Thăm khu vực DMZ (phi quân sự) Hàn Quốc
Nhân dịp nghỉ ngơi và nhờ một em postdoc ở Asan Medical Center, tôi có dịp đi thăm khu DMZ, tức biên giới Nam Hàn và Bắc Hàn. Chuyến đi để lại nhiều cảm xúc và suy nghĩ về bản chất của chế độ Bắc Hàn đúng như những gì Gorbachev nói. Tôi ghi lại một số chi tiết như là một trang nhật kí cuộc đời.
Khu phi quân sự chia cách Nam Hàn và Bắc Hàn. Bên kia là Bắc Hàn, bên này là Nam Hàn. Không biết bên Bắc Hàn thì sao, còn bên Nam Hàn thì đường lộ rất tốt, xe chạy bon bon cả trăm km/giờ, cảnh trí rất đẹp, khó có thể nghĩ đây là khu quân sự.
Ở Seoul, các công ti du lịch có nhiều tour du lịch DMZ, nhưng thủ tục có phần bất thường so với những tour du lịch khác. Khách đi tour phải có sẵn passport! Ngoài ra, người dẫn tour rất cẩn thận đếm số khách, ghi tên từng người, ngày tháng năm sinh, và quốc tịch. Những thông tin này sẽ trình báo cho giới quân sự. Khi xe bus đến nơi, có một người lính lên xe bus check passport và kiểm tra số khách. Khi ra khỏi khu DMZ, cũng có một người lính lên xe kiểm tra một lần nữa, có lẽ không muốn để sót ai ở lại và không có mấy người Bắc Hàn trà trộn(?) Nhưng nói thế thôi, chứ trong thực tế thì thủ tục gọn nhẹ lắm, và mấy người lính cũng không có mặt mũi “hình sự” như ở Việt Nam đâu.
Lịch sử của đường DMZ này giông giống với lịch sử chia đôi Việt Nam. Năm 1945, nhờ sự hỗ trợ của đồng minh Mĩ và cuộc kháng chiến chống Nhật, Đại Hàn trở thành một quốc gia độc lập, chấm dứt 36 năm đô hộ của Nhật. Liên hiệp quốc quyết định lấy vĩ tuyến 38 làm đường ranh giải giới vũ khí Nhật, tức chỉ là một "đường ranh hành chánh" (administrative line) mà thôi. Thế nhưng chiến tranh sau đó biến cái đường ranh hành chánh thành một lằn ranh chia cách.
Cuộc Chiến tranh Hàn Quốc (Korean War) diễn ra từ 1950 đến 1953, mà kẻ gây chiến là Kim Nhật Thành nhận chỉ thị và được Stalin yểm trợ. Stalin và Kim muốn biến Đại Hàn thành một nước cộng sản như Liên Xô. Mĩ nhảy vào bảo vệ đồng minh và nhân danh bảo vệ tự do. Cuộc chiến kết thúc bất phân thắng bại, và thế là các nước lớn quyết định lấy đường vĩ tuyến hành chánh 38 năm 1945 để chia Đại Hàn thành hai nước: phía Bắc theo cộng sản, phía nam theo tự do.
Hậu quả của sự phân chia này là hơn 5 triệu người Bắc Hàn phải bỏ xứ Bắc để di cư xuống miền Nam Hàn tìm tự do và trốn chạy chế độ Bắc Hàn. Cho đến nay, người dân Bắc Hàn vẫn tìm cách trốn chạy sang Nam Hàn tìm tự do. Vài năm trước có một người lính Bắc Hàn vượt lằn ranh DMZ sang tị nạn ở Nam Hàn; anh ta chạy theo đường chữ bát để tránh đạn, vậy mà vẫn bị lính Bắc Hàn bắn trúng 16 phát đạn, nhưng anh ấy may mắn được lính và các bác sĩ Nam Hàn cứu sống. Nghe nói khi tỉnh vậy, anh ta chỉ muốn ăn miếng bánh và nghe nhạc K-pop.
Khó sống chung hoà bình!
