“Thân phận và hào quang”
Nhân dịp về quê tôi có thì giờ giải khuây bằng cuốn sách “Thân phận và hào quang” của tác giả Hoàng Nguyên Vũ. Cuốn sách là hợp tuyển những bài phỏng vấn về thân phận của các ca nghệ sĩ danh tiếng ở hải ngoại và trong nước. Đọc xong cuốn sách tôi chợt thấy mình gần gũi hơn và cảm thông cho các ca sĩ mà tôi hằng tâm đắc và mến mộ bấy lâu nay.
Tựa đề sách tóm tắt nội dung tổng quát của tập sách. Cuốn sách viết về thân phận của những nghệ sĩ, nhưng chúng ta vẫn có thể tìm thấy hình bóng mình và gia đình mình thấp thoáng ẩn hiện trong những câu chuyện. Những câu chuyện về tình duyên trắc trở và gian dở của đa số ca sĩ, những cơ duyên họ đến với âm nhạc, những thăng trầm trong cuộc sống trước và sau 1975. Các bạn yêu “nhạc vàng”, nhạc bolero, hay mến mộ những tiếng hát lừng lẫy một thời trước 1975 sẽ tìm thấy nhiều thông tin thú vị từ cuốn sách này.
Đa số những ca sĩ được đề cập trong “Thân phận và hào quang” là những tiếng hát (hay kịch) tôi đã quen biết vài chục năm qua (trước 1975). Đó là Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Tuyền, Hoạ Mi, Bạch Yến, Duy Quang, Lê Uyên Phương, Kim Anh, Tuấn Vũ, Giao Linh, Phương Thanh, Thanh Hà, Khánh Hà, Tuấn Ngọc, Quang Minh & Hồng Đào. Những câu chuyện qua chính lời tâm sự của họ giúp cho tôi thấu hiểu hơn tiếng hát và tác phẩm của họ.
Những câu chuyện trong sách qua chính đương sự nói ra còn giúp bạch hoá hoặc minh oan những lời đồn đại của giới “báo chí lá cải.” Chẳng hạn như những lời đồn đại về xung đột tình cảm giữa hai danh ca Khánh Ly và Lệ Thu được chính Khánh Ly xác định rõ ràng. (Tuy nhiên, đọc chương viết về Lệ Thu, tôi có cảm giác danh ca này vẫn còn cáo buộc ca sĩ L là người thứ ba đã làm cho chị ấy tức giận đến điên dại. Tôi tự hỏi “L” là ai? Có lẽ câu hỏi không cần thiết). Chẳng hạn như những lời đồn ác ý về “Hoạ Mi bỏ chồng” là hoàn toàn không đúng; ngược lại, chị ấy là người sống tử tế với chồng. Tôi nghĩ đóng góp “giải oan” của cuốn sách là một điểm rất đáng khen.
Tập phỏng vấn còn cho độc giả hiểu và thấu cảm những nỗi đau thầm kín cùng những góc khuất của các ca sĩ mà chúng ta chỉ thấy qua sân khấu. Đằng sau ánh đèn sân khấu là những cuộc đời đầy khó khăn, trắc trở thời niên thiếu, có khi là những bạo hành kinh hoàng. Độc giả sẽ rơi nước mắt khi đọc câu chuyện đời của ca sĩ Randy lớn lên trong một gia đình nghèo ở Quảng Nam suốt ngày bị đánh đập, để rồi bị bán cho một gia đình người Hoa trước khi đi định cư ở Mĩ theo diện con lai. Thanh Hà bị mẹ ruột ruồng bỏ là một vết thương lòng đối với người ca sĩ có khuôn mặt Madonna. Chẳng hạn như Tuấn Vũ có thời làm ra tiền như nước và bị bạn bè lừa gạt cướp cả triệu USD. Chẳng hạn như Duy Quang khổ vì vợ lâm vào đường đỏ đen làm tổn thất hàng triệu USD. Hay như câu chuyện đời của ca sĩ Kim Anh (nổi tiếng với “Mùa thu lá bay”) bị một tai nạn xe hơi kinh hoàng và nghiện ngập sau đó, để rồi phải 5-7 năm nay mới làm lại cuộc đời. Những câu chuyện về cuộc sống cơ cực của họ nhưng cũng nói lên cái xấu, cái ác tồn tại bên cạnh cái thiện ở người Việt.
