top of page

Một năm nhìn lại 2018

Thắm thoát mà đã đến cuối tháng 12, kết thúc một năm làm việc. Năm nay là một trong những năm bận rộn nhất của tôi, nhưng cũng là năm nhiều vui buồn. Vui là làm được nhiều việc bên nhà. Buồn là năm nay không có "grant" nào được tài trợ, có lẽ người ta nghĩ [sai] rằng lab tôi đã có đủ tài trợ?! Nhưng thôi, có hay không có tài trợ thì mình vẫn giúp được nhiều người, và như vậy là vui rồi.

Tính ra, năm nay lab và thành viên trong lab lãnh được nhiều giải thưởng. Phương Thảo được giải thưởng danh giá nhất TJ Martin của ANZBMS, 1 giải của Pan Asian Biomedical Science. Nhóm VOS được 2 giải thưởng xuất sắc trong Hội nghị Nội tiết Quốc tế SICEM (Seoul), 2 giải thưởng trong Hội nghị Loãng xương Châu Á Thái Bình Dương ở Hồng Kông, và 1 giải của Pan Asian Biomedical Science. Cá nhân tôi được huân chương Exceptional Research của UTS, và được trúng cử Fellow của American Society for Bone and Mineral Research.

Điểm lại những ngày tháng qua ...

Tháng 3: Garvan Fracture Risk Calculator tròn 10 tuổi.

Mười năm trước ngày này, chúng tôi triển khai một mô hình tiên lượng gãy xương có tên là "Garvan Fracture Risk Calculator". Đây là một trong những phát triển quan trọng trong chuyên ngành loãng xương, vì nó thay đổi cách đánh giá về loãng xương từ một yếu tố (như mật độ xương) sang cách đánh giá đa yếu tố, và dùng mô hình thay vì dùng ý kiến cá nhân theo truyền thống "yes/no". Tôi gọi đó là "Personalized Risk Assessment". Đến nay thì mô hình này đã tròn 10 tuổi, và chúng tôi có một buổi kỉ niệm nho nhỏ.

Tháng 4: Cao Lãnh

Đây là lần thứ hai tôi quay lại Đồng Tháp và có dịp giảng ở đây 3 ngày (14/4 đến 16/4) về phương pháp nghiên cứu khoa học. Có hơn 100 bạn trong và ngoài Trường ĐH Đồng Tháp tham dự hăng say. Rất vui (và cảm động) khi biết rằng đợt ghé Đồng Tháp vào năm 2014 có một hiệu quả quan trọng là tạo nguồn cảm hứng cho nghiên cứu khoa học và tăng "sản lượng" công bố khoa học ngay sau đó và được duy trì cho đến nay. Hi vọng qua chương trình workshop này sẽ nâng cao năng lực cho giảng viên hơn nữa.

Chụp hình lưu niệm cùng các bạn ở Đại học Đồng Tháp

Trong một quán ven cầu nối liền Đồng Tháp và Long Xuyên do Úc tài trợ.

Seoul 14/2018

Sau Đồng Tháp, tôi đi giảng trong Hội nghị Nội tiết Seoul 2018 (SICEM). Tôi giảng về “Personalized fracture risk assessment: state of the art and room for improvement”.

Năm nay, SICEM thu hút đến 1600 người từ nhiều quốc gia Á châu. Có vẻ như Đại Hàn muốn thay thế Nhật làm “chủ xị” trong vùng nên họ mời và cho grant nhiều nước nghèo đến tham dự. Những nước này bao gồm Miến Điện, Mông Cổ, Kampuchea, và Việt Nam. Biết chừng nào Việt Nam mình đủ thực lực để chuyển cán cân làm “chủ xị” trong vùng. Việc đầu tiên để chuyển cán cân là nghiên cứu khoa học thật và chuyên sâu, và giỏi tiếng Anh.

Dạ tiệc SICEM

Tôi trở thành ‘thượng khách’ của Korea Women's Health and Osteoporosis Foundation (KWHOF). Số là KWHOF kỉ niệm 10 năm ngày thành lập, nên họ tổ chức buổi dạ tiệc cho các nhân vật trong chánh phủ Hàn Quốc và hội loãng xương. Họ làm rất trịnh trọng và bài bản. Họ mời tôi phát biểu ngắn về loãng xương. Vui nhất là trước khi vào họp, các giáo sư ở đây oang oang chửi chánh phủ, nhưng khi người đại diện bộ trưởng bước vào thì ai cũng im lặng ra hiệu đừng nói. Rất Á châu!

