Nói không với dự án Cái Lớn, Cái Bé – Đi tìm các giải pháp phi công trình cho Đồng bằng Sông Cửu Lon
Lời giới thiệu: Thời gian gần đây, trước những tin tức thời sự về sách giáo khoa và chính trị, ít ai chú ý đến một siêu dự án có thể gây tác động khôn lường đến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): đó là dự án xây đập sông Cái Lớn và Cái Bé (Kiên Giang). Nhưng có một người ở nước ngoài lúc nào cũng đau đáu nghĩ về sông Cửu Long: đó là Nhà văn Bs Ngô Thế Vinh, tác giả cuốn sách nổi tiếng "Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng". Trong bài viết dưới đây, Bs Ngô Thế Vinh chỉ ra những tác hại có thể thấy trước được nếu siêu dự án này thành hiện thực.
Đồng bằng sông Cửu Long là một vùng đất quan trọng của Việt Nam và Á châu. Với 18 triệu dân ở vùng này, mỗi năm xuất khẩu trị giá trên dưới 16 tỉ USD, và con số này tăng 6-7% mỗi năm. Số lượng gạo xuất khẩu từ ĐBSCL (gần 5 triệu tấn) chiếm 95% tổng số lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Tuy dân số ĐBSCL chiếm 22% tổng dân số cả nước, nhưng GDP của vùng chiếm 27% GDP của cả nước.
Tuy nhiên, có thể nói không ngoa rằng ĐBSCL đang 'lâm nguy'. Việc canh tác càng ngày càng khó khăn, thu nhập từ làm ruộng bị suy giảm mỗi năm, nên nông dân dần dần bỏ ruộng đi làm công nhân. Hạn hán kéo dài và nước mặn xâm nhập làm cho có năm hơn 500,000 ha không thể canh tác và 575,000 người thiếu nước ngọt. Thêm vào đó là sức ép dân số cùng với việc sử dụng thuốc trừ sâu bừa bãi dẫn đến ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm sông nước hết sức nghiêm trọng. Nhà tôi ở ven sông vốn là một nhánh nhỏ của sông Cái Lớn, ngày xưa cá tôm tràn đầy, nhưng ngày nay thì chẳng còn bao nhiêu, và thay vào đó là rác rưởi đầy sông, không ai dám tắm sông vì nước sông bị ô nhiễm ghê gớm. Có thể nói rằng những con sông ở vùng ĐBSCL đã và đang chết dần.
Do đó, nhà chức trách phải có hành động để 'giải cứu' ĐBSCL. Biện pháp các nhà chức trách nghĩ đến là xây đập thuỷ lợi trên sông Cái Lớn và Cái Bé. Sông Cái Lớn rộng 500-650 m và sâu 12-14 m; sông Cái Bé nhỏ hơn phân nửa sông Cái Lớn; hai sông này đem nước mặn vào bán đảo Cà Mau và Vị Thanh. Do đó, trên lí thuyết, mục đích của đập sông Cái Lớn và Cái Bé là điều tiết nước mặn, ngọt cho phù hợp với mùa vụ địa phương.
Mới nghe qua về mục đích thì cũng có lí, nhưng trong thực tế thì phức tạp hơn nhiều, và dự án này đã gặp phải nhiều phản đối gay gắt từ giới khoa học. Những quan tâm mà giới khoa học nêu lên là: (i) đập sẽ làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của nước, gây tác hại đến phù sa và thuỷ sản; (ii) đập sẽ làm cho tình trạng ô nhiễm càng trầm trọng và nguy hiểm hơn; và do đó (iii) sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế của các nước và cuộc sống của người dân trong vùng.
Biện pháp xây đập mang tính chắp vá hơn là theo một kế hoạct tổng thể cho toàn vùng. Thật vậy, tỉnh Kiên Giang chỉ là một tỉnh trong số 13 tỉnh thành; do đó, xây đập ở đây có thể giải quyết một vấn đề cho tỉnh, nhưng lại gây tác hại cho các nơi khác (hay thậm chí ngay trong tỉnh). Cần nói thêm rằng trước đây đã có cống đập Ba Lai (xây năm 2002) và công trình Quản Lộ - Phụng Hiệp (1990), nhưng cả hai công trình này đều chẳng đem lại lợi ích cho ĐBSCL nói chung. Giáo sư Võ Tòng Xuân chỉ ra rằng ở Hà Lan trước đây người ta cũng xây đập để giữ ngọt và ngăn mặn, nhưng vì gặp qúa nhiều tác hại và gây ô nhiễm môi trường, nên họ cũng phải phá bỏ để khai thông dòng chảy tự nhiên. Ấy vậy mà ngày nay, nhà chức trách lại đi theo vết xe đổ của người khác!
Dự án xây đập sông Cái Lớn và Cái Bé có giá trị hơn 3300 tỉ đồng (khoảng 165 triệu USD), nhưng đọc báo cáo dài gần 400 trang về tác động môi trường tôi phải nói là quá sơ sài. Báo cáo có nhiều chất liệu cảm tính và duy ý chí hơn là khoa học. Khó thấy những dữ liệu từ nghiên cứu khoa học trong báo cáo. Nếu có thì nguồn số liệu không rõ ràng, hoặc lạc hậu. Không thấy những công trình nghiên cứu mô phỏng "what if" (việc gì xảy ra) trong báo cáo về tác hại đến ô nhiễm môi trường và tác hại đến nông thuỷ sản. Phần dự báo về ô nhiễm (3 trang) vô cùng sơ sài và chẳng có cơ sở khoa học nào cả. Đọc báo cáo này, ai cũng có thể thấy rõ ràng rằng dự án có thể ví von như được "xây dựng trên cát", vì thiếu những nghiên cứu khoa học trước đó. Do đó, đứng trên quan điểm khoa học, dự án này không có cơ sở khoa học vững chắc.
Bất cứ can thiệp nào vào thiên nhiên cũng đều có thể đem lại lợi ích và tác hại. Vấn đề là tìm một biện pháp can thiệp đem lại lợi ích nhiều hơn tác hại. Nhìn vào những con đập hiện nay, chúng ta có thể dự báo rằng quyết định xây dựng đập trên sông Cái Lớn và Cái Bé có thể gây tác động đến môi sinh, xã hội và kinh tế của gần 20 triệu người, và ảnh hưởng tiêu cực đến vựa lúa lớn nhất của Á châu. Một quyết định như thế cần phải dựa trên luận cứ khoa học, chứ không thể dựa trên ý chí chủ quan. Hãy dừng ngay dự án, và bắt đầu làm nghiên cứu khoa học để đánh giá lợi và hại của các con đập hiện nay và trong tương lai.
NVT
===============
Nói không với dự án Cái Lớn, Cái Bé – Đi tìm các giải pháp phi công trình cho Đồng bằng Sông Cửu Long
Ngô Thế Vinh | 3-10-2018
Gửi Nhóm Bạn Cửu Long
và 18 triệu Cư dân Đồng Bằng Sông Cửu Long
“Bây giờ chính sách phát triển thủy lợi của Việt Nam phải được chuyển đổi theo sự chuyển hướng của nông nghiệp, không thể theo mục tiêu cũ để tiếp tục tăng sản lượng lúa thông qua thâm canh nông nghiệp mà phải theo mục tiêu cải thiện sinh kế của nông dân thông qua đa dạng hóa cây trồng và canh tác tổng hợp. Nhưng rất tiếc các nhóm lợi ích vẫn bám mục tiêu đầu tiên đòi hỏi phải xây dựng hệ thống thủy lợi quy mô lớn, xây dựng cống đập ngăn mặn, đào kênh dẫn nước ngọt quí hiếm từ Sông Hậu xa tít để tiếp tục bắt dân trồng lúa, như Dự án Sông Cái Lớn – Cái Bé (CLCB). Nhóm lợi ích luôn có thế lực mạnh, để được duyệt dự án thì họ mới có ăn, mặc kệ dân trồng lúa cứ nghèo.” [Trao đổi cá nhân giữa GS Võ Tòng Xuân và Ngô Thế Vinh, qua một eMail ngày 16.09.2018]
Hình 1: trên và dưới, phối cảnh tổng thể Cống Cái Lớn, Cống Cái Bé, được mệnh danh là Công trình Thế Kỷ: hệ thống vĩnh cửu cống ngăn mặn CLCB, nếu thực hiện, theo ý kiến của các chuyên gia độc lập thì không những rất tốn kém (hơn 3 ngàn tỉ đồng) và không cần thiết, lại có nhiều rủi ro tiềm ẩn, huỷ hoại rộng rãi cả một hệ sinh thái mong manh của Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Một dự án từ Bộ NN & PTNT hoàn toàn đi ngược với tinh thần Nghị Quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu do TT Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 17.11.2017 trong đó nhấn mạnh nguyên tắc: “thuận thiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào thiên nhiên.” (1,2)
NHỮNG CÔNG TRÌNH THẤT BẠI Ở ĐBSCL: CÓ BÀI HỌC NÀO ĐƯỢC RÚT RA HAY AI NHẬN TRÁCH NHIỆM
Từ hơn hai thập niên, người viết đã không ngừng lên tiếng về mối nguy cơ trên toàn hệ sinh thái lưu vực Sông Mekong do những con đập khổng lồ Vân Nam của Trung Quốc, tới chuỗi 9 con đập thuỷ điện dòng chính của Lào, rồi tới 2 dự án đập của Cambodia: ngoài những hậu quả rối loạn về dòng chảy, mất nước nơi các hồ chứa và quan trọng nhất là mất nguồn cát nguồn phù sa, dẫn tới một tiến trình đảo ngược khiến một ĐBSCL đang dần tan rã. Đồng bằng đang tan rã theo các bờ sông và sạt lở dọc theo duyên hải Biển Đông.
