top of page

Lí lịch sinh học của chó


Chó (tên khoa học là canis familiaris) có mặt trên trái đất này rất lâu đời. Tất cả các giống chó, dù là chó rừng hay chó gia dụng, đều thuộc một họ động vật canidae, (từ đó mới có danh từ carnivores – động vật ăn thịt) khởi sinh vào khoảng 50 triệu năm về trước. Chó là động vật tách rời khỏi đại gia đình canoidae (bao gồm cả gấu và chồn) sớm nhất, và đó là lí do tại sao chất liệu di truyền của chó giống với các động vật vừa kể hơn là giống với mèo hay cầy hương. Trong họ canidae có 3 chi: cáo (fox), chó sói (wolf) và chó nhà.

Chó và con người có một lịch sử dài chung sống với nhau, và tương kính nhau. Chả thế mà người ta vẫn thường nói chó là bạn tốt nhất của con người. Theo nghiên cứu khảo cổ học mới nhất thì chó và người đã đồng hành và chung sống với nhau ít nhất là 60 ngàn đến 100 ngàn năm về trước, tức là từ thời con người còn trong giai đoạn săn bắt hái lượm. Đó là một mối liên hệ rất lâu đời, lâu hơn cả mối liên hệ giữa con người và các gia cầm khác như gà, heo hay mèo (trên dưới 8 ngàn năm).

Nhìn qua lăng kính di truyền học, cấu trúc DNA của con người giống với chó hơn là giống với chuột. Có nhiều bệnh mà con người mắc phải cũng là những bệnh mà chó hay bị như ung thư, tiểu đường, bệnh tim mạch, động kinh, v.v… Giới khảo cổ học nghiên cứu về cách thức chôn cất chó của con người khắp nơi trên thế giới và đi đến một nhận xét là cách chôn cất chó ngày xưa cũng rất giống với cách chôn cất con người. Ở Việt Nam ta còn có tục thờ chó bằng cách chôn chó trước cổng nhà hay đặt chó vào bàn thờ như một thần linh.

Quê hương của chó: Đông Á

Một số nghiên cứu trong vòng mười năm trở lại đây cung cấp cho chúng ta rất nhiều thông tin thú vị về lí lịch sinh học của chó và mối liên hệ giữa chó và con người. Cũng như trong con người, đơn vị cấu trúc cơ bản của chó là gen, hay nói cho đúng hơn là DNA. Khác với con người chỉ có 23 nhiễm sắc thể, chó có đến 39 nhiễm sắc thể. Không ai biết chó có bao nhiêu gen, nhưng có ước tính cho rằng con số khoảng 35.000 đến 50.000 gen. Qua so sánh sự phân phối gen và khoảng cách di truyền giữa các loài chó trên thế giới, các nhà khoa học có thể truy tìm nguồn gốc của chó.

Ngày 8/12/2005, một nhóm gồm 47 nhà khoa học Mĩ và Âu châu tuyên bố rằng họ đã giải mã khoảng 99% DNA (tức khoảng 2,5 tỉ mẫu tự DNA) trong chó [1]. Trước đó chỉ 4 tháng (Tháng 8/2005) một nhóm khoa học gia Hàn Quốc tuyên bố rằng họ đã thành công nhân bản chó (còn gọi là cloning – tạo sinh vô tính) bằng cách dùng tế bào mầm (stem cells) [2]. Thành công này được xem là một bước tiến ngoạn mục của khoa học, vì nó có thể dẫn đến các thuật điều trị những bệnh như ung thư, tiểu đường, tâm thần phân liệt, v.v… bằng tế bào mầm. Nhưng con chó đó (tên là SNUPPY, viết tắt Seoul National University) đã chết vào năm 2016, thọ đúng 10 tuổi.

Hơn 10 năm trước, một loạt 3 công trình nghiên cứu [3-5] dựa vào DNA được công bố đã cho chúng ta một “câu chuyện” khác với câu chuyện xương xậu của loài chó mà chúng ta từng biết. Những phát hiện của ba công trình nghiên cứu này đều nhất quán hai điều: tổ tiên của các loài chó hiện nay ở Mĩ là loài chó sói, và quê hương của chúng là vùng Đông Á. (Tưởng cần nhắc lại rằng trước đây, dựa vào các hiện vật khảo cổ, giới khoa học tin rằng quê hương của loài chó là ở Trung Đông. Quan điểm này được xem là một “chân lí”, được giảng dạy trong nhà trường trong một thời gian khá lâu.)