Hầu hết những ca sĩ được phỏng vấn đều trải qua ít nhất là 2 hay 3 lần đổ vỡ hôn nhân. Thanh Tuyền vượt biên với 3 con nhỏ để tìm người chồng đã bỏ rơi mẹ con chị, và cuối cùng tìm được một “mạnh thường quân” khác. Câu chuyện của Thanh Tuyền thật là cảm động. Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Quang, Thanh Tuyền, Kim Anh, v.v. đều đau khổ vì những đổ vỡ đó, và họ thốt lên lời tâm sự qua tiếng ca và âm nhạc.
Sau 1975, nhiều ca sĩ danh tiếng ở miền Nam đi định cư ở nước ngoài, chủ yếu là Mĩ. Cuốn sách này cung cấp cho độc giả biết cuộc sống của họ ra sao ở nơi tạm dung mà sau này ai cũng xem là quê hương thứ hai. Thanh Tuyền phải đi làm trong một hãng xưởng để nuôi con. Hoạ Mi ngày nào nổi tiếng trên làn sóng radio và truyền hình giờ phải vui với công việc bán bánh kẹp ở Paris. Họ không hề mặc cảm với công việc mới sau cuộc đổi đời. Họ vui vẻ quên đi ánh hào quang sân khấu để làm lại cuộc đời. Họ là những chứng nhân lịch sử về một giai đoạn lịch sử sau 1975 bị bỏ quên trong sách vở.
Theo tôi thấy, đây có lẽ là cuốn sách đầu tiên đề cập đến những chữ như “vượt biên” và “tị nạn” vốn rất xa lạ với giới trẻ ngày nay ở trong nước. Điều này cũng dễ hiểu, vì những ca sĩ như Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Tuyền, Tuấn Vũ, v.v. đều là những “thuyền nhân” sau biến động lịch sử 1975. Tôi đọc sách và tìm lại những địa danh quen thuộc ở Mã Lai và Thái Lan, và hồi tưởng lại những ngày trong các trại tị nạn đó. Ghi nhận những hiện tượng như “vượt biên” và “tị nạn” là một điểm son của người biên tập.
Cuốn sách đến với tôi rất tình cờ và như là một cơ duyên. Tôi lang thang trong nhà sách và đi ngang cuốn sách hai lần nhưng không chọn nó. Lí do là vì một phần trang bìa có nhiều hình ảnh quá (và tôi xem là “hoa hoè”), và một phần là thành kiến loại sách moi móc (khai thác) đời tư của nghệ sĩ để kiếm tiền. Nhưng chẳng hiểu sao và do động cơ nào đó, tôi mở cuốn sách đọc thử và đọc ngẫu nhiên vài câu chuyện. Đọc mới thấy thành kiến của tôi sai. Cuốn sách là một tập câu chuyện nghiêm túc, nội dung phong phú, giọng văn đầy chất nghệ sĩ và nhân văn. Thế là tôi “sa ngã” và cuốn sách trở thành người bạn văn trên đường về quê và trong hai ngày ở quê.
Mỗi người Việt lớn lên trong thời chiến tranh là một lịch sử. Ở Việt Nam trong thời chiến, chúng ta không có cuộc sống “smooth” như người phương Tây. Con đường sự nghiệp của chúng ta ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, gian truân, mà những người trẻ lớn lên trong thời bình không thể nào hiểu được. “Thân phận và hào quang” là những mảnh ghép mang tính sử liệu cá nhân đó. Qua những mảnh ghép đó, giới trẻ sẽ thấu cảm hơn những nghệ sĩ thế hệ trước và con đường họ đã trải qua như thế nào trong một giai đoạn đầy biến động sau 1975.