Với những mối hoạ từ thượng nguồn, thực tế cho thấy Việt Nam đã không thể làm gì được. Tuy là một quốc gia cuối nguồn, Việt Nam đã không thể ngăn cản được một dự án thuỷ điện phía thượng nguồn lưu vực Mekong nào cả, đó là chưa kể Việt Nam còn thúc đẩy quá trình ấy thông qua việc xây dựng nhà máy thuỷ điện ở Lào và Cambodia và gần đây nhất là mua điện từ Lào. Kể từ ngày Ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm phạm phải một sai lầm chiến lược khi đặt bút ký Hiệp định Uỷ hội Sông Mekong / Mekong River Commission năm 1995 từ bỏ quyền phủ quyết / veto vốn đã có trong Hiệp ước Uỷ Ban Sông Mekong / Mekong River Committee năm 1957 từ thời Việt Nam Cộng Hoà.
Và mọi người chắc vẫn không quên sự kiện nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải kêu gọi Trung Quốc xả nước từ đập thuỷ điện Cảnh Hồng / Jinhong Dam Vân Nam để cứu hạn cho ĐBSCL trong những ngày cuối tháng 03 năm 2016.
Nhưng còn phải kể tới những công trình phát triển tự huỷ / self-destructive development ngay nơi ĐBSCL trong bốn thập niên qua với những hệ luỵ tích luỹ tác hại nghiêm trọng trên tài nguyên và sự sống còn của cả một vùng châu thổ cuối nguồn Sông Mekong. Điển hình có thể kể, từ sau 1975:
_ Xây đê đắp đập chắn lũ hệ thống đê bao để mở rộng khu làm lúa ba vụ làm mất 2 túi nước thiên nhiên khu Tứ Giác Long Xuyên và vùng trũng Đồng Tháp Mười.
_ Xây hệ thống cống đập chắn mặn phá vỡ nhịp đập thiên nhiên của hệ sinh thái ĐBSCL điển hình là 2 dự án lớn: Ngọt hoá Bán Đảo Cà Mau và Công trình Cống đập Ba Lai.
NGỌT HOÁ BÁN ĐẢO CÀ MAU: MỘT ĐIỂN HÌNH HỐI TIẾC
Công trình Quản Lộ – Phụng Hiệp, ngọt hóa Bán đảo Cà Mau được khởi công từ đầu thập niên 1990 với vốn 1,400 tỉ đồng vay từ World Bank/ Ngân hàng Thế giới. Trong suốt giai đoạn 1990 đến năm 2000, hàng trăm cống đập, đê biển, đê sông ngăn mặn, giữ ngọt đã được rộng rãi đầu tư. Theo tính toán – trên lý thuyết của ngành thủy lợi thuộc Bộ NN & PTNT, hệ thống đưa nước ngọt từ Sông Hậu về Bán đảo Cà Mau sẽ cung cấp nước tưới, chủ yếu trồng lúa, cho 70,000 ha đất của tỉnh Bạc Liêu, 50,000 ha đất của Cà Mau và 66,000 ha đất của Kiên Giang.
Hình 2: Bản đồ hệ thống sông và kênh rạch chằng chịt nơi vùng châu thổ Đồng Bằng Sông Cửu Long. Nguồn: Amir Hosseinpour (ZEF), trích dẫn bởi Simon,2014 (6)
Hình 3: Bản đồ Quy hoạch thủy lợi vùng Nam Bán Đảo Cà Mau. (6)
Với những hậu quả là: Về khía cạnh công trình, do các cống ngăn mặn đã gây cản trở giao thông trên sông rạch nên phải làm thêm những công trình khác như âu thuyền Tắc Thủ, được xây từ năm 2001 tại ngã ba sông Ông Đốc – Cái Tàu – sông Trẹm, thuộc hai huyện Thới Bình và U Minh, Cà Mau với kinh phí gần 80 tỉ đồng nữa. Công trình này do Cty CP Tư vấn XD Thủy lợi II thiết kế và xây dựng. Âu thuyền Tắc Thủ [Hình 4] sau khi hoàn thành năm 2006, đã chứng tỏ không những là vô dụng, mà còn gây thêm cản trở giao thông. Cho đến nay, hầu như không ai chịu trách nhiệm về kế hoạch thất bại và đầu tư lãng phí này. (6)
Hình 4: Âu thuyền Tắc Thủ do Cty CP Tư vấn XD Thủy lợi II thiết kế và xây dựng từ 2001 tại ngã ba sông Ông Đốc – Cái Tàu – sông Trẹm, Cà Mau, với kinh phí gần 80 tỉ đồng nhưng sau khi hoàn thành năm 2006, đã chứng tỏ là vô dụng, mà còn gây thêm cản trở giao thông. Photo by Nguyễn Kiến Quốc (6)
Về khía cạnh hệ sinh thái, do dòng chảy sông rạch thường xuyên bị chặn lại bởi các cống, nên sự kết nối hữu cơ giữa hệ sinh thái sông-biển với thủy triều từ biển là hoàn toàn bị triệt tiêu trong thời gian cống bị đóng. Và khi mở cống, ô nhiễm tích luỹ lại theo dòng nước lan toả huỷ diệt sinh cảnh và nguồn thuỷ sản nơi cửa sông và vùng cận duyên.
Phía trong cống không còn hiện tượng nước lớn, nước ròng mỗi ngày, hoặc nước rong nước kém cho chu kỳ rằm mỗi nửa tháng. Khi chưa có cống đập, thủy triều trong sông rạch vùng Bán đảo Cà Mau tuy không đều nhưng có khi biên độ cao đến gần 2 mét. Do các cống đóng suốt mùa khô, nên khúc sông bên trong trở thành hồ nước tù đọng khiến tình trạng ô nhiễm gia tăng. Rác rưởi từ nguồn phế thải gia cư, cộng thêm với các độc chất phục vụ trồng lúa như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và phân bón hoá học tràn xuống tích tụ dày đặc. [Hình 5]
Hình 5: ở những nơi dòng sông không chảy, ĐBSCL dày đặc ô nhiễm và sinh cảnh thì đang chết dần. Photo by Ngô Thế Vinh 12.2017
Và theo Nhóm Nghiên Cứu Mekong từ ĐH Cần Thơ (6), hệ thống các cống chặn mặn làm mất nguồn năng lượng dòng chảy nước ngọt từ phía thượng nguồn (mũi tên màu xanh) và năng lượng thuỷ triều đem dòng nước mặn từ biển vào (mũi tên màu đỏ) khiến môi trường tự nhiên của ĐBSCL không còn được tẩy rửa hàng ngày (con nước lớn- con nước ròng), hàng tháng (con nước rong- con nước kém), và hàng năm (mùa nước nổi- mùa nước cạn) như trước kia. Hệ quả là hàm lượng oxy hòa tan (DO) trong nước rất thấp khiến sông rạch mất cả khả năng tự làm sạch nguồn nước bằng cơ chế oxy hóa. [Hình 6]
Hậu quả ô nhiễm là nước trong các sông rạch đổi sang màu đen, bốc mùi hôi thối do các chất hữu cơ phân hủy; và nguồn nước trong các vùng thủy lợi không còn sử dụng được cho mục đích ăn uống, kể cả sinh hoạt tắm giặt hàng ngày. Người dân nay phải sống bằng nước ngọt bơm từ những giếng ngầm, nguồn nước ngầm này cũng ngày một hạ thấp và có nơi cư dân đã phải khoan đến độ sâu 80 – 120 mét để tới được nguồn nước ngọt. Nhu cầu khai thác tầng nước ngầm để lấy nước ngọt quá lớn đang làm gia tăng tốc độ sụt lún đất ĐBSCL nhanh gấp nhiều lần hơn nước biển dâng. (6)
Hình 6: nhờ năng lượng dòng chảy nước ngọt từ phía thượng nguồn (mũi tên màu xanh) và năng lượng dòng nước mặn từ biển (mũi tên màu đỏ) mà môi trường tự nhiên của ĐBSCL được tẩy rửa hàng ngày (con nước lớn-ròng), hàng tháng (con nước rong-kém), và hàng năm (mùa nước nổi-cạn). Nguồn nước này cũng giúp cho nước chảy được trong các kênh rạch vì địa hình ĐBSCL quá bằng phẳng. (6) Những cống đập ngăn mặn của Bộ NN & PTNT đang “khai tử”dòng chảy và nhịp đập / Mekong Delta Pulse của hệ sinh thái ĐBSCL.
Về khía cạnh tài nguyên, nguồn thủy sản cũng là nguồn chất đạm/ protein quan trọng trong mỗi bữa ăn với tô cá chén cơm của cư dân ĐBSCL bị sút giảm nghiêm trọng: các loài cá trắng của nước chảy có nguy cơ bị tiêu diệt do dòng sông bị chặn bởi các cống đập, chỉ còn lại các loài cá đen nước tù của ao hồ như cá lóc, cá trê, cá rô phi… Đây là hậu quả tất yếu khi mà hệ sinh thái sông ngòi (riverine environment) đã bị chuyển sang hệ sinh thái ao hồ (lacustrine environment) (Nguyễn Hữu Thiện, 2018).
