top of page

Kẻ đưa đò

Hôm nọ, tôi chủ trì buổi [cứ tạm gọi là] bảo vệ luận án tiến sĩ (1) của một em nghiên cứu sinh. Quan sát và nghe cách trình bày tôi thấy em ấy đã trưởng thành khá nhiều trong thời gian 4 năm qua. Nhìn lại mình, tôi chợt nhận ra cái hình tượng và vai trò của kẻ đưa đò của mình trong thời gian qua.

Người hướng dẫn tiến sĩ như kẻ đưa đò. Tôi thấy cách ví von bằng hình tượng này rất hay. Quan niệm của tôi về vai trò của người mentor là giúp nghiên cứu sinh trở thành 'leader' bằng cách giúp họ tiếp xúc những 'leader' trong chuyên ngành trên thế giới.

Bất cứ nghiên cứu sinh nào mới bước vào con đường nghiên cứu khoa học cũng đều có những ... ngây ngô. Những ngây ngô rất dễ thương. Dù họ chẳng biết gì về vấn đề, nhưng họ người thì tham vọng đầy mình, người thì rụt rè thiếu tự tin. Có người vào con đường nghiên cứu với tham vọng chinh phục bệnh tật, muốn tìm ra tất cả những gì mình muốn tìm cho được. Trái lại, cũng có người e dè, rụt rè, sợ hãi, không biết tương lai sẽ ra sao, mình sẽ nghiên cứu cái gì, và kết quả như thế nào, có đủ chất liệu cho một luận án tiến sĩ. Dù tham vọng hay thiếu tự tin, tuyệt đại đa số các nghiên cứu sinh mới vào học cứ như là học trò tiểu học: ngơ ngáo.

Rồi họ phải qua một thời gian 4 năm (có khi 6 năm) rèn luyện trong cái lò gọi là "laboratory". Trong cái lò đó, họ phải đọc rất nhiều bài báo khoa học, và chính vì thế mà người ta gọi học tiến sĩ là "reading"; họ phải thực hiện nhiều nghiên cứu; học cách thiết kế thí nghiệm và trân trọng dữ liệu; họ phải học cách phân tích dữ liệu; họ phải học cách diễn giải kết quả phân tích; họ phải học cách viết bài báo khoa học; họ phải học cách nói trong các hội nghị nhỏ và lớn; họ phải học đối nhân xử thế với đồng môn và biết đối xử với cấp trên trong chuyên ngành. Nói chung, họ phải trải qua một giai đoạn rèn luyện về "kĩ năng cứng" lẫn "kĩ năng mềm."

Trong quá trình đào tạo đó, họ phải chịu rất nhiều "bầm dập" tinh thần. Xuất thân là những sinh viên xuất sắc (trong ngành y hay ngoài ngành y), nhưng khi vào học tiến sĩ thì cái quá trình đào tạo trong cái lò đó làm cho họ thấy mình như những kẻ ngu dốt. Có thể nói bất cứ cái gì họ làm cũng đều bị đánh giá là sai hay chưa ok! Làm cái gì cũng bị chê là sai, là chưa đúng, là chưa đạt. Trong seminar, phát biểu ra một ý nào đó thì bị thầy hay đồng nghiệp chê là học chưa đến và thiếu kiến thức. Diễn giải dữ liệu thì bị chê là kém hiểu biết! Viết văn thì bị chê là dở và bị chỉnh sửa như học trò tiểu học. Nói trước hội nghị thì bị chê là thiếu tính chuyên nghiệp. Nói chung, cái quá trình đào tạo tiến sĩ biến một nghiên cứu sinh sáng dạ và hăng hái khi mới vào học trở thành nhũn nhặn sau khi ra trường. Một lò đào tạo tốt phải làm cho người tốt nghiệp tự tin hơn về kĩ năng nhưng khiêm tốn hơn về kiến thức. Tự tin vì mình biết được vấn đề và có đóng góp vào giải quyết vấn đề. Nhưng khiêm tốn hơn vì biết mình còn có quá nhiều điều để học hỏi.

