top of page

Giới thiệu sách mới: "Cẩm nang nghiên cứu khoa học"

Tôi rất hân hạnh giới thiệu đến các bạn đọc xa gần một cuốn sách mới nhất của tôi có tựa đề là "Cẩm nang nghiên cứu khoa học: từ ý tưởng đến công bố" (1). Đây không phải là cuốn sách cũ, mà nội dung hoàn toàn mới. Nội dung bao gồm 20 chương sách nhằm giải đáp những thắc mắc mà nhiều học sinh và sinh viên thường tự hỏi bắt đầu nghiên cứu khoa học từ đâu, ý tưởng nghiên cứu xuất phát từ nguồn nào, phương pháp nghiên cứu ra sao, và công bố kết quả nghiên cứu ở đâu. Đó là những câu hỏi cơ bản trong qui trình nghiên cứu khoa học.

Cuốn sách này chỉ là một tập tài liệu ngắn nhằm tổng quan qui trình và nghiên cứu khoa học. Nội dung không đi vào chi tiết về phương pháp, vốn là chủ đề của các cuốn sách khác. Mục tiêu của tôi là cung cấp cho các bạn mới bắt đầu làm nghiên cứu khoa học thấy được hành trình trước mắt để chuẩn bị. Cuốn sách được soạn từ những bài giảng trong các lớp tập huấn về nghiên cứu khoa học do tôi thực hiện trong thời gian hơn 15 năm qua ở Việt Nam. Qua những lớp tập huấn này, tôi đã rút ra nhiều bài học từ học viên và qua hợp tác nghiên cứu. Những lớp tập huấn đó được sự giúp đỡ của rất nhiều người mà tôi muốn ghi nhận và cảm ơn. Tôi đặc biệt cám ơn Tiến sĩ Trần Sơn Thạch (Viện nghiên cứu y khoa Garvan) và Bs Hà Tấn Đức (Bệnh viện Đa Khoa Trung Ương Cần Thơ) đã giúp tôi và trợ giảng trong nhiều năm qua trong các lớp học về phương pháp nghiên cứu khoa học.

Xin trích vài đoạn để các bạn biết hơn chút về nội dung cuốn sách:

Thế nào là "nghiên cứu khoa học"?

"Nghiên cứu khoa học là chủ đề của chương này. Theo tôi, nghiên cứu khoa học là một hoạt động của con người nhằm sáng tạo ra tri thức mới hay mở rộng tri thức hiện hành qua ứng dụng phương pháp khoa học.

Hai điều kiện của định nghĩa trên là mục tiêu và phương pháp. Mục tiêu là nhằm sáng tạo ra tri thức mới hoặc mở rộng 'biên cương' của tri thức hiện hành. Tri thức mới dĩ nhiên phải được chuyển hóa từ thông tin và dữ liệu. Khám phá ra một động vật mới, phát hiện một mối liên hệ mới giữa gen và bệnh tật, hay phát hiện một qui luật tự nhiên, tất cả những điều đó đều có thể xem là tri thức mới. Mở rộng kiến thức hiện hành bao gồm việc ứng dụng tri thức vào một lĩnh vực cụ thể. Chẳng hạn như chúng ta biết được cơ chế của các xương bào trong xương là một tri thức tương đối mới, nhưng tìm cách ức chế các xương bào đó để phát triển thành thuốc điều trị cho bệnh nhân thì được xem là một sự mở rộng tri thức khoa học. Do đó, điều kiện thứ nhất của nghiên cứu khoa học là mục tiêu: tạo ra tri thức mới hay mở rộng tri thức hiện hành.

Tri thức ở đây phải đáp ứng 2 đặc tính chính: phổ quát và tái lập. Ở đây, tôi không có ý định bàn sâu về tri thức theo nghĩa triết học vì tôi không am hiểu triết học. Kiến thức phổ quát có thể hiểu là những tri thức mang tính qui luật tự nhiên. Chẳng hạn như hút thuốc lá gây ung thư phổi có thể xem là một tri thức phổ quát, vì tri thức này hiện diện ở bất cứ sắc dân nào và địa phương nào. Đặc tính thứ hai là tái lập (reproducibility). Một công trình nghiên cứu được xem là khoa học nếu kết quả từ nghiên cứu có thể lặp lại trong nhiều nghiên cứu khác với điều kiện các nghiên cứu đó dùng cùng phương pháp với nghiên cứu gốc. Chẳng hạn như mối liên hệ giữa gen FTO và tiểu đường được quan sát ở rất nhiều nghiên cứu độc lập trên thế giới, và đây là một đặc tính quan trọng của khoa học. Nếu kết quả nghiên cứu không được tái lập thì đó chưa phải là tri thức khoa học. Do đó, tính tái lập có thể xem là nền tảng của khoa học, và là yếu tố để phân biệt khoa học thật với khoa học dỏm."