Làm "thượng khách" của Korea Women's Health and Osteoporosis Foundation

Chiều 23/4 xong hội nghị Sicem 2018, tôi có dịp đến Asan Medical Center để nói chuyện với một nhóm du học sinh VN đang theo học ở đây. Tôi nói về 4 giai đoạn để đạt được đẳng cấp độc lập trong nghiên cứu khoa học. Đó là (1) tạo cho mình một lãnh địa, (2) trao dồi tố chất độc lập, (3) rèn luyện kĩ năng lãnh đạo, và (4) tìm tài trợ cho nghiên cứu. Mỗi một bước đi đòi hỏi nhiều trải nghiệm mà có lẽ chỉ người mình mới chia xẻ với nhau mà thôi. Trong cái khán phòng nho nhỏ và ấm cúng với vài chục đồng hương phần lớn là mới gặp lần đầu nhưng đã biết nhau từ lâu. Tôi có nhiều bạn đọc và “học trò từ xa” ở Hàn Quốc. Tháng nào cũng nhận vài email của các em nghiên cứu sinh cảm ơn vì đã công bố được bài báo qua đọc sách hay nghe tôi giảng trên youtube. Thành ra, đây là dịp tuyệt vời để “diện kiến” với những người bạn và trò virtual. Tôi rất cảm kích khi biết có vài em phải đi cả 30 km (từ tỉnh) đến Seoul để nghe tôi chia xẻ những kinh nghiệm và trải nghiệm của một đồng hương tiêu biểu là tôi.

Gặp các em sinh viên Việt Nam ở Hàn Quốc

Tháng 5: Hồng Kông

11/5: Dự buổi khai mạc Hội nghị loãng xương Châu Á Thái Bình Dương lần thứ IV tại Hong Kong. Giáo sư Timofhy Kwok kai mạc và chào đón khách. Giáo sư hiệu trưởng Đại học Hồng Kông (quên tên) khai mạc hội nghị và chào đón khách. Bài nói đầu tiên là về chủ đề osteoimmunology, rất thời sự tính. Tôi giảng 1 bài trong hội nghị này, và nhóm VOS có 3 bài được chọn để trình bày; trong đó, hai bài chiếm giải thưởng xuất sắc.

Tôi đã bàn và thay mặt Hội loãng xương giơ tay đăng cai tổ chức Hội nghị APBMR lần thứ VI (2022) ở Việt Nam. Hội nghị lần thứ V sẽ làm ở Thái Lan, nhưng họ chưa chắc vì tình hình chính trị bên đó còn có vài rắc rối. Nếu Thái Lan không làm được tôi sẽ thuyết phục họ làm ở Việt Nam. Vấn đề là từ nay đến đó mình phải xây dựng năng lực khoa học cho thật tốt.

Bs Đoàn Công Minh chiếm giải thưởng nghiên cứu xuất sắc

16/5: Tôi bay từ Hồng Kông về Hà Nội và nói chuyện trong một hội thảo về nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội. Tôi nói 2 bài trong buổi toạ đàm. Bài thứ nhất tôi nói về những lí do công bố khoa học, công bố ở đâu, và tình hình tập san dỏm. Tôi cũng nói về một sứ mệnh chung của đại học là “knowledge generation” mà có lẽ nhiều người không nhận ra mối liên quan đến nghiên cứu khoa học. Bài thứ hai là nghiên cứu định lượng trong luật học, và những vấn đề liên quan đến câu hỏi nghiên cứu, chọn đề tài nghiên cứu, cách tiếp cận câu hỏi nghiên cứu, v.v. Qua 2 vụ án nổi tiếng ở Anh và Hà Lan tôi cũng nói tại sao luật sư và quan toà cần phải hiểu xác suất để tránh gây oan khiên cho nạn nhân.

Tôi đề nghị phải làm từ căn bản, và trước mắt phải làm ngay:

(a) Xây dựng năng lực khoa học qua các nhóm nghiên cứu như ĐH Tôn Đức Thắng.