Do môi trường nước cực kỳ ô nhiễm, lại thêm, lục bình phát triển tràn lan phủ kín cả mặt thoáng sông rạch khiến ghe tàu đi lại rất khó khăn nên nhiều nơi người dân đã phải phun thuốc diệt cỏ trên lớp lục bình nhằm khai quang thuỷ lộ khiến nước sông càng ô nhiễm thêm nữa; [Hình 7] và do thiếu nguồn chất đạm từ tôm cá và các loài thuỷ sản khác đã ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, trẻ em có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.
Hình 7: Những giề lục bình phủ kín sông rạch do nước tù đọng phía trong các cống chắn khiến ghe tàu đi lại khó khăn, nhiều nơi người dân đã phải dùng thuốc diệt cỏ để khai quang lục bình nhằm tạo lối đi khiến nước sông lại càng thêm ô nhiễm. Lục bình còn ngăn cản ánh sáng và không khí rất cần thiết cho sự sống còn của các loài thuỷ sinh. Photo by Ngô Thế Vinh 12.2017
Các loại cây quen sống ở vùng nước lợ, điển hình như cây dừa nước, hư hại và chết do vùng nước lợ bị ngọt hoá. Nói chung, toàn thể tính đa dạng của hệ sinh thái khu vực quy hoạch bị xuống cấp và bị huỷ hoại nghiêm trọng.
Về phương diện xã hội, ở những nơi có cống đập chặn dòng, do việc canh tác trở nên khó khăn, chi phí cao mà lợi nhuận sút giảm, cộng thêm môi trường nước bị ô nhiễm, là một trong những lý do khiến tình trạng di dân ngày càng phổ biến và nhiều người đã bỏ đồng ruộng đi tìm kế mưu sinh ở các khu công nghiệp bên ngoài ĐBSCL hoặc trên thành phố. (6) Trong hai thập niên qua đã có ngót 2 triệu cư dân ĐBSCL phải rời bỏ quê hương vốn được coi là “vùng mật ngọt” với gạo trắng nước trong tôm cá đầy đồng thì nay phải ra đi tìm kế sinh nhai. Trong nghịch cảnh đó thì phụ nữ và trẻ em là bị nhiều tổn thương nhất.
Hình 8: Người dân Bạc Liêu và rồi lan sang Cà Mau rủ nhau đi phá cống đập ngăn mặn. Nguồn: tư liệu VTV, Giữa đôi dòng mặn ngọt 1998 (6) https://vtv.vn/video/phim-tai-lieu-giua-doi-dong-man-ngot-83951.htm
Kết quả là chỉ sau hơn 5 năm, công trình ngọt hóa Bán đảo Cà Mau đã bộc lộ những bất cập giữa lý thuyết và thực tế gây nhiều khó khăn cho đời sống cư dân trong vùng. Từ năm 1997-1998, đã có hàng trăm nông dân đòi phá các hệ thống cống đập này để lấy nước lợ vào nuôi tôm; tháng 7/1998 nông dân Bạc Liêu kéo nhau đi phá đập Láng Trâm và phong trào phá cống ngăn mặn lan sang tỉnh Cà Mau. [Hình 8]
Cuối cùng, sau năm 2000 Chính quyền phải nhượng bộ để cho các tỉnh trong vùng dự án chuyển đổi 450,000 ha đất trồng lúa sang vùng nuôi tôm, cũng có nghĩa là bước sửa sai để đưa vùng đất này trở về điểm xuất phát, trả lại hệ sinh thái tự nhiên của hai mùa mặn ngọt.
Không chỉ có vậy, ngoài sự lãng phí 1,400 tỉ đồng, Dự án Ngọt hoá Bán đảo Cà Mau, cho dù có sửa sai nhưng vẫn còn để lại những tổn thất về môi trường tự nhiên và nguồn tài nguyên và càng làm cho đất nước càng nghèo thêm. Các mục tiêu chính của dự án Ngọt hóa Bán đảo Cà Mau gần như hoàn toàn thất bại.
CỐNG ĐẬP BA LAI: THÊM MỘT HỐI TIẾC NỮA
Sau thất bại của công trình Ngọt Hoá Bán đảo Cà Mau, tưởng như đã là một bài học, nhưng vẫn tiếp theo dự án Cống đập Ba Lai, thêm một bài học không học / unlearned lesson vẫn phát xuất từ Bộ NN & PTNT.
Được khởi công tháng 02.2000, công trình chắn ngang cửa sông Ba Lai từ xã Thạnh Trị kéo sang xã Tân Xuân. Kinh phí ban đầu lên tới hơn 66 tỷ đồng VN. Trên lý thuyết – như từ bao giờ vẫn trên lý thuyết, cống đập Ba Lai có chức năng: ngăn mặn, giữ ngọt cho 115,000 hecta đất, cấp nước ngọt sinh hoạt cho hơn 600 ngàn dân cư Thành phố Bến Tre và các huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại, Châu Thành; cùng kết hợp với phát triển giao thông thuỷ bộ và cải tạo môi trường sinh thái vùng dự án. [sic]
Hai năm sau, từ tháng 04.2002 cống đập Ba Lai bắt đầu được đưa vào hoạt động, được vinh danh lúc đó là công trình thuỷ lợi lớn nhất ĐBSCL. Và từ đây, cửa sông Ba Lai, một trong 8 cửa của Cửu Long chính thức bị ngăn lại. [Hình 9]
Cho tới nay, cống đập Ba Lai đã vận hành được hơn 16 năm [2002-2018], hiệu quả công trình cống đập Ba Lai ấy ra sao? Những cống ngăn mặn Ba Lai đã không đạt mục đích vì còn chằng chịt những cửa sông kinh rạch khác không có cống ngăn đã tập hậu chuyển nước mặn vào bên trong hệ thống cống đập đã xây. Và để chỉ còn nghe những lời ta than của cư dân địa phương, bởi thế dân gian tỉnh Bến Tre mới có câu:
Ba Lai là cái cửa mình
Trung ương đem lấp dân tình ngẩn ngơ
Hình 9: từ ngày có cống đập Ba Lai, cửa sông Ba Lai nhánh thứ 8 bị Bộ NN & PTNT đóng lại. Cửa Ba Thắc đã bị bồi lấp từ cả trăm năm nay, và hiện giờ Cửu Long Giang nay chỉ còn 7 nhánh: Thất Long. Photo by Lê Quỳnh, báo Người Đô Thị
Sông Ba Lai ngừng chảy. Thay vì biến sông Ba Lai thành hồ nước ngọt thì cư dân Bến Tre phải sống với nước sông Ba Lai mặn hơn trước kia nhất là vào mùa khô. Hậu quả là tỉnh Bến Tre thiếu nước ngọt, người dân sống trong tình trạng thiếu nước ngọt kinh niên, phải mua nước ngọt cho nhu cầu gia dụng có khi phải trả tới 100,000 đồng/ mét khối. [Tuổi Trẻ online 22.02.2016]
Giải thích của Chính quyền về “hiệu quả ngược” của công trình cống đập Ba Lai như hiện nay là đổ lỗi do thiếu vốn để làm nhiều công trình khác tiếp theo, đó là phải xây thêm cống đập và cả âu thuyền trên hai con sông Giao Hoà và Chẹt Sậy nơi vẫn tiếp tục đem nước mặn từ sông Cửa Đại đổ vào “hồ nước ngọt Ba Lai”.
Qua kinh nghiệm 16 năm vận hành của hệ thống cống đập Ba Lai, để thấy rằng dù tốn hàng bao nhiêu tỷ đồng, cứ với quyết tâm mù quáng can thiệp thô bạo khập khiễng vào thiên nhiên, làm cống ngăn mặn nhưng nước sông rạch bên trong vẫn không thể dùng được cho sinh hoạt, những công trình như thế còn khiến nước bên trong bị ô nhiễm nghiêm trọng hơn vì tù đọng do dòng sông không chảy.
Xây dựng cống đập Ba Lai không những đã rất tốn kém, nhưng khi phát hiện sai lầm thì việc phá bỏ, làm sạch môi trường và chuyển đổi sinh hoạt của cư dân cũng không thể mau chóng và không phải là dễ dàng.
Địa bàn môi trường không phải như một bàn cờ để dễ dàng xoá đi bày lại. Một câu hỏi được đặt ra: với những tác hại do cống đập Ba Lai gây ra, ai – Bộ NN & PTNT, hay TNMT/ Bộ Tài Nguyên Môi trường hay chính phủ trung ương sẽ nhận trách nhiệm với phong cách “đem con bỏ chợ” như hiện nay?
Hai bài học đắt giá. Từ bài học thất bại của Công trình Ngọt hoá Bán đảo Cà Mau tiếp theo thất bại khác của công trình Cống đập Chắn mặn Ba Lai, nhiều nhà khoa học và giới hoạt động môi trường như một “think tank” đã không ngừng lên tiếng cảnh báo rằng: nếu không có một đánh giá môi trường chiến lược cho toàn ĐBSCL mà chỉ đơn giản nhắm giải quyết tình hình mặn ngọt cho từng vùng, rồi lập ngay quy hoạch xây dựng xây một loạt hệ thống cống đập chỉ để ngăn mặn nơi các cửa sông lớn là phá vỡ cả một hệ sinh thái mong manh đã có đó từ ngàn năm và hậu quả sẽ khôn lường. Phát triển với những bước không bền vững / unsustainable development như trên đã và đang làm thay đổi diện mạo, gây tổn thương trên toàn hệ sinh thái ĐBSCL và khiến các nguồn tài nguyên thiên nhiên cứ nghèo dần đi.
