top of page

Nguồn gốc heo trên thế giới: Đông Nam Á

Nhân dịp năm con heo (Kỉ Hợi 2019), chúng ta ta bàn qua nguồn gốc của nó. Rất ít người biết rằng có thể (tất cả) các giống heo trên thế giới được thuần hóa ở Đông Nam Á vào khoảng 10,000 năm trước đây. Đây là một trong những phát hiện rất quan trọng, vì nó hàm ý nói rằng Đông Nam Á là một trung tâm văn minh nông nghiệp trên thế giới.

Heo là con vật thông minh

Heo là con vật có một mối liên hệ lâu đời nhất với con người, không chỉ đối với người Á châu mà còn cả Âu châu. Đối với người Việt Nam và Trung Quốc, heo gần gũi đến độ được nhân cách hóa qua nhân vật hư cấu nửa người nửa heo Trư Bát Giới, một vị thần trên Thiên đình, trong truyện nổi tiếng Tây du kí. Đối với người theo đạo Ấn Độ giáo, thần Visnu có hình dạng con heo, chuyên hành hiệp cứu độ chúng sinh. Đối với các dân tộc sống tại các đảo ngoài lục địa Đông Nam Á, heo còn là biểu tượng của sự giàu có, là quà cưới cho cô dâu, và có khi còn là đơn vị hàng hóa quan trọng trong thương trường.

Ở các bán đảo Thái Bình Dương, loại heo không lông Kapia có địa vị như con người có danh xưng, được mặc áo nghiêm chỉnh, và mặt còn được trang điểm. Heo thường được dùng làm con vật để tế thần, vì người ta tin rằng heo có linh hồn. Ở Âu châu thời cổ đại, heo là con vật được nữ thần Demeter (thần sinh sản trong truyền thuyết Hi Lạp) ưa thích, và do đó heo còn là con vật biểu tượng cho sự thịnh vượng, trù phú. Người thổ dân da đỏ ở Mĩ cũng xem heo là biểu tượng của sự thịnh vượng và may mắn. Ở Đức, tham dự vào buổi tiệc có thịt heo vào đêm Noel có ý nghĩa ngăn ngừa ma quỉ và đem lại thịnh vượng, tiền tài cho năm mới [1].

Dù được xem là biểu tượng của sự may mắn và trù phú như thế, con heo trong dân gian Việt Nam mang nhiều hình tượng tiêu cực. Nói đến heo là ngừơi ta nói đến tính lười biếng (lười như heo), ham ăn, bẩn thỉu, và ngu (ngu như heo), v.v. Nhưng đứng trên phương diện sinh học mà nói, heo không ngu; trái lại, heo rất thông minh, dễ dạy, và thân thiện.

Thật ra, heo được xem là con vật có mức độ thông minh hàng thứ 4 (sau khỉ, dolphin, và voi). Heo thông minh hơn chó. Trong một thí nghiệm vào thập niên 1990s, các nhà nghiên cứu dạy cho heo cách dùng cursor trên màn hình máy tính. Chúng họ những việc này rất nhanh, chẳng kém gì khỉ. Chúng có thể di chuyển cursor trên màn hình bằng miệng, và có thể phân biệt cursor với những chữ ngoáy trên màn hình. Heo còn là con vật xã hội, vì chúng có thể học hỏi lẫn nhau và làm việc chung với nhau. Khác với các động vật khác, heo có khả năng biểu lộ thấu cảm và lòng trắc ẩn. Heo có thể cảm nhận được khi người đối xử tử tế hay không tử tế với chúng. Do đó, trái với những nhận xét chủ quan và tiêu cực, heo là con vật thông minh và dễ mến.

Có lẽ vì tính dễ mến mà heo có mối liên hệ gần gũi với con người hơn các con vật như chuột, trâu, cọp, v.v. Thuở sinh thời, cựu thủ tướng Anh từng tuyên bố “con chó ngước lên nhìn chúng ta, con mèo thì nhìn xuống chúng ta, còn con heo thì ngang hàng với chúng ta”. Có lẽ đúng như thế. Trong ba con vật cuối cùng của 12 địa chi (gà, chó và heo), heo là con vật có thể nói đã từng song hành với con người trong suốt quãng đường dài tiến hóa.

Quê hương của heo: Đông Nam Á

Nhưng trong bối cảnh và môi trường nào đã dẫn đến mối liên hệ mật thiết giữa người và heo như ngày nay. Tất cả các loài heo ngày nay có nguồn gốc từ heo rừng. Nhưng chúng được thuần hóa từ hồi nào và ở đâu? Đây là những câu hỏi quan trọng, vì thuần hóa cây cối và thú vật rừng là một phát triển rất quan trọng trong lịch sử tiến hóa và văn minh của con người. Thuần hóa là yếu tố khởi động và thúc đẩy văn minh, có ảnh hưởng trực tiếp đến qui mô, cấu trúc, và phân bố của dân số trên thế giới. Thuần hóa động vật hoang dã là một phần quan trọng trong sự thay đổi hành vi và cách sống của con người, chuyển biến từ cuộc sống hái lượm và săn bắt sang cuộc sống canh tác nông nghiệp và ổn định. Cuộc sống nông nghiệp có lẽ bắt đầu từ thời Pleisteocene (tức khoảng 12 đến 14 ngàn năm về trước) và cuộc sống này có lẽ do hệ quả của tình trạng bất định thời tiết, suy giảm về số động vật rừng làm mồi, và sự bành trướng các cộng đồng ổn định.

