top of page

Kỉ niệm 100 năm nghệ thuật cải lương: tưởng nhớ Út Bạch Lan

Fb nhắc nhở 2 năm trước tôi có viết một cái note về Nghệ sĩ Út Bạch Lan nhân ngày bà qua đời, và nhân dịp tôi muốn chia xẻ cái note đó cộng thêm vài suy nghĩ mới về nghệ thuật cải lương. Thật ra, chừng 10 năm trước, tôi có viết một bài cảm nhận về cải lương (1) mà không ngờ rằng bài đó được đón nhận rất nồng nhiệt và được trích dẫn trong một nghiên cứu về cải lương công bố trên một tập san khoa học (2).

Có lẽ ít ai biết rằng nghệ thuật Cải Lương đã tròn 100 tuổi. Những ngày đầu của cải lương, đã có vài nghệ sĩ tiền bối từng sang Pháp biểu diễn cải lương và được báo chí Pháp khen nức nở thời đó (3).

Cũng nhân dịp này xin giới thiệu cùng các bạn nào đang ở Sydney là ngày thứ Bảy này (10/11/2018) sẽ có một buổi lễ kỉ niệm 100 năm Ngày Cải Lương được tổ chức tại Bryan Brown Theatre (trong thị sảnh Hội đồng thành phố Bankstown) từ 1 PM đến 5 PM (4). Chương trình sẽ rất phong phú:

(a) sẽ có những bài nói chuyện về nghệ thuật cải lương; (b) biễu diễn đàn; (c) trình diễn cải lương (d) có sự tham dự của các nghệ sĩ cải lương tại Sydney và chính khách Úc.

Nếu các bạn quan tâm đến cải lương, thì nên tham dự buổi sinh hoạt văn hóa này. Một trong những người tổ chức là bạn tôi, Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên, sẽ rất hân hạnh chào đón các bạn. Chi tiết chương trình và ghi danh tại đây:

=======

Nghệ sĩ Út Bạch Lan trong bộ đồ bà ưa thích

Một trong những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng nhất và dễ mến nhất mới qua đời: Út Bạch Lan. Bà thọ 81 tuổi, nhưng tính tuổi ta là 82. Bà là một nghệ sĩ thuộc một thế hệ sáng chói nhất của văn nghệ miền Nam trước 1975. Dù bà chẳng mang một danh hiệu 'ưu tú' hay 'nhân dân' gì cả, nhưng bà là một nghệ sĩ của quần chúng đích thực. Cuộc đời và sự nghiệp của bà là một phản chiếu tiêu biểu của người miền Nam thật thà và chân chất từ suy nghĩ, lời nói, đến việc làm và những vai diễn trên sân khấu.

Không hiểu tại sao và từ khi nào mà báo chí VN sau này gọi Út Bạch Lan là "sầu nữ", vì ngày xưa báo chí miền Nam gọi bà "Nữ hoàng vọng cổ". Bà có một cái tên rất Nam bộ: Đặng Thị Hai. Bà sinh ra ở Đức Hòa, Long An. Năm 10 tuổi bà theo mẹ tha hương ở Sài Gòn, và mẹ bà kết nghĩa chị em với một người phụ nữ khác cùng cảnh ngộ có một đứa con trai. Đứa con trai đó chính là Văn Vĩ, một nghệ sĩ nổi tiếng trong làng cải lương về sau, và Út Bạch Lan xem Văn Vĩ như là anh ruột. Út Bạch Lan sau này hát chung nghệ sĩ nổi danh Thành Được, và "cặp bài trùng" này làm sóng gió sân khấu cải lương trước 1975. Sau này hai người nghệ sĩ trai tài gái sắc này thành hôn với nhau, nhưng chỉ một thời gian ngắn thì hai người chia tay, và bà sống độc thân đến ngày qua đời và nuôi 4 đứa con rơi của chồng! (5)

Nói đến Út Bạch Lan, tôi nhớ ngay đến hai tuồng cải lương "Nửa đời hương phấn" và "Ông cò Quận 9" (có khi còn gọi là "Tuyệt tình ca"). Thời nay thì chắc chẳng mấy ai, nhất là các bạn trẻ, nhớ đến hai vở tuồng đầy nước mắt này. Để tôi tóm tắt câu chuyện trong tuồng (có thể tôi quên vài chi tiết):