THUỶ LỢI CÁI LỚN-CÁI BÉ: THÊM MỘT “CÔNG TRÌNH THẾ KỶ” ĐẦY HOÀI NGHI
Dự án Thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé (CLCB) được đề xuất từ năm 2011 với chủ trương trên lý thuyết như một công trình nhằm ứng phó với nước biển dâng và biến đổi khí hậu và cũng để duy trì đất trồng lúa bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu, theo quy hoạch thuỷ lợi tổng thể cho ĐBSCL đã được nguyên TT Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt ngày 19.04.2016.
Hình 10: trái, bản báo cáo Đánh giá Tác Động Môi trường (ĐTM), Dự án Hệ thống thuỷ lợi Sông Cái Lớn – Cái Bé; phải, vùng dự án CLCB (vùng màu hồng) trong lưu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. (1) Nguồn: ĐTM tr..83
Dự án Thủy lợi CLCB Giai đoạn 1 được TT Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt ngày 17.04.2017 dựa theo tờ trình của Bộ NN & PTNT. Toàn bộ công việc soạn thảo dự án, nghiên cứu khả thi cho đến lập báo cáo ĐTM đều nằm trong một “chu trình khép kín” / behind close door thuộc quyền kiểm soát của Bộ NN & PTNT mà không cho thấy có một tổ chức, cá nhân độc lập nào tham gia. Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng Thuỷ lợi 10 thuộc Bộ NN & PTNT. Từ đơn vị tư vấn lập báo cáo dự án là Liên danh Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam – Viện Quy hoạch Thuỷ lợi Miền Nam – Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Thuỷ lợi 2 rồi đến cơ quan lập báo cáo ĐTM là Viện Kỹ thuật Biển thuộc Quy hoạch Thuỷ lợi Việt Nam, tất cả đề là những đơn vị trực thuộc quản ý hành chính của Bộ NN & PTNT hoặc Bộ NN & PTNT có quyền ra chỉ đạo trực tiếp. Điều này có nghĩa các chuyên gia độc lập, tổ chức xã hội dân sự và cư dân không được tham vấn và có tiếng nói nào vào quyết định của dự án.
Dự án hệ thống thủy lợi CLCB với địa bàn chủ yếu ở vùng Bán đảo Cà Mau, được giới hạn bởi: phía bắc là kênh Cái Sắn; phía nam và đông nam là kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp; phía đông bắc là sông Hậu và phía tây là Vịnh Thái Lan. Tổng diện tích vùng dự án là: 909,248 ha, trên địa bàn của 6 tỉnh / thành phố: Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và TP Cần Thơ. [Hình 10].
Theo báo cáo ĐTM (dày 487 trang) thì mục tiêu (trên lý thuyết) của dự án Hệ Thống Thuỷ Lợi CLCB giai đoạn 1 là:
Kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang và tỉnh Bạc Liêu thuộc lưu vực sông Cái Lớn – Cái Bé. Đồng thời, góp phần phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển của tỉnh Kiên Giang;
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô, phòng chống cháy rừng, đặc biệt trong những năm hạn hán, góp phần phát triển kinh tế xã hội ổn định;
Tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua cải tạo đất phèn;
Kết hợp phát triển giao thông thủy, bộ trong vùng dự án.
Quy mô dự án hệ thống thủy lợi CLCB (giai đoạn 1) gồm các hạng mục công trình:
Cụm công trình cống Cái Lớn – Cái Bé, tuyến đê nối 2 cống và nối với quốc lộ 63 và các cống dưới tuyến đê. tuyến kênh nối 2 sông Cái Lớn và sông Cái Bé.
Nạo vét kênh Thốt Nốt và kênh KH6, sửa chữa cống, âu Tắc Thủ; cụm công trình bờ đông kênh Chắc Băng và sông Trẹm; cống Lương Thế Trân; cống Ông Đốc; Cống Xẻo Rô; cống Ngọn Tắc Thủ và trạm bơm Tắc Thủ.
Dự kiến tổng vốn đầu tư cho dự án (Giai đoạn 1) là 3.309,5 tỷ đồng (tương đương khoảng 150 triệu Mỹ kim).
ĐTM CÁI LỚN – CÁI BÉ: “ĐỀ NGHỊ CHỦ DỰ ÁN THỰC HIỆN NGHIÊM TÚC BIỆN PHÁP GÂY Ô NHIỄM”?
Báo cáo ĐTM Hệ thống thủy lợi CLCB giai đoạn 1, do Viện Kỹ thuật biển trực thộc Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam (2018), một cơ quan trực thuộc Bộ NN & PTNT, được ghi là một Báo cáo chưa được thẩm định, phê duyệt.
Với một bản báo cáo ĐTM được ghi là chưa được thẩm định, phê duyệt thì đã có ngay một số nhận định khái quát từ giới chuyên gia trong nước cũng như hải ngoại cho rằng:
ĐTM dù với bề dày ngót 500 trang nhưng rất lan man nhiều sự kiện còn thiếu sót và không minh bạch do bị chi phối bởi quan điểm của chủ đầu tư / nhóm lợi ích, và chỉ để nhằm biện minh cho sự cấp thiết của dự án, nên lộ rõ nhược điểm là thiếu tính khoa học khách quan, thiếu tính thuyết phục và chưa thực tế.
Mục 01.1.2. Sự cần thiết phải đầu tư dự án chỉ nói chung chung mà thiếu dẫn chứng thực tế hiện trạng mặn-ngọt hiện nay trong vùng dự án đã gây tổn thất kinh tế xã hội cụ thể ra sao mà nay phải đối phó và thiếu một tầm nhìn chiến lược nhất là trong bối cảnh những “công trình thế kỷ” trước đó đã thật sự thất bại như đã dẫn chứng trong phần đầu của bài viết này. Cách viết báo cáo như vậy là nhằm để dễ dàng thông qua cho chủ đầu tư chứ không phải mang tính dự báo, cảnh báo để đưa ra giải pháp giảm thiểu hoặc thay thế từ một con toán so sánh được mất có sức thuyết phục.
ĐTM, ngoài tính toán rất sơ lược chi phí cho công trình, nhưng không thấy có đề cập chi phí hoạt động và bảo quản, không có ngân quỹ dự trù phòng thiệt hại rủi ro.
ĐTM không có thẩm định lợi hại tăng hay giảm cho dân bao nhiêu, cho chính quyền bao nhiêu so với hiện trạng, và cũng không rà xét các phương án nào khác để biết đây có là lộ trình tối ưu thật không?
Phần quan trọng nhất của ĐTM là các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm thì viết rất chung chung chưa đến 3 trang trong các mục 1.3.2. Với những giải pháp chung chung như thế, việc áp dụng thực hiện trong thực tế có ai đảm bảo hiệu quả.
Với một dự án thuỷ lợi có thời gian vận hành tối thiểu 50 năm, có khi đến cả trăm năm nhưng ĐTM lại tập trung chủ yếu vào phân tích tác động của giai đoạn chuẩn bị và xây dựng dự án mà lại viết sơ sài tác động của việc vận hành hệ thống thuỷ lợi CLCB sau khi xây dựng xong. Quan trọng nhất ĐTM này lại viết rất sơ sài những phần nội dung rất cơ bản và quan trọng như đánh giá tác động môi trường nước khi vận hành cống trong các mục 1.3.3.4, phần giảm thiểu tác động trên môi trường nước, giảm thiểu tới tài nguyên sinh thái… Với sự sơ sài chung chung như vậy thì không biết sẽ triển khai thực hiện thế nào trong thực tế.
Một điều đáng lưu ý là tử trang 451 tới trang 456, báo cáo ĐTM liên tục lặp đi lặp lại một ý quan trọng, được cho là ý kiến của 8 trên trên tổng số 39 UBND xã trong phần tham vấn cộng đồng: “đề nghị Chủ dự án thực hiện nghiêm túc biện pháp gây ô nhiễm.” [sic] Báo cáo ĐTM không đưa ra các văn bản gốc trích dẫn ý kiến chung này, nhưng có thể hiểu ý kiến “đề nghị Chủ dự án thực hiện nghiêm túc biện pháp gây ô nhiễm.” theo hai hướng:
Đơn vị tư vấn lập ĐTM không phân biệt được “biện pháp gây ô nhiễm” và “biện pháp kiểm soát ô nhiễm” là hai khái niệm hoàn toàn đối nghịch nhau. Đây là những khái niệm sơ đẳng nhất của những học sinh khi học về khoa học môi trường, lẽ nào những đơn vị tư vấn hàng đầu trực thuộc Bộ NN & PTNT với một đội ngũ hùng hậu gồm cả những vị phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân lại không phân biệt được hai khái niệm sơ đẳng ấy để đưa vảo báo cáo? Không phải không phân biệt được mà là cực kỳ cẩu thả khi viết và đọc báo cáo đến độ vô tri.
