có trong bảng xếp hạng những đại học hàng đầu Châu Á?
Báo Đất Việt (phóng viên Thanh Huyền) có nhã ý hỏi tôi câu hỏi trên. Nhân dịp này tôi cũng bày tỏ một số ý nghĩ chung quanh câu hỏi đó. Tôi cũng nghĩ đến một "bức tranh lớn" hơn rằng chúng ta không nên chạy theo các bảng xếp hạng, mà nên xây dựng năng lực nghiên cứu khoa học trước. Tôi cũng đề nghị nên Anh ngữ hóa các chương trình đào tạo tiến sĩ và cao học.
PV: Tạp chí Times Higher Education (THE - Anh) vừa công bố Bảng xếp hạng những trường Đại học (ĐH) hàng đầu châu Á. Bảng xếp hạng năm nay có hơn 350 trường tới từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi các nước bạn như Thái Lan, Indonesia, Malaysia lần đầu tiên có tên trong danh sách này, thì các trường ĐH của Việt Nam vẫn tiếp tục vắng bóng tại bảng xếp hạng này. Là một chuyên gia có nhiều tâm huyết với nền giáo dục Việt Nam, ông đánh giá và nhìn nhận ra sao về kết quả này?
NVT: Tôi thiết nghĩ sự vắng bóng của các đại học Việt Nam trong các bảng xếp hạng đại học hàng đầu trên thế giới không phải là điều ngạc nhiên. Chúng ta không kì vọng điều đó xảy ra hiện nay và trong tương lai gần. Chúng ta không kì vọng là vì tiêu chuẩn xếp hạng đại học của các nhóm dựa vào nghiên cứu khoa học (NCKH) và cái mà tôi gọi là "điểm nổi" (hay tiếng Anh là visibility), cả hai đều là điểm yếu của hầu hết các đại học ở Việt Nam.
Như tôi có lần đề cập trước đây, NCKH có trọng số đến 60% trong các bảng xếp hạng đại học. Nói cách khác, NCKH hay phẩm chất của khoa học là yếu tố quyết định thứ hạng của một đại học. Mà, NCKH lại là một điểm yếu của các đại học Việt Nam. Những đại học có nhiều công bố khoa học trên các tập san quốc tế như Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Duy Tân, v.v. mỗi năm chỉ có trên dưới 300 bài. Con số đó còn quá ít để có thể cạnh tranh với các đại học trong vùng như Mahidol, Chulalongkorn, Malaya, Sains Malaysia, Indonesia, (chưa nói đến Nanyang hay NUS). Mỗi đại học vừa kể mỗi năm công bố từ 3000 đến 4500 bài báo khoa học, tức tương đương cả nước Việt Nam cộng lại!
Lí do thứ hai là khía cạnh điểm nổi (hay nói đúng ra là "điểm chìm"). Hiện nay, hầu hết các đại học Việt Nam chưa tạo được uy danh (prestige) trên trường quốc tế. Nguyên nhân là vì công bố khoa học còn khiêm tốn, nhưng một nguyên nhân khác là Việt Nam thiếu những nhà khoa học mà thế giới khoa học có thể nhìn vào và nhận ra "Việt Nam". Dĩ nhiên, Việt Nam cũng có các nhà khoa học nổi tiếng, nhưng con số còn rất ít (có thể chỉ trên dưới 20 người) để có thể tạo ra một "động lượng" đem tên tuổi Việt Nam và đại học Việt Nam vào trường khoa học quốc tế. Tôi thấy rất rất ít giới lãnh đạo giáo dục và đại học nhận ra tầm quan trọng của tính visibility này. Do đó, không ai ngạc nhiên khi các đại học Việt Nam còn lu mời trong thế giới đại học quốc tế.
Trong tương lai gần, tôi nghĩ giới báo chí không nên đặt câu hỏi tại sao các đại học Việt Nam không có tên trong các bảng xếp hạng đại học hàng đầu thế giới, mà nên hỏi sự tiến triển của NCKH đến đâu, và các trường đã làm gì để nâng cao tính visibility hay điểm nổi của đại học Việt Nam trên trường quốc tế. Chỉ khi nào Việt Nam có một đại học mà mỗi năm công bố ít nhất 2000 công trình nghiên cứu khoa học thì mới bàn đến việc đứng ở đâu trong các bảng xếp hạng đại học thế giới.
