Tiêu chuẩn giáo sư: lượng và phẩm
Qui định mới về công nhận chức danh giáo sư và phó giáo sư (GS/PGS) yêu cầu ứng viên giáo sư phải là tác giả của ít nhất 3 bài báo khoa học, và phó giáo sư 2 bài báo khoa học trên các tập san có bình duyệt. Có thể xem yêu cầu về công bố khoa học là một điểm 'tiến bộ', nhưng vẫn chưa đủ và chưa hợp lí, vì chưa xem trọng phẩm chất khoa học.
Có lẽ điểm mới và cũng có thể xem là tiến bộ là yêu cầu công bố khoa học trên các tập san có bình duyệt. Tuy nhiên, sự tiến bộ này chỉ so với trước đây, chứ chưa phải so sánh với các đại học thuộc các nước tiên tiến trong vùng và trên thế giới. Theo Socrates, một trong những vai trò của giáo sư là học giả, hiểu theo nghĩa 'scholar' trong tiếng Anh. Chính cái 'học giả tính' này phân biệt giữa giáo sư đại học và thầy cô giáo trung học (cho dù cả hai nhóm đều hành nghề dạy học). Học giả hiểu theo nghĩa thông thường là người có kiến thức uyên thâm và sản sinh ra tri thức mới. Nghiên cứu khoa học là một hoạt động sản sinh ra tri thức mới và giúp nhà khoa học có kiến thức chuyên sâu. Do đó, công bố khoa học trên các tập san có bình duyệt phải là điều kiện cần cho qui trình bổ nhiệm chức vụ giáo sư.
Nhưng công bố khoa học quốc tế vẫn chưa phải là điều kiện đủ. Trên thế giới có hàng trăm ngàn tập san khoa học (journals) − không nói đến tạp chí (magazine) − nhưng trong số này chỉ có chừng 11000 đến 25000 được công nhận, tuỳ theo danh mục. Ngay cả trong số những tập san được công nhận, phẩm chất khoa học và uy tín cũng rất khác nhau. Chẳng hạn như tập san Medical Journal of Australia không thể xem ngang hàng với New England Journal of Medicine. Ngay cả trong một chuyên ngành cũng có nhiều tập san và uy tín cũng rất khác nhau. Do đó, đánh đồng "công bố quốc tế" giữa các tập san có thể dẫn đến đánh giá sai.
Những qui định cứng về con số bài báo (như 3 cho cấp giáo sư và 2 cho cấp phó giáo sư) có phần phiến diện, vì không phản ảnh phẩm chất. Như nói trên, một công trình trên những tập san như New England Journal of Medicine, Nature, Nature Genetics, Science, Cell có giá trị nhiều lần so với nhiều bài trên những tập san có uy tín thấp, bởi vì phẩm chất khoa học của các công trình trên những tập san lừng danh đó cao hơn nhiều so với tập san 'làng nhàng'. Ngay cả trong cùng một chuyên ngành, người ta chỉ cần nhìn vào tên tập san là đã có ý tưởng về đẳng cấp và phẩm chất khoa học ra sao. Do đó, qui định cứng về con số bài báo sẽ dẫn đến tình trạng chạy số mà xao lãng phần phẩm chất nghiên cứu khoa học. Trong nhiều trường hợp, phẩm quan trọng hơn lượng.
Một trong những vấn nạn khoa học hiện nay là hiện tượng "tập san dỏm" hay "predatory journals". Đây là những tập san không có tính chất học thuật, mà chỉ là các cơ sở làm tiền. Các trạm xuất bản này càng ngày càng biến hoá như vi khuẩn biến hoá, nên có khi rất khó phân biệt thật và giả. Trong nhiều trường hợp, chỉ có người trong chuyên ngành và có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học mới có thể phân biệt tập san dỏm và tập san chính thống. Trên thế giới ngày nay có đến hơn 12000 tập san dỏm và gần 1000 trạm xuất bản dỏm. Đa số những tập san dỏm đều có mã số ISSN, thậm chí có trong danh mục có tiếng như Scopus! Do đó, qui định "công bố trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN" chưa đủ phân định để loại bỏ các tập san dỏm.
Có lẽ trên thế giới chỉ có Việt Nam và một số đại học ở Việt Nam đưa ra những con số về bài báo khoa học để bổ nhiệm chức vụ giáo sư. Ở các nước tiên tiến, không có một đại học nào đề ra những qui định định lượng cụ thể như thế. Vấn đề không phải là công bố khoa học, mà công trình khoa học có tác động hay không. Tác động trong chuyên ngành và tác động xã hội. Trong thực tế, có rất nhiều bài báo khoa học không bao giờ được trích dẫn (tức không có tác động), và số được triển khai trong thực tế càng ít hơn. Do vậy, không thể nào chỉ nhắm đến con số bài báo, mà còn phải xem xét đến tác động của nghiên cứu khoa học qua các chỉ số trắc lượng khoa học và đánh giá của chuyên gia trong chuyên ngành. Cái khiếm khuyết của định lượng hoá trong nghiên cứu khoa học là nó biến một ứng viên thành một con số. Nhưng con số thì không bao giờ phản ảnh đầy đủ đóng góp của một nhà khoa học.
Cần phải nói thêm rằng, khái niệm 'giáo sư' không chỉ là một nhà khoa học, mà còn là một lãnh đạo khoa học. Lãnh đạo thể hiện qua vai trò trong các hội đoàn quốc tế và quốc gia. Nói cách khác, giáo sư phải là một thành viên có đóng góp quan trọng cho nền 'cộng hoà học thuật' (mượn khái niệm 'cộng hoà văn chương'). Dĩ nhiên, công bố khoa học chỉ là một thành tố quan trọng nhưng nó vẫn chưa đủ để tạo nên tư cách lãnh đạo của một giáo sư.
Tóm lại, những qui định mới về chức danh giáo sư và phó giáo sư tuy có một chút tiến bộ so với trước đây, nhưng vẫn còn một khoảng cách quá xa so với các nước trong vùng và các nước tiên tiến. Những tiêu chuẩn định lượng hoá tưởng là khoa học, nhưng thật ra là phi khoa học, bởi vì không ai có thể đánh giá một nhà khoa học qua những con số. Con số bài báo khoa học không thể phân biệt được phẩm chất khoa học và tác động của các công trình nghiên cứu, mà có thể giúp mở cánh cửa cho sự xâm nhập của các tập san dỏm vào môi trường học thuật ở Việt Nam.
Bài đã đăng trên VNexpress: https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/gs-nguyen-van-tuan-so-bai-bao-khoa-hoc-khong-phan-anh-chat-luong-giao-su-3811082.html