top of page

Tọa đàm về công bố khoa học tại Đại học Luật Hà Nội


Hôm 15/5/2018 tôi tham dự một buổi toạ đàm về nghiên cứu khoa học và công bố khoa học tại Trường ĐH Luật Hà Nội. Rất nhiều vấn đề đặt ra, rất nhiều câu hỏi, mọi việc gần như bắt đầu từ căn bản.

Tôi nói 2 bài trong buổi toạ đàm. Bài thứ nhất tôi nói về những lí do công bố khoa học, công bố ở đâu, và tình hình tập san dỏm. Tôi cũng nói về một sứ mệnh chung của đại học là “knowledge generation” mà có lẽ nhiều người không nhận ra mối liên quan đến nghiên cứu khoa học. Bài thứ hai là nghiên cứu định lượng trong luật học, và những vấn đề liên quan đến câu hỏi nghiên cứu, chọn đề tài nghiên cứu, cách tiếp cận câu hỏi nghiên cứu, v.v. Qua 2 vụ án nổi tiếng ở Anh và Hà Lan tôi cũng nói tại sao luật sư và quan toà cần phải hiểu xác suất để tránh gây oan khiên cho nạn nhân.

Tiếp theo là những chia xẻ của các giảng viên, các chuyên gia từ Đại học Quốc gia, ĐH ngoại thương, v.v. Qua những chia xẻ và quan điểm về nghiên cứu khoa học, tôi thấy hình như vẫn còn tồn tại những cái nhìn hơi cũ. Chẳng hạn như quan điểm cho rằng luật học (một bộ môn của khoa học xã hội) khó công bố vì liên quan đến chính trị, đảng, đặc thù quốc gia. Có bạn nói thẳng rằng làm sao nghiên cứu hay công bố về các vấn đề như xã hội dân sự, đa nguyên, v.v. vì các vấn đề đó là cấm kị. Các quan điểm được trao đổi thoải mái và thẳng thắn. Tôi nói rằng không nhất thiết phải chọn các chủ đề “nhạy cảm” hay “đụng chạm” đó, mà có thể tập trung vào các chủ đề khác như criminology, kì thị giới tính, sự discrepancies về hình phạt và hàng trăm vấn đề lớn nhỏ khác. Thay vì nghiên cứu định tính, tại sao không chọn nghiên cứu định lượng mà giới nghiên cứu luật học nước ngoài đã làm.

Tôi đề nghị phải làm từ căn bản, và trước mắt phải làm ngay:

(a) Xây dựng năng lực khoa học qua các nhóm nghiên cứu như ĐH Tôn Đức Thắng.

(b) Xây dựng văn hoá khoa học qua các journal club và workshop về phương pháp nghiên cứu.

(c) Lập quĩ cho các “seeding grant” để hỗ trợ các nhà nghiên cứu có dữ liệu để xin tài trợ lớn hơn.

(d) Lập hội đồng đạo đức khoa học.

(e) Tập huấn phương pháp viết bài báo khoa học.

Một vài điều trên là hoàn toàn mới đối với các bạn ấy. Chẳng hạn như các bạn chưa nghĩ đến vấn đề đạo đức khoa học và công bố quốc tế. Do đó, rất nhiều vấn đề được đặt ra. Có một em “giảng viên trẻ” (vì em ấy lúc nào cũng tự nhận mình trẻ) nghĩ là vì trẻ nên công bố quốc tế khó hơn là công bố trong nước. Tôi nói tất cả chúng ta ở đây đều trẻ hết (khái niệm tuổi tác và “già” là giả tạo), và em ấy có thể công bố quốc tế dễ hơn là công bố trong nước vì vấn nạn “cây đa cây đề.” Ai cũng cười xoà. Buổi toạ đàm diễn ra từ sáng đến chiều, mãi đến 5:30 pm mà hình như vẫn chưa hết câu hỏi.

Vẫn còn suy nghĩ về nghiên cứu là dùng số liệu hành chánh của các bộ và tổ chức quốc tế. Tôi giải thích rằng original research là phải tạo ra dữ liệu gốc (primary data) của mình qua thí nghiệm (hiểu theo nghĩa chung), chứ không phải dùng dữ liệu của người khác mà không có phương pháp gì mới. Phân tích dữ liệu của người khác hay của cơ quan hành chánh là “secondary data”, nó chỉ là làm thống kê, chứ không phải scientific research; nó không có giá trị khoa học như một nghiên cứu primary có thiết kế và giả thuyết.

Đây là lần đầu tiên tôi ghé một trường ‘ngoài bộ lạc’ như thế này, nhưng lại biết nhau như người trong bộ lạc. Tôi nghĩ mình đã làm tròn nhiệm vụ của người “invited speaker” mà anh hiệu phó đã tóm lược rất đúng những ý mà tôi muốn chuyển tải đến các bạn ấy. Tôi nghĩ sau chuyến ghé thăm này, ĐH Luật sẽ có thay đổi và chắc sẽ nâng cao năng lực khoa học trong tương lai gần.

PS: ai cũng ngạc nhiên và thắc mắc tại sao tôi đã ở nước ngoài gần 40 năm mà nói tiếng Việt và dùng thuật ngữ tiếng Việt chuẩn như trong bài giảng. Các bạn ấy xúi tôi mua nhà ở Hà Nội để về đây nhiều hơn. (Wow, thank you).

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page