top of page

"Tiền là sữa cho chính trị" và cách người Tàu gây ảnh hưởng đến Úc


Tòa nhà "Dr. Chau Chak Wing Building" của Đại học Công nghệ Sydney (UTS) do Frank Gehry thiết kế.

Nếu có dịp ghé qua Đại học Công nghệ Sydney (UTS), các bạn sẽ thấy một tòa nhà có thiết kế hơi lạ mắt có tên là"Dr. Chau Chak Wing Building". Người thiết kế tòa nhà này là kiến trúc sư lừng danh người Mĩ: Frank Gehry. Nhưng câu chuyện đằng sau sự ra đời của tòa nhà này nói lên khả năng gây ảnh hưởng của giới doanh nhân Tàu ở đây và sức mạnh của đồng tiền làm xiêu lòng giới khoa bảng Úc (1).

Chau Chak Wing là một tỉ phú người Tàu nhưng có quốc tịch Úc. Tuy có quốc tịch Úc nhưng ông chủ yếu sống ở Quảng Châu trong một biệt phủ rất lớn. Ông là người không muốn xuất hiện trước công chúng, nhưng là một nhân vật có nhiều quyền thế qua đồng tiền. Năm 2015, ông bỏ ra 70 triệu đô la để mua biệt thự "Le Mer" của tỉ phú James Packer, và đập phá để xây lại cái mới theo ý ông! Tỉ phú Chau Chak Wang có nhiều mối quan hệ quan trọng với các nhân vật chóp bu trong đảng Cộng Sản Tàu và trong giới cầm quyền ở Tàu.

Ở Úc, ông cũng quen với rất nhiều nhân vật chóp bu từ thủ tướng đến bộ trưởng trong chính quyền Úc. Năm 2004 và 2005 ông tài trợ cho Kevin Rudd (người sau này trở thành thủ tướng Úc), Wayne Swan (sau này là bộ trưởng ngân khố), Stephen Smith (sau này thành bộ trưởng ngoại giao) sang Quảng Châu. Chương trình chuyến đi có cả buổi tham quan biệt phủ của Chau được mô tả là "mênh mông" và "xa xỉ". Sau chuyến đi, Chau Chak Wang tài trợ cho Đảng Lao Động Úc 1.7 triệu đôla và Đảng Liberal 2.9 triệu đôla. Ông còn tài trợ cho một đoàn báo chí Úc sang biệt phủ của ông để họ viết bài ... khen Tàu. Và, ông đã thành công tốt đẹp, vì sau chuyến đi đó có hàng loạt bài báo khen ông là "người yêu nước." Báo chí Úc ghi nhận rằng chưa có một doanh nhân gốc Á châu nào mà rộng lòng như Chau Chak Wing.

Năm 2004, Bob Carr, lúc đó là thủ hiến bang New South Wales, cũng là bạn khá thân với Chau. Có lẽ do tình bạn và sự rộng rãi của Chau trong việc cho tiền Đảng Lao Động, nên Carr nhận con gái của Chau là Winky Chau vào làm tập sự trong văn phòng chính phủ của Carr. Sau khi Carr rời chính trường, Winky Chau trở thành "chuyên gia tư vấn", và cô ta mua luôn tờ nhật báo tiếng Hoa Australian New Express Daily. Tờ báo này trở thành một “phiên bản” của báo chí Tàu ở Quảng Châu và nói xấu bất cứ ai chỉ trích Tàu. Giới kí giả Úc hỏi công chúng tưởng tượng một tờ báo như thế của người Úc ở Tàu và suốt ngày chửi Tàu?!

Sự ra đời của tòa nhà "Dr. Chau Chak Wing Building" bắt đầu từ con trai của tỉ phú Chau Chak Wing. Lúc đó (đầu thập niên 2000), Eric, con trai của Chau Chak Wing, đang theo học cử nhân kiến trúc tại UTS. Hiệu trưởng (vice-chancellor) của UTS lúc đó là Giáo sư Ross Milbourne nhận ra nhân vật này và đã lên một kế hoạch xin tiền được mô tả là "cunning" (các bạn muốn hiểu sao cũng được). Milbourne hỏi cậu ấm Eric muốn đi chơi ở Los Angeles để gặp kiến trúc sư huyền thoại Frank Gehry không, và dĩ nhiên cậu ấm ham vui gật đầu. Những gì xảy ra phía hậu trường sau đó thì không ai biết rõ, nhưng chỉ biết kết quả thành công mĩ mãn: Chau Chak Wing đồng ý cho UTS 20 triệu đô la để xây dựng một tòa nhà mới lấy tên ông. Mặc dù ông không có bằng tiến sĩ, nhưng ông yêu cầu UTS đặt tên tòa nhà là "Tòa nhà Tiến sĩ Chau Chak Wing".