(b) Xây dựng văn hoá khoa học qua các journal club và workshop về phương pháp nghiên cứu.

(c) Lập quĩ cho các “seeding grant” để hỗ trợ các nhà nghiên cứu có dữ liệu để xin tài trợ lớn hơn.

(d) Lập hội đồng đạo đức khoa học.

(e) Tập huấn phương pháp viết bài báo khoa học.

25/5: Tôi được mời giảng trong một hội thảo về loãng xương ở Singapore. Hội nghị bàn về chiến lược giảm gánh nặng gãy xương, nhất là gãy cổ xương đùi, ở các nước trong vùng Châu Á — Thái Bình Dương. Mỗi nước có 15 phút để trình bày. Tôi trình bày phần bên Úc, sau đó thay mặt các bạn bên nhà nói thêm một bài về tình hình ở VN. Bài nói cho VN là khó nhất. Khó là vì nghe các đồng nghiệp từ mấy “nước giàu” như Đại Hàn, Tân Gia Ba, Đài Loan, Hong Kong, Mã Lai, Thái Lan, Phi Luật Tân nói về cơ sở vật chất của họ, tôi thấy VN mình kém hơn các nước kia; mình chỉ khá hơn ... Phi Luật Tân.

Chụp hình lưu niệm với các bạn Singapore

Vấn đề nan giải đặt ra là mình phải nói cái gì để khỏi bẽ mặt. VN là nước 92 triệu dân, và dân chúng đâu phải “tối dạ”, chẳng lẽ mình thua họ. Mà, trong thực tế mình thua thật. Nghĩ một hồi cũng tìm ra những “điểm sáng” để nói. Những điểm sáng đó là:

(a) tuy VN nghèo nhưng tuổi thọ khá cao (78 ở nữ và 75 ở nam), cao hơn những nước có nền kinh tế khá hơn hoặc bằng VN;

(b) so với các nước khác, VN là nước có nhiều nghiên cứu về loãng xương nhất, và số bài báo trên các tập san “top” trong chuyên ngành cao hơn cả Tân Gia Ba và Hong Kong và bỏ xa các nước ASEAN khác; tôi nói rằng “Vietnam is one of the most or the most active country in Southeast Asia in bone research”;

(c) vì có nghiên cứu khoa học, nên VN có dữ liệu nghiêm chỉnh về prevalence, risk factors, chi phí, v.v. về bệnh loãng xương mà các nước khác hoặc là không có hoặc có nhưng rời rạc;

(d) VN có hơn 100 máy DXA, hơn cả Phi Luật Tân (dân số đông hơn VN), và con số này thể hiện tăng 50 lần so với năm 2006 khi Hội loãng xương ra đời chỉ có 2 máy DXA.

Ai cũng ngạc nhiên là làm cách nào mà chúng tôi có thể thực hiện dự án VOS với hơn 4000 người! Họ còn kinh ngạc hơn (và có phần nghi ngờ) về số bài báo liên quan đến loãng xương trong thời gian qua. Đối với họ công bố được trên Bone, Osteoporosis Int hay J Clin Endocrinol Metab chỉ là nằm mơ nhưng chúng tôi làm được.

Tôi còn nhắc cho cử toạ rằng thời trước 1975, miền Nam VN đã là một nước khá “advanced” so với các nước trong vùng (nhưng bây giờ lại là một “anh nghèo” của Á châu). Do đó, theo thời gian và với cơ chế tốt hơn, chúng tôi sẽ đi xa hơn chứ không “lép vế” như bây giờ. Trong giờ giải lao, ai cũng đến nói với tôi là họ quả thật từng nghe bậc cha anh cho biết trước 1975, nam VN đã bằng hay hơn họ. Họ tỏ ra ngậm ngùi khi thấy VN còn nghèo và cơ sở vật chất còn kém.

Họ ngậm ngùi. Mặc dù nói được hai cái ý mình muốn nói để đỡ bẽ mặt, nhưng tôi còn ngậm ngùi hơn họ.