Nhưng cái hay của quá trình đào tạo đó là nó rèn luyện những sinh viên trưởng thành. Trưởng thành để tự nhận ra là mình còn 'nhỏ'. Trưởng thành trong suy nghĩ một cách 'critical', và rèn luyện tính hoài nghi lành mạnh (healthy skepticism) trước những phát biểu khoa học. Trưởng thành trong cách phát hiện và giải quyết vấn đề. Trưởng thành trong tầm nhìn về chuyên ngành và có một bức tranh lớn trong đầu. Trưởng thành trong kĩ năng khoa học và văn hóa khoa học. Tuy nhiên, có không ít nghiên cứu sinh người Việt mới xong, thậm chí chưa xong chương trình đào tạo, mà đã tự cho mình là "expert" (chuyên gia) và phát biểu kiểu coi trời bằng vung, nhìn thấy ai cũng sai. Những người kém văn hoá này sẽ không bao giờ thành công trong khoa học.

Một 'outcome' quan trọng khác là quá trình đào tạo giúp cho sinh viên biết viết và biết nói tốt hơn. Viết và nói là hai kĩ năng rất cơ bản và gần như tự nhiên của con người, nhưng viết và nói trong môi trường khoa học là hai kĩ năng phải học chứ không thể có được một cách tự nhiên. Chỉ cần nhìn cách nghiên cứu sinh tốt nghiệp trình bày trong hội nghị, người ta có thể đoán được người đó được đào tạo hoàn chỉnh hay không.

Tốt nghiệp tiến sĩ cũng chỉ mới là bước đầu trong sự nghiệp khoa học. Tôi hay ví von rằng tốt nghiệp tiến sĩ như là mới xong huấn luyện ở một võ đường, người tốt nghiệp còn phải "xuống núi" đề đầu quân vào một võ đường khác -- hay nói cụ thể hơn là làm nghiên cứu hậu tiến sĩ (postdoc) ở một labo khác. Các đại học Úc và Mĩ rất kị hiện tượng inbreeding tri thức, nên họ "đuổi" nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp sang một labo khác (trước khi quay về trường cũ). Phải sau khi xong chương trình postdoc thì mới bắt đầu trưởng thành trong khoa học được. Một điều đáng tiếc là rất nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam không có cơ hội làm nghiên cứu postdoc (hay có nhưng thời gian quá ngắn) nên họ chưa thật sự trưởng thành trong khoa học.

Điều làm cho nhiều nghiên cứu sinh lo lắng và mối tương tác với người thầy. Họ rất ngại lọai thầy "độc tài" và lọai thầy cô "vua chúa". Hai loại thầy này không cần biết nghiên cứu sinh làm gì, họ chỉ cần có kết quả; họ xem nghiên cứu sinh như đám nô lệ rẻ tiền. Thân phận nghiên cứu sinh trong các labo nước ngoài giống như câu ca dao "thân em như tấm lụa đào / phất phơ giữa chợ biết vào tay ai". May mắn gặp được thầy tốt thì êm xuôi, còn nếu xui xẻo gặp thầy "cà chớn" thì đành ôm mối hận dài lâu.

Đây là nghiên cứu sinh số 13 thuộc lab tôi, chưa kể 2 người ở Việt Nam và 1 ở Thuỵ Điển. Tôi đã có nghiên cứu sinh người Úc, Trung Đông, Tàu lục địa, Tàu Hồng Kông, người Việt từ Việt Nam và người Việt sanh ra và trưởng thành ở Úc. Phải nói rằng trong nhóm nghiên cứu sinh đó, nếu lấy thước đo về giải thưởng và công bố khoa học thì nghiên cứu sinh người Việt Nam là thành công nhất. Sự thật đó làm cho tôi tự hào. Điều đó cũng nói lên rằng nếu người Việt mình được đặt vào môi trường tốt thì họ sẽ có cơ duyên thi thố tài năng, và có lẽ [nếu không hơn người] thì cũng sẽ chẳng kém ai.

