top of page

"Ru" của Kim Thúy: điệu ru của người tị nạn

Có lẽ một số bạn biết rằng năm nay sẽ không có giải Nobel về văn chương, vì những lủng củng trong nội bộ Hội đồng Nobel. Thay vào đó là một giải thưởng có tên là "The New Academy Prize in Literature" (tương đương với giải Nobel). Một tin rất đáng để chia vui là trong danh sách ngắn cho giải New Prize gồm 4 nhà văn (1), có một nhà văn Canada gốc Việt tên là Kim Thúy. Nhà văn Kim Thúy viết về thân phận của những người tị nạn gốc Việt ở Canada, nhưng cũng là viết cho tất cả những người Việt tị nạn trên thế giới.

Nhà văn Kim Thúy, người Gia Nã Đại gốc Việt, thuyền nhân, người tị nạn. Kim Thúy sinh năm 1968, vượt biển đến Mã Lai năm 1978, định cư ở Quebec từ đầu năm 1979. Cô tốt nghiệp cử nhân ngôn ngữ học và cử nhân luật. Kim Thúy đến với văn chương một cách tình cờ, và tác phẩm đầu tay của cô, "Ru" viết về thân phận của những người Việt tị nạn, đã được dịch sang 27 ngôn ngữ trên thế giới (ngoại trừ Việt Nam).

Kim Thúy là một người Canada gốc Việt, một người tị nạn, một 'boat people' hay ‘thuyền nhân.’ Lý Thành Kim Thúy sinh vào năm Mậu Thân khói lửa (1968) tại Sài Gòn. Cô xuất thân từ một gia đình trung lưu ở Sài Gòn. Thân phụ cô là một giáo sư triết học và từng là dân biểu của VNCH. Ông ngoại của Kim Thúy từng là Phó Đô Trưởng Sài Gòn. Sau 1975, gia đình cô cũng như hàng triệu gia đình khác, cuộc sống bị đảo lộn. Căn biệt thự của gia đình bị người Bắc vào chiếm đóng và biến thành một trạm công an. Cả gia đình quyết định tìm đường đến tự do, và họ vượt biển trên một con thuyền nhỏ. Họ may mắn đến được Mã Lai vào năm 1978, và sống cuộc sống kham khổ trong trại tị nạn cùng với các đồng hương khác. Đến đầu năm 1979 thì gia đình cô được chấp nhận cho đi định cư ở Canada.

Kim Thúy đến với văn chương một cách tình cờ. Cô tốt nghiệp cử nhân về ngôn ngữ học và cử nhân luật từ Đại học Montreal. Cô từng làm việc như là một phiên dịch viên, một luật sư và từng về Hà Nội (1998) làm việc cho một hãng luật Canada. Sau đó, Kim Thúy và gia đình quay về Montreal, cô mở một nhà hàng tên là "Ru de Nam". Kinh doanh nhà hàng được 5 năm, cô quay sang viết văn, ban đầu chỉ là viết để giải khuây, giải trí. tác phẩm đầu tay của cô có tựa đề đơn giản là "Ru". Đây cũng là tác phẩm được đề cử và lọt vào vòng chung kết của giải New Prize in Literature, được xem là thay thế giải Nobel văn chương.

Tại sao "Ru"? Trong một bài phỏng vấn trên Đài Tiếng nói Hoa Kì (VOA), Kim Thúy giải thích rằng cô muốn người ngoại quốc biết tiếng Việt qua tên của tác phẩm. (Do đó, những sáng tác sau này cô đặt tựa đề chỉ một chữ Việt như "Mẫn", "Vi"). Kim Thúy lí giải rằng "ru" trong tiếng Việt chỉ là một chữ ngắn từ cách viết đến phát âm, nhưng ý nghĩa của chữ thì dài lắm (như ru con chẳng hạn). Cô nói "nhìn chữ là thấy thương"! Ngoài ý nghĩa tiếng Việt, "Ru" còn có nghĩa là dòng suối nhỏ trong tiếng Pháp, cũng có thể hiểu là nước mắt. Tôi thì hiểu tựa đề cuốn tiểu thuyết như là "Điệu ru và nước mắt".