Tháng 6: Hà Nội

Tham dự và nói chuyện trong hội nghị y sinh học ở Ninh Bình do Viện Y học Đinh Tiên Hoàng tổ chức. Kết thúc hội nghị bằng một diễn đàn thảo luận về chân trời Nobel. Tôi được giao trọng trách làm “Moderator” cho forum, với sự tham gia của 6 giáo sư discussants từ Viện Karolinska, Đại học Tartu, Việt Nam. Tham gia thảo luận gồm các thành viên trong hội nghị. Có cả Gs Trần Văn Nhung đến dự và đặt nhiều câu hỏi.

Tháng 7: Đà Nẵng

Hôm 19/6, tôi có dịp ghé thăm Trường ĐH Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng. Thật ra là ở Điện Ngọc, gần khu đô thị đại học mới, bao gồm Khoa Y của ĐH Đà Nẵng, FPT và một đại học (hay cao đẳng) Việt Hàn. Sau vài “dao động”, ĐH Phan Châu Trinh nay là một đại học tư và chủ yếu là đại học y khoa. Người đứng sau Trường là một bác sĩ lừng danh trong ngành y tế tư nhân, hay nói theo tiếng Anh là một "mover and shaker", mà ai cũng biết hay nghe đến: Bs Nguyễn Hữu Tùng.

Tháng 7: Sài Gòn

Chiều 26/7, tôi có dịp dự buổi lễ trao giải thưởng Alexandre Yersin for Outstanding Publication tại khách sạn Prince (Sài Gòn). Ngoài những ý nghĩa khoa học, tôi nghĩ giải thưởng Alexandre Yersin for Outstanding Publication (AYOP) còn mang nặng nghĩa tình.

Khai mạc buổi lễ trao giải thưởng Alexandre Yersin

31/7: Tôi, Bs Trần Sơn Thạch và Bs Hà Tấn Đức giảng trong workshop về cách viết và công bố khoa học. Ai cũng nói đây là một trong những chương trình thành công nhứt mà chúng tôi đã làm cả 15 năm qua trên khắp nước. Gần 250 học viên từ mọi miền đất nước về tham gia lớp học. Mỗi ngày có 3-4 bài giảng và thực hành trên nghiên cứu thật. Rất nhiều câu hỏi. Không chỉ đơn thuần câu hỏi, mà là câu hỏi hay. Điều này chứng tỏ học viên đã có kinh nghiệm nghiên cứu hay có ý định rõ ràng trong tương lai.

Workshop ở Bệnh viện Chợ Rẫy

Tháng 8: Hà Nội

Sáng 3/8 khai mạc chương trình học tại ĐH Dược Hà Nội, và có dịp gặp nhiều bạn cũ và mới. Nhưng trước khi khai mạc, Trường làm một buổi lễ trao chức danh “Giáo sư danh dự” cho tôi. Dù được trao chức danh này tại nhiều đại học trên thế giới, nhưng đây là lần đầu tiên ở quê nhà, nên cảm xúc nhiều lắm. Có nơi (Tây) chỉ gửi một lá thư bổ nhiệm, và lúc nào cũng kèm theo câu “bổ nhiệm không có lương” , có nơi như Thái Lan thì chỉ một buổi ra mắt faculty, nhưng có nơi thì trịnh trọng. Riêng ở đây, ĐH Dược HN, thì chẳng những trịnh trọng, mà còn tình cảm. Tình cảm là vì đây là quê hương mình. Thật ra, tôi đã và đang hướng dẫn nghiên cứu sinh ở đây, nên thêm chức danh cũng có nghĩa là thêm trách nhiệm. (Cũng xin mở ngoặc để nói thêm rằng ở miền Nam tôi không được hướng dẫn nghiên cứu sinh, nhưng ở ngoài này thì tôi được. Nói chung, qui định ở VN thì nỗi nơi hiểu mỗi khác, rất khó nói.) Tôi quen với anh [nay là] hiệu trưởng từ những 11 năm trước, khi anh ấy “lang thang” về tận Rạch Giá tham gia một chương trình học do BV Kiên Giang tổ chức. Dạo đó, tôi có giúp cho một em nghiên cứu sinh trong Nam làm nghiên cứu ở đây, nên mối thâm tình lâu năm là vậy.