Nhưng sự tài trợ của Chau không phải là ngoại lệ. Một doanh nhân (cũng cấp tỉ phú) khác là Huang Xiangmo cũng rất rộng rãi với UTS. Huang sinh năm 1969 ở làng Yuhu (dịch là Ngọc Hồ) thuộc vùng Chaozhu tỉnh Quảng Đông. Đây cũng là quê hương của Chau Chak Wing. Huang làm giàu nhanh chóng nhờ buôn bán bất động sản và các mối quan hệ (tiếng Hoa là guanxi) với các nhân vật chóp bu trong Đảng cộng sản Tàu (những nhân vật này đều bị đi tù hay tự tử sau này). Có lẽ thấy tình hình không ổn, nên Huang xin di cư sang Úc sống từ những năm đầu thế kỉ 21. Từ ngày ông có mặt ở Úc (khoảng 2010), Huang đã tài trợ hơn 4 triệu đôla cho 2 đảng chính trị của Úc, và ông đã đầu tư 2 tỉ đôla vào nông nghiệp Úc.

Huang vẫn duy trì mối quan hệ hữu hảo với các nhân vật chóp bu trong Đảng cộng sản Tàu, thậm chí đại diện cho Tàu trong các buổi lễ hội quan trọng ở Úc. Trong một bài báo trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo (nổi tiếng là hung hăn và 'mất dạy'), Huang viết rằng "Money is the milk for politics" (Đồng tiền là nguồn sữa cho chính trị). Nói là làm: Huang tung tiền ra cho UTS thành lập viện Úc-Hoa ACRI (Australia-China Relations Institute). Huang thuyết phục Bobb Carr (lúc đó đã rời chính trường) làm Giám đốc Viện ACRI. UTS cám ơn Huang bằng cách phong tặng cho ông danh hiệu "Giáo sư". Do đó, báo chí Tàu thường đề cập đến Huang là một học giả Úc ("Australian Scholar").

Giới khoa bảng xem ACRI là cơ quan ngôn luận mang tính học thuật của Tàu, vì hầu hết những "nghiên cứu" của ACRI giống như những phát ngôn và chính sách của Đảng cộng sản Tàu. Ngay cả vấn đề Biển Đông, ACRI cũng chỉ nói cho Tàu và theo Tàu. ACRI không bao giờ lên tiếng về những đàn áp ở Tàu, không bao giờ đề cập đến vụ Thiên An Môn. Giới khoa bảng Úc gọi Bob Carr một cách mỉa mai là "Beijing Bob" (vì ông này chỉ nói có lợi cho Tàu). Tuy nhiên, viên phó hiệu trưởng UTS phụ trách nghiên cứu khoa học là Glenn Wightwick thì bảo vệ rằng Viện ACRI đã thực hiện những nghiên cứu phẩm chất cao và rất quan trọng ("high quality and extremely important research"). Không biết quan trọng như thế nào mà sau vài năm hoạt động ACRI chẳng có bài báo khoa học nào, mà chỉ là những “opinions” trên báo phổ thông và tuyên ngôn cho Tàu cộng.

Trước sức ép của nhiều người trong và ngoài UTS, ACRI phải thay đổi cơ cấu lãnh đạo. Họ bổ nhiệm một người Tàu khác thay thế Bob Carr. Nhưng bản chất thì sao? Giáo sư Clive Hamilton nói thẳng rằng "Let us call the Australia-China Relations Institute for what it is: a Beijing-backed propaganda outfit disguised as a legitimate research institute, whose ultimate objective is to advance the CCP's influence in Australian policy and political circles." (Chúng ta hãy gọi đúng tên của ACRI: đó là một trạm tuyên truyền của Đảng cộng sản Tàu ngụy trang viện nghiên cứu, mà mục tiêu tối hậu là gây ảnh hưởng của Đảng cộng sản Tàu lên chính sách và chính trường Úc).

