top of page

Sự quì gối của luân lí học đường


Tranh minh họa của tuoitre.vn

Một cô giáo ở Long An phạt một số học trò quì gối trong lớp học. Phụ huynh của học trò đáp trả bằng cách yêu cầu cô giáo quì gối suốt 40 phút mới "cho qua". Tình tiết câu chuyện có lẽ không quá nghiêm trọng nếu như sự việc không xảy ra trong môi trường học đường. Sự việc nói lên một sự loạn chuẩn ở học đường và xã hội thời nay.

Tôi nghĩ trong cuộc đời của bất cứ học trò nào cũng trải qua một vài lần lầm lỗi và vài lần bị thầy cô phạt. Nhớ ngày xưa thời của tôi (thập niên 1960s – 1970s) ở miền Nam, các thầy cô (nhất là các thầy) rất nghiêm khắc với học trò. Thời đó, học trò, dù trong quê hay thành thị, đều phải mặc đồng phục và đeo phù hiệu, tóc tai phải gọn gàng, ăn nói phải lễ độ. Gặp thầy cô ngoài đường hay chợ là tự động khoanh tay cuối đầu chào. Trong giờ học mà ồn ào hay quậy phá là thế nào cũng bị phạt. Con trai bị phạt nhiều hơn con gái. Chẳng hiểu sự khác biệt là do kì thị hay tại vì con gái dễ thương hơn đám con trai.

Hình phạt thì ... nhiều lắm. Nhẹ nhất là nhéo tai, bắt đứng trước lớp học trả bài (và dĩ nhiên là … không thuộc bài) để cho bạn học cười ầm lên. Hình phạt thường xuyên nhất là quì gối trong lớp học 10-20 phút. Nặng hơn chút là quất roi vào mông, nhưng nhẹ thôi (dù nhẹ nhưng cũng đau). Có một hình phạt làm tôi 'quê' nhất là bắt nằm dài trên bàn học trước mặt mấy đứa con gái, và thầy quất roi vào mông. Hình phạt làm tụi tôi sợ nhất là quì gối trước cột cờ trong cái nắng chang chang. Một hình phạt khác cũng làm đám học sinh sợ là chụm mấy đầu ngón tay lại và thầy lấy thước gõ lên đó – ui chao, cái hình phạt này đau thật. Cũng may, mấy hình phạt nặng đó ít khi nào xảy ra.

Nhưng dù là hình phạt nặng hay nhẹ, những người học trò chúng tôi không bao giờ giữ trong lòng bất cứ một cảm nghĩ xấu xa gì với thầy cô. Ngược lại là khác, khi lớn lên chúng tôi mới thấy những hình phạt đó là cần thiết. Tôi bị phạt khá thường xuyên, nhưng trong đầu óc tôi – dù chỉ là 1 giây – không bao giờ nghĩ xấu thầy cô. Không bao giờ oán trách thầy cô. Các bậc phụ huynh cũng không khi nào trách thầy cô; có khi còn nói "phạt nó nữa cho tôi!"

Thầy cô thời đó là cả một tượng đài học đường. Thật ra, thầy cô tiểu học được xem như là "cha mẹ thứ hai". Nghĩ cũng đúng, bởi vì chính thầy cô là những người dìu dắt mình trong những ngày đầu đời bước ra khỏi mái ấm gia đình. Thầy cô là người giúp mình hình thành các chuẩn mực xã hội, biết phân biệt cái đúng, cái sai, và dẫn dắt mình vào thế giới chữ nghĩa.

Tôi nhớ hoài Thầy Phát của tôi, hồi đó là hiệu trưởng trường tiểu học trong làng. Lúc đó, tóc Thầy đã điểm sương, mặt mũi rất nghiêm, dù ở trong làng quê nhưng thầy lúc nào cũng áo trong quần, nón nỉ màu đen. Chỉ nhìn cái dáng và uy phong của Thầy là đám học trò chúng tôi đã … ngán. Mỗi lần theo Má tôi đi chợ, gặp Thầy là tôi sợ lắm, vì hình như mình làm cái gì Thầy cũng có cách bắt bẽ. Thầy tuy nghiêm khắc như vậy, nhưng khi tụi tôi đi thi (thời đó phải thi tốt nghiệp tiểu học) thì Thầy lo lắng lắm, lúc nào cũng dặn dò là phải đem danh dự về cho trường. Tôi nhớ hoài cái hình bóng Thầy đứng vẫy tay khi tụi tôi lên xe đò ra tỉnh thi. Nhà của Thầy ở sát bên trường học, chung quanh nhà trồng bông rất đẹp, nhà thì sạch sẽ khỏi nói, con của Thầy ai cũng làm thầy cô hết. Thầy Phát chính là hình ảnh tiêu biểu của một người thầy mẫu mực thời đó.