Tác phẩm đầu tay của Nhà văn Kim Thúy qua bản dịch của cây bút Sheila Fischman.

Tôi đã đọc những điệu ru và nước mắt đó gần 10 năm trước, khi cuốn sách được giới thiệu nồng nhiệt trên báo chí Úc. "Ru" có thể xem là một tự truyện của Kim Thúy. Cuốn tiểu thuyết là câu chuyện về một phụ nữ tên là Nguyễn An Tịnh hồi tưởng lại quãng đời thiếu niên trong thời kì chiến tranh ác liệt ở Việt Nam, và chuyện cô vượt biển tìm tự do ở Canada. Cô viết:

"Tên tôi là Nguyễn An Tịnh và má tôi tên Nguyễn An Tĩnh. Chỉ một dấu chấm ở dưới chữ 'i' như thế đã làm cho tôi khác biệt với má tôi như một gạch nối dài của bà. Chỉ một dấu chấm nhỏ đó cũng đủ để xác minh ý nghĩa của danh tính tôi. Trong tiếng Việt tên của má tôi có nghĩa là 'bình an và tĩnh' còn tên tôi nghĩa là 'bình an và thế giới tịnh'. Từ những cái tên có thể thay đổi, má tôi đã xác định tôi là một mầm non của chính bà, một dấu gạch nối của lịch sử cuộc đời của bà."

Nước mắt trong những ngày đầu định cư trên xứ người. Kim Thúy kể lại câu chuyện cảm động rằng cái ngày đầu tiên khi cả gia đình đáp xuống Canada, một người bảo trợ Canada lại ôm ba cô trong vòng tay và chào mừng đến Canada. Cái mở rộng của vòng tay đó như mở rộng cả tương lai của gia đình và của chính cô. Kim Thúy hồi tưởng rằng những ngày đầu tiên, có những người Canada tử tế đến cho giường, nệm, áo, và các đồ gia dụng để định cư. Có người hàng xóm cho gia đình cô cái áo lạnh bằng len và ba cô tự hào mặc nó suốt cả năm trời, mà không biết rằng cái áo đó dành cho phụ nữ! Cười ra nước mắt.

"Ru" cũng là một câu chuyện về sự khác biệt văn hóa và căn cước tính. Trong quá trình định cư ở Canada, gia đình của cô cũng phải từ bỏ lề lối cũ để thích nghi với xã hội mới. Từ một giai cấp trung lưu ở Việt Nam, bây giờ họ thuộc thành phần cùng cực trong xã hội mới. Nhưng họ đã sống sót và vươn lên. Nhưng trong "Ru" không có những hằn học hay nguyền rủa những kẻ cai trị cướp bóc mới, mà chỉ là những lời thủ thỉ về sự mất mát, về căn cước tính của người kể chuyện, và những lời tự tình đầy nhân văn tính. Câu chuyện về hai căn cước tính của một người tị nạn: một căn cước Việt Nam, và một căn cước Canada. Người tị nạn đó dù mang cái căn cước tính Canada, sống trong xã hội mới theo phương Tây, nhưng cái căn cước tinh thần vẫn là một người Việt. Hai cái căn cước tính đó thể hiện ngay trong văn phong theo Pháp, nhưng suy nghĩ và cách nhìn thì lại hoàn toàn Việt Nam.

