top of page

Sáu 'chìa khóa' viết văn


Tôi nghĩ trong chúng ta ai cũng có lúc đọc những bài viết mà ý tưởng thì lan man và cách viết thì chẳng theo một logic nào, hệ quả là làm chúng ta mất thì giờ. Điều ngạc nhiên là tác giả những bài viết này có khi là những người "có học", thậm chí cấp giáo sư, tiến sĩ. Tại sao có những bài viết dở như thế? Văn là người; người suy nghĩ lan man thì cũng viết lan man, chẳng đâu vào đâu. Một lí do khác là đọc ít và hiểu chưa tới, nên mô tả một vấn đề đơn giản thành phức tạp. Nhưng còn một lí do khác nữa, mà tác giả Steven Pinker bàn đến trong cuốn sách có tựa đề là "The Sense of Style: the thinking person's guide to writing in the 21st century". Tôi rất hân hạnh giới thiệu đến các bạn cuốn sách này.

Steven Pinker là một nhà khoa bảng có hạng trong thế giới khoa học. Ông là giáo sư tâm lí học thực nghiệm thuộc Đại học Harvard. Nhưng hơn thế nữa, Pinker là một cây viết rất đẹp và phong phú. Là tác giả của nhiều cuốn sách phổ thông nổi tiếng như The Language Instinct, How the Mind Works, The Stuff of Thought. Cuốn Sense of Style là tác phẩm mới nhất của ông.

Cuốn sách là tập hợp một số nguyên lí và kĩ năng viết, nhất là viết bài báo khoa học. Trong cuốn "Sense of Style", ông áp dụng sở trường nghiên cứu tâm lí và thần kinh học trong viết văn. Pinker cho rằng lí do mà chúng ta viết tồi không phải do chúng ta. Lí do là vì hệ thống não của con người không được thiết kế để viết. Thật ra, bộ não không muốn chúng ta viết! Ông đề ra 6 mẹo về viết văn, mà tôi thì nghĩ là 6 "chìa khóa":

Chìa khóa 1: Hình tượng hóa và đàm thoại (be Visual and conversational).

Theo Pinker, một phần ba của bộ não con người được giành cho thị giác. Điều này cũng có nghĩa là khi viết văn, chúng ta nên làm cho độc giả "thấy" mục tiêu cụ thể của bài viết, và làm được điều này sẽ có hiệu ứng rất tích cực cho bài viết. Đối với con người, đi từ "Tôi nghĩ tôi hiểu" đến "Tôi hiểu", chúng ta cần phải thấy cảnh tượng và cảm nhận được động cơ. Nhiều thí nghiệm đã cho thấy rằng độc giả hiểu và nhớ các thông tin tốt hơn khi thông tin được diễn tả bằng một ngôn ngữ mà họ có thể thấy bằng hình ảnh.

Ngoài ra, người viết cần phải chọn cách viết đàm thoại. Mỗi bài viết là một câu chuyện, và cách viết kể chuyện giúp người đọc lãnh hội rất nhanh. Ngày nay, cách viết kể chuyện hay đàm thoại cũng được rất nhiều tập san khoa học khuyến cáo các tác giả nên viết.

Chìa khóa 2: Đừng giả định người đọc đã biết chuyện (còn gọi là "The Curse of Knowledge") và đừng tỏ ra mình thông minh.

Một trong những sai lầm căn bản nhất trong viết văn là giả định rằng người đọc đã biết qua câu chuyện người viết muốn đề cập. Đó là một giả định sai lầm nghiêm trọng. Trước khi đề cập đến câu chuyện, người viết phải nhắc đến bối cảnh hay tiến trình của câu chuyện. Nếu có một ý tưởng hay một chữ gì mới, người viết cần phải giải thích. Đừng nghĩ một cách ngu xuẩn rằng "tôi viết thế, ai muốn hiểu sao thì hiểu"!

Nhiều người thiếu kinh nghiệm thường phạm phải một lỗi lầm rất cơ bản trong khi viết là người viết muốn tỏ ra mình thông minh. Trong thực tế, khi người viết tỏ ra thông minh thì thật ra họ là người ... ngu xuẩn. Nên nghĩ đến người đọc khi viết văn. Người đọc và người viết bình đẳng. Nếu người viết cố gắng gây ấn tượng thì họ có thể làm cho người đọc cảm thấy mình ngu (và không ai muốn mình ngu), nên sẽ rất phản tác dụng.

Do đó cách hay nhất là đưa bản thảo cho một người khác đọc và hỏi ý kiến của họ. Hỏi xem họ có hiểu những gì mình viết hay không. Hỏi xem họ có cảm nhận được cái thông điệp chính của bài viết.

Chìa khóa 3: Viết câu văn quan trọng đầu tiên (the "Lede").

