top of page

Bổ nhiệm giáo sư: 5 "nên" và 5 "không nên"

Mấy ngày qua, có thể nói là báo chí và công chúng 'dậy sóng' về chức danh giáo sư. Sau quyết định công nhận hơn 1200 giáo sư và phó giáo sư, ông Thủ tướng yêu cầu phải rà soát lại. Kết quả ra soát càng làm công chúng nghi ngờ thêm! Báo VNexpress hỏi tôi về qui trình bổ nhiệm giáo sư ở Úc và có đề nghị gì về qui chuẩn cho chức danh giáo sư ở Việt Nam. Tôi có 5 đề nghị "nên" và năm đề nghị "không nên".

Bài phỏng vấn đã đăng hai kì trên VNexpress:

===

Phóng viên (PV): Quy trình phong hàm giáo sư ở Australia như thế nào?

NVT: Ở Úc, cũng như ở nhiều nước nói tiếng Anh như Mĩ, Canada, Anh, v.v., giáo sư được xem là một chức vụ trong hệ thống đại học. Vì là chức vụ, nên không có khái niệm tiến phong, chỉ có bổ nhiệm. Việc bổ nhiệm giáo sư là do các đại học thực hiện thông qua một qui trình chuẩn. Qui trình này có 4 bước như sau:

  • Bước 1, ứng viên soạn thảo một hồ sơ khoa học, và đệ trình cho khoa trưởng. Hồ sơ bao gồm lí lịch khoa học, bản sao 10 bài báo quan trọng trong sự nghiệp và 5 bài báo trong 5 năm qua, kèm theo một văn bản giải thích tại sao ứng viên đáp ứng các tiêu chuẩn đề ra cho chức vụ giáo sư.

  • Bước 2, khoảng 2-3 tháng sau ngày đệ trình cho khoa, một hội đồng bổ nhiệm và đề bạt (committee of appointment and promotion) cấp khoa họp, xem xét hồ sơ, và gửi hồ sơ ra ngoài cho các giáo sư khác bình duyệt.

  • Bước 3, khoảng 2-3 tháng sau khi nhận được bình duyệt của các giáo sư ngoài, hội đồng bổ nhiệm và đề bạt cấp trường sẽ họp và phỏng vấn ứng viên (nếu ứng viên có cơ hội được mời phỏng vấn). Sau đó, hội đồng sẽ xem xét có nên bổ nhiệm hay đề bạt ứng viên.

  • Bước 4 là quyết định bổ nhiệm, thường là do hiệu trưởng đại học kí.

Đó là qui trình chung, nhưng qui trình này có khi còn tùy thuộc vào cấp giáo sư nữa. Ví dụ như đề bạt từ phó giáo sư lên giáo sư thực thụ thì còn phải qua hai lần phỏng vấn, chứ không phải một lần cho cấp phó giáo sư. Như có thể thấy qua qui trình trên, các thủ tục rất đơn giản và minh bạch. Đại học Tôn Đức Thắng cũng có qui trình tương tự như trên.

PV: Tiêu chí gì được chú trọng?

NVT: Tiêu chí thì giống nhau, nhưng tiêu chuẩn thì tùy thuộc vào trường đại học, cấp giáo sư và ngạch bổ nhiệm. Ở Úc có hai ngạch bổ nhiệm giáo sư: nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Nhưng dù ở ngạch nào hay cấp nào thì ứng viên vẫn được xét duyệt dựa trên 5 tiêu chí chính:

  • Thành tích nghiên cứu khoa học;

  • Thành tích giảng dạy và đào tạo;

  • Đóng góp cho chuyên ngành trên bình diện quốc gia và quốc tế;

  • Đóng góp cho trường đại học;

  • Đóng góp cho cộng đồng xã hội và chính sách công.

Mỗi tiêu chí có một nhóm tiêu chuẩn. Chẳng hạn như trong tiêu chí về nghiên cứu khoa học, hội đồng sẽ xem xét đến phẩm chất và thành tựu nghiên cứu khoa học của ứng viên. Phẩm chất khoa học có đánh giá qua số trích dẫn (chứ không phải số bài báo), tập san công bố, tác động đến chuyên ngành, v.v. Không có những con số cụ thể bao nhiêu, bởi vì những chỉ số vừa kể chỉ có tính tham khảo. Tuy nhiên, có những con số "hiểu ngầm", như ở các trường Go8 (tức thuộc nhóm 8 đại học nghiên cứu) thì một giáo sư phải có chỉ số H từ 20 trở lên, phó giáo sư phải có chỉ số H 15 trở lên. Kinh nghiệm tôi đã và đang ngồi trong các hội đồng này thì một giáo sư đạt được những 'chuẩn' đó thường có ít nhất 100 bài báo khoa học, còn phó giáo sư thì con số phải cỡ 40 trở lên. Đó là tiêu chuẩn cho ngạch giáo sư nghiên cứu, còn ngạch giáo sư giảng dạy thì có phần thấp hơn.