Là người tị nạn và từng sống thời niên thiếu ở trong nước, nên sáng tác của Kim Thúy chịu ảnh hưởng bởi những mảnh đời sau sự sụp đổ của chế độ VNCH. Sống trong một gia đình trung lưu và còn quá nhỏ, nên nhân vật Nguyễn An Tịnh không cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh:

Khi còn nhỏ, tôi nghĩ rằng chiến tranh và hòa bình là hai thái cực đối nghịch nhau. Tôi đã sống cuộc sống bình an trong lúc Việt Nam đang ở trong một cuộc chiến ác liệt, và tôi chỉ hiểu chiến tranh sau khi mọi người buông súng. [...] Mẹ tôi thường trích dẫn câu tục ngữ trên mặt bảng đen của lớp 8 ở Sài Gòn 'Ðời là một sự đấu tranh, và cái giá của buồn bã là sự thua trận'." (2)

Sự thua trận đã cho ra đời tác phẩm “Ru”. Kim Thúy cho biết cô không có ý định trở thành nhà văn, mà ngược lại, văn chương đến với cô trong lúc cô nghỉ việc ở nhà để nghĩ về tương lai. Cố cho biết cô hay ngủ gục ở những đèn xanh, đèn đỏ Montreal vì mất ngủ và quá mệt trong việc làm. Cô cố gắng làm cho mình thức tỉnh bằng cách ăn hạt dưa, nhưng ăn mãi rồi bị hư răng, và người em nha sĩ của cô khuyên không ăn hạt dưa nữa. Thế là thay vì ăn hạt dưa, cô chọn viết: viết văn trong lúc chờ đèn xanh ở các giao lộ! Viết càng nhiều cô càng thích viết văn. Sau khi đóng cửa nhà hàng, chồng cô không cho đi làm nữa, và nên ở nhà tịnh dưỡng. Chính thời gian rảnh rổi ở nhà, cô đến với văn chương và viết cuốn tiểu thuyết "Ru". Viết về những kí ức vụn thời mới định cư ở Canada, về những kỉ niệm trong gia đình, và đứa con mắc bệnh tự kỉ. Có thể nói rằng "Ru" lấy câu chuyện của đứa con tự kỉ để nhắc lại những ngày đầu tị nạn mà cô không nghe được và không nói được ngôn ngữ địa phương. (Cũng xin mở ngoặc rằng bây giờ thì Kim Thúy nói thạo cả tiếng Pháp, tiếng Anh, và tiếng Việt nữa).

Tác phẩm "Ru" được rất nhiều tán dương từ các nhà phê bình văn học quốc tế. Tôi thấy Nhà phê bình Jerôme Garcin nhận xét rất đúng rằng Kim Thúy như là người chắt chiu những mảnh vỡ kí ức của hơn 30 năm, tương tự như những mảnh vỡ của một cái bình sơn mài tuyệt đẹp của Việt Nam. Mặc dù Kim Thúy mô tả văn chương của mình là chỉ "viết chơi" thôi, nhưng cái tài bẩm sinh là ở chỗ đó, viết chơi mà được đón nhận nồng nhiệt khắp nơi trên thế giới.

Cuốn sách đã được dịch sang 25 (hay 27) ngôn ngữ, và được lưu hành từ Âu sang Á. Nhưng sách vẫn chưa về đến Việt Nam. Kim Thúy nói nửa đùa nửa thật rằng có lẽ "Ru" viết về cuộc đời tị nạn và chuyện vượt biển mà ở trong nước nhà cầm quyền vẫn chưa cảm thấy thỏa mái khi đề cập đến một mảng lịch sử đau buồn đó. Đó cũng là một thiệt thòi cho thế hệ sau này ở Việt Nam.