Phát hiện về Đông Á là quê hương của các loài chó cũng gây ra một vài tranh chấp khá … khôi hài. Khi nghe tin này, một số nhà khoa học Trung Quốc bèn nhanh nhẹn tuyên bố rằng “Đông Á” ở đây có nghĩa là Trung Quốc, và Trung Quốc mới đích thực là quê hương của chó. Tuy nhiên, các nhà khoa học phương Tây, kể cả tác giả công trình nghiên cứu, thì dè dặt hơn, họ nói bằng chứng hiện nay chưa cho phép họ xác định được Đông Á là Trung Quốc hay một nơi khác như Đông Nam Á chẳng hạn.

Gia súc, kể cả chó, gắn liền với nền văn minh nông nghiệp. Đã từ lâu, thế giới vẫn cho rằng Trung Quốc là cái nôi của nông nghiệp, thế nhưng ngày nay chúng ta cũng biết rằng quê hương nguyên thủy của cây lúa rất có thể là ở chung quanh vùng Đông Dương - Mã Lai - Miến Điện, vì ở đây khí hậu nhiệt đới là môi trường thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp, và văn minh Hòa Bình là nền văn minh nông nghiệp đầu tiên trên thế giới, khoảng 15.000 năm trước. Ngoài kĩ thuật trồng lúa và cây trái, một thành tựu đáng kể khác của người Hòa Bình là thuần hóa một số gia súc như trâu, chó, lợn, gà, v.v… Theo E. Darwin và nhiều nhà khảo cổ học sau này, Đông Nam Á đóng vai trò rất lớn trong việc phổ biến các gia súc này.

Tuy chưa thể nói Đông Nam Á là quê hương của chó, nhưng cần chú ý thời điểm 15.000 năm phát triển nông nghiệp ở Đông Nam Á trùng hợp với thời điểm thuần hóa loài chó như vừa đề cập trên. Gần đây, nhiều bằng chứng di truyền học cho thấy nhiều loài gia cầm như dê và gà đều có nguồn gốc từ Đông Nam Á, quê hương nguyên thủy của nông nghiệp.

Thời điểm thuần hóa: 15.000 năm ?

Chó có lẽ là con vật đầu tiên được con người thuần hóa. (Nhưng cũng có nhiều nhà nhân chủng học cho rằng con người mới chính là sinh vật được thuần hóa đầu tiên!) Tuy nhiên thời điểm chó được thuần hóa vẫn còn là một nghi vấn khoa học đang được bàn cãi. Giới khảo cổ học dựa vào các di chỉ khảo cổ nhận xét rằng xương chó cổ xưa nhất chỉ mới 14.000 năm mà thôi. Ngày nay, dựa vào phân tích DNA, các nhà khoa học tại Thụy Điển ước đoán rằng thời điểm mà chó được thuần hóa là khoảng 15.000 năm đến 40.000 năm về trước. Thời điểm 40.000 năm dựa theo giả định rằng tất cả loài chó được thuần hóa từ một con chó sói duy nhất, và rõ ràng là giả định này khó mà chấp nhận được, cho nên các nhà khoa học chọn con số 15.000 năm (tức thời con người còn sống trong xã hội săn hái) là đáng tin cậy và có cơ sở nhất.

Nhưng bằng cách nào mà con người thời săn hái biết trước được ích lợi của việc thuần hóa loài chó sói? Cụ thể hơn, câu hỏi được đặt ra là chó được chọn lựa để thuần hóa vì chúng dễ bảo hay dễ huấn luyện? Có quan điểm cho rằng chó sói tự chúng thuần hóa. Chó sói, vừa là một sinh vật săn và lượm, chắc chắn đã từng quanh quẩn các chòi của con người để tìm thức ăn, và những con nào “học” hay sợ hãi con người, chúng sẽ sống sót và sinh sôi nẩy nở. Nếu giả thuyết này đúng thì đó chỉ là một hình thức lựa chọn tự nhiên. Từ quan điểm này, có thể cho rằng con người đã thuần hóa chó như là loài vật trong nhà vì chúng dễ huấn luyện hơn là dễ sai bảo.

Một quan điểm khác thì cho rằng con người đã thuần hóa chó cho các mục tiêu săn bắt. Những người sống bằng nghề săn lượm thời tiền sử thường bắt những thú hoang nhỏ và giữ chúng trong nhà để chúng trưởng thành trong nhà đến khi không còn “quản lí” được nữa. Một khi chó đã được thuần hóa, chúng trở nên có ích trong xã hội săn bắt, dù rất khó mà biết được đặc tính nào của chúng làm cho chúng trở nên đối tượng để thuần hóa. Chúng có thể là những thú vật giữ nhà, săn bắt, hay nguồn thực phẩm trong trường hợp khẩn cấp.