Cả hai nhân vật Chau và Huang đều là đề tài tranh cãi trong chính trường Úc. Cả hai đều tung rất nhiều tiền để mua ý kiến của một số chính trị gia Úc, trong đó có thượng nghị sĩ gốc Iran tên là Sam Dastyari, người mà năm ngoái bị đuổi ra khỏi thượng nghị viện vì làm việc cho thế lực nước ngoài. Một số chính trị gia xem Dastyari là một kẻ phản quốc, và hành động phản quốc của do đồng tiền của Tàu chi phối. Do vậy, quan điểm chung là hai nhân vật Chau và Huang quá gần Đảng Cộng Sản Tàu và sự có mặt của họ ở Úc là nằm trong chiến lược cài người của Tàu nhằm gây ảnh hưởng đến Úc về lâu dài, nhằm tách Úc ra khỏi liên minh Mĩ-Úc. Một số trí thức và chính trị gia xem họ là loại người không trung thành với Úc, loại “ăn cơm Úc thờ ma Tàu cộng”. Thật ra, Chau đã kiện báo Sydney Morning Herald và đài truyền hình ABC ra toà vì tội phỉ báng là ông không trung thành.

Một quan điểm khác, có thể xem là quan điểm thân Tàu, thì không cảm thấy đe doạ mà thấy Chau, Huang và những người như thế là cơ hội. Cơ hội để kinh doanh, để bắt tay với Tàu cộng làm ăn. Giới đại học đang bị chánh phủ Úc “bóp bụng, bóp cổ” thì thấy Tàu là nguồn tiền mới và họ chẳng cần quan tâm đến những việc tày trời mà Tàu đã làm. Họ thiển cận vì đồng tiền. Những kẻ thân Tàu này lí luận rằng việc Tàu mua ảnh hưởng ở Úc là bình thường, vì họ nói Mĩ, Nhật và các thế lực Âu châu vẫn làm thế. Nhưng giới trí thức chỉ ra sự ngu xuẩn của quan điểm này là Tàu và Mĩ là hai nước hoàn toàn khác nhau. Một bên là theo thể chế toàn trị, một bên là đồng minh và thể chế dân chủ; một bên là tìm cách mua Úc, một bên là giúp bảo vệ Úc. Tàu có hàng trăm chi bộ đảng cộng sản ở Úc, Mĩ không có "chi bộ" nào. So sánh như những kẻ thân Tàu này -- nói như Gs Hamilton -- không chỉ là ngu xuẩn mà còn là một ngụy biện nguy hiểm.

Đọc chuyện của người Tàu tôi lúc nào cũng nghĩ đến chuyện của Việt Nam. Cũng như tình hình bên Tàu nơi mà nhiều người giàu rất nhanh nhờ quan hệ chính trị và bất động sản, Việt Nam cũng có vài tỉ phú làm giàu rất nhanh nhờ quan hệ trong đảng và kinh doanh nhà đất. Cũng giống như Tàu, Việt Nam đang có một làn sóng những người giàu có di cư sang Úc. Số quan chức Việt Nam sang Úc nhiều đến nổi một bạn nói đùa với tôi là ở Úc có một "làng thứ trưởng"! Nhưng khác với Tàu, các doanh nhân Việt Nam chưa gây ảnh hưởng đến chính trường Úc và chưa ai dám bỏ ra nhiều triệu đôla để mua ảnh hưởng từ Úc. Chưa có doanh nhân Việt Nam nào cho một đại học Úc xây một tòa nhà hay lập một viện nghiên cứu Úc - Việt. Có vẻ đa số quan chức và giới nhà giàu Việt Nam sang Úc là để tìm một cuộc sống tốt hơn. Có thể nói giới doanh nhân và quan chức Việt sang Úc như là một thế hệ tị nạn mới (tị nạn kinh tế, tị nạn giáo dục, tị nạn môi trường), còn doanh nhân Tàu sang đây là để làm sứ giả chính trị cho Tàu qua câu nói để đời “tiền là nguồn sữa cho chính trị.”

===

(1) Những thông tin trên được trích từ cuốn sách "Silent Invasion" của Clive Hamilton mà một bạn đọc đã giới thiệu cho tôi. Khi nào đọc hết sách, tôi sẽ có bài điểm sách chia xẻ cùng các bạn.

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page