Đơn vị tư vấn lập ĐTM cố tình “nhét chữ vào miệng” các UBND xã để họ đưa ra ý kiến “đề nghị Chủ dự án thực hiện nghiêm túc biện pháp gây ô nhiễm.” và kết quả là có 8 xã trên 39 xã được tham vấn đồng ý với tư vấn, kết quả là nguyên văn được ghi vào giấy trắng mực đen ĐTM, nếu đúng như vậy thì đây là một sự thiếu trung thực, lập lờ mà xã hội không thể nào chấp nhận được. Không những không trung thực mà là vô trách nhiệm một cách thô bạo.
Dù với lý do nào, trong một bản báo cáo ĐTM với “đề nghị Chủ dự án thực hiện nghiêm túc biện pháp gây ô nhiễm” vẫn có đó khiến người ta không khỏi nghi ngờ về hậu ý của những người lập báo cáo, của chủ đầu tư và cả những người phê duyệt đầu tư dự án ấy. Nhìn chung, mục tham vấn cộng đồng viết rất sơ sài nhưng lại để lộ sai sót nghiêm trọng và gần như vô nghĩa thay vì tìm kiếm ý kiến phản biện đa chiều của cộng đồng cư dân vùng dự án ngõ hầu làm do dự án tốt hơn lên.
Theo ý kiến các chuyên gia thì: “Tất cả những kịch bản dự báo trong chương 3 của báo cáo ĐTM hoàn toàn mang tính lý thuyết, không viện dẫn bất kỳ một công trình điển hình thành công nào tại Việt Nam và thế giới. Nghiên cứu báo cáo ĐTM cho thấy rằng nhóm tư vấn đã bỏ qua những bài học nhãn tiền về sự thất bại đầy hối tiếc và không thể đảo ngược về mặt tự nhiên của những công trình thuỷ lợi trước như dự án Ngọt hoá Bán đảo Cà Mau và Công trình Cống đập Ba Lai đã được đề cập ở trên. Do vậy, có thể kết luận rằng những đánh giá của báo cáo ĐTM đưa ra không có biện pháp ngừa tránh vết xe đưa đồng bằng thêm trầm mình vào ô nhiễm, không đủ cơ sở khoa học và không thể tin cậy.
Với một báo cáo ĐTM còn nhiều thiếu sót như thế thì không thể quyết định gì cả để khởi công một “Công trình Thế kỷ” có khả năng huỷ hoại cả một hệ sinh thái mong manh không chỉ của bán đảo Cà Mau và trên toàn hệ sinh thái của ĐBSCL, ảnh hưởng trực tiếp trên đời sống sản xuất sinh kế của hàng triệu cư dân trong vùng quy hoạch, trong khi còn bao nhiêu vấn đề kỹ thuật chưa có giải pháp rốt ráo.
Một hệ sinh thái khi đã bị huỷ hoại thì rất khó sửa chữa và không thể đảo ngược.
Hình 11: Sơ đồ dự án hệ thống cống đập chắn mặn trên Sông Cái Lớn- Sông Cái Bé, sẽ tác động trên 1/4 diện tích toàn ĐBSCL và ảnh hưởng tới đời sống hàng triệu cư dân trong vùng. Nguồn: Ánh Sáng và Cuộc Sống
NHỮNG CHUYÊN GIA ĐỘC LẬP NÓI GÌ VỀ CLCB?
Hình 12: trên từ trái, GS Võ Tòng Xuân, GS Nguyễn Ngọc Trân; dưới từ trái, TS Lê Anh Tuấn, TS Dương Văn Ni, ThS Nguyễn Hữu Thiện, những tiếng nói trí tuệ hai thế hệ từ Đồng Bằng Sông Cửu Long, với chiều hướng thiên về giải pháp phi công trình / non-structural adaptation measures cho ngót 18 triệu cư dân Miền Tây Nam Bộ. Nguồn: internet
Để có một cái nhìn thực tế nhất về dự án CLCB, tác giả bài viết này tìm đến những chuyên gia nông học, môi trường học, sinh thái học của ĐBSCL. Họ là những chuyên gia không những được ghi nhận trong nước mà còn trên bình diện quốc tế vì những đóng góp cho khoa học và cuộc sống. Quan trọng hơn hết, đa số họ là những cư dân sinh ra và lớn lên từ ĐBSCL, cuộc sống của họ gắn liền với vùng đất này khiến họ am hiểu ĐBSCL như đường chỉ tay của chính họ.
Ý kiến GS Võ Tòng Xuân:
PHÁT BIỂU CỦA GS VÕ TÒNG XUÂN 16.09.2018 QUA MỘT EMAIL TRAO ĐỔI CÁ NHÂN
NGÔ THẾ VINH VIẾT:
Tôi và nhóm Bạn Cửu Long bên này đang rất quan tâm tới Dự án Cái Lớn Cái Bé mà tôi nhớ là trước đây, theo GS Võ Tòng Xuân và các nhà nghiên cứu độc lập, thì những dự án chặn mặn sẽ phá vỡ đi dòng chảy tự nhiên vốn có, gây ra nhiều hệ lụy khôn lường, nhất là về môi trường… Trong tình thân, đề nghị Anh Xuân đưa ra một nhận định có tính cập nhật/ Upto Date, và chi tiết hơn/ more specific về dự án Cái Lớn Cái Bé để tôi có thể quote một tiếng nói có uy tín và rất có trọng lượng trong một bài đang viết, trong khi mà các nhóm lợi ích đang khuynh loát tiếng nói của những nhà khoa học chân chính…
GS VÕ TÒNG XUÂN TRẢ LỜI:
Tôi biết anh rất tâm tư mỗi khi nói đến ĐBSCL. Qua 40 năm tôi mới đạt thêm một thắng lợi về mặt Khoa học và Kiến Tạo Xã Hội bằng một xoay chuyển chính sách nhà nước, nhưng phải nói ngay rằng, đây mới chỉ là bước đầu được Thủ Tướng chấp thuận đưa vào nghị quyết, nhưng phải cần một thời gian nữa mới có thay đổi thật sự, các Bộ, Ban, Ngành mới chấp hành chủ trương. Cho nên tôi xin trình bày với anh một cách tóm tắt như thế này:
Từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với đề nghị mà tôi đã từng nêu 28 năm nay sau khi Việt Nam trở lại vị trí nhóm 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, Nghị Quyết 120 NQ-CP của Chính phủ đã được ban hành vào tháng 11/2017. Đây là một nghị quyết lịch sử của nông nghiệp ĐBSCL, vì nó gỡ trói người nông dân thoát khỏi vòng kim cô phải sản xuất lúa muôn đời để cho cán bộ nhà nước hoàn thành chỉ tiêu pháp lệnh về sản lượng lúa, mặc kệ nông dân phải chịu giá rẻ bèo của sản phẩm thặng dư quá lớn này. Bây giờ chính sách phát triển thủy lợi của Việt Nam phải được chuyển đổi theo sự chuyển hướng của nông nghiệp, không thể theo mục tiêu cũ để tiếp tục tăng sản lượng lúa thông qua thâm canh nông nghiệp mà phải theo mục tiêu cải thiện sinh kế của nông dân thông qua đa dạng hóa cây trồng và canh tác tổng hợp.
Nhưng rất tiếc các nhóm lợi ích vẫn bám mục tiêu đầu tiên đòi hỏi phải xây dựng hệ thống thủy lợi quy mô lớn, xây dựng cống đập ngăn mặn, đào kênh dẫn nước ngọt quí hiếm từ sông Hậu xa tít để tiếp tục bắt dân trồng lúa, như Dự án sông Cái Lớn – Cái Bé (CLCB). Nhóm lợi ích luôn có thế lực mạnh, để được duyệt dự án thì họ mới có ăn, mặc kệ dân trồng lúa cứ nghèo.
Các nhà khoa học chân chính đã đưa ý kiến đề nghị dừng dự án CLCB, với những lập luận bác bỏ các lý do cần phải thực hiện dự án. Nhưng lý do quan trọng mà các nhà phản biện nói rất ít là dưới ánh sáng của NQ120 của Chánh phủ, lương thực không còn là mục tiêu chính mà nhà nước đã bắt buộc mọi người thực hiện bằng mọi giá bất kể tổn phí. Thời thế bây giờ không như trước nữa. Chúng ta dư thừa quá nhiều lúa gạo. Với kỹ thuật lúa gạo của chúng ta ngày nay, chỉ trong vòng 3 tháng là chúng ta có gặt vụ lúa mới. Tại sao những người trong nhóm lợi ích chỉ nghĩ là phải ngăn mặn để có thể tiếp tục trồng lúa mà không thấy những người chuyên trồng lúa cả 40 năm nay vẫn khổ vì lợi tức từ lúa quá thấp? Nhóm lợi tức này muốn những người trồng lúa của nước ta chịu nghèo khổ vĩnh viễn hay sao?
Mặt khác những người chỉ chủ trương trồng lúa-lúa-lúa quả là những người không biết cách làm ăn gì khác ngoài cây lúa. Họ càng chủ trương chỉ trồng lương thực càng bộc lộ sự yếu kém trình độ học thức của họ. Hãy tưởng tượng nếu Malaixia hoặc Singapo chỉ chủ trương sản xuất lương thực thì chắc họ không đứng hàng đầu quốc gia giàu có nhất ASEAN. Hoặc xa xa bên kia trời tây, nếu Thụy Sĩ cũng chủ trương tự túc lương thực thì chắc họ không bao giờ đứng đầu bảng các quốc gia giàu có của châu Âu.