Chúng ta phải học nhà báo. Nhà báo có cách viết rất trực tiếp. Nếu chú ý chúng ta sẽ thấy những dòng chữ chapeau rất ngắn và đi thẳng vào vấn đề. Chỉ cần đọc cái chapeau là chúng ta biết được nét chính của câu chuyện. Nói cách khác, người viết nên nói cho độc giả biết ý tưởng của mình là gì. Điều này cũng có nghĩa là bắt đầu mỗi đọan văn bằng một câu văn tuyên ngôn (còn gọi là "declarative sentence"). Đừng bao giờ viết "vòng vo" để độc giả phải chờ đến câu văn cuối mới biết ý tưởng của người viết là gì.

Chìa khoá 4: Không cần quan tâm đến qui tắc!

Khi mới học tiếng Anh và viết văn bằng tiếng Anh, chúng ta rất quan tâm đến văn phạm và viết đúng qui tắc. Chẳng hạn như chúng ta rất chú tâm đến cách dùng who và whom, hay giữa that và which, hay like và as, fewer và less. Pinker đặt vấn đề là tại sao không viết "Karen is smarter than I" mà phải là "Karen is smarter than me"? Pinker khuyên chúng ta là ... hãy quên đi mấy qui tắc vớ vẩn đó!

Ông gọi những người bắt bẽ văn phạm là "lunatics" (điên rồ). Ông nói thêm rằng các bộ từ điển không phải là những bộ sách của nguyên tắc, chúng chỉ theo đuôi ngôn ngữ chứ không dẫn đường cho ngôn ngữ (Dictionaries aren't rulebooks. They follow language, they don't guide it.) Khi nói về qui tắc tiếng Anh, không có ai là quan tòa cả. Tại sao chúng ta không được viết "I feel good" mà phải viết "I feel well"? Ngôn ngữ như tiếng Anh lúc nào cũng biến chuyển, và chúng ta chỉ theo những gì đa số sử dụng chứ không phải những qui tắc!

Chìa khóa 5: Đọc, đọc, và đọc.

Pinker chỉ ra rằng nhiều nhà văn lớn chẳng bao giờ đọc những cuốn cẩm nang về viết văn. Nhưng họ đọc, đọc rất nhiều tác phẩm văn học, đọc rất nhiều sách chính luận. Qua đọc sách, họ học được cách viết và ngữ vựng.

"Tôi không nghĩ bạn có thể trở thành một cây viết tốt mà không bỏ ra nhiều thì giờ để ngâm mình trong những cuốn sách để ngấm hàng ngàn thành ngữ, những hình ảnh, nhưng chữ thú vị, và qua đó phát triển cảm nhận về viết văn. Trở thành một cây viết đòi hỏi thưởng thức và "reverse-engineering" những câu văn hay, những đoạn văn, những đoản văn gây cảm hứng để giúp bạn cấu trúc một bài viết đẹp."

Chìa khoá 6: Chỉnh sửa.

Khi viết văn không phải lúc nào câu chữ cũng "xuất thần" một cách tự nhiên và hoàn hảo. Lúc nào cũng phải chỉnh sửa và biên tập. Tập thói quen như sau: viết ra một câu văn, đọc lại câu văn xem có chữ nào thừa hay thiếu, xem câu văn đã chuyển tải được cái thông tin người viết muốn gửi đến độc giả; đến cuối đoạn văn, đọc lại một lần nữa xem có những câu văn nào chưa ăn khớp với nhau, và đoạn văn đã nói lên được ý tưởng. Viết văn là một quá trình chỉnh sửa và biên tập.

Đừng nên làm mất thì giờ người đọc vì những cách viết lan man, linh tinh, chẳng theo một logic nào cả, và ý tưởng thì chẳng có cái gì đến nơi đến chốn. Những cách viết như thế có khi gây ra vài tranh cãi vô duyên, làm lạc hướng suy nghĩ của người đọc. Điều đáng buồn là một số người xem ra có tuổi mà suy nghĩ về những vấn đề xã hội, thậm chí chuyên môn, chưa đến nơi đến chốn cộg với cách viết sai qui luật văn phạm, nên làm mất thì giờ người đọc. Đây là lời khuyên của tôi: viết trên các phương tiện truyền thông xã hội như blog, facebook, và twitter thật ra là một thể thao viết văn rất tuyệt vời. Chẳng hạn như viết trên twitter, vì "luật twitter" bắt buộc chúng ta phải viết ngắn nhưng có ý nghĩa, và cách viết đó giúp chúng ta chọn chữ thích hợp nhưng đồng thời loại bỏ những chữ không cần thiết. Do đó, các bạn nên bắt đầu viết trên facebook hay blog, viết về những cảm nhận hàng ngày của mình như là nhật kí điện tử, và theo thời gian các bạn sẽ trở thành một cây viết tốt.

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page