Cuốn sách (bản tiếng Anh) chỉ có khoảng 150 trang, nhưng không dễ đọc chút nào. Rất nhiều lần tôi ... bỏ cuộc. Nhưng rồi vì tò mò và cũng muốn thấy lại mình trong sáng tác, nên lại đọc tiếp. Do đó, dù chỉ 150 trang nhưng phải tốn cả tháng trời mới đọc và hiểu cuốn sách. Tại sao khó đọc? Tại vì trong "Ru", Kim Thúy cấu trúc câu chuyện không phải theo chương như cách làm truyền thống của các nhà văn, mà là theo đoản khúc ('vignette'), có khi rất rời rạc. Còn văn phong thì đầy tính ẩn dụ, thi vị, rất nữ tính, và có khi ... hài hước. Những ấn tượng đầu đời của một em bé 10 tuổi trên xứ người, từ câu nói đến cái mông tròn trịa của cô giáo người Pháp, được Kim Thuý mô tả rất hồn nhiên. Tuy lối viết độc đáo đó không phải ai cũng thích, nhưng giới văn học thì khen hết lời. Chủ bút báo Figaro (Pháp) khen như sau: "Cách viết văn của Kim Thúy tựa như những dòng thi ca trôi đi, như dòng chảy của con suối nhỏ, nó chuyển tải và hiệu triệu những chất liệu cuộc sống."

Trong vài năm gần đây, trong cộng đồng người Việt tị nạn ở các nước Tây Âu đã xuất hiện vài văn tài đáng chú ý. Nổi tiếng nhất có lẽ là Nguyễn Thanh Việt (giải Pulitzer), nhưng còn có nhiều nhà văn gốc Việt khác cũng sáng chói trên văn đàn quốc tế. Trong số này phải kể đến Linda Le (Pháp), Thi Bui (Mĩ), Ocean Vuong (Mĩ), Monique Truong (Pháp), Nam Le (Úc), Lai Thanh Hà (Mĩ), Nguyễn Hoài Hương (Pháp), v.v. Nay có thên một Kim Thúy vào chung kết cho giải thưởng ngang tầm giải Nobel văn chương. Có phải người Việt chúng ta có "gene văn chương"? Đa số họ khai thác những chủ đề liên quan đến người tị nạn, những hồi tưởng về trại tị nạn vùng Đông Nam Á, những khó khăn trong cuộc sống mới trên xứ người, và những xung đột nội tâm về căn cước tính của người tị nạn.

Kim Thúy cũng khai thác những chủ đề tị nạn và người tị nạn. Có người xem "Ru" là một thách thức xã hội về tình trạng kì thị người di cư, nhưng Kim Thúy cho biết cô không thách thức ai cả, mà "Ru" chỉ là một cái note cám ơn, mà cô gọi là "homage". Cám ơn những người Canada đã tiếp nhận gia đình cô và những người tị nạn Việt Nam. Trong một phỏng vấn trên đài truyền hình Canada, Kim Thúy nói rằng khi nhìn lại hình ảnh của mình trong trại tị nạn, cô thấy hình ảnh của những con người xấu xí, dơ bẩn, và vô vọng; không có lí do gì Canada nhận họ, nhưng trong thực tế thì Canada đã mở rộng vòng tay đón nhận họ. Đó là một cái ơn lớn, và cuốn tiểu thuyết "Ru" được cô xem là một cái note -- chỉ là một ghi chú thôi -- để cám ơn những người công dân vô danh Canada đã cho các thuyền nhân như cô một cơ hội tuyệt vời mà họ đã mất đi ngay trong quê hương họ được sinh ra. Chúng ta, những 'thuyền nhân', phải cám ơn Kim Thúy vì cô ấy đã nói được lời cảm ơn tuyệt vời qua "Ru".