Mặt khác, các chuyên gia thủy lợi nước ta dư sức biến những cơ sở vật chất thủy lợi hiện có của vùng ngập sâu của Đồng Bằng Sông Cửu Long cho cây trồng phi lúa, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản nước lợ ở ven biển vùng. Quí vị không nên chạy theo đuôi các nhà quản lý chỉ biết có cây lúa, mà nên giúp dân có điều kiện sản xuất cây trồng khác, hoặc vật nuôi có giá trị cao, để họ sớm làm giàu. Vấn đề kế tiếp là gắn kết với các doanh nghiệp tài giỏi, có đầu ra ổn định để tiêu thụ sản phẩm của nông dân. [Hết trích dẫn trao đổi cá nhân giữa GS Võ Tòng Xuân và Ngô Thế Vinh, qua một eMail 16.09.2018]
Tưởng cũng cần nên nói thêm: GS Võ Tòng Xuân được biết đến như một nhà nông học suốt một đời lăn lộn với cây lúa nơi ĐBSCL từ trước 1975 cho tới nay, ông được các nhà nông học Tây phương gọi tên là Dr. Rice / TS Lúa Gạo, do công lao hướng dẫn nông dân Miền Tây phát triển đại trà cây lúa Thần Nông HYV / High Yield Variety trên khắp ĐBSCL, đưa Việt Nam lên hàng thứ hai xuất cảng gạo [chỉ có sau Thái Lan] đi khắp thế giới. Nhưng cũng chính ông, từ 28 năm nay đã rất can đảm và thức thời yêu cầu chuyển đổi canh tác, gỡ trói người nông dân thoát khỏi vòng kim cô phải sản xuất lúa muôn đời với giá rẻ bèo do thặng dư quá lớn này. Ông là một trong những tiếng nói uy tín và rất có trọng lượng cho sự ra đời của Nghị Quyết 120 NQ-CP của Chính phủ đã được ban hành vào tháng 11/2017.
Ý kiến GS Nguyễn Ngọc Trân:
Là một thành viên lâu năm Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ quốc gia qua nhiều nhiệm kỳ chính phủ, ông là người Miền Tây được sinh ra trên một cù lao nằm giữa Sông Tiền huyện Chợ Mới tỉnh An Giang, ông có những công trình nghiên cứu về Sông Mekong và ĐBSCL qua những “Điều tra Cơ bản Tổng hợp vùng ĐBSCL”.
Đối với với công trình CLCB, GS Nguyễn Ngọc Trân nêu câu hỏi:
“Chúng ta đã triển khai dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau, dự án cống đập Ba Lai Bến Tre đến nay tại sao không thành công? Trước khi triển khai các dự án mới phải trả lời câu hỏi vì sao các dự án cũ không thành công.” Nhưng vẫn không có câu trả lời từ Bộ NN & PTNT.
Cũng vẫn GS Nguyễn Ngọc Trân nhận định: “thiếu nước ngọt chỉ là hiện tượng, phải tìm nguyên nhân đúng thì mới có giải pháp đúng”.
“Chúng ta đang sống trên một vùng mà hệ sinh thái rất đa dạng nhưng chúng ta đang đơn giản nó. Từ rất nhiều sản vật tự nhiên chúng ta gom lại chỉ còn cây lúa và con tôm. Ta đang nghèo hóa môi trường và hệ sinh thái của chúng ta. Dựa trên tinh thần Nghị quyết 120, tôi cho rằng cần cân nhắc thật kỹ, khách quan và khoa học. Nên có hội thảo về biện pháp phi công trình trước khi đưa ra quyết định cho một giải pháp công trình”.
Nội dung của báo cáo chủ yếu là đánh giá tác động lên môi trường của việc chuẩn bị và triển khai thực hiện dự án. Còn những chương khác hầu hết là từ “cắt và dán” (copy & paste) từ các báo cáo Nghiên cứu khả thi / NCKT.
Trong khi đó, chúng tôi chờ đợi báo cáo đánh giá tác động lên môi trường nếu dự án hoàn thành và đi vào vận hành. Bởi có như vậy việc thẩm định dự án (BC NCKT) mới mang đầy đủ ý nghĩa trước khi dự án được phê duyệt để thực hiện.
Vẫn theo quan điểm của GS Nguyễn Ngọc Trân: “Không nên đắp đập để ngăn mặn, lợ. Cần có nhìn nhận đúng đắn để tránh những quan niệm sai lầm về tác động của biến đổi khí hậu, dẫn đến việc định hướng các biện pháp ứng phó không phù hợp và không hiệu quả. Cụ thể, ở đây là dự án về thủy lợi trên sông Cái Lớn và Cái Bé rất dễ gây ô nhiễm môi trường cho cả vùng ĐBSCL do không có sự trao đổi dòng chảy với bên ngoài. Các tỉnh vùng ven biển cũng nên xem nước mặn, lợ là một dạng nguồn tài nguyên lợi thế và không nên đắp đập để ngăn lại.” (3)
Ý kiến TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Biến đổi Khí hậu ĐH Cần Thơ:
Đáng tiếc thay, hàng chục năm gần đây, với tư duy đẩy mạnh sản xuất lương thực, chủ yếu là lúa, không coi nước mặn cũng là tài nguyên nên đã hình thành nhiều dự án “nghịch thiên” như “đắp đập chặn dòng”, “ngăn mặn giữ ngọt”. Hàng ngàn tỉ đồng đổ ra để làm các công trình bê tông như cống, đập, kè cọc nhằm chặn dòng sông ngay trước cửa biển… Các dòng sông bị đóng kín sau mùa mưa để giữ lại nước ngọt khiến thủy triều từ biển không vào nội đồng được: nhiều mảng cây rừng ven biển bị suy kiệt mà chết dần, sạt lở ven biển gia tăng. Còn phía trong đồng thì dòng sông biến thành các hồ chứa, nước bị cầm tù khiến nhanh chóng bị ô nhiễm, hôi thối. Lục bình và nhiều loại tảo lục phát triển, ghe tàu đi lại rất khó khăn, chậm chạp và tốn kém. Nhiều nơi nông dân buộc phải dùng thuốc độc hóa học để tiêu diệt lục bình khiến ô nhiễm sông rạch thêm trầm trọng… Nhiều bài học thực tế cho thấy, từ ngàn đời nay, thiên nhiên đã vốn tạo cho sông nước, đất đai, cây trồng, con người những mối ràng buộc hài hòa và quan hệ có tính hữu cơ. Việc đưa công trình làm đảo lộn quy luật của tạo hóa có thể tạo ra một số lợi nhuận nào đó, mang tính ngắn hạn nhưng về dài hạn, cái hại về môi trường, sinh thái, xã hội ngày càng lớn và dần dần vượt cao hơn cái lợi, khi đó kinh tế nông nghiệp cũng dần dần xuống dốc… (4)
Ý kiến TS Dương Văn Ni, người có hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên ĐH Cần Thơ:
Phát biểu tại hội nghị về dự án Thuỷ lợi CLCB giai đoạn 1 tổ chức Kiên Giang ngày 07.09.2018, TS Dương Văn Ni cho rằng đối với vùng Bán đảo Cà Mau, hai sản phẩm chủ lực của vùng là lúa và tôm, nhưng đây lại là hai đối tượng mâu thuẫn với nhau về nguồn nước. “Con tôm cần độ mặn trên 4 phần ngàn, còn cây lúa dưới 4 phần ngàn. Nước thải ruộng tôm làm chết lúa và nước thải ruộng lúa có nhiều thuốc sâu cũng làm chết tôm”, ông dẫn chứng.
Theo TS Dương Văn Ni, vào năm 1990, ông mang một bộ giống lúa cao sản của Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) trình diễn tại huyện Đầm Dơi (Cà Mau). Lúc đó, người dân, chính quyền rất hào hứng chuyện đào kênh đắp đê để giữ ngọt. Thế nhưng, 4 năm sau, chính những người dân đi đắp đê đó lại đi phá đê để nuôi tôm.
“Tôi nói để thấy cái vấn đề ở khu vực này thiếu đa dạng cây trồng vật nuôi, chứ không phải mâu thuẫn mặn ngọt”, ông cho biết.
“Nếu không nhìn ra vấn đề của vùng là thiếu đa dạng cây trồng vật nuôi, thì vùng này sẽ mãi loay hoay với các công trình. Khi đó, chính quyền địa phương với trách nhiệm được nhà nước giao giữ gìn công trình xã hội sẽ xem người dân như những người phá hoại, trong khi người dân nhìn chính quyền như là người cản trở cơ hội làm giàu của họ. (4)
Ý kiến ThS Nguyễn Hữu Thiện, người sinh ra và lớn lên từ ĐBSCL, tốt nghiệp ĐH Wisconsin Hoa Kỳ, chuyên gia độc lập về Sinh thái
Với nhiều năm trăn trở với hệ sinh thái ĐBSCL, phát biểu tại buổi tham vấn ý kiến chuyên gia về xây dựng dự án thủy lợi CLCB được tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 28.05.2018, ông Nguyễn Hữu Thiện đã nhấn mạnh rằng, việc đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi này là không cần thiết.