Mấy năm gần đây, một tiêu chuẩn quan trọng khác là thu hút tài trợ. Tôi thấy rất nhiều hồ sơ giáo sư nhấn mạnh đến số tiền (thường là bạc triệu USD) mà họ đem về cho trường. Lí do là mỗi đô la họ đem về cho trường thì trường được hưởng 30 cent. Do đó, thu hút tài trợ vừa là một thước đo đóng góp cho nhà trường mà vừa là một tín hiệu được đồng nghiệp ghi nhận.

Tiêu chí về nghiên cứu khoa học dù có thể quan trọng nhất, nhưng vẫn chưa đủ để được bổ nhiệm hay đề bạt chức vụ giáo sư. Một giáo sư thực thụ trước hết phải là một người "lãnh đạo khoa học", và ứng viên phải chứng minh khả năng này qua các hoạt động khác như đóng vai trò quan trọng trong các hiệp hội chuyên môn cấp quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong các hội đồng xét duyệt tài trợ khoa học, hội đồng biên tập của các tập san khoa học có uy tín. Ứng viên còn phải chứng minh mình được đồng nghiệp quốc tế công nhận qua các hình thức như được chủ tọa hay mời giảng trong các hội nghị quốc tế, được mời viết xã luận và tổng quan, v.v. Tất cả những tiêu chí này tuy chẳng có thước đo cụ thể, nhưng có khi lại là yếu tố quyết định cho sự thành bại trong bổ nhiệm và đề bạt!

Một tiêu chí khác cũng quan trọng không kém là đóng góp cho trường và cho xã hội. Một giáo sư, dù là cấp thấp hay cao, phải ý thức rằng mình có nhiệm vụ đóng góp cho trường và cho đất nước, chứ không phải chỉ ngồi trong 'tháp ngà' khoa bảng. Những đóng góp này có thể là qua hình thức viết báo phổ thông, phục vụ trong các ban tư vấn cho chính phủ, phục vụ trong các hội đồng cấp trường.

Tuy nhiên, như tôi nói lúc đầu, mỗi trường có một bộ tiêu chuẩn khác nhau, bởi vì nó phụ thuộc vào quá trình phát triển của trường. Những trường lâu năm và danh tiếng thường có bộ tiêu chuẩn cao hơn và qui trình gắt gao hơn những trường đang trong giai đoạn củng cố và phát triển. Có khi họ yêu cầu ứng viên phải chỉ ra là ứng viên tương đương với giáo sư nào trên thế giới. Do đó, chức vụ và chức danh giáo sư rất phụ thuộc vào trường.

Đó là chưa kể đến những trường hợp được bổ nhiệm 'thần tốc' hay chẳng qua qui trình chuẩn trên, nhưng những trường hợp này không nhiều. Chẳng hạn như vài ngày trước, Đại học Công nghệ Sydney (UTS) bổ nhiệm một nhà báo kì cựu chức giáo sư và giám đốc Trường báo chí, dù nhà báo này chưa từng giảng dạy và cũng chưa từng nghiên cứu khoa học có công bố quốc tế. Những trường hợp như thế tuy hiếm nhưng càng ngày càng nhiều, vì sự thay đổi nhận thức về chức vụ giáo sư ở các đại học phương Tây.

PV: Mục đích của việc phong hàm giáo sư là gì?

NVT: Mục đích số 1 của việc bổ nhiệm (chứ không phải "tiến phong") giáo sư là nhằm thu hút và giữ nhân tài. Hai chữ 'nhân tài' ở đây phải hiểu là những nhà khoa học có những thành tích và thành tựu khoa học và giảng dạy giúp nâng cao uy danh của trường đại học trên trường quốc tế. Tiếng Anh gọi mục đích này là 'visibility', tức là 'điểm nổi'. Trường đại học có nổi hay không là nhờ vào những giáo sư và những đóng góp của họ.

