top of page

Điểm sách "Gạc Ma: vòng tròn bất tử"


Cuốn sách 327 trang này đã bị ngưng phát hành và lại được phát hành. Nhưng tôi được tặng một bản mà một bạn đọc mới mua từ Việt Nam. Sách bị cấm càng làm tôi tò mò đọc ngay. Thật khó nói sao cho "phải đạo" về cuốn sách này. Có thể xem cuốn sách là một đóng góp cho một trang sử bị bỏ quên ở Việt Nam, nhưng hình như sự đóng góp chưa trọn vẹn.

Nội dung của sách thực chất là một sưu tập những tài liệu về cuộc thảm sát Gạc Ma (còn gọi là Bãi Johnson). Cuộc thảm sát xảy ra vào ngày 14/3/1988, tức là 30 năm trước. Thủ phạm là lính hải quân Tàu cộng, và nạn nhân lá lính hải quân Việt Nam (thật ra, họ là lính công binh -- theo phía Việt Nam nói). Hậu quả là 64 lính công binh Việt Nam bị thảm sát dưới họng súng của Tàu cộng. Và, hậu quả nghiêm trọng hơn là Việt Nam đã mất đảo Gạc Ma về tay Tàu cộng.

Trong số 64 người bị tử vong, đa số là người miền Trung và Bắc. Nhìn vào danh sách 64 người tử vong, có 14 người quê Quảng Bình, 11 Nghệ An - Hà Tĩnh, 9 Thái Bình, 9 Đà Nẵng, 6 Thanh Hóa, 3 Hải Phòng, 3 Nam Định, 2 Khánh Hòa, 2 Phú Yên, 1 Hà Nội, 1 Hà Nam, 1 Quảng Nam, 1 Quảng Trị. Không có người nào từ miền Nam. Thân xác của họ cho đến ngày nay vẫn còn nằm dưới đáy biển, vì Tàu cộng không cho phép phía Việt Nam đến vớt lên.

Lính Việt Nam có bắn trả hay nổ súng trước? Đây là một câu hỏi quan trọng, vì trả lời được câu hỏi này nó giúp chúng ta đánh giá đúng hơn về sự hi sinh của 64 người lính công binh (hay hải quân). Ấy vậy mà câu hỏi đơn giản này xem ra khó trả lời:

  • Trả lời phỏng vấn trên RFA, ông Nguyễn Văn Thống, một người lính sống sót sau vụ thảm sát Gạc Ma cho biết có lệnh trên là “bất kì giá nào cũng không được nổ súng” (RFA, 13/3/2015).

  • Theo tài liệu của phía Việt Nam thì lính Việt Nam được lệnh không được nổ súng trước sự khiêu khích của Tàu cộng. Mới đây, lại có thêm tin đồn là lệnh rằng "không được nổ súng trước", chứ không phải "không được nổ súng." Nhưng theo tài liệu của CIA thì phía Việt Nam nổ súng trước (1).

  • Tuy nhiên, một báo cáo của CIA gửi về cho Bộ Ngoại giao Mĩ thì cho phía Việt Nam đã nổ súng trước. Tuy nhiên, báo cáo này không đáng tin cậy vì có vẻ viết theo kịch bản và ngôn ngữ của Bộ ngoại giao Tàu cộng. Do đó, chúng ta có thể nói rẳng, nếu có nổ súng, thì Việt Nam không nổ súng trước.

Rất có thể phía Việt Nam không có hành động vũ trang nào đáng kể trong cuộc chạm trán với Tàu cộng. Nếu xem đoạn video được công bố trên mạng, chúng ta dễ dàng thấy lính Việt Nam không hề có một hành động nào chống trả; ngược lại lính Tàu cộng nả đạn vào lính Việt Nam một cách xối xả. Phía Việt Nam chỉ giăng tay nhau chịu chết. Nhật kí của một người tham gia cuộc chiến mô tả như sau (trích):

"8:05 Địch bắt đầu bắn vào tàu 604, 605, 505

8:25 Tàu 605 bốc cháy, 604 chìm

8:58 Địch bắn lần 2

9:30 Kết thúc bắn"

Không có một dòng nào mô tả phe ta nổ súng bắn trả hay chiến đấu chống lại lính Tàu cộng. Do đó, rất có thể là phía Việt Nam không có nổ súng. Và, đây đúng là một cuộc thảm sát, chứ chưa hẳn là một cuộc chiến tự vệ.

Sau khi sự việc xảy ra, ngày 16/3/1988, Bộ chính trị đảng họp. Sau khi nghe báo cáo tình hình, ông Nguyễn Cơ Thạch (lúc đó là Bộ trưởng Ngoại giao) "đã đứng lên đập bàn hết sức giận dữ và đại ý: nó đang không có gì, anh lại tạo cho nó chỗ đứng ở Trường Sa, làm thay đổi hẳn bàn cờ chiến lược, hình thành thế xôi đỗ rất nguy hiểm." (2) Chữ 'anh' ở đây là đề cập đến ông Lê Đức Anh (lúc đó là Bộ trưởng Quốc phòng). Trong Bộ chính trị, không ai [kể cả ông Nguyễn Văn Linh] lên tiếng ủng hộ ông Thạch.