Nửa đời hương phấn nói về cuộc đời của một cô gái quê ở Lái Thiêu tên The lên Sài Gòn (cô đổi thành Hương) tìm việc làm để giúp ba má dưới quê, nhưng cuộc sống phồn hoa đô thị đẩy đưa Hương vào con đường buôn hương bán phấn (nghe quen quen!) Hương yêu say đắm một anh chàng, nhưng gia đình anh chàng này không chấp nhận cuộc tình, mà ngay cả cha mẹ ruột của Hương cũng ruồng bỏ nàng khi biết nàng làm nghề hương phấn đó. Số phận éo le (cải lương mà!) khi người yêu của Hương lấy vợ, mà người vợ chính là em ruột của Hương. Thế rồi Hương cắt tóc đi tu. Cái đoạn Hương xuống tóc đi tu và đoạn Hương gặp vợ chồng em gái ở chùa làm xé lòng người. Lời ca như tiếng nấc mà Út Bạch Lan diễn hết sức thực: “Má ơi! mái tóc dài óng ả, con đã từng ve vuốt ấp yêu. Rồi nơi phồn hoa trong một buổi chiều, người ta đã cắt đi của con phân nửa." Hồi đó, cứ mỗi lần xem đến đoạn này tôi khóc một cách tự nhiên. Sau này lớn lên, tôi không dám xem đoạn diễn đó nữa.

Nhưng vở tuồng Ông Cò Quận Chín mới là "tuyệt chiêu" của Út Bạch Lan. Tôi nghĩ vậy. Tuồng Ông Cò Quận Chín xoay quanh câu chuyện xảy ra thời trước chiến tranh ở hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang ngày nay. Ông giáo Hương (do Út Trà Ôn thủ diễn) là người Mỹ Tho được điều về dạy học ở Vĩnh Long, nơi đây ông quen với cô giáo Lê Thị Lan (do Út Bạch Lan đóng), hai người ở với nhau và có 2 con. Đứa con gái lớn tên là Lê Thị Trường An (Bạch Tuyết đóng vai) và đứa con trai tên là Lê Long Hồ (thủ diễn bởi Thanh Sang), lấy tên hai địa danh nổi tiếng ở Vĩnh Long. Rồi chiến tranh xảy ra, loạn lạc khắp nơi, ông giáo Hương về Sài Gòn làm cảnh sát trưởng Quận 9 (gọi là "Ông Cò Hương"). Một hôm, ông cò Hương bắt một cô gái hành nghề bán hương phấn, nhưng định mệnh trớ trêu (cải lương mà) người con gái đó lại chính là Trường An. Hai cha con trùng phùng trong nước mắt. Đoạn hai cha con gặp nhau, cả hai nghệ sĩ Út Trà Ôn và Bạch Tuyết làm cho bao nhiêu người xem phải rơi nước mắt.

Ông Cò Hương (cùng con gái) về thăm vợ cũ lúc này đang sống trong cảnh nghèo túng trong một căn nhà lá ọp ẹp ở Vĩnh Long, và mắc bệnh lao. (Phải là bệnh lao mới lâm li!) Hai đoạn trong tuồng này làm khán giả đàn ông nhất cũng phải lau nước mắt: đó là đoạn ông cò Hương gặp lại con gái mình trong văn phòng (phút 48 đến 55 trong video), và đoạn ông gặp lại người vợ cũ (cô giáo Lan, phút 1 giờ 13 - 1 giờ 23). Trời ơi, đoạn ông cò gặp vợ cũ, cả hai người -- Út Trà Ôn và Út Bạch Lan -- đều diễn trên cả tuyệt vời. Ngay cả bây giờ, ở độ tuổi này, mà tôi vẫn ngại nghe lại hai đoạn đó!

https://www.youtube.com/watch?v=wlBs6Vjc1l4 (tuồng Ông Cò Quận Chín)

Có những lời ca rất cổ mà cũng rất thật: "... Phải! Tôi còn sống đây. Tôi vẫn còn đứng trước mặt mình đây. Tôi đứng đây mà tưởng chừng như đứng trên bờ sông Mỹ Thuận, khi mình quay xuồng tách bến để trở lại với hai con. Bờ cây xa mờ nhuộm khói hoàng hôn, con nước lớn lục bình trôi rời rạc. [...] Chiều đã xuống mặt trường giang bát ngát mà bóng người thương lẫn khuất giữa sông...đầy. "

hay như câu trách móc đàn ông ... mê vợ bé: "Trưa nào ngồi vá áo cho thằng Hồ với con An, tôi cũng nghe văng vẵng tiếng người hàng xóm hát ru con ... Ầu ơ, gió đưa bụi chuối sau hè / Anh mê vợ bé à ơi ... anh mê vợ bé, bỏ bè con thơ.