Mục đích thứ hai là ghi nhận đóng góp của các nhà khoa học. Ghi nhận qua việc bổ nhiệm họ vào vị trí tương xứng. Vị trí tương xứng trong khoa bảng, xã hội, và tài chánh. Do đó, có thể nói rằng mục đích thứ hai của việc bổ nhiệm giáo sư là tưởng thưởng.

PV: Anh đánh giá thế nào về số lượng giáo sư, phó giáo sư Việt Nam tăng đột biến năm vừa qua?

NVT: Báo chí và nhiều người trong giới học thuật đã nhận xét rằng con số giáo sư và phó giáo sư năm nay tăng một cách "đột biến" so với năm trước. Tôi xem lại con số thì sự gia tăng chủ yếu là ở nhóm phó giáo sư (tăng gần 80%, từ 638 đến 1141), còn nhóm giáo sư thì tăng 30% (từ 65 lên 85 người). Đúng là có tăng bất thường.

Nhưng tôi nghĩ nếu nhìn lại quá khứ thì cũng đã có những đợt tăng đột biến như thế. Có thể xem biểu đồ dưới đây để thấy xu hướng tôi vừa đề cập. Qui chế phong giáo sư ở Việt Nam bắt đầu từ 1980, và năm đó có đến 83 người được phong giáo sư và 347 người là phó giáo sư. Hai năm sau, số GS và PGS lần lượt là 117 và 664, tính ra tăng 82% so với năm 1980. Năm 1992, Nhà nước phong chức danh giáo sư cho 247 người, và con số này là kỉ lục trong suốt 38 năm qua. Ngay cả những năm 1984, 1992, 1996 và 2002, con số GS dao động trong khoảng 115 đến 210 người! Do đó, có thể nói con số giáo sư được công nhận năm nay (2017) không phải là quá cao.

Tuy nhiên, con số phó giáo sư được công nhận năm 2017 thì đúng là cao một cách bất thường so với suốt thời gian từ 1980 đến 2016.

Để thấy những con số GS/PGS của Việt Nam là bất bình thường, chúng ta phải nhìn sang Thái Lan để so sánh. Số liệu năm 2015 của Bộ Giáo dục Thái Lan cho biết các đại học hiện có 6376 associate professor (tức phó giáo sư) và 754 professor (tức cấp "giáo sư" của Việt Nam). Tính chung, các đại học Thái Lan có khoảng 7130 giáo sư và phó giáo sư. Ở Việt Nam, chỉ tính từ 2001, đã có 981 giáo sư và 8074 phó giáo sư, tức tổng số cao hơn Thái Lan khoảng 27%!

Biểu đồ thể hiện số giáo sư (màu hồng) và phó giáo sư (màu xanh) được phong hay công nhận từ năm 1980 đến 2017.

PV: Ở Australia có trường hợp cụ thể nào được phong hàm giáo sư trọn đời như ở Việt Nam không ạ? (theo em được biết thì ở nhiều nước, chức danh giáo sư thường gắn với thời gian làm việc ở trường đại học)

NVT: Bởi vì giáo sư được xem là chức vụ, nên không ai giữ chức này suốt đời, và do đó không thể dùng chức danh giáo sư suốt đời. Khi được bổ nhiệm chức vụ giáo sư, nhiệm kì thường là 5 năm. Ví dụ như ông John Hewson (cựu giáo sư kinh tế của Đại học New South Wales) khi ông rời khoa bảng và tham gia chính trường thì ông không còn chức danh "giáo sư" trước tên nữa. Tuy nhiên, các đại học Úc có qui chế phong tặng chức danh "Emeritus Professor" cho những giáo sư đã nghỉ hưu nhưng từng có công lớn với trường trong thời gian tại chức. Phong tặng chức danh "Emeritus Professor" phải do một hội đồng khoa bảng của trường đại học xem xét và hiệu trưởng phê chuẩn.

PV: Ở Australia có qui chế giới hạn một giáo sư hướng dẫn bao nhiêu nghiên cứu sinh hay không? Chất lượng hướng dẫn được đánh giá như thế nào? Hiện dư luận Việt Nam đang xôn xao vì giáo sư (là quan chức nhà nước) dù bận rộn nhưng vẫn hướng dẫn cho rất nhiều nghiên cứu sinh và việc đó được quy đổi thành điểm.