Tóm lại, có nhiều chứng cứ cho thấy lính Việt Nam không hề bắn trả Tàu cộng. Họ đứng thành vòng tròn chịu sự thảm sát bằng họng súng của Tàu cộng. Có đoạn video chỉ ra điều này. Ấy vậy mà trong sách, Lời nói đầu viết rằng cuốn sách là một tôn vinh "những cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền ..." Đó là một văn phong khá tiêu biểu trong các sách sử Việt Nam ngày nay.

Văn phong trong sách, có lẽ vì là báo đại chúng, đều dễ đọc. Tuy nhiên, với tôi thì nhiều bài viết và cách dùng chữ rất nặng về cảm tính. Những câu chuyện tình, những lá thư mà những người lính viết về cho gia đình, cùng những kỉ niệm và kỉ vật có thể gây xúc động cho độc giả. Những tiêu đề như Nén lặng những nỗi đau, hạnh phúc ngắn ngủi, nỗi đau người ở lại, lòng biển anh nằm, quặn đau lòng mẹ, máu đổ cuộc chiến giữ cờ, tìm nhau trong biển máu, v.v. rất dễ gây cảm xúc ở người đọc và nó có vẻ không hẳn thích hợp cho một loại sách mang tính sử liệu.

Thật ra, cuốn sách là một dạng 'documentation', tức là hệ thống hóa những bài báo và thông tin đã được công bố trên các phương tiện truyền thông trước đây. Các thông tin này được sắp xếp theo 4 chương sách với những tiêu đề như Tháng Ba Bi Tráng, Nén Lặng Những Nỗi Đau, Kí Ức Người Lính Gạc Ma và Cuộc Đời Hậu Chiến, và Sự Thật Lịch Sử Không Thể Lãng Quên. Mỗi một chương là tập hợp một số bài viết đã đăng trên báo chí trước đây. Có chương thuật lại, qua hồi ức của những người lính còn sống sót, về quá trình và sự kiện dẫn đến cuộc thảm sát. Tuy nhiên, sách sử Việt Nam thì không có một dòng nào viết về sự kiện lịch sử tang thương này (3). Do đó, sự ra đời của một sưu tập trong "Gạc Ma: Vòng Tròn Bất Tử" là một nỗ lực đáng được ghi nhận.

Tuy nhiên, đối với những ai từng theo dõi và quan tâm đến cuộc thảm sát Gạc Ma thì sách không có nhiều thông tin mới. Thật ra, có thể nói rằng thông tin có phần khiếm diện. Trong phần "Thư tịch" (trang 244 đến 301) có liệt kê một loạt văn bản cổ và kim, trong và ngoài nước, nhằm chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Gạc Ma (mà có lẽ đối với người Việt chúng ta chẳng có gì phải tranh cãi). Trong sách, hoàn toàn không thấy một dòng chữ nào đề cập đến chủ quyền của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đối với hai quần đảo Trường Sa (mà Gạc Ma là một phần) và Hoàng Sa thời trước 1975. Không hề ghi nhận những tuyên ngôn của Bộ ngoại giao VNCH, không có một dòng nào nói về Hoàng Sa và Trường Sa như là hai đơn vị hành chánh chính thức của VNCH. Sự thiếu sót này quả là khó hiểu, và nó làm suy giảm giá trị thật của cuốn sách.

Cuộc thảm sát và chiếm đóng Gạc Ma phải được đặt trong bối cảnh chung về tham vọng của Tàu cộng. Tham vọng đó xuất hiện từ những 60 năm trước. Năm 1958, Mao Trạch Đông từng tuyên bố rằng Thái Bình Dương chỉ bình yên khi nào Tàu cộng làm chủ được vùng biển này (“Now the Pacific Ocean is not peaceful. It can only be peaceful when we take it over.”, trích từ The Unknown Story MAO). Nhưng cuốn sách này chưa đặt cuộc thảm sát trong bối cảnh đó.

Tóm lại, "Gạc Ma: vòng tròn bất tử" là một tập hợp những bài báo trong quá khứ về cuộc thảm sát 64 lính Việt Nam xảy ra vào ngày 14/3/1988. Sách còn có một thư mục khiêm tốn về một số chứng cứ liên quan đến chủ quyền của Việt Nam trên Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nhưng hoàn toàn trống vắng các tư liệu và sử liệu của chính quyền VNCH về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cuốn sách là một bổ sung cho những trang sử Việt Nam cận đại bị cố tình quên lãng, nhưng về đóng góp cho học thuật thì còn nhiều hạn chế.

===

(1) https://www.voatiengviet.com/a/cia-vietnam-no-sung-truoc-trong-tran-gac-ma/3765951.html

(2) https://nhatbaovanhoa.com/a928/can-canh-gac-ma-nguyen-co-thach-dung-len-dap-ban-mang-le-duc-anh-nguyen-van-linh-do-muoi

(3) https://news.zing.vn/khong-co-chu-gac-ma-nao-trong-sach-giao-khoa-post632872.html

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page