Ý tưởng nghiên cứu đến từ đâu?

"Nghiên cứu khoa học xuất phát từ ý tưởng. Ý tưởng xuất phát từ nhiều nguồn, nhưng chủ yếu là qua quan sát thực tế, đọc những bài nghiên cứu trước (hay trong y văn, đối với ngành y), tham dự hội nghị; chú ý đến kĩ thuật mới, ý tưởng ngành khác; và ... một chút tưởng tượng. Quan sát thực tế là một nguồn ý tưởng rất quan trọng. Chẳng hạn như tôi chú ý thấy hình như số bệnh nhân tử vong ở bệnh viện hơi nhiều trong hai ngày cuối tuần, tôi nghĩ ngay đến lời giải thích rằng có thể hai ngày đó thiếu bác sĩ và y tá, và thế là câu hỏi nghiên cứu hình thành. Tham dự hội nghị và nghe các chuyên gia giảng cũng là dịp để có ý tưởng mới. Có khi có thể các bạn chẳng có ý tưởng gì mới, mà chỉ muốn lặp lại nghiên cứu của người khác ở bệnh viện mình. Loại nghiên cứu "me too" này chẳng có vấn đề gì, vì đó là cách các bạn học làm nghiên cứu."

Ngộ nhận về tính đại diện:

"Hầu hết những ai làm nghiên cứu lâm sàng đều từng trải qua các hội đồng xét duyện đề tài hay nghiệm thu, và tuyệt đại đa số đều nhận được lời phê bình là nghiên cứu không mang tính đại diện. Nhận xét này hàm ý nói kết quả nghiên cứu không có giá trị khoa học, và có khi nó được dùng như là một cách bác bỏ nỗ lực của nhà nghiên cứu. Nhưng trong thực tế, nhiều nghiên cứu không cần tính đại diện. Trong chương này tôi sẽ giải thích tại sao một nghiên cứu y học nghiêm chỉnh không nhất thiết phải có mẫu mang tính đại diện."

Tại sao có ngưỡng giá trị P (xác suất) 0.05?

"Nhưng vấn đề đặt ra là ngưỡng của trị số P bao nhiêu để bác bỏ giả thuyết vô hiệu. Fisher đưa ra đề nghị ngưỡng P = 0.05, và không ngờ đề nghị này đã gây một ảnh hưởng vô cùng lớn trong lịch sử khoa học, bởi vì từ đó giới khoa học thuộc tất cả các lĩnh vực và khắp thế giới dùng ngưỡng đó để tuyên bố về khám phá khoa học.

Nhưng tại sao Fisher chọn 0.05 làm ngưỡng để phân định giữa nhiễu và không nhiễu? Đây là một câu hỏi làm nhiều người suy luận và tốn khá nhiều giấy mực. Có truyền thuyết cho rằng một hôm ông tắm trong bồn nhưng vẫn suy tư về ngưỡng của trị số P, nghĩ hoài không ra, thì khi xả nước bồn đột nhiên ông thấy năm ngón chân của mình trên mặt nước làm ông lạnh, và thế là ông chọn trị số P = 0.05 làm ngưỡng để tuyên bố "có ý nghĩa thống kê" (7)."

Mẫu và quần thể:

"Để hiểu kết quả phân tích tốt hơn, chúng ta cần phải phân biệt hai phạm trù: mẫu và quần thể. Mẫu ở đây là sample, là số người chúng ta chọn ngẫu nhiên. Quần thể trong thuật ngữ thống kê là population. Tuy gọi là population nhưng nó không có nghĩa thông thường là dân số. Như vậy, mẫu được lấy từ quần thể. Dĩ nhiên, chúng ta có thể chọn rất nhiều mẫu từ một quần thể, và phân bố của các chỉ số thống kê (được tính toán từ mẫu) cho phép chúng ta có thể suy luận về phân bố của quần thể.