PV: Được biết, bảng xếp hạng này chú trọng tiêu chí nghiên cứu khoa học. Trong vài năm vừa qua, đây cũng là vấn đề được các trường quan tâm chú trọng tuy nhiên kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Thưa ông, đâu là nguyên nhân của thực trạng này? Muốn nâng hạng nghiên cứu khoa học, chỉ với quyết tâm và sự thạo thuộc cách bình xét của các tạp chí khoa học, dùng những cách thức phù hợp để đáp ứng liệu đã đủ?
NVT: Chúng ta không nên nghĩ đến việc "đi tắt đón đầu", bởi vì nghiên cứu khoa học phải được xây dựng từ cơ bản, chứ không có chuyện "đi tắt", càng không có chuyện "đón đầu". Ý tôi muốn nói rằng nên đầu tư nhiều vào việc quan trọng nhất là xây dựng năng lực khoa học.
Tôi xin giải thích thêm. Nền khoa học của một quốc gia trải qua 4 giai đoạn: tiền phát triển, xây dựng, củng cố và mở rộng, và quốc tế hóa. Tôi thấy nền khoa học Việt Nam đang ở trong giai đoạn xây dựng (như các nước Indonesia và Phi Luật Tân), tức còn thấp hơn Mã Lai và Thái Lan (giai đoạn củng cố và mở rộng) hay Singapore và Hàn Quốc (giai đoạn quốc tế hóa).
Do đó, vấn đề không phải là am hiểu các "luật chơi" khoa học (vì đó chỉ là đầu ra thứ phát), mà là xây dựng năng lực nghiên cứu khoa học. Chúng ta đang thiếu những nhà khoa học nổi tiếng, thiếu những công trình nghiên cứu lớn, thiếu đầu tư cho khoa học, và năng lực quản lí khoa học còn kém. Do đó, xây dựng năng lực nghiên cứu khoa học ở đây có nghĩa là thu hút, đào tạo và gìn giữ người có tài; là đầu tư mạnh về cơ sở vật chất một cách thích hợp và chính đáng; là chọn những chủ đề nghiên cứu có tác động lớn để theo đuổi; và nâng cao năng lực quản lí đầu ra của nghiên cứu khoa học.
PV: Thông tin được tạp chí THE đưa ra trong lúc dư luận Việt đang có nhiều nghi vấn về việc trong số 85 giáo sư được xét duyệt năm 2017, có tới 29 giáo sư (34%) không có bài báo đăng trên tạp chí ISI/Scopus. Trong số 1.141 phó giáo sư được xét duyệt thì có tới 609 người không có bài báo ISI/Scopus (chiếm 53%). Ông bình luận thế nào về hai thông tin này? Có phải không thưa ông rằng tâm lý chạy đua lấy thành tích khiến cho nhiều trường đại học không vững chân đi theo chuẩn mực thế giới? Và điều này có phải là nguyên nhân căn bản khiến đại học Việt Nam vẫn cứ mãi lạc nhịp so với thế giới hay không?
NVT: Tôi có suy nghĩ hơi khác về mối tương quan giữa số lượng giáo sư và thứ hạng trong bảng xếp hạng đại học. Trong thực tế, mối tương quan đó không hiện hữu, và do đó chúng ta không nên nghĩ hễ tăng số lượng giáo sư hay nhà khoa học là dẫn đến tăng hạng đại học Việt Nam trên trường quốc tế.
Vấn đề của Việt Nam là khá đặc thù ở chỗ 50% giáo sư (tôi dùng chữ đó cho cả "phó giáo sư") được công nhận không có công trình công bố trên các tập san quốc tế. Nếu điều này xảy ra vào thế kỉ 20 hay thập niêm 1970 hay 1980 thì có thể hiểu được và thông cảm được, nhưng khổ thay nó lại xảy ra ngay trong thời đại mà văn hóa "công bố hay là diệt vong" trong khoa bảng là một qui luật! Điều này có thể nói lên rằng hơn phân nửa giáo sư Việt Nam không làm nghiên cứu khoa học.