Trong quá khứ (trước khi công nghệ sinh học ra đời), các nhà khảo cổ học dựa vào những di chỉ khảo cổ học (chủ yếu là xương xọ) được khai quật từ nhiều vùng khác nhau để đặt giả thuyết và tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên. Theo các di chỉ này, heo được thuần hóa vào khoảng 9000 năm về trước ở vùng mà ngày nay thuộc miền Đông Thổ Nhĩ Kì [2]. Ngoài ra, cũng có các di chỉ khảo cổ học cho thấy (hay được diễn dịch) là heo cũng từng được thuần hóa vào khoảng thời gian này tại Trung Quốc ngày nay [3].

Nhưng vài thập niên gần đây, với sự phát triển của di truyền học và sinh học phân tử, giới khoa học đã có một phương tiện mới, chính xác hơn, và đáng tin cậy hơn để truy tìm nguồn gốc heo. Phương tiện đó chính là gen, hay nói chính xác hơn là DNA. Cũng như trong người, đơn vị cấu trúc cơ bản của heo là DNA. Khác với con người có 23 nhiễm sắc thể, heo chỉ có 20 nhiễm sắc thể. Vì đặc tính di truyền của DNA, qua phân tích sự phân bố và đồng dạng của các chuỗi DNA giữa các giống heo, các nhà khoa học có thể truy tìm chính xác nguồn gốc của heo.

Một nghiên cứu qui mô nhất từ trước đến nay về nguồn gốc heo được tiến hành với sự hợp tác giữa các nhà di truyền học Mĩ và Thụy Điển. Qua phân tích xu hướng phân bố và đồng dạng DNA của các giống heo (700 con) trên thế giới, các nhà nghiên cứu đi đến kết luận rằng tổ tiên của heo ngày nay chính là heo rừng, và quê hương của heo rừng nguyên thủy này chính là vùng Đông Nam Á ngày nay [4]. Sau khi được thuần hóa ở Đông Nam Á, heo tản mát theo con người đến các vùng Âu Á (Eurasia), vượt biển đến Âu châu, và ra các bán đảo Thái Bình Dương [4]. Sau khi tản mát ra khỏi Đông Nam Á, heo được tiếp tục thuần hóa nhiều lần ở nhiều vùng tại Trung Quốc, vùng cận đông, và Âu châu [4].

Một nghiên cứu di truyền mới nhất qua phân tích DNA các giống heo thuộc các hải đảo Thái Bình Dương và đặc biệt là heo không lông thuộc đảo Vanuatu, các nhà nghiên cứu Úc và Mĩ khẳng định rằng heo tại các hải đảo này cũng xuất phát và được thuần hóa từ lục địa Đông Nam Á (đặc biệt là từ Việt Nam) khoảng 3000 năm trước đây [5]. Sau đó, chúng theo con người “di dân” ra khỏi lục địa và đến các hải đảo như Vanuatu và Ryukyu. Ngoài ra, các giống heo tại các hải đảo này cũng có “hồ sơ” DNA rất giống với heo ở Âu châu.

Năm 2012, một nhóm nghiên cứu Âu Á trong Dự Án "International Swine Genome Sequencing Consortium" công bố một nghiên cứu qui mô nhất từ trước đến nay về giải mã gen của heo [6]. Các nhà nghiên cứu so sánh hệ gen của loài heo Duroc với heo Sus crofa (heo gia cầm) và 10 giống heo rừng khác từ Âu châu sang Á châu. Họ còn so sánh hệ gen của heo với các loài vật khác như người, chuột, chó, ngựa và bò. Nhóm nghiên cứu đi đến kết luận rằng 'tổ tiên' của các giống heo gia cầm ngày nay xuất phát từ heo rừng, và chúng xuất hiện ở Đông Nam Á chừng 3 triệu năm trước, rồi sau đó theo người 'di cư' sang các vùng Âu Á [6].