Tương lai sau khi tốt nghiệp tiến sĩ giống như bức hoạ cartoon này. https://www.the-scientist.com/opinion/opinion-the-postdoc-crisis-34259

Nhưng con đường khoa học phía trước của các nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp còn gian nan lắm. Không phải như ở Việt Nam (nơi nghiên cứu sinh mới ra trường thì có khi thành quan chức, nhà quản lí, hay đảm nhiệm các chức vụ quan trọng), ở ngoài này thì các nghiên cứu sinh còn phải qua một giai đoạn nghiên cứu hậu tiến sĩ (postdoc), và để có một vị trí postdoc là cả một cuộc cạnh tranh gian nan, chỉ có một số ít mới được vị trí này. Sau postdoc, còn phải phấn đấu để đạt các vị trí khoa bảng quan trọng trong đại học, và nhất là ... xin tài trợ. Nhiều người có thể thành công trong học tiến sĩ, nhưng cứ "bồng bềnh" sau khi tốt nghiệp tiến sĩ.

Khó khăn đặc biệt là lớn đối với người Á châu chúng ta. Tôi mới thử làm một phân tích các dữ liệu của NHMRC (giống như NIH bên Mĩ) thì thấy đúng là người Á châu chúng ta gặp nhiều khó khăn trong nấc thang khoa bảng. Trong số hơn 2000 học bổng tiến sĩ do NHMRC cấp, có khoảng 20% là sinh viên gốc Á châu. Nhưng con số này rơi rụng dần dần khi leo những nấc thang cao hơn: ở cấp đầu sự nghiệp, trong số hơn 1000 nhà khoa học được cấp Early Career Fellowship, chỉ có 10% là gốc Á châu; nhưng ở cấp Research Fellowship (cấp giáo sư), thì trong số gần 600 người được trao 'ghế' , chỉ có 3.5% là nhà khoa học gốc Á châu! Trong số nhà khoa học được tài trợ dự án nghiên cứu cấp "Project Grants", chỉ có 3% là nhà khoa học gốc Á châu, và ở cấp "Program Grants" thì không có người Á châu nào (zero). Khi nói "gốc Á châu" ở đây, chủ yếu là Tàu, kế đến là Ấn Độ. Riêng số người Việt trong các nấc thang trên thì còn ít lắm, chỉ đếm đầu ngón tay thôi. Những dữ liệu trên cho thấy ở cấp thấp, các nhà khoa học gốc Á châu khá thành công, nhưng ở cấp cao thì "rơi rụng" rất nhiều.

Nói như vậy để thấy con đường từ tốt nghiệp tiến sĩ đến một nhà khoa học độc lập và 'thành công' là rất gian nan. Nhưng “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi / mà khó vì lòng người ngại núi e sông,” không vì khó khăn mà "đầu hàng". Ở nước ngoài -- chứ đâu phải ở Việt Nam nơi mà yếu tố ngoài khoa bảng quyết định -- mọi người đều có cơ hội để đạt được giấc mơ của mình. Quan niệm của tôi về hướng dẫn nghiên cứu sinh (tiếng Anh gọi là mentorship) là giúp nghiên cứu sinh tin vào tương lai, và đạt được hoài bão trở thành 'leader' bằng cách giúp họ tiếp xúc những 'leader' trong chuyên ngành trên thế giới. Tôi nghĩ quan niệm đó đúng với vai trò của kẻ đưa đò vậy. Đến đây, thì tôi đã làm tròn vai trò của kẻ đưa đò và sẽ lui vào hậu trường để quan sát thế hệ mới vươn lên.

===

(1) Ở Úc, không có buổi "bảo vệ luận án" như bên các nước Bắc Âu, vì nghiên cứu sinh thường xuyên báo cáo tiến độ nghiên cứu hàng 6 tháng (cấp khoa/trường) và hàng tuần/tháng (cấp labo). Ngoài ra, kết quả nghiên cứu đều đa phần công bố trên các tập san khoa học, nên không cần buổi bảo vệ luận án. Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn phải qua một buổi gọi là "Final Presentation" trước hội đồng trường và bất cứ ai muốn tham dự nghe.

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page