Ngay cả trong số các giáo sư có công bố khoa học thì số lượng cũng chưa nhiều và phẩm chất cũng còn hạn chế. Chẳng hạn như trong ngành y (ngành có nhiều giáo sư được công nhận), gần 90% công bố khoa học là do hợp tác quốc tế và người nước ngoài chủ trì, chứ đa số các giáo sư Việt Nam chỉ là tác giả "lính đánh bộ". Ngoài ra, cũng trong ngành y, 90% các bài báo khoa học được công bố trên những tập san có ảnh hưởng thấp (impact factor dưới 5). Đó là tình hình ngành y, nhưng tôi xem qua các ngành khác thì xu hướng cũng chẳng có gì quá khác biệt. Lượng có tăng (dù ít) nhưng phẩm thì còn quá khiêm tốn.
Những dữ liệu thực tế trên đây cho thấy tiêu chuẩn đề bạt (hay "công nhận") chức danh giáo sư của Việt Nam chưa nhắm đến mục tiêu nâng cao năng lực khoa học. Có thể nói rằng các tiêu chuẩn cho chức danh giáo sư hiện nay quá đơn giản và dường như có mục tiêu đạt được số lượng theo một kế hoạch duy ý chí nào đó. Nếu giả thuyết này đúng thì các tiêu chuẩn học thuật cho giáo sư chưa phục vụ cho việc xây dựng năng lực khoa học quốc gia.
PV: Để có những sự lột xác thực sự tại các trường Đại học, theo ông việc cần làm đầu tiên của Việt Nam là gì? Những khó khăn mà chúng ta có thể sẽ gặp phải? Bản thân ông có đặt kỳ vọng gì vào nền giáo dục nước nhà trong thời gian tới?
NVT: Đây là một câu hỏi quá lớn, mà tôi thì không có khả năng suy nghĩ bao quát được. Tôi chỉ muốn chia sẻ một số suy nghĩ về những việc cần/nên làm trước mắt:
Tổ chức lại nhân sự nghiên cứu khoa học. Trong bất cứ đại học nào, chỉ có một số ít (khoảng 20%) người làm nghiên cứu và năng suất của họ chiếm đa phần (có thể 80%) năng suất của cả trường. Do đó, vấn đề là qui tụ họ lại theo những nhóm nhỏ gọi là "research group", và nhiều nhóm nhỏ thành một "research division" (giống như 'sư đoàn khoa học') sao cho họ tương tác với nhau nhiều hơn nữa.
Tạo cơ hội cho nhiều người nghiên cứu khoa học. Ở Việt Nam nhiều người dường như bị "ám ảnh" bởi văn bằng tiến sĩ, và người ta nghĩ rằng phải có tiến sĩ mới có thể làm nghiên cứu khoa học. Điều này chỉ đúng ở một số ngành, nhưng ở các ngành như y khoa thì văn bằng bác sĩ có khi quan trọng hơn tiến sĩ, và nhiều bác sĩ làm nghiên cứu mà không cần và không có bằng tiến sĩ. Cũng phải tạo điều kiện cho những người có bằng cao học (masters) làm nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học quan trọng là ý tưởng và khả năng, chứ không phải bằng cấp. Nô lệ vào bằng cấp là một hình thức loại trừ những người có khả năng khoa học và có khả năng đóng góp vào việc xây dựng năng lực khoa học cho Việt Nam.
Tăng cường đầu tư. Ở cấp quốc gia, theo thông tin từ Quốc hội, ngân sách cho khoa học và công nghệ chỉ 1.5 đến 1.7% tổng chi, so với ở các nước phát triển tỉ lệ này là 3-4%. Tuy nhiên, ngay cả con số 1.5-1.7% này chủ yếu là cho nhân sự là chính, chứ không hẳn cho nghiên cứu khoa học hay cơ sở vật chất. Không thể nào đòi hỏi có công trình nghiên cứu có phẩm chất cao với mức đầu tư quá thấp.