Dấu tích văn minh nông nghiệp

Trước đây vài năm, cũng qua phân tích DNA, các nhà khoa học khẳng định rằng gà và chó trên thế giới ngày nay có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Heo, gà, trâu, v.v. là các con vật thuộc nền văn minh nông nghiệp. Các bằng chứng mới này càng phù hợp với giả thiết rằng nền nông nghiệp và quê hương nguyên thủy của cây lúa nước là ở chung quanh vùng Đông Dương - Mã Lai - Miến Điện (chứ không phải Trung Quốc, nơi mà bằng chứng về cây lúa lâu đời nhất chỉ 5.900 đến 7.000 năm về trước, thường thấy ở các vùng xung quanh sông Dương Tử). Văn minh Hòa Bình là nền văn minh nông nghiệp đầu tiên trên thế giới, khoảng 15.000 năm trước dương lịch [7]. Vài ngàn năm trước Công nguyên, cư dân Đông Nam Á đã đưa cây lúa đến vùng Đông Á và Tây Á, những nơi mà cư dân chỉ quen với nghề trồng lúa mạch. Nhận xét này cũng hợp lí bởi vì với khí hậu nhiệt đới Đông Nam Á là môi trường thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp.

Như vậy có thể suy luận rằng trước khi tiếp xúc và chịu ảnh hưởng hai nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ, vùng Đông Nam Á đã hình thành một nền văn hóa lúa nước, và cư dân cổ ở đây (dân Bách Việt) đã phát triển một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, trong đó có cả văn minh châu thổ sông Hồng, hay văn minh Đông Sơn. Theo Trần Quốc Vượng, chính nghề trồng lúa nước (một ngành nghề đòi hỏi người dân phải nắm vững và thích nghi với thời tiết, môi trường sông nước) đã dẫn người cư dân cổ Đông Nam Á sáng tạo ra lịch dùng 12 con vật gần gụi với nền văn minh lúa nước làm biểu tượng. Do đó, có khả năng lịch 12 con giáp có nguồn gốc từ Đông Nam Á, chứ không phải từ Trung Hoa [8]. Có thể qua giao lưu văn hóa, người Trung Hoa cổ đã vay mượn lịch Đông Nam Á và cải tiến lại. Do đó, 12 con vật trong lịch của Ta không giống với 12 con vật trong lịch của Trung Hoa (thử, ngưu, hổ, miêu, long, xà, mã, dương, hầu, kê, khuyển, trư).

Tất cả những bằng chứng này cho thấy Đông Nam Á có thể là một cái nôi văn minh nông nghiệp đầu tiên của con người [9], và cư dân tại đây rất có thể là những người phát minh ra kĩ thuật trồng lúa nước, chăn nuôi, và truyền các kĩ thuật này lên phía Bắc (tức miền Nam Trung Quốc ngày nay). Phát hiện mới nhất về quê hương Đông Nam Á của loài gà da cầm cho chúng ta thêm một cơ sở để suy luận rằng trong quá trình định cư và phát triển nông nghiệp, người Đông Nam Á cổ đã thuần dưỡng giống gà rừng, và từ đây giống gà này được truyền bá đến miền Nam Trung Quốc, và từ Trung Quốc “di cư” sang Âu châu. Những phát hiện này, cộng với những di chỉ khảo cổ học và di truyền học mới nhất củng cố thêm cho giả thuyết Đông Nam Á là một trung tâm văn minh nông nghiệp cổ xưa nhất của thế giới [10].

Tham khảo:

[1] A. McElroy và P K Townsend. Medical Anthropology. Colorado: Wadsworth 1996.

[2] J. Epstein, M Bichard, trong cuốn “Evolution of Domesticated Animals” do I L Mason biên soạn. Longman, New York, 1984, trang 145-162.

[3] G Giuffra, et al. The origin of domestic pig: independent domestication and subsequent intrpgression. Genetics 2000; 154:1785-1791.

[4] G Larson, et al. Worldwide phylogeography of wild boar reveals multiple centers of pig domestication. Science 11/3/2005; 307:1618-1621.

[5] J K Lum, et al. Recent Southeast Asian domestication and Lapita disperal of sacred male pseudohermaphroditic “tuskers” and hairless pigs of Vanuatu. Proc Natl Acad Sci USA 2006; 103:17190-17195.

[6] Groenen et al Analyses of pig genomes provide insight into porcine demography and evolution. Nature 2012;491:393-398.

[7] Chesnov Ja. V. Dân tộc học lịch sử các nước Đông Nam Á. 1976. (Trích dẫn theo Trần Ngọc Thêm, “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2001.

[8] Trần Quốc Vượng. Văn hóa Việt Nam: Tìm tòi và suy ngẫm. Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Hà Nội, 2000.

[9] Su B, et al. Y-chromosome evidence for a northward migration of modern humans into eastern Asia during the last Ice Age. Am J Hum Genet 1999; 65:1718-1724

[10] Trong cuốn Agriculture; origin and dispersal, Giáo sư C. O. Sauer viết: “…Tôi đã chứng minh rằng những động vật gia cầm được thuần dưỡng đầu tiên ở Đông Nam Á, và đây chính là trung tâm nông nghiệp quan trọng của thế giới”.

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page