top of page

37 năm chông chênh

Nhìn tờ lịch trên iPhone mới nhận ra hôm nay là ngày 26/1! Với nhiều người, cái mốc thời gian quan trọng là ngày sinh nhật, nhưng với tôi đó là ngày 26/1, ngày tôi đặt chân đến Úc châu bắt đầu một cuộc đời mới. Thắm thoát mà tôi đã xa quê 38 năm, trong đó 37 năm ở Úc.

Trại tị nạn Songkhla (Thái Lan) vào thập niên 1980 có thể chứa cả 10 ngàn người!

Trong lịch sử kim cổ VN, chưa bao giờ có một cuộc di tản vĩ đại như thời thập niên 1980s. Không ai biết chính xác con số người vượt biển và vượt biên, nhưng ước lượng có hơn 300 ngàn người. Thê thảm hơn, có cả 200 ngàn người vùi thây dưới biển trong hành trình tìm tự do. Làn sóng vượt biển cho ra đời một danh từ mới trong tiếng Anh: “boat people” hay “thuyền nhân.” Ấy vậy mà giới trẻ ngày nay không hề biết về một chương sử buồn đó. Giới sử gia cung đình không muốn nói đến, nhà cầm quyền chỉ muốn quên đi.

Nhưng “boat people” thì không thể quên. Không thể quên một thời u ám nhất của miền Nam, thời mà dân gian ví von rằng nếu cái cột đèn biết đi nó cũng đi. Từ một đất nước thừa gạo ăn và đủ áo mặc, người miền Nam đột nhiên thiếu gạo ăn và phải xếp hàng để mua được vài mét vải! Có một chiếc xe Honda, sở hữu một cái Seiko quèn cũng trở thành đề tài cho kiểm điểm. Không ai thấy an toàn. Bạn bè hôm nay có thể là kẻ tố giác mình ngày mai. Có thể nói thời đó là một không khí ngột ngạt, hắc ám, khủng bố bao trùm khắp miền Nam. Đó cũng là lúc khởi đầu cho một cuộc đổi đời còn đau cho đến ngày hôm nay.

Hôm nọ ở Hà Nội, tôi chỉ bộ đồ thời trang trên người của một cô và nói “em may mắn được mặc đẹp ...” Em ấy không hiểu tại sao và hỏi “Sao cơ?” Tôi mới giải thích là ngày xưa, chỉ cách đây 30 năm thôi, cái phong cách lịch thiệp của em được xem là “tiểu tư sản” và cái nhãn hiệu đó đồng nghĩa với “có tội”. Em ấy kinh ngạc như nghe chuyện cổ tích. Ngày đó, người bạn tôi tên Phi Phụng chỉ vì mặc áo dài mà được gán cái nhãn “tiểu tư sản” và bị đày đoạ đến nỗi cô ấy bỏ nước ra đi. Cái thời mà sự ấu trĩ lên ngôi, cái dốt ngự trị, và nghi kị và khủng bố là phương tiện của người cầm quyền. Không biết thời đó ở miền Bắc ra sao, nhưng tôi đoán chắc chẳng khá hơn.

(Sau này tôi sốc khi biết rằng giữa lúc người dân tuyệt vọng đi tìm tự do ở nước ngoài, thì có những đoàn “Việt kiều yêu nước” về Hà Nội! Không biết họ được chào đón ra sao, nhưng trong số những người về đó, có vài người thay đổi quan điểm 180 độ. Tôi không rõ họ có biết có hàng trăm ngàn đồng hương bỏ nước ra đi và hàng trăm ngàn ngưởi bỏ mạng trên biển trong lúc họ hân hoan về “xây dựng quê hương.”)

Ba mươi bảy năm trước, khi đặt chân đến Úc (hay một nước thứ ba) chẳng ai nghĩ đến ngày về quê. “Một lần đi là một lần vĩnh biệt / một lần đi là mãi mãi chia phôi”, đó là tâm trạng của những người gọi là “boat people”. Ra đi trong buồn bã, tuyệt vọng, chỉ mong được sống sót là may lắm rồi, chứ không dám mơ gì cao xa. Biết bao nhiêu ca khúc mô tả cái tâm trạng của “người di tản buồn” thời đó đã đi vào tâm khảm tôi: “Chiều nay có một người di tản buồn / Nhìn xa xăm về quê hương rất xa / Chợt nghe tên Việt Nam ôi thiết tha / Và dâng dâng lệ vương mắt nhạt nhoà.” Rồi thời gian cũng làm nguôi ngoai những vết thương lòng, mọi người lao vào làm việc để tồn tại trong xã hội mới và ... gửi quà về quê hương. “Em gởi về cho anh dăm bao thuốc lá / Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay / Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may / Mẹ may hộ con tim gan quá đoạ đầy.”

Có những khoảnh khắc làm mình khóc ... tự nhiên. Nhớ có lần, trong một chuyến công tác bên Âu châu, tôi phải ở qua đêm ở Bangkok, đứng trên tầng 25 của khách sạn Montien nhìn về phía Việt Nam mà rơi nước mắt. Chỉ 1 giờ bay là về tới quê rồi, nhưng không thể ...