Đường ranh giới DMZ chỉ cách Seoul 2 giờ lái xe. Chiều dài chừng 250 km và rộng 4 km. Đi trên đoạn đường này như đi trên từng đoạn lịch sử. Những địa danh, những công trình, những tượng đài mang những cái tên tràn trề khát vọng. Khát vọng tự do. Khát vọng thống nhất. Khát vọng sống trong hoà bình. Đây là Làng Tự Do (Freedom Village), kia là công viên Thống Nhất (Unification Park), là Cầu Tự Do (Freedom Bridge), là Nhà Hoà Bình (Peace House). Tại sao có cầu tên Cầu Tự Do? Tại vì nơi đây diễn ra cuộc trao đổi tù binh chiến tranh vào năm 1953, và hơn 12000 người Bắc Hàn tìm tự do ở Nam Hàn. Nếu để ý kĩ sẽ thấy những địa danh và công trình mang danh "Tự Do" là nhiều nhất. Chỉ có những người mất tự do và tìm lại được Tự Do mới hiểu và thấm những cái địa danh ở đây.
Nhưng khát vọng thống nhất và sống chung hoà bình xem ra rất khó thành hiện thực. Trong nhiều năm sau khi chia đôi đất nước, Bắc Hàn liên tục gây hấn và tìm cách xâm nhập, xâm chiến Nam Hàn. Phải đến khu vực DMZ và đi qua những di tích, tượng đài, và đặc biệt là những địa đạo mới thấy một thực tế là sống gần với một nước như Bắc Hàn không dễ dàng chút nào.
Ghé qua công viên Imjinak, khách sẽ thấy 'nỗi buồn chiến tranh' và tức giận cho những kẻ bất chấp luật lệ quốc tế như thế nào. Đây là công viên cấp quốc gia được thiết lập để tưởng nhớ 17 nhà ngoại giao Nam Hàn bị những kẻ khủng bố Bắc Hàn đánh bom giết chết vào năm 1983. Ở đây cũng có một tượng đài tưởng niệm nạn nhân vụ đánh bom ở Phi trường Gimpo gây cho nhiều cái chết; thủ phạm vụ đánh bom cũng là những kẻ khủng bố từ Bắc Hàn.
Tháng 1/1968, Bắc Hàn chuẩn bị xâm nhập và tấn công Nam Hàn. Mục tiêu là đánh bom Dinh Tổng Thống, đánh bom Toà đại sứ Mĩ, và ám sát các yếu nhân trong Chính phủ Nam Hàn. Nhưng kế hoạch này bị thất bại vì phía Nam Hàn và quân đội Mĩ đã chuẩn bị phòng thủ, hậu quả là 29 lính Bắc Hàn bị chết, 1 người bị bắt sống, và 1 người trốn thoát. Phía Nam Hàn cũng bị thiệt hại, với 5 người dân bị chết và một chỉ huy quân đội hi sinh.
Bốn địa đạo: Bắc Hàn đào, Nam Hàn làm tiền!
“Điểm nhấn” của tour du lịch là có dịp đi trong đường hầm (địa đạo) do Bắc Hàn đào nhằm xâm nhập Nam Hàn. Đây là chứng cứ rõ ràng nhất về dã tâm xâm chiếm Nam Hàn của những người cầm quyền Bắc Hàn. Cách họ làm là khủng bố bằng đánh bom và xâm nhập bằng các địa đạo họ đào. Tính từ 1974 đến nay, Bắc Hàn đã đào 4 địa đạo để xâm nhập Nam Hàn, nhưng tất cả đều được phát hiện và ngăn chận:
Địa đạo số 3 được phát hiện vào tháng 9/1974 (qua một người lính Bắc Hàn đào tẩu báo cho biết). Địa đạo này có chiều dài 1650 m, nằm sâu dưới mặt đất 73 m, bề ngang 2m, và chiều cao cũng 2 m. Lính Bắc Hàn đào bằng tay và búa, rìu đập đá. Khi được phát hiện, phía Bắc Hàn tố cáo ngược rằng đó là công trình của Nam Hàn nằm xâm lăng Bắc Hàn. Nhưng tất cả dụng cụ, thậm chí nước sơn, đều là sản phẩm của Bắc Hàn. Khi không còn chối được, phía Bắc Hàn nói rằng họ đào địa đạo để … khai thác than! Đúng là miệng lưỡi của kẻ cướp, ngậm máu phun người.