Được trao chức danh Giáo sư Danh dự của Đại học Dược Hà Nội

11/8: Tham dự và giảng trong hội nghị lần thứ 13 của Hội Loãng Xương. Hội nghị năm nay sẽ có chừng 400 thành viên về tham dự. Những đề tài được bàn là tại sao bệnh nhân gãy xương hay bị tử vong và khủng hoảng trong việc điều trị. Một đề tài khác là chi phí điều trị. Nhóm chúng tôi đóng góp 5 bài trong hội nghị, và với con số đó chúng tôi là nhóm có sự hiện diện “hùng hậu” nhất.

Hội nghị loãng xương lần 13 tại Đà Lạt

14/8: Tôi có dịp tham dự buổi ra mắt sách cho cuốn “Cẩm nang nghiên cứu khoa học” của tôi tại Đường Sách Sài Gòn. Gặp lại nhiều bạn trên mạng và ngoài đời. Đặc biệt là gặp lại 3 người quen là anh Nguyễn Hữu Thái, Ts Nguyễn Thị Hậu (Hậu khảo cổ) và người bạn fb Huỳnh Văn Kiệt từ Đà Nẵng vào (xem hình).

Ra mắt sách và gặp "fan" Huỳnh Văn Kiệt

Tháng 9/2018: Tôi quay lại Seoul để giảng trong một hội nghị về loãng xương do Hiệp hội phẫu thuật cột sống Hàn Quốc tổ chức. Chỉ 2 ngày ở đây, nhưng có rất nhiều kỉ niệm.

Tháng 9/2018: 29/9 Dự Hội nghị loãng xương lần 42 tại Montreal

Kỉ niệm đẹp nhất là gặp một em người Việt. Một chiều, tôi lang thang trong khu Phố Tàu, vào nhà hàng Resto California (Montreal) và ... gặp ‘fan’. Nghe tôi order món ăn, em ấy hỏi [bằng tiếng Anh rất tốt] rằng có phải tôi đến từ Úc và có trang web cá nhân. Tôi rất ngạc nhiên, vì làm sao một anh chạy bàn ở đây mà biết tôi! Hay là ... Hoá ra, em ấy từng là một du học sinh từ Việt Nam, làm nghiên cứu cơ bản, nhưng nay đã chuyển sang kĩ nghệ. Còn chạy bàn ở quán này chỉ là làm thêm ngày cuối tuần kiếm thêm tiền. Trong thời gian theo học, em ấy hay vào trang blog/web của tôi để học về phân tích dữ liệu và cách viết bài báo khoa học. Em còn cho biết đã công bố được 2 bài. Em cho biết rằng đối với giới nghiên cứu sinh, trang blog/web của tôi là nguồn tham khảo tiếng Việt duy nhất cho giới du học sinh về học thuật và ý chí vươn lên, và do đó nhiều em nghiên cứu sinh ở đây biết tôi.

Gặp đồng hương trong quán ăn ở Montreal

Gặp đồng hương trong Hội nghị ASBMR ở Montreal. Em này là nha sĩ, đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ bên Nhật, theo thầy sang đây dự hội nghị xương (chắc là lần đầu). Em ấy đang làm về một protein tên là BMP-2.

Gặp đồng hương và đồng nghiệp trong hội nghị (tôi quên tên em/cháu ấy)

Tháng 11/2018: Sydney

Hôm 10/11/2018, một nhóm nghệ sĩ gốc Việt tổ chức buổi sinh hoạt kỉ niệm 100 năm nghệ thuật Cải Lương tại Bryan Brown Theatre, thành phố Bankstown. Đó là một buổi sinh hoạt văn nghệ rất có ý nghĩa về sự duy trì văn hóa Việt Nam ở hải ngoại, và công lớn thuộc về những nhạc sĩ, nhạc công và nhất là các nghệ sĩ Cải Lương thuộc thế hệ lớn lên ở Úc.

Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên nói về cải lương Nam Bộ

Tháng 12/2018: Đà Nẵng

Sáng 6/12 khai mạc Hội nghị lần y sinh học Á châu lần IV tại Đà Nẵng. Khoảng 300 khách đến dự, kể cả gần 100 từ nước ngoài. Đây là lần đầu tiên VN đăng cai tổ chức hội nghị, qua Đại học Đà Nẵng, và đánh dấu một bước ngoặc quan trọng trong quá trình hội nhập của y sinh học VN trên trường quốc tế.