Phải đến 1999 tôi mới về thăm nhà lần đầu. Thời đó, tuy đã “đổi mới” và “mở cửa”, nhưng không khí vẫn còn hắc ám lắm. Đi đâu cũng phải trình báo địa phương. Đủ thứ giấy tờ rườm rà, thiếu là rất phiền phức. Giá cả dành cho Việt kiều khác/cao hơn giá dành cho người trong nước. Tham nhũng, hối lộ ở hải quan là qui luật. Cơ sở vật chất và đường xá vô cùng tồi tệ. Người ta chỉ về thăm người thân rồi vội vã ra đi, chứ chẳng ai nghĩ đến sống ở trong nước. Tôi cũng thế, lần đầu về thăm ba má chỉ đúng 10 ngày và lại lên đường về Úc cứ như là ... chạy trốn!

Nhưng tình hình xã hội và chính trị Việt Nam càng ngày càng “dễ thở” hơn trong những năm sau đó. Thủ tục đi lại cũng đơn giản hơn. Từ thời giấy tờ rườm rà và nhũng nhiễu ở hải quan, ngày nay người khách đến Việt Nam chẳng cần giấy tờ khai báo (như vào Úc và Mĩ) và hải quan cũng ít nhũng nhiễu bà con hơn. Việc đi về Việt Nam ngày nay đối với đa số người Việt ở Úc có thể nói là quá tiện. (Tôi nói "đa số", vì vẫn còn một số ít không được về Việt Nam dù họ rất muốn). Người ta có thể “sáng ăn phở Sydney, chiều ăn mì ở Sài Gòn”. Ôi, một sự thay đổi đến chóng mặt! Nhìn lại và nhìn chung, tôi thấy Việt Nam như một đoàn tàu mới ra khỏi cái hầm tăm tối và mới nhìn thấy ánh sáng. Đất nước khá hơn thì có đấy, nhưng nhìn kĩ thì là một đất nước lệ thuộc. Lệ thuộc từ thể chế, kinh tế, đến khoa học kĩ thuật. Một đất nước như thế rất cần sự đóng góp của những người con trong và ngoài nước, nhưng trong thực tế thì muốn đóng góp cũng không đơn giản như suy nghĩ.

Cá nhân tôi cũng thay đổi, từ những năm mà vài năm mới về VN một lần thì nay tôi có khi về VN cả 6 lần một năm (2018)! Về nhiều, nhưng ở chẳng bao nhiêu, có khi chỉ 3 ngày! Cơ duyên tôi về Việt Nam lần đầu là qua công ti MSD mời nói về loãng xương ở khách sạn Windsor (không nhớ năm nào), nhưng đó là một buổi 'debut' rất thành công, và qua đó làm quen với rất nhiều bạn bè. Người quan trọng nhất là chị Thy Khuê (tôi gặp trong một nhà sách, chị ấy đang tìm mua cuốn “Địa đàng ở phương Đông” mà tôi viết lời giới thiệu), và thế là chương trình “summer workshop” ở trường y ra đời. Các workshop đó đã giúp nhiều bạn sau này đi học tiến sĩ trong và ngoài nước. Rồi thời cơ đưa đẩy, tôi có dịp đi nói chuyện khắp nước, từ Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Nha Trang, Đà Nẵng, Sài Gòn, Trà Vinh, An Giang, Bến Tre đến Kiên Giang quê tôi. Ngày nay, tôi có diễm phúc là đi đến đâu cũng đều có bạn bè hay người ta biết đến. Có khi điều làm tôi ấm lòng là có anh tài xế xe ôm cũng nhận ra tôi! Từ một người ra đi và không nghĩ ngày trở lại, nay tôi thành người ... trong nước.

Thế nhưng tôi vẫn thấy mình chông chênh. Ở ngoài, dù mang quốc tịch Úc, nhưng người Úc vẫn xem tôi là “gốc Việt.” Còn ở Việt Nam quê mình, thì người ta xem tôi là “yếu tố nước ngoài” (chẳng biết hàm ý tích cực hay tiêu cực). Sự chông chênh của tôi giống như câu chuyện về hai căn cước tính của một người tị nạn trong cuốn tiểu thuyết Ru của Kim Thuý. Một căn cước tinh thần là Việt Nam, và một căn cước pháp lí là Úc. Người tị nạn đó dù mang cái căn cước tính Úc, sống trong xã hội mới theo phương Tây, nhưng cái căn cước tinh thần vẫn là một người Việt.

Cho đến nay, sau 44 năm thống nhất, người Việt vẫn bỏ nước ra đi, với con số ~100,000 mỗi năm! Nhưng họ là immigrant chứ không phải refugee. Tôi thấy nhà văn Nguyễn Thanh Việt rất có lí khi anh ấy phân biệt người tị nạn (refugee) khác với người di cư (immigrant). Người tị nạn là người tuyệt vọng, vô quốc tịch, không có tài sản, và họ bị "bứng" khỏi quê hương qua một biến động lịch sử. Người di cư có quốc tịch, họ có tài sản, và họ ra đi một cách tự nguyện. Người tị nạn do đó thường mang trong mình những chấn thương tinh thần. Người tị nạn lúc nào cũng bị ám ảnh bởi căn cước tính của mình. Người tị nạn sống giữa hai thế giới: Một bên là quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn; một bên là quê hương tạm dung. Họ bị giằng xé tâm tư, một bên là kí ức của quê hương đầy biến động và đau khổ, một bên là đất nước tạm dung giàu có nhưng chưa chắc là thoải mái. Do đó, người tị nạn đã xa rời quê hương, nhưng trong tâm tưởng họ chưa bao giờ rời quê hương. Họ ở đây, nơi tạm dung, mà không phải ở đây. Họ thành đạt về kinh tế, họ có thể có địa vị trong xã hội nơi tạm dung, nhưng cái tâm của họ thì vẫn còn chông chênh. Trong “họ” có tôi.

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page