[...] Phải mình chính là con chim Dương Nga ở vùng băng tuyết.

Sanh con ra đời lúc trời mới vào đông."

Lời ca cùng với tiếng hát nức nở của Út Bạch Lan thật là xé ruột! Có điều thú vị là khi tuồng cải lương được soạn vào năm 1965 thì Sài Gòn chưa có quận 9. Cái Quận 9 trong tuồng chỉ là ... giả tưởng. Phải hai năm sau thì Thủ Thiêm mới chính thức trở thành Quận 9.

Mỗi vở tuồng cải lương hàm chứa nhiều bài học đạo lí ở đời, và lúc nào cũng có những câu mà chúng ta hay nói theo Tây là "key messages". Những thông điệp chính thường là ở lành gặp hiền, làm ác thì sẽ trả giá sau này, yêu thương gia đình, kính trọng bề trên nhường kẻ dưới, và tử tế với bạn bè. Những thông điệp đó vẫn còn mang tính thời sự ở Việt Nam ngày nay. Tuồng cải lương nào dù éo le thế nào thì cũng có một kết thúc có hậu: thiện thắng ác. Có một đặc điểm chung là các tuồng cải lương Việt Nam không bạo động như các vở tuồng hồ quảng của Tàu.

Út Bạch Lan đúng là người sống với triết lí vô thường. Ở đỉnh cao của danh vọng, bà vẫn bình thản như không có gì. Ở buổi hoàng hôn của cuộc đời, dù cuộc sống có phần chật vật, bà vẫn thản nhiên tự tại. Dù bị ông chồng đào hoa phụ bạc, và dù đã chia tay, bà vẫn nuôi con của ông chồng và xem đó là một cách làm phước. Đọc báo thấy bà biết mình sắp đi xa và tự chọn cho mình bức ảnh bà ưa thích, có lẽ vì bức ảnh phản ảnh rất thật cái thần chất của bà, và nhất là chiếc áo bà ba cùng cái khăn rằn là một "chữ kí" độc đáo của văn hoá Nam bộ. Có thể nói không ngoa rằng Út Bạch Lan và những nghệ sĩ cải lương sáng chói cùng thế hệ đã góp phần kiến tạo nên một nền văn hoá Nam bộ được ví von là hơi thở thanh âm của người miền Nam.

===

Luu Trong Tuan: Cai Luong (Renovated Theatre): a cultural transfer journey. Creative Industries Journal Volume 7, 2014 - Issue 2

(5) Có lần tôi đọc được một bài phỏng vấn Út Bạch Lan bên Mĩ mới biết thêm cuộc đời bà rất vất vả. Là nghệ sĩ lừng danh như thế, nhưng bà không giàu. Chẳng những không giàu mà còn phải nuôi 4 đứa con rơi của chồng (tức nghệ sĩ Thành Được). Qua bài phỏng vấn mới biết ông TĐ chưa bao giờ nhận 4 đứa con rơi dù lúc đó ông chỉ ở cách nhà Út Bạch Lan vài phút đi bộ.

Diễn viên đoàn Phước Cương trên sân khấu với chú thích “Bérénice ở An Nam”. Nguồn: Báo L’Ouest-Éclair. Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/ky-niem-mot-tram-nam-cai-luong-goc-nhin-tu-paris-1931-14638.html

Một số hình ảnh của buổi trình diễn cải lương đầu tiên tại Paris được tác giả bài viết phát hiện trong bộ sưu tập Radauer (www.humanzoos.net) vào tháng 6.2018. Clemens Radauer, nhà sưu tập người Áo cho biết các hình ảnh này được một du khách tham dự Hội chợ Quốc tế Paris chụp lại và có ghi ở phía sau: “Théâtre Annamite Expo Coloniale”. Trong hình, cô Năm Phỉ thủ vai Bàng quý phi đang quỳ ở bên trái chắp tay van nài vua Nhơn Tôn đứng bên phải do kép Bảy Nhiêu thủ diễn. Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/ky-niem-mot-tram-nam-cai-luong-goc-nhin-tu-paris-1931-14638.html

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page