NVT: Như tôi có đề cập trong phần tiêu chí đề bạt và bổ nhiệm chức vụ giáo sư, đào tạo và giảng dạy là một trong 5 tiêu chí quan trọng. Đối với các giáo sư ngạch giảng dạy thì chất lượng giảng dạy và viết sách giáo khoa (được xuất bản bởi các nhà xuất bản có uy tín như Wiley, Springer, Elsevier) được xem là một tiêu chuẩn. Nhưng đối với các giáo sư ngạch nghiên cứu thì hướng dẫn sinh viên cấp tiến sĩ và thạc sĩ là một tiêu chuẩn để xem xét đề bạt. Có thể nói 100% các phó giáo sư và giáo sư Úc đều có thành tích hướng dẫn nghiên cứu sinh cấp tiến sĩ, chỉ khác nhau là số lượng mà thôi.

Dĩ nhiên là có giới hạn số nghiên cứu sinh mà một giáo sư có thể hướng dẫn. Thông thường tôi thấy một giáo sư chỉ có thể hướng dẫn 5 sinh viên cùng một lúc, không thể hơn được. Lí do là vì ở Úc, các nghiên cứu sinh là những người làm nghiên cứu toàn thời gian (y như người đi làm), và theo qui định, mỗi tuần giáo sư phải giành ra ít nhất 1 giờ cho một nghiên cứu sinh. Trong thực tế thì nhiều hơn, vì giáo sư phải thường xuyên có mặt để nghiên cứu sinh có thể tham vấn. Đó là chưa tính đến thời gian biên tập bản thảo cho nghiên cứu sinh, họp lab, họp seminar, v.v. Vả lại, cứ mỗi 6 tháng thì đại học họ mời cả thầy và trò gặp hội đồng đào tạo của trường để báo cáo tiến độ, và nếu có vấn đề thì tìm biện pháp khắc phục. Cũng có vài trường hợp khi giáo sư không gặp nghiên cứu sinh thường xuyên thì hội đồng sẽ chuyển nghiên cứu sinh sang một nhóm khác dưới sự hướng dẫn của một giáo sư mới.

Chất lượng hướng dẫn nghiên cứu sinh được đánh giá qua 3 chỉ tiêu. Thứ nhất là nghiên cứu có công bố được bài báo khoa học hay không, và nếu có thì công bố ở những tập san có ảnh hưởng cao hay không. Thứ hai là nghiên cứu sinh có được trao những giải thưởng của các hiệp hội chuyên ngành. Thứ ba là sau khi tốt nghiệp, nghiên cứu sinh có tìm được vị trí nghiên cứu hậu tiến sĩ (postdoc), và nếu tìm được thì ở trường thuộc hạng "top" hay không. Không chỉ nghiên cứu sinh, mà giáo sư còn phải có khả năng thu hút nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ, và sau khi xong huấn luyện thì sự nghiệp của họ như thế nào. Họ đến "đầu quân" từ tiền của họ hay của labo cũng là một tín hiệu ngầm về uy tín của giáo sư. Tất cả những chi tiết này đều được trình bày trong hồ sơ bổ nhiệm.

PV: Trách nhiệm của giáo sư sau khi được phong hàm là gì? Hoạt động của giáo sư được theo dõi như thế nào? Nếu không thực hiện đúng hoặc đủ thì xử lý ra sao? (miễn nhiệm hay không)

NVT: Câu trả lời tuỳ thuộc vào loại giáo sư. Thường, trong một đại học có nhiều loại giáo sư. Có những giáo sư ở cấp 'thấp' nhất là không giữ chức vụ nào quan trọng, còn gọi là 'giáo sư trơn'. Có những giáo sư là giám đốc điều hành các labo nghiên cứu, nhóm nghiên cứu; có những giáo sư là chair (chủ nhiệm) của một chuyên ngành hay một bộ môn; có những giáo sư giữ chức quản lí như giám đốc một trường, một viện nghiên cứu, hay thậm chí khoa trưởng.

Sau khi được bổ nhiệm hay đề bạt thì các giáo sư vẫn tiếp tục làm công việc nghiên cứu hay giảng dạy, nhưng trường kì vọng họ phải làm tốt hơn nữa. Tốt hơn ở đây có thể hiểu là nâng cao chất lượng nghiên cứu nhiều hơn nữa, tham gia vào các hiệp hội chuyên môn quốc tế ở vai trò cao hơn nữa, tham gia vào các hội đồng biên tập với vai trò cao hơn nữa, v.v. Ngoài ra, trường cũng kì vọng giáo sư đem nhiều tiền về cho trường qua các hoạt động chuyển giao công nghệ, thu hút tài trợ cho nghiên cứu, và hoạt động quốc tế. Như tôi nói trên, mỗi giáo sư -- nhất là cấp giáo sư thực thụ -- phải là một 'leader' hay nhà lãnh đạo. Lãnh đạo ở đây cũng có nghĩa là nâng cái visibility của đại học trên trường quốc tế.