Có nhiều báo cáo hay và chuyên sâu từ Hồng Kông, Việt Nam, Thái Lan, Mã Lai, Hàn Quốc, v.v. Các báo cáo về nghiên cứu cơ bản và ứng dụng liên quan đến epigenetics và genetics về ung thư gan, nghiên cứu về leptin, nghiên cứu về IVF, nghiên cứu loãng xương, v.v. Tôi rất tự hào rằng phẩm chất khoa học của các nghiên cứu được trình bày trong hội nghị tương đương hay cao hơn các nghiên cứu ngoài Á châu (như Úc chẳng hạn).

Đây là một hội nghị khoa học thực sự, chứ không phải “đọc báo dùm bạn” hay bán thuốc. Không có những “phác đồ điều trị”, những “cập nhật”, những “bước đầu tìm hiểu”, v.v. Tất cả thành viên tham dự là vì khoa học và tự trả phí ghi danh (chứ không có công ti thuốc trả dùm). Những báo cáo, đặc biệt là báo cáo mời, đều là các chuyên gia có lí lịch khoa học tốt, chứ không vì chức vụ trong hội. Hội nghị tuy nghèo, nhưng phẩm chất khoa học thì giàu.

Liên minh hội y sinh học Á châu (PABSC) đã họp và tiến cử lãnh đạo điều hành. Tôi sẽ làm President trong 2 năm tới (dưới danh nghĩa Việt Nam), và Giáo sư Wai Yee Chan (ĐH Hồng Kông) là President-Elect. Chúng tôi sẽ được sự hỗ trợ của một ban thư kí từ Hồng Kông để điều hành PABSC. Tôi sẽ mời các đại học Việt Nam hiện diện trong PABSC như là một cách nâng cao y sinh học Việt Nam.

Tối nay sẽ lại là một thời gian bận rộn cho tôi, vì phải dự gala dinner và trao giải thưởng cho các nghiên cứu tốt nhất. Sẽ có một chương trình văn nghệ rất Việt trong buổi dạ tiệc, và sẽ “make us proud.”

MC Hồ Lộng Ngọc giới thiệu hội nghị PABS 2018

PGS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, khai mạc hội nghị.

Giáo sư Chanvit Laleeyawat (ĐH Khon Kaen) đại diện cho liên minh hội y sinh học Á châu phát biểu và tuyên bố President và President-Elect trong “nhiệm kì” mới.

PGS Nguyễn Đăng Quốc Chấn phát biểu khai mạc hội nghị.

Sau những ngày giờ bận bịu tiếp khách, tôi rất vui chụp một bô hình với những silent heroes.

Hồ Lê Phương Thảo là một trong 10 người được trao giải thưởng cho nghiên cứu xuất sắc.

9/12 Dự hội nghị xương khớp ở Thái Nguyên. Đây là lần 2 tôi quay lại Thái Nguyên (lần đầu là 5 năm trước). Người cũ nhưng cảnh mới. Sáng nay trời mưa tầm tã, nhiệt độ chỉ 13 độ C. Nhưng có đến gần 300 khách về dự diễn đàn về xương khớp này. Đây là hội nghị nằm trong loạt hội nghị kỉ niệm 50 năm ngày thành lập ĐH Thái Nguyên. Tôi sẽ nói 2 bài về đánh giá nguy cơ gãy xương và cấu trúc xương. Sẽ là một ngày bận rộn nhưng rất hào hứng.

Hội thảo về nghiên cứu khoa học tại Đại học Ngoại thương | Hà Nội

10/12 Tham dự hội thảo về nghiên cứu khoa học tại Đại học Ngoại Thương, Hà Nội. Có cả truyền hình trực tiếp với campus trong Sài Gòn. Tôi chia xẻ kinh nghiệm trong 1 giờ.

Được các bạn "fan" Hà Nội tiễn ra phi trường. Cảm động lắm!

***

Tôi sẽ đi công tác và nghỉ hè ở Việt Nam từ cuối tháng 12 đến giữa tháng 1, và hi vọng sẽ gặp lại các bạn đâu đó. Nhân dịp này, tôi kính chúc các bạn đọc xa gần một mùa Giáng sinh an lành và một Năm Mới nhiều may mắn.

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page