Tác phẩm "Ru" còn chuyển tải những nét văn hóa và những truyền thống đặc thù của Việt Nam đến độc giả nước ngoài. Nó giúp cho độc giả nước ngoài khám phá và hiểu hơn những suy nghĩ và lịch sử của người Việt chúng ta. Nhưng Kim Thúy cho biết những gì cô viết chẳng là gì so với thực tế. Cô nói "Khi tôi viết, ở một khía cạnh nào đó, tôi không đem lại công bằng cho thực tế. Hiện thực lớn hơn và kì vĩ hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng." Quả thật như vậy. Hiện thực thuyền nhân và những đấu tranh sinh tồn trong xã hội mới phong phú hơn và giàu chất liệu hơn bất cứ một tiểu thuyết nào. Nhưng tiểu thuyết có khả năng dựng lại những câu chuyện mà nhân sự không có khả năng tự thuật. Những thảm cảnh ập đến thuyền nhân trong những chuyến hải hành; những căn lều tạm bợ và thô sơ ở trại tị nạn; những mảnh đời cười ra nước mắt trong trại tị nạn; những cơn mưa nhiệt đới; những công việc nặng nhọc trong nhà bếp, từ lau nhà đến rửa chén trong các quán ăn; những bước thăng tiến trong học hành và công việc; những thăng hoa và buồn tủi trong cuộc sống mới, tất cả cần phải được ghi lại để thế hệ sau hiểu rõ hơn về một mảng lịch sử bị cố tình bỏ quên. "Ru" đã làm được cái việc đó cho rất nhiều thuyền nhân thuộc thế hệ tôi. Tự truyện của cô cũng là tự truyện của hàng triệu thuyền nhân khác trên khắp thế giới.

Nhiều người thuộc thế hệ tôi không có khả năng viết lách để kể lại câu chuyện của mình. Nhưng thế hệ tôi có những kí ức có thể giúp cho thế hệ sau có chất liệu để trở thành một Kim Thúy khác. Xin trích một câu nói của Kim Thúy viết về người thân sinh của cô để minh họa: "Ba má tôi thường hay nhắc nhở chúng tôi rằng họ không có tiền để lại cho các con, nhưng tôi nghĩ họ đã để lại cho chúng tôi những kí ức dồi dào, giúp cho chúng tôi hiểu rõ cái đẹp của hoa đậu tía (wisteria), cái tinh tế của con chữ, và sức mạnh của kì quan. Họ còn cho chúng tôi đôi chân để đi trên những giấc mơ đến vô cùng, và đó chính là hành trang để chúng tôi tiếp tục hành trình của mình."

Bối cảnh của Ru là chiến tranh Việt Nam, là những mảnh đời cùng cực trong trại tị nạn, và những câu chuyện sống sót của người tị nạn ở Canada. Như cô từng thổ lộ, Ru là một quyển sách của những "từ khóa" (keywords); khi cô ấy nói 'trái táo', độc giả nghĩ rằng cô ấy vẽ trái táo cho họ, nhưng quả thật độc giả đã đem lại chiều kích thứ 3 cho tác phẩm. Cái chiều kích thứ 3 đó, theo tôi, là Kim Thúy đã giúp cho chúng ta -- dù là thuyền nhân hay không phải thuyền nhân -- khám phá được những cung bậc yêu thương và lòng vị tha của con người ở ngay trong những thời điểm cùng cực khổ nạn nhất. Chính lòng vị tha và cung bậc yêu thương đó là yếu tố phân định giữa một bên là cái thiện và một bên cái ác đã xô đẩy quá nhiều người ra khỏi quê hương.

Dù giải thưởng "The New Academy Prize in Literature" đã chưa đến tay Kim Thúy lần này (3), nhưng văn tài của cô đã được công nhận là ở đẳng cấp Nobel.

===

(1) https://www.cbc.ca/books/montreal-s-kim-th%C3%BAy-shortlisted-for-alternative-nobel-prize-1.4804617

Bốn nhà văn được short-listed là Haruki Murakami (Nhật), Kim Thúy (Canada), Maryse Condé (Guadeloupe), và Neil Gaiman (Anh).

(2) "Life is a struggle and the price of sadness is defeat."

(3) Nhà văn Maryse Condé được trao giải thưởng "The New Academy Prize in Literature" năm 2018:

https://www.nytimes.com/2018/10/12/books/maryse-conde-alternative-lobel-literature.html

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page