Rất ít khi nào giáo sư bị miễn nhiệm, vì nhiệm kì chỉ có 5 năm. Có những giáo sư sau khi được bổ nhiệm thì thành tích khoa học bắt đầu tuột dốc, và không còn năng lực thu hút tài trợ nữa, nên họ khó có thể gia hạn nhiệm kì sau. Bên cạnh đó, trong thực tế cũng có vài trường hợp bị miễn nhiệm do những hành động hay vi phạm ngoài khoa học, như sách nhiễu tình dục hay vi phạm điều lệ an toàn trong labo gây tai nạn nghiêm trọng cho cộng sự.

Nhưng nhìn chung, các giáo sư có mức độ độc lập rất cao so với những chức vụ khác. Chẳng hạn như tôi có ngân sách riêng, có quyền tuyển dụng nhân sự (như sinh viên tiến sĩ, hậu tiến sĩ, hay phụ tá nghiên cứu), có quyền hợp tác với bất cứ nhóm nghiên cứu nào trên thế giới, có quyền thương lượng với các công ti kĩ nghệ, v.v. Nói chung, mỗi giáo sư có chức vụ cụ thể giống như là giám đốc của một doanh nghiệp khoa học và đào tạo.

PV: Anh có đề xuất gì cho Việt Nam về quy trình phong hàm giáo sư để kết quả thuyết phục hơn hay không?

NVT: Tôi thấy đã có rất nhiều tiếng nói tâm huyết đề nghị cải cách qui trình và tiêu chuẩn cho các chức vụ giáo sư. Ở đây, tôi chỉ muốn nhắc lại những ý kiến mà tôi từng phát biểu (có lẽ quá nhiều lần) trước đây. Tôi có 10 đề nghị, 5 đề nghị "nên" và5 đề nghị "không nên":

1. Nên thay đổi nhận thức về giáo sư. Chúng ta nên theo qui chế của đa số các đại học trên thế giới và xem giáo sư là một chức vụ, chứ không phải là chức danh hay phẩm hàm.

2. Nên giao việc bổ nhiệm chức vụ giáo sư cho trường đại học. Điều này đã được các nhà khoa học nêu lên rất nhiều trong thời gian gần đây. Nếu chấp nhận giáo sư là một chức vụ, mà chức vụ thì gắn liền với một đại học, nên một cách hợp lí là nên chuyển việc xét duyệt chức vụ giáo sư cho trường đại học. Tuy nhiên, tình hình ở Việt Nam là có nhiều đại học chưa có năng lực độc lập để bổ nhiệm giáo sư. Do đó, tôi đề nghị chỉ giao cho các đại học có công bố quốc tế thuộc nhóm [chẳng hạn như] "top 10" bổ nhiệm chức vụ giáo sư. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cần quản lí qui trình và tiêu chí, chứ không nên can thiệp vào các hội đồng bổ nhiệm của đại học.

3. Nên mở rộng 3 cấp giáo sư: assistant professor (giáo sư trợ lí), associate professor (phó giáo sư) và professor (giáo sư). Đây là xu hướng chung ở các đại học Âu Mĩ. Ngay cả ở Úc, nơi từng theo hệ thống của Anh, nay cũng bắt đầu chuyển sang hệ thống ba cấp giáo sư như Mĩ. Các nước trong vùng như Mã Lai, Thái Lan, Phi Luật Tân, Nam Dương, Singapore, và Hàn Quốc cũng đều theo hệ thống 3 bậc giáo sư như Mĩ. Chuyển sang hệ thống này giúp cho các nhà khoa học Việt Nam "dễ ăn nói" với các đồng nghiệp nước ngoài.

4. Nên tạo ra hai ngạch giáo sư: nghiên cứu khoa học và giảng dạy & đào tạo. Trong thực tế có những nhà khoa học chỉ làm nghiên cứu khoa học, nhưng cũng có nhiều người tập trung vào việc giảng dạy và đào tạo. Cả hai nhóm cần được ghi nhận đúng mức. Dĩ nhiên, tiêu chuẩn cho hai ngạch giáo sư cũng cần phải uyển chuyển để phản ảnh đúng đặc thù cho từng ngạch.