Phân tích 4 luận điểm trong bản báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM của Dự án CLCB, ông Thiện khẳng định là tính cần thiết và cấp bách phải đầu tư dự án CLCB là không có tính thuyết phục, vẫn theo ông Thiện:
Luận điểm (1) được nêu ra xuất phát tình trạng khô hạn của mùa khô năm 2016. Thế nhưng, theo ông Thiện, đây là một sự kiện cực đoan 90 năm mới có một lần, không phải là xu hướng chung của ĐBSCL, nên không thể căn cứ vào yếu tố cực đoan đó để khẳng định cần thiết phải đầu tư dự án nêu trên.
Luận điểm (2) được viện dẫn là nguy cơ nước biển dâng. Ông Thiện cho rằng, đây là luận điểm thiếu căn cứ, không đúng với thực tế của ĐBSCL, tức khả năng nước biển dâng đến năm 2100 chỉ khoảng 53 cm, chứ không phải là 1 mét như những kịch bản được đưa ra trước đó.
“Vì vậy, đừng lấy chuyện nước biển dâng đề “hù dọa”, ông nói và cho biết sụt lún đất mới là vấn đề đáng lo hơn do sử dụng nước ngầm vì sông ngòi bị hủy hoại, trong khi lượng phân bón, thuốc trừ sâu sử dụng quá nhiều cho nền nông nghiệp và do đắp đập.
Luận điểm (3) được đưa ra để xây dựng hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé khi nói ĐBSCL gánh trọng trách đảm bảo an ninh lương thực, theo ông Thiện là không đúng vì nói năm khô hạn 2016 nói rằng an ninh lương thực bị đe dọa, nhưng năm đó Việt Nam vẫn xuất khẩu hơn 4,8 triệu tấn gạo, còn dư cả chục triệu tấn lúa, thì rõ ràng an ninh lương thực không hề bị đe dọa.
Luận điểm (4) được đưa ra khi nói nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngọt ở ĐBSCL do tác động của thượng nguồn. Ông Thiện cho rằng đập thủy điện không làm hết nước, mà chỉ có tác động đến phù sa và thủy sản.
Cũng theo ông Thiện, việc xây dựng hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé có thể đẩy quy hoạch tích hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu Tư (KH&ĐT) rơi vào thế “thất thủ chiến lược” nhằm hướng tới phát triển theo hướng “thuận thiên”, theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu. (7)
Ý kiến KS Phạm Phan Long, PE từ Viet Ecology Foundation
Chúng tôi chia sẻ với dân cư ĐBSCL và cả nước mối quan ngại của chúng tôi về dự án Thủy lợi ngăn mặn trên sông Cái Lớn và Cái Bé với lời kêu gọi lập tức huỷ bỏ hay ít nhất ngừng ngay dự án này để có thời gian đánh giá thận trọng hơn, rút kinh nghiệm từ những công trình thuỷ lợi tốn kém đầy hối tiếc trước đây đã liên tiếp gây ra thảm trạng trên đồng bằng này.Những công trình trước cũng đều có những mục đích viết ra hay như thế nhưng toàn thất bại sau những thành quả nhất thời.
Công trình ngọt hoá bán đảo Cà Mau đã gây tranh chấp gay gắt ngọt mặn và phải phá bỏ. Công trình cống ngăn mặn Ba Lai đã không ngọt hoá mà khiến sông Ba Lai ngưng chảy biến thành hồ, tích lũy ô nhiễm và nước còn mặn hơn xưa. Công trình đê bao Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên không những làm cho hai lòng chảo bị tù đọng ô nhiễm mà còn làm mất hai vùng trũng chứa nước ngọt thiên nhiên hằng năm cung cấp bù đắp nước ngọt cho đồng bằng trong mùa khô.
Những công trình đó khiến đồng bằng cho dù vẫn bao phủ bằng mặt nước mênh mông nhưng không còn nước sạch có thể sinh hoạt hay canh tác được. Dân phải tận dụng nguồn nước ngầm khiến đất lún nhanh gấp chục lần biển dâng do biến đổi khí hậu. Những kinh nghiệm xót xa này không hề được Bộ NN & PTNT rút tỉa, rõ ràng vấn nạn lớn trên toàn đồng bằng hiện nay là ô nhiễm nguồn nước chính vì các công trình thủy lợi hoạch định phi lý đã gây ra. Ô nhiễm phải được xem là vấn nạn lớn mà mọi công trình phải phải bảo đảm không cho xảy ra. Công trình Cái Lớn Cái Bé sẽ đẩy ĐBSCL lao sâu hơn vào ao tù thảm trạng ô nhiễm không khác những công trình thuỷ hại trước đây nhưng với một quy mô lớn hơn.
Một lần nữa, chúng tôi kêu gọi lập tức huỷ bỏ dự án này và thay vì tranh chấp với thiên nhiên nhiên với các công trình cắt sông ngăn biển, hãy khiêm nhường tìm những lời giải thuận thiên nhiên, tìm bền vững tiềm ẩn trong cân bằng sinh thái, tương tác tự nhiên giữa sông với biển, vì người có thể thích nghi sống với lũ, phèn, ngọt, lợ hay mặn nhưng không thể sống với ô nhiễm. Chúng tôi cho rằng nếu chưa kiểm soát ô nhiễm phục hồi phẩm chất nguồn nước và sửa lỗi các công trình trước thì không có lý do gì đầu tư để chuốc thêm thảm trạng chưa yên.
NÓI KHÔNG VỚI DỰ ÁN SÔNG CÁI LỚN – CÁI BÉ
Để thay kết luận, một lần nữa người viết gửi tới TT Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường, vẫn câu trích dẫn và cũng là bài học đầu tiên của một sinh viên vào học Y khoa: Primum Non Nocere / First do no harm / Trước hết là không gây hại. Mọi kế hoạch vội vã, thiếu thời gian cho một đánh giá tác động môi trường [ĐTM] có tính khách quan, với tổn phí hàng ngàn tỉ đồng có thể gây hại cho toàn hệ sinh thái vốn đã quá mong manh của một vùng châu thổ mà trước đây đã từng được đánh giá là phong phú và giàu có nhất trên hành tinh này.
Như một nhắc nhở và nhấn mạnh, người viết ghi nhận lại nơi đây một đề nghị cụ thể với Thủ Tướng chánh phủ kiến tạo Nguyễn Xuân Phúc: hãy cho ngưng ngay Dự án xây hệ thống cống đập Sông Cái Lớn – Sông Cái Bé, hãy dùng ngân sách 3,300 tỷ dự trù cho dự án để thành lập ngay một nhóm nghiên cứu ĐTM độc lập [có thể bao gồm cả các chuyên gia Hoà Lan, họ đã có kinh nghiệm và có công lớn thực hiện một số chương trình khảo sát cơ bản cho ĐBSCL], để đi tìm và phác thảo các giải pháp phi công trình / non-structural adaptation measures để thích nghi và chung sống một cách tối ưu với cả ba vùng sinh thái: ngọt-lợ-mặn của ĐBSCL trong bối cảnh diễn tiến của Biến đổi Khí hậu toàn cầu. Đó mới đích thực là tinh thần Nghị quyết 120 về ĐBSCL [17/11/2017] trong đó Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh theo nguyên tắc: “thuận thiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào thiên nhiên.” (2)
HUỚNG TỚI NHỮNG BIỆN PHÁP PHI CÔNG TRÌNH
Trong 40 năm qua, nhiều biện pháp công trình / structural measures lớn đã được đem ra thử nghiệm trên khắp ĐBSCL như: đắp đê ngăn lũ, xây dựng đê kè để giảm sóng hay chuyển hướng dòng chảy, xây dựng hệ thống cống chăn mặn… Đã chứng tỏ một điều: không thể dùng những biện pháp thô bạo can thiệp vào thiên nhiên, lợi ích nếu có thì rất ngắn hạn trong khi hậu quả tác hại thì lâu dài, rất khó sửa chữa trên toàn hệ sinh thái ĐBSCL.
Từ những bài học thất bại ấy, các nhà khoa học môi trường đã khiêm tốn hơn khi chọn các giải pháp chung sống với mẹ thiên nhiên / mother nature vốn bao dung nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt.
Trước những nan đề, mặn ngọt, thay đổi khí hậu, nước biển dâng không phải bây giờ mới có nơi ĐBSCL mà nhiều ít đã có từ thuở hoang sơ, và con người từ bao giờ đã biết thích nghi sống hài hoà với thiên nhiên, dần dà nếp sống ấy đã tạo ra một nền văn hoá sông nước, ngay cả khi mà nền khoa học kỹ thuật phát triển, giải pháp chống lại mẹ thiên nhiên / mother nature vẫn là một chọn lựa thiếu khôn ngoan và không cân sức, do đó đã đến lúc các nhà khoa học môi trường thức thời đã có khuynh hướng đi tìm các “biện pháp phi công trình” chung sống và thích nghi với thiên nhiên là chủ yếu.
Thế nào là các biện pháp phi công trình / non-structural adaptation measures: đó là không chọn xây những công trình lớn cố định vĩnh cửu để đối phó với một hệ sinh thái không ngừng chuyển động: tính cố định của các công trình đã chứng tỏ lỗi thời trong một môi trường sống không ngừng đổi thay. Và trong suốt lịch sử phát triển của ĐBSCL, người nông dân và ngư dân vốn đã biết sống thích nghi để vẫn tồn tại và phát triển mà không gây ô nhiễm tổn hại cho môi sinh và vắt kiệtnguồn tài nguyên thiên nhiên.