Đã làm nghề giáo thì phải có lần phạt học trò. Nhiều khi tôi tự hỏi việc xử phạt học trò trong trường học có mục đích gì. Có lẽ mục đích chính là giữ gìn truyền thống và kỉ cương nhà trường. Khi học trò bước vào cổng trường cũng là lúc đi vào một thế giới học thuật, và trong cái thế giới đó nó có những qui định, qui ước, cùng như truyền thống. Tất cả học trò phải tuân thủ theo những qui định, qui ước và truyền thống đó, cũng là một hình thức chuẩn bị cho học trò thích ứng với môi trường xã hội mới (chứ không còn trong gia đình nữa). Nói theo tiếng Anh là phải "conform", tức tuân thủ và thích ứng. Bởi vì tuổi học trò là tuổi dễ uốn nắn, nên yêu cầu tuân thủ kỉ luật rất quan trọng và dễ thực hiện. Kỉ luật để học trò làm quen với lí tưởng chân -- thiện -- mĩ.

Ở nước ngoài, bên cạnh những qui ước mang tính văn hóa, mỗi trường cũng có những kỉ cương và qui định riêng. Trường tư của các tôn giáo có qui định khác với trường công, nhưng tất cả đều hướng học trò đến lí tưởng chân -- thiện -- mĩ. Khi ra nước ngoài tôi mới phát hiện ở Úc này trước đây các trường học cũng có những hình phạt học trò y như những gì tôi từng trải qua trong thời học trò. Ở Úc ngày xưa, các thầy cô cũng giống y như các thầy cô ở Việt Nam, tức là phạt học trò dữ lắm. Đặc biệt là ở những trường Công giáo vì kỉ luật rất nghiêm nên các thầy cô phạt học trò còn nhiều hơn cả các thầy cô bên Việt Nam, và hình phạt cũng giống nhau. Tôi nghiệm ra (có lẽ hơi vui) là hóa ra, thầy cô ở đâu cũng chỉ có vài "chiêu" phạt học trò thôi!

Nhưng có lẽ khác với Việt Nam chúng ta, các trường ở Úc không còn (hay rất ít) duy trì những hình phạt mang tính xâm phạm. Hầu như không bao giờ nghe đến hình phạt quất roi, nhéo tai, hay gõ đầu ngón tay. Nhưng thỉnh thoảng đây đó có hình phạt quì gối trong một thời gian rất ngắn.

Theo tôi tìm hiểu, các trường học ở Úc dùng hình thức khen thưởng hơn là phạt. Các nhà lí luận giáo dục lí giải rằng khen thưởng học trò có hiệu quả "conform" tốt hơn là phạt. Thay vì phạt, triết lí giáo dục của Úc là khuyến khích, tưởng thưởng, khen ngợi. Họ có rất nhiều hình thức khen ngợi. Làm bài tập tốt và nộp đúng thời hạn: khen. Học trò chơi thể thao tốt: khen. Mặc đồng phục đúng: khen. Giúp đỡ bạn bè nhiều: khen. Ca hát hay: khen. Nói chung là cái gì cũng khen. Những hình thức khen tặng như thế làm cho đứa học trò cảm thấy mình phải "conform" và thấy nỗ lực của mình được ghi nhận.

Quay lại chuyện bên nhà, việc phạt học trò như quì gối có cần thiết hay không? Tôi không dám có câu trả lời dứt khoát, vì tôi không có trải nghiệm trong cái bối cảnh mà cô N đã trải qua. Nhưng tôi muốn nghĩ rằng có lẽ đã đến lúc thay vì phạt học trò, nên nghĩ đến hình thức khuyến khích học trò. Khuyến khích cũng có hiệu quả làm cho học trò "conform".

Vụ việc một phụ huynh bắt cô giáo quì dĩ nhiên là một hình thức làm nhục, nhưng còn một hành vi lưu manh của kẻ ỷ mình có quyền. Tính lưu manh đó làm loạn chuẩn học đường. Làm nhục thầy cô ngay tại học đường cũng có thể xem là một sự sỉ nhục đến giáo chức nói chung, chứ không phải chỉ cô giáo nạn nhân. Đó là hành động không thể chấp nhận được trong một xã hội có truyền thống "tôn sư trọng đạo".

Buộc một cô giáo quì cũng là một hành vi thiếu văn minh và vô đức của những kẻ thiếu kĩ năng xã hội. Sự việc có thể tạo tiền lệ cho những kẻ ỷ quyền thế làm nhục các thầy cô khác. Nó cũng tạo tiền lệ cho những học trò ngỗ nghịch ỷ lại vào phụ huynh để xem thường kỉ cương học đường, và làm loạn chuẩn luân lí học đường. Không thể nào để cho sự việc tái diễn ở bất cứ một nơi nào khác trên một đất nước có truyền thống lâu đời "tôn sư trọng đạo" vốn đã góp phần tạo nên nhân cách của một dân tộc.

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page