Tài trợ cho khoa học. Tài trợ cho nghiên cứu khoa học hiện nay đã thấp, mà còn quá tập trung nhưng lại dàn trải. Thật ra, ngoại trừ vài trường có tài trợ cho nghiên cứu khoa học, đại đa số thì không có hoặc có thì cũng rất ít. Một công trình nghiên cứu thực nghiệm mà chỉ được đầu tư 10-20 triệu thì không có ý nghĩa gì cả (thà không tài trợ thì đỡ tốn kém hơn).
Anh ngữ hóa khoa học. Tôi nghĩ đã đến lúc phải "Anh ngữ hóa" một số hoạt động nghiên cứu khoa học. Nên dùng tiếng Anh cho tất cả các đề cương nghiên cứu. Tất cả các bài báo khoa học và luận án cao học trở lên trong nước nên dùng tiếng Anh, và tiếng Việt chỉ dùng cho phần tóm tắt (abstract). Trong thực tế, các nước Âu châu dù tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh vẫn dùng tiếng Anh trong các luận án, bài báo khoa học, và đề cương khoa học. Anh ngữ hóa giúp cho việc hội nhập nhanh hơn và thông tin khoa học chính xác hơn.
Nâng cao năng lực quản lí khoa học. Quản lí khoa học tốt có thể góp phần nâng cao năng lực khoa học của một trường đại học. Quản lí khoa học ở đây bao gồm kĩ năng và kinh nghiệm chọn đề tài nghiên cứu, thẩm định giá trị khoa học, quản lí đầu ra của nghiên cứu khoa học (kể cả phân biệt tập san khoa học). Nhưng đây là một khía cạnh ít được chú ý, và thay vào đó là những qui định mang tính hành chánh hóa và làm khổ giới khoa học hơn là giúp họ.
Nói chung, tôi nghĩ cần phải có một cuộc điều tra độc lập để tìm hiểu tình hình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong thời gian 20 năm qua, và từ đó đề ra định hướng mới cho Nhà nước. Không thể nào tiếp tục chi tiền hết năm này sang năm khác, mà hiệu quả của việc đầu tư thì không được đánh giá một cách có hệ thống và độc lập. Cần phải có một ủy ban với các giáo sư trong và ngoài nước, những người không hưởng lợi từ các tài trợ trong quá khứ, thẩm định lại hiệu quả của đầu tư cho khoa học trong quá khứ và đề ra chiến lược trong tương lai.
Bài đã đăng trên Đất Việt:
Sau khi báo Đất Việt đăng bài viết, có một số độc giả bình luận như sau:
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/khong-co-truong-dh-lot-top-chau-a-ai-se-buon-3353091/
Không có trường ĐH lọt top châu Á: Ai sẽ buồn?
(Giáo dục) - Muốn có tên trong các bảng xếp hạng Đại học hàng đầu trong khu vực cần có những chiến lược cụ thể, đừng đi tắt đón đầu.
Sau khi Đất Việt đăng tải bài viết: "VN không có trường ĐH lọt top châu Á: Không lạ!", ngày 18/2, với những ý kiến của GS Nguyễn Văn Tuấn - Viện Garvan, Australia khi Việt Nam không có trường Đại học nào lọt top trường Đại học châu Á, đã nhận được rất nhiều phản hồi của độc giả về vấn đề này.
Con số đầu tư khiêm tốn cho nghiên cứu khoa học
Đưa ra quan điểm của mình, độc giả Hoàng Nga viết: "Đầu tư của Việt Nam cho nghiên cứu khoa học chỉ là con số cực kỳ khiêm tốn so với Thái Lan, Singapore...chứ đừng nói đến Trung Quốc (chỉ so được với 1 tỉnh của họ).
Nên cần phải có chiến lược làm lại từ đầu, từ bước cơ bản và nâng dần, không có chuyện đi tắt hay đón đầu trong khoa học".
Thế nhưng, ở một góc nhìn khác, độc giả Hưng Vương cho rằng, thực ra chi phí cho khoa học của nước ta khá lớn: chi nuôi các đơn vị sự nghiệp khoa học (mà không làm khoa học); chi cho những dự án khoa học lớn (cấp nhà nước, nghị định thư...) mà không thu được gì (nhưng được kể đến trong xét duyệt GS, PGS)...
Trong khi, nghiên cứu khoa học thâm sâu như Toán học thì chỉ cần thời gian, giấy với bút và cái đầu to, chứ không có tốn kém nhiều.