Phân biệt mẫu và quần thể giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn khái niệm thống kê, nhưng một phân biệt khác là các chỉ số thống kê mẫu và thông số cũng cần thiết. Khi chúng ta lấy mẫu, chúng ta chỉ có thể tính toán những chỉ số thống kê, như trung bình, trung vị, phương sai, độ lệch chuẩn, tỉ lệ hay xác suất, v.v. Tất cả những chỉ số đó (được tính từ mẫu), thuật ngữ tiếng Anh gọi là statistic. Thuật ngữ thông số hay parameter là những chỉ số thống kê liên quan đến quần thể. Như vậy, chúng ta có hai nhóm chỉ số tồn tại song song nhau, một nhóm đề cập đến mẫu (statistic), một nhóm liên quan đến quần thể (chúng ta gọi là parameter). Theo qui ước chung, kí hiệu của các statistic được viết bằng mẫu tự tiếng Latin, và các thông số được viết bằng mẫu tự Hi Lạp."

Diễn giải kết quả nghiên cứu:

"Đối diện với một nghiên cứu mà kết quả cho thấy có mối liên quan giữa E và O, người đọc hay nhà khoa học làm gì để đánh giá mức độ khả tín của kết quả này? Một cách đơn giản nhất là xem xét đến mô hình nghiên cứu. Nếu mô hình nghiên cứu là RCT (randomized controlled trial) thì vấn đề đơn giản. Đối với nghiên cứu RCT so sánh hai nhóm (như nhóm dùng thuốc thật và nhóm dùng giả dược) được thiết kế tốt, tất cả các yếu tố liên quan đến O đều bằng nhau giữa hai nhóm bệnh nhân, nên khác biệt về O giữa hai nhóm chỉ có thể là do can thiệp. Nhưng đối với các nghiên cứu quan sát, nhà nghiên cứu không thể kiểm soát tất cả các yếu tố nguy cơ, nên có sự mất cân đối giữa hai nhóm so sánh (mắc bệnh và không mắc bệnh), nên vấn đề trở nên phức tạp hơn nghiên cứu RCT. Để diễn giải kết quả nghiên cứu quan sát một cách hợp lí, nhà nghiên cứu cần phải xem xét đến 3 yếu tố chính:

• Yếu tố ngẫu nhiên (chance hay random error) • Yếu tố bias • Yếu tố nhiễu (confounding effect)

Chỉ khi nào loại bỏ ba yếu tố này thì mối liên quan mới có thể xem là mối liên hệ nhân quả."

Năm nguyên tắc đặt tựa đề bài báo:

"Đặt tựa đề cũng là một khoa học, và điều này không phải là nói theo kiểu mĩ từ đâu, mà là một thực tế. Trong quá khứ đã có rất nhiều nghiên cứu về mối liên quan giữa tựa đề, số chữ trong tựa đề, và tần số trích dẫn của bài báo. Qua những nghiên cứu này, các nhà khoa học có kinh nghiệm đã đi đến vài qui luật (hay đúng hơn là "nguyên tắc") về cách đặt tựa đề sao cho tối ưu. Năm nguyên tắc sau đây cần phải chú ý khi đặt bút viết tựa đề.

Nguyên tắc 1: Một tựa đề tốt nên chuyển tải được những nét chính của nghiên cứu với số chữ ít nhất.

Nguyên tắc 2: Bắt đầu tựa đề với từ quan trọng.

Nguyên tắc 3: (Nếu có thể tựa đề) nên có một điểm mạnh về phương pháp.

Nguyên tắc 4: Dùng những "từ khóa" (keywords) trong tựa đề.

Nguyên tắc 5: Tựa đề cần phải có thông tin, hay nói theo tiếng Anh là 'informative'."

Năm căn bệnh trong khoa học:

"Bệnh tìm ý nghĩa thống kê: Significosis Bệnh tìm cái mới: Neophilia Bệnh hám lí thuyết: Theorrhea Bệnh hám thuật toán: Arigorium Bệnh chạy theo lượng: Disjunctivitis"

Hi vọng các bạn sẽ tìm thấy vài ý tưởng và sự động viên từ cuốn sách này để dấn thân vào nghiên cứu khoa học.

===

Sách do Nxb Tổng Hợp phát hành. Số trang: 400. Giá bán: 118,000 đồng. Có bán tại Nhà sách Minh Khai, Nhà sách FaHASA, và Nhà sách Tổng Hợp ở Đường Sách.

Mua sách sỉ có thể đặt qua email: hathanhnguyennxb@gmail.com.

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page