Nhiều nghiên cứu tâm lí cho thấy chó có khả năng nhận thức được hành vi và tín hiệu từ con người nhạy hơn khỉ. Khi nhìn vào con người, khỉ không biết người này có mang theo một món thức ăn hay không; trong khi đó chó có thể nhận biết rằng người đó có hay không có mang theo thức ăn! Chó sói, dù lanh lẹ và thông minh, nhưng không có khả năng tiếp nhận và diễn dịch các tín hiệu từ con người như loài chó nuôi trong nhà. Điều này cho thấy loài chó gia dụng ngày nay đã được thuần hóa vì chúng có khả năng diễn dịch được hành vi của con người.

Tuy nhiên, khi hai sinh vật sống gần nhau trong một thời gian dài, một sinh vật có thể ảnh hưởng đến một sinh vật khác và làm thay đổi vài đặc tính của nó. Có thể nói rằng chó có khả năng cảnh giác con người hay săn lùng những con vật khác để đôi bên, con người và chó, cùng có lợi. Con người có lẽ chọn những khả năng của chó, nhưng chó cũng có lẽ muốn hành xử như con người – dĩ nhiên là không cố ý – nhưng giúp cho con người dùng có khả năng tồn tại tốt hơn. Và chính vì thế mà chó ngày nay có khả năng nhận thức được những hành vi của con người.

Chó sói không phải là sinh vật dễ thuần hóa. Các nhà nghiên cứu Nga từng tiêu ra 26 năm để thuần hóa loài chó sói màu xám (silver fox), họ chỉ chọn chó nào có tính dễ chế ngự để thuần hóa. Sau khi chọn lựa từ 45.000 chó sói trong vòng 40 năm, họ chỉ thành công thuần hóa khoảng 100 con! Các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng khi bị được thuần hóa (hay chế ngự) các chú chó sói này cũng biểu hiện một vài thay đổi về sắc diện: tai trở nên mềm mại hơn, và đuôi biến thành màu trắng.

Đọc đến đây có lẽ nhiều bạn đọc ngạc nhiên tại sao thế giới lại bỏ ra hàng triệu đô-la để nghiên cứu những vấn đề có vẻ xa rời thực tế như thế? Câu trả lời ngắn là tri thức: chúng ta muốn có thêm tri thức. Vả lại, cái thời điểm mà tổ tiên chúng ta bắt đầu có liên hệ với chó là một sự kiện cực kì quan trọng trong lịch sử con người. Khi con người biết thuần hóa chó cũng có nghĩa là thời điểm mà con người biết chi phối đến cuộc sống (và số phận) của của loài vật khác và cây cỏ. Thành công này dẫn đến phát minh nông nghiệp, nuôi gia cầm và tiến bộ công nghiệp cho đến ngày nay.

Một điều khá trớ trêu là dù Đông Á nay được chính thức xem là quê hương của chó, và cấu trúc di truyền của chó rất gần với con người, nhưng cũng chính từ Đông Á, một số dân lại có truyền thống … ăn thịt chó! Không ít người Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam ta một mặt xem chó là bạn thân thiết của con người, nhưng mặt khác cũng không ngần ngại biến “bạn” thành mâm cỗ! Hi vọng rằng phát hiện mới nhất về quê hương của chó là một điểm khởi đầu để những cư dân nào ở Đông Á, kể cả Việt Nam, còn xem chó là một nguồn thực phẩm nên suy nghĩ lại thói quen này.

Chú thích và tài liệu tham khảo:

[1] Lindblad-Toh K, et al. Genome sequence, comparative analysis and haplotype structure of the domestic dog. Nature 2005; 438:803-819.

[2] Lee BC, et al. Dogs cloned from adult somatic cells. Nature 2005 4;436:641. Xem phần đính chính tại trong số Nature 2005;436:1102.

[3] Savolainen P, et al. Genetic Evidence for an East Asian Origin of Domestic Dogs. Science 2002: 1610-1613.

[4] Leonard JA, et al. Ancient DNA Evidence for Old World Origin of New World Dogs. Science 2002: 1613-1616

[5] Jonathan I. Bloch and Doug M. Boyer. Grasping Primate Origins. Science 2002: 1606-1610.

Bài đã đăng trên TT: https://tuoitre.vn/cho-chan-doan-ung-thu-ruot-426274.htm

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page