Ngay cả khoa học thực nghiệm bây giờ người ta cũng dùng mô hình toán để giả lập và thí nghiệm ảo trên máy tính trước, rồi cuối cùng mới dùng mô hình thật để kiểm chứng.
"Nói thật người Việt mình vốn không có tính thiên hướng yêu khoa học thực sự, phần đông thích nghe tin đồn, rất tin vào thần thánh, bói toán, tướng số, phong thủy, địa lý các thứ, nhiễm nặng thói đi tắt đón đường giật tiền nhanh, để ăn nhậu hưởng thụ cho sướng, ít ai muốn sống đời đơn giản, hợp lý, thanh cao, kiên trì hướng đến các giá trị cao cả, lâu bền", độc giả này thẳng thắn.
Các nhà quản lý giáo dục có buồn?
Cũng đưa ra quan điểm của mình, độc giả Tuấn Văn đưa ra câu hỏi băn khoăn không hiểu các nhà quản lý giáo dục có buồn khi các trường đại học nước nhà luôn vắng bóng trong các bảng xếp hạng quốc tế.
Cứ hô mãi khẩu hiệu và chạy theo thành tích thì biết bao giờ đất nước phát triển. Nói thật người dân buồn vì đất nước lạm phát chức danh, học vị nhưng mãi vắng bóng.
Thậm chí, có lẽ thế giới họ "tự ái" vì thua kém Việt Nam về số lượng GS, PGS, TS, Ths nên cho Việt Nam đứng thứ hạng cao về mặt....số học.
Lý giải cho các con số đào tạo lớn, độc giả Nguyên Minh ví von: "Chỉ tiêu 20.000 tiến sĩ là quá ít, cần phải tạo ra 200.000 hoặc 2.000.000 tiến sĩ thì may ra chúng ta sẽ có được 10% tiến sĩ trong số đó có chất lượng khoa học thực sự, đảm bảo chúng ta sẽ đứng đầu thế giới vì người Việt Nam rất thông minh, thông minh vô cùng.
Đặc biệt, nếu một nền giáo dục quay cuồng với bằng cấp, chức danh thì còn thời gian đâu để ngiên cứu cạnh tranh với thế giới".
Từ việc đặt ra các chỉ tiêu con số đào tạo nên các trường Đại học mọc ra như nấm chủ yếu là để phổ cập Đại học, vậy làm sao đòi hỏi chất lượng tốt.
"Tôi khẳng định ngay cả ASEAN còn khó lọt Top nói chi thế giới, châu Á. Tôi biết mỗi năm nhà nước chi hàng nghìn tỷ cho nghiên cứu khoa học nhưng rút cuộc nghiên cứu những gì cũng không ai biết, nhưng kết luận thì vẫn thụt lùi", độc giả Minh phân tích.
Những cách tháo gỡ hiệu quả
Đưa ra một số giải pháp, độc giả có nickname Hoài Dân chỉ rõ: "Chúng ta cần yêu cầu GS, PGS, TS, Ths chỉ làm nghiên cứu khoa học, không được làm quản lý. Như vậy công trình nghiên cứu khoa học sẽ tăng đột biến và giảm đột biến số GS, PGS, TS, Ths.
Thêm nữa, hãy xóa bỏ đi tâm lý bằng cấp còn đang tồn tại trong xã hội, đặc biệt các nhà tuyển dụng lao động".
Đồng thời, theo độc giả trên thì cần bỏ chạy theo thành tích, bằng cấp, số lượng hãy đầu tư vào chất lượng, vào thực tế may ra sẽ có trường lọt top Đông Nam Á chứ châu Á.
Cả nước có cả nghìn GS, PGS mà chưa có các phát minh sáng chế được công nhận, toàn các ông nông dân phát minh ra như tàu ngầm, máy bay, trực thăng...
Điều này chính là thực tế biết trước khi các GS, PGS của Việt Nam đều được ra lò từ những cuộc xét duyệt và công nhận không giống ai (trên thế giới). Do đó, không thể đòi hỏi họ có khả năng làm ra những công trình khoa học có đóng góp gì đó cho nền khoa học nước nhà và thế giới.
Sơn Ca