Hai tháng sau (11/1974), lính Nam Hàn phát hiện thêm một địa đạo khác, và họ đặt tên là Địa Đạo số 1. Địa đạo này sâu từ 25 đến 45 m dưới mặt đất.
Thánh 3/1975, Nam Hàn lại phát hiện một địa đạo khác cũng thuộc địa phần5 DMZ, và họ đặt tên là Địa Đạo số 2. Địa đạo này dài 3500 m, sâu 50-160 m dưới mặt đất, cao hơn 2 m. Địa đạo II có qui mô đến độ xe tăng có thể chạy qua. Ý tưởng là sẽ đưa 30,000 quân cùng với thiết xa và vũ khí trong vòng 2 tiếng đồng hồ để tấn công và xâm chiếm Nam Hàn.
Tháng 3/1990, lính Nam Hàn lại phát hiện thêm một địa đạo, và họ đặt tên là Địa đạo số 4. Địa đạo này có chiều dài 1200 m, cũng khá rộng như Địa đạo 1. Phía trước cổng địa đạo có một tượng con chó để ghi nhớ sự hi sinh của nó trong khi phát hiện địa đạo.
Tất cả 4 địa đạo đều được mở cửa cho du khách tham quan. Có xuống dưới địa đạo mới thấy phía Bắc Hàn đã phải chịu cực (và có thể hi sinh nhiều người) để đào những địa đạo này. Họ phải đập/khoan đá (chứ không phải đất sét), phải sống trong môi trường mà chiều cao dưới 2 m (có nhiều chỗ đi phải khom lưng đến … mỏi lưng), và ăn uống chắc phải rất kham khổ. Thành quả của họ chỉ là con số 0, vì tất cả đều bị phát hiện và ngăn chận. Thật là điên rồ. Người Nam Hàn nói đùa là phía Bắc Hàn đào địa đạo để xâm nhập, người Nam Hàn dùng công trình của họ để làm địa điểm du lịch và … thu tiền.
Có lẽ mối bận tâm duy nhất của Bắc Hàn là làm sao xâm chiếm Nam Hàn, nên họ biến quân lính họ thành những cái máy người hi sinh cho cuồng vọng đó. Một điều trớ trêu là họ xâm lăng dưới chiêu bài giải phóng khỏi ách đô hộ của Mĩ và đem ánh sáng văn minh và tự do cho người Nam Hàn! Khi người Nam Hàn nói về chiêu bài này, ai cũng cười ngất và nghĩ sao họ (Bắc Hàn) có những suy nghĩ 'lạ lùng' như thế ('lạ lùng' ở đây phải được hiểu là ngu xuẩn và cuồng tín).
Những chiêu trò của phía Bắc Hàn làm cho du khách đến đây nghĩ về lời nói của Gorbachev. Họ (Bắc Hàn) rất giỏi đóng kịch cho thế giới bên ngoài. Họ phóng loa tuyên truyền qua Nam Hàn. Họ bày những trò xây dựng làng dân mà chẳng có ai ở. Họ nói một đằng, làm một nẻo: ngoài miệng thì nói hoà bình, nhưng trong thực tế thì làm mọi cách khủng bố để gây bất ổn và xâm chiếm Nam Hàn. Nhiều người đi trong chuyến du lịch ngạc nhiên hỏi sao Bắc Hàn có thể làm những trò trẻ con và tốn kém như thế. Nói chung, họ chỉ biết tuyên truyền và giả dối, đúng y như Gorbachev nói. Mà, ngay cả tuyên truyền và giả dối của họ cũng chỉ làm trò hề cho Nam Hàn và thế giới văn minh.