Những ví dụ:
_ chưa có nha khí tượng, nhưng qua kinh nghiệm tích luỹ, người nông dân đã biết dự báo thời tiết, nắng mưa khá chính xác và hiệu quả.
_ chưa có nha địa chất, nhưng họ đã biết đánh giá các vùng thổ nhưỡng, để chọn đúng loại cây trồng, không chỉ có cây lúa họ biết đa canh để giữ màu cho đất
_ chưa có nha thuỷ văn, họ đã biết chọn giống, nuôi trồng thuỷ sản phù hợp sinh cảnh: mặn ngọt lợ theo vùng
Với hiện trạng môi trường suy thoái trầm trọng như hiện nay, điều mà nhà nước cần quan tâm giúp họ:
_ giúp họ được sống trở lại với một môi trường không ô nhiễm đang đầu độc họ như hiện nay: mở cửa các cống đập cho các dòng sông được chảy
_ với sông chảy và thuỷ triều là những động lực làm thanh sạch và tẩy rửa môi trường tích luỹ như hiện nay
_ với các nhà máy xây dựng và hoạt động ven sông như nhà máy giấy Lee & Man, các nhà máy điện than đa phần từ TQ phải được giám sát chặt chẽ về xử lý các nguồn nước và chất thải
_ nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường: tạo cho họ các tiện dụng gia cư tối thiểu như nhà vệ sinh, nơi xử lý rác thay vì thải hết xuống sông như hiện nay
_ về tổng thể, nên có quy hoạch các khu cư dân hợp lý, thiết lập quỹ dự phòng như một hình thức bảo hiểm của nhà nước để tài trợ khi cư dân bị thiệt hại trong giai đoạn thay đổi khí hậu cực đoan như thời điểm 2016
_ với một môi trường dần dà được tẩy rửa thanh sạch, nguồn nước lênh láng trở lại sử dụng được, giảm nhu cầu khai thác tầng nước ngầm, giảm độ sụt lún mười lần nhanh hơn nước biển dâng như hiện nay.
_ phục hồi nền văn minh “những chiếc lu”, khuyến khích dân chúng dự trữ nguồn nước mưa nước uống dùng cho mùa khô hạn
_ ở một chừng mực nào đó, chúng ta chủ động kiểm soát và cả chấp nhận phần nào tổn thất do biến đổi khí hậu nhưng phải biết nói không những công trình tốn kém và mang tính tự huỷ hoại như hiện nay.
TS Lê Anh Tuấn từ ĐH Cần Thơ đã nói rất rõ về “Giải pháp phi công trình” trong sử dụng tài nguyên ở ĐBSCL với nhấn mạnh là cần diễn dịch khéo léo linh hoạt: đó là những phương cách “mềm” nhờ ưu điểm chi phí rẻ, dễ thực hiện, thiên về bảo vệ, cải thiện môi trường, thuận thiên, bảo tồn tính đa dạng sinh học, mặc dầu phải tốn nhiều thời gian mới thấy hiệu quả của nó.
Tìm ra các sinh kế tương thích với hệ sinh thái và điều kiện tự nhiên: ví dụ mùa mưa trồng lúa, mùa nắng nuôi tôm, nuôi cá nước mặn, nước lợ, tổ chức du lịch sinh thái – tìm hiểu văn hóa bản địa, phát triển khai thác, chế biến các lợi thế cây, con ở từng vùng miền (như trồng sen, chế biến sen, dệt lụa từ sợi sen, … hoặc một số loại cây ưu thế), phát triển năng lượng tái tạo, …
Ưu tiên “phi công trình” không có nghĩa là bài bác “công trình” mà cần có sự phối hợp hài hòa, chỉ phát triển công trình khi nào thật sự cần thiết, nên nghĩ làm các công trình nhỏ trước khi có những cân nhắc công trình lớn hơn.
TS Lê Anh Tuấn thuộc ĐH Cần Thơ đã chọn khu vực lúa-sen-cá-du lịch sinh thái ở Đồng Tháp như một điển hình về giải pháp “phi công trình”, với minh họa rất dễ hiểu với người nông dân:
VẪN NHỮNG DỰ ÁN SAI LẦM TỪ HỆ THỐNG
Hơn 40 năm sau 1975, như một chuỗi sai lầm từ hệ thống, nhà nước CSVN đã thiết lập vội vã nhiều dự án trọng điểm rất tốn kém với tham vọng nhằm “cải tạo” ĐBSCL, đa phần là can thiệp thô bạo gây tác hại trên hệ sinh thái mong manh của cả một vùng châu thổ. Do tính cục bộ, thiếu sót trong Đánh giá Tác động Môi trường Chiến lược [SEA / Strategic Environment Assessment] của toàn ĐBSCL, chỉ với những “nghiên cứu mệnh danh là khoa học” nhưng theo phong cách: làm nhanh ăn nhanh; chủ yếu bị chi phối bởi các nhóm lợi ích các chủ đầu tư, rồi đem chính mạng sống và kế sinh nhai người dân ra đánh bạc, bất chấp ý kiến của họ, đồng thời trấn áp các phản biện và gạt bỏ mọi khuyến cáo của các chuyên gia kinh nghiệm có thẩm quyền.
Nhưng vẫn không thiếu những nhà hoạt động môi sinh độc lập can đảm và bền bỉ cất lên tiếng nói của lương tri. Họ hướng tới mục tiêu tối hậu là bảo vệ cả một vùng châu thổ với 18 triệu cư dân, nhằm giảm thiểu những tác hại lâu dài trên nguồn tài nguyên của đất nước và của các thế hệ tương lai.
Với Dự án CLCB được mệnh danh là “công trình thế kỷ”, các chuyên gia độc lập đã lên tiếng cạn lẽ rồi, nói chung là tình hình khá bi quan: do cái momentum / xung lực của Dự án CLCB quá lớn, nhóm lợi ích và giới chủ đầu tư thì quá mạnh rất khó mà dừng lại được. Nhưng cũng chính đây mới là bước thử thách giữa “nói và làm” của Chính phủ Kiến tạo Nguyễn Xuân Phúc. Và nếu như Dự án CLCB vẫn cứ tiến hành, thì Nghị quyết 120/NQ/CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu do TT Nguyễn Xuân Phúc ban hành ngày 17.11.2017 hoàn toàn rơi vào thế “thất thủ chiến lược” – nói theo ngôn từ rất tượng hình của nhà nghiên cứu môi trường độc lập Nguyễn Hữu Thiện.
NGÔ THẾ VINH
California 30.09.2018
Tham Khảo:
1/ Dự án Hệ thống Thuỷ lợi Cái Lớn – Cái Bé Giai đoạn 1. Địa điểm xây dựng tỉnh Kiên Giang. Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bản báo cáo chưa hoàn thiện, chưa được thẩm định phê duyệt).
2/ Đồng Bằng Sông Cửu Long và Những Bước Phát triển Tự Huỷ hoại 1975-2018. Ngô Thế Vinh, Việt Ecology Foundation 04.2018 http://vietecology.org/Article/Article/299
3/ Dự án thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé ở Kiên Giang: Đừng làm mất đi lợi thế tài nguyên; NLĐ04/06/18 https://baomoi.com/du-an-thuy-loi-cai-lon-cai-be-o-kien-giang-dung-lam-mat-di-loi-the-tai-nguyen/c/26277343.epi
4/ Lại Cãi nhau với Dự án Thuỷ lợi Cái Lớn – Cái Bé. Trung Chánh, Thời Báo Kinh Tế SaigonOnline, 07.09.2018 https://www.thesaigontimes.vn/278260/lai-cai-nhau-voi-dai-du-an-thuy-loi-cai-lon–cai-be.html
5/ Xin Đừng Bóp Cổ Đất và Nước. Lê Anh Tuấn, Đại Học Cần Thơ, SaigonTimes 14.09.2018 https://www.thesaigontimes.vn/278468/xin-dung-bop-co-dat-va-nuoc-.html
6/ Đánh giá Các Hệ thống Ngăn Mặn Vùng Ven Biên Châu Thổ Cửu Long & Dự án Thuỷ Lợi Sông Cái Lớn – Cái Bé (Bản thảo ngày 06/9/2018) Nhóm nghiên cứu: Lê Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Thiện, Dương Văn Ni, Nguyễn Hồng Tín, Đặng Kiều Nhânhttp://vietecology.org/Article/Article/314
7/ Dự án Cái Lớn-Cái Bé: Lý do Không thể Phê duyệt. GS Nguyễn Ngọc Trân, Đất Việt Diễn Đàn Trí Thức 12.09.2018 http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/du-an-cai-lon-cai-be-ly-do-khong-the-phe-duyet-3365429/
8/ Chuyên gia: Không cần thiết phải xây dựng dự án thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé. Thời Báo Kinhtế SaigonOnline, Trung Chánh, 28.05.2018https://www.thesaigontimes.vn/273170/chuyen-gia-khong-can-thiet-phai-xay-dung-du-an-thuy-loi-cai-lon–cai-be-.html
9/ Dự án thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé: Quá nhiều lo ngại. Nguyễn Hữu Thiện, Báo Đất Mới http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/du-an-thuy-loi-cai-lon–cai-be-qua-nhieu-lo-ngai-3365385/