5. Nên có giáo sư nước ngoài bình duyệt (đối với một số ngành khoa học thực nghiệm và khoa học tự nhiên). Để cho người được bổ nhiệm chức vụ giáo sư cảm thấy mình xứng đáng đứng trong 'hàng ngũ' giáo sư trên thế giới, tôi đề nghị mỗi hồ sơ của ứng viên phải có ít nhất một giáo sư nước ngoài bình duyệt. Các giáo sư nước ngoài phải được chọn cẩn thận (như thuộc các trường đại học "top 500") và có thành tích khoa học tốt. Điều này có thể khó lúc đầu, nhưng Đại học Tôn Đức Thắng đã làm và khá thành công.

6. Không nên bổ nhiệm các quan chức làm giáo sư. Việt Nam có lẽ là một trong vài nơi công nhận chức danh giáo sư cho các quan chức. Tôi nghĩ có thể có cách làm khác như cách làm ở Úc. Thay vì công nhận chức danh giáo sư cho họ, có thể tạo ra một chức vụ mới gọi là "Giáo sư kiêm nhiệm" hay "Conjoint Professor" (có khi gọi là "Adjunct Professor"), và theo qui chế này họ có quyền dùng chức danh "Giáo sư kiêm nhiệm" nhưng không được dùng chức danh "Giáo sư".

7. Không nên có những tiêu chuẩn cứng nhắc như viết sách. Viết sách có thể xem là một tiêu chuẩn, nhưng không nên xem đó là yếu tố quyết định cho các chức danh giáo sư. Thành tựu khoa học của một cá nhân không thể chỉ phản ảnh qua sách. Thật ra, ở Úc một số ngành người ta không xem việc biên sọan sách là một tiêu chuẩn quan trọng.

8. Không nên theo đuổi những tính toán máy móc như điểm bài báo trên các tập san có bình duyệt ở nước ngoài tương đương hay cao hơn một chút so với những bài báo công bố trên các tập san ở trong nước. Các tập san khoa học nước ngoài, dù là có bình duyệt, cũng "thượng vàng hạ cám", tức là rất khác nhau về phẩm chất. Một công trình trên tập san New England Journal of Medicine, Lancet, JAMA, Nature, Science, Cell thì không thể xem tương đương với hay cao hơn chỉ 1-2 điểm so với một tập san như Medical Journal of Australia hay Y học thực hành được.

9. Không nên "bình quân hóa" trong xét duyệt công trạng khoa học. Hiện nay, một số ngành có xu hướng đánh đồng công trạng trong công trình nghiên cứu khoa học, mà theo đó rất nhiều ứng viên không đóng vai trò quan trọng trong bài báo vẫn được tính điểm như các tác giả khác (kể cả tác giả chủ trì). Cần nhớ rằng bổ nhiệm chức vụ giáo sư là nhận dạng và khuyến khích tính độc lập của nhà khoa học, nên cần phải đòi hỏi họ phải là tác giả chính các công trình khoa học quan trọng, chứ không thể "ăn theo" mà vẫn có điểm. Điều này có ý nghĩa quốc gia, bởi vì hơn 70% các bài báo khoa học trên các tập san quốc tế là do hợp tác với nước ngoài và thường do người nước ngoài chủ trì; chúng ta phải thay đổi tình hình này bằng cách thay đổi tiêu chuẩn bổ nhiệm giáo sư.

10. Không nên quá chú trọng vào lượng. Nhiều người có xu hướng quan trọng hóa số lượng bài báo quốc tế, số chức danh 'danh dự' như "giáo sư thỉnh giảng" hay số giải thưởng. Tuy nhiên, vấn đề không phải là lượng mà là phẩm. Những ứng viên với vài công trình quan trọng trên các tập san đỉnh hay có nhiều trích dẫn là những người cần phải được quan tâm hơn là những người công bố nhiều nhưng không có tác động. Những chức danh mang tính ngoại giao như "giáo sư thỉnh giảng" không có ý nghĩa hay trọng lượng gì trong việc bổ nhiệm giáo sư cả, nhưng những người được mời nói chuyện trong các hội nghị quốc tế tầm vài ngàn người chính là những người cần được ghi nhận.

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page