Là du khách Việt đến đây (vùng DMZ) tôi không thể không liên tưởng đến Việt Nam. Tôi thấy Việt Nam và Đại Hàn (tôi quen gọi theo tên cũ) có nhiều nét tương đồng lịch sử. Cả hai quốc gia đều có cái nền văn hoá Khổng Tử. Hai nước đều trải qua chiến tranh Nam - Bắc. Hai nước đều bị các nước lớn chia đôi Bắc Nam. Hai nước đều có miền Bắc theo chủ nghĩa cộng sản, miền Nam theo Tự do. Hai nước từng có thời miền Bắc theo Tàu và Nga, miền Nam kết bạn với Mĩ và thế giới văn minh. Hai nước đều có cùng xu hướng, với người miền Bắc chạy xuống miền Nam tị nạn. Ở mỗi nước, miền Bắc chủ trương xâm chiếm miền Nam. Ở mỗi nước, người miền Bắc có vẻ quyết tâm và hung hãn, còn người miền Nam xem ra tùy cơ và lãng mạn. Nhìn như thế, chúng ta thấy lịch sử cận đại Đại Hàn có nhiều nét tương đồng với Việt Nam.
Nhưng Nam Hàn không còn là nước yếu nữa. Nam Hàn có lí do để ngẩng đầu bước vào câu lạc bộ các nước tiên tiến trong 'Thế giới thứ Nhất.' Họ làm được như vậy do nhiều lí do, nhưng một trong những lí do quan trọng nhất là họ chận đứng được sự xâm lăng của Bắc Hàn.
Sơ đồ vùng DMZ trong Viện bảo tàng.
Mô phỏng lại cách lính Bắc Hàn đào địa đạo xâm nhập Nam Hàn. Đây là Địa đạo số III. Địa đạo này dài hơn 1600 m, sâu 73 m, nay đã được mở cho du khách vào xem.
Ga xe điện Dorasan trong khu DMZ. Ga này được xây dựng và hoàn tất vào năm 2002 để nối liền Bắc Nam. Tuy nhiên, ý định đó không thành, vì phía Bắc Hàn đổi ý. Bên Nam Hàn người ta biến cái gia này thành nơi làm điểm du lịch để ... kiếm tiền.
Hình mô phỏng lính Nam Hàn (trái) và Bắc Hàn (phải). Tôi thấy hình này vui vui. Lính Nam Hàn có vẻ to con (chắc là ăn uống đầy đủ), đeo kính đen trông vừa 'ngầu' vừa tài tử; lính Bắc Hàn nhỏ con, thấp hơn lính Bắc Hàn, mặc quân phục theo kiểu Liên Xô pha trộn với Tàu cộng và Bắc Hàn, nhìn mặt rất nghiêm trọng.
Chụp hình lưu niệm với các bạn postdoc và sinh viên bên Nam Hàn.
Ra phi trường Incheon, thấy chị nhạc công này chơi đàn hay quá, đứng lại nghe và chụp một hình làm kỉ niệm. Ở một phi trường nhộn nhịp mà có người chơi nhạc làm cho hành khách thấy ... yêu đời hơn. Hôm ra phi trường, tôi có một trải nghiệm khó quên và cần phải ghi lại ở đây. Số là ban tổ chức book một chiếc 'limo' cho tôi ra phi trường, vì từ khách sạn đến phi trường mất hơn 1 giờ đồng hồ (nếu không kẹt xe). Đến nơi, tôi chào anh tài xế và vô tư bước vào phi trường, mà quên cái điện thoại trong xe! Đến quầy check-in thì tôi mới phát hiện mình không có điện thoại. Một chút hoảng, nhưng chưa biết làm gì, thì anh chàng tài xế đã xuất hiện và tươi cười đưa cái điện thoại cho tôi. Tôi cảm ơn rối rít, nhưng anh tài xế nói như là một thói quen, trước khi rời phi trường anh ấy kiểm tra xem khách có để lại gì không, và phát hiện cái điện thoại. Kỉ niệm này thật khó quên!