Nghiên cứu về ý thức xã hội Nam - Bắc
Tác giả Kiyohisa Shibai có làm một nghiên cứu rất thú vị về sự khác biệt về ý thức và giá trị xã hội (social consciousness and values) giữa hai miền Nam và Bắc (1). Công trình được công bố trên Behaviormetrika vào năm 2015. Kết quả nghiên cứu hơi bất ngờ, nhưng củng cố cho những cảm nhận bình dân của người dân hai miền.
Tác giả làm nghiên cứu trên hai nhóm tình nguyện viên miền Nam (575 người) và Bắc (425). Tác giả chia thành 4 nhóm nhỏ: (A) nhóm miền Bắc, dưới 50 tuổi, lớn lên sau chiến tranh; (B) nhóm miền Bắc, 50 tuổi trở lên, lớn lên trong thời chiến tranh; (C) nhóm miền Nam, dưới 50 tuổi, lớn lên sau chiến tranh trong chế độ XHCN; và (D) nhóm miền Nam, 50 tuổi trở lên, lớn lên trong 2 chế độ VNCH và XHCN. Tác giả dùng bộ câu hỏi với những câu hỏi liên quan đến 3 khía cạnh xã hội - chính trị, quan hệ quốc tế, và kinh tế.
Kết quả thì có nhiều, nhưng có thể tóm tắt vài dữ liệu chính như sau:
1. Về giúp đỡ lẫn nhau, một yếu tố rất quan trọng trong quan hệ xã hội: 68% nhóm miền Bắc trả lời rằng họ "cố gắng giúp đỡ" (try to be helpful), thấp hơn tỉ lệ trong nhóm miền Nam (72%).
2. Về sự công bằng (people's fairness): Trong nhóm miền Bắc tỉ lệ lợi trả lời sẵn sàng lợi dụng người khác là 88%, cao hơn nhóm miền Nam (72%). Ngược lại, tỉ lệ "cố gắng công bằng" với người ở nhóm miền Bắc là 12%, chỉ bằng phân nửa nhóm miền Nam (28%).
3. Về sự tin tưởng lẫn nhau (interpersonal trust): khi được hỏi có thể tin tưởng người chung quanh (can be trusted), chỉ có 18% nhóm miền Bắc trả lời là yes, thấp hơn nhóm miền Nam (27%).
4. Về ý thức chính trị: Khi được hỏi về ý thức chính trị (như tự do ngôn luận, xã hội dân sự), chỉ có 24% nhóm miền Bắc cho rằng ý thức chính trị là quan trọng, nhưng tỉ lệ này ở người miền Nam thì lên đến 47%.
5. Khi được hỏi Mĩ là "Country for friendship" (quốc gia để kết bạn) thì 23% nhóm miền Bắc đồng ý, còn nhóm miền Nam là 35%. Khi hỏi Nga có đáng kết bạn thì tỉ lệ ở nhóm miền Bắc là 20%, cao gấp hai lần nhóm miền Nam (11%). Riêng câu hỏi Tàu có đáng kết bạn thì miền Bắc vẫn thích Tàu hơn miền Nam (5% miền Bắc và 4% miền Nam).
6. Khi được hỏi 'giả tưởng' rằng nếu được tái sinh, thì muốn sinh ở quốc gia nào. Kết quả cho thấy 11.7% nhóm miền Bắc chọn Mĩ, và tỉ lệ này là 12% trong nhóm miền Nam (không khác nhau). Thú vị là 12% nhóm miền Bắc chọn Nga, nhưng chỉ có 8% nhóm miền Nam chọn Nga. Thú vị hơn là 28% nhóm miền Bắc chọn Nam Hàn, nhưng chỉ 13% nhóm miền Nam chọn nước này. Chỉ có 7% nhóm miền Bắc chọn Úc để “tái sinh”, nhưng tỉ lệ này ở nhóm miền Nam là 12%.
Tác giả không thấy khác biệt đáng kể giữa hai thế hệ lớn lên trước và sau 1975. Như vậy, thế hệ có vẻ không ảnh hưởng gì đến nhận thức xã hội và quan hệ quốc tế.
Khó đánh giá giá trị khoa học của nghiên cứu này, vì tôi chưa thấy bộ câu hỏi và tiêu chuẩn chọn người tham gia nghiên cứu. Tuy nhiên, cách thức mà tác giả phân tích chưa trả lời được những câu hỏi về liên quan giữa cái mà tác giả gọi là “exposure to communism” và nhận thức xã hội. Vì đây là một nghiên cứu quan sát nên chúng ta không nói gì về nguyên nhân - hệ quả được. Thật ra, nơi bài báo được công bố (behaviormetrika) cũng nói lên phần nào phẩm chất khoa học chưa cao. Nhưng đối với tình hình Việt Nam, nơi mà người ta lấy cái cớ “chia rẽ vùng miền” để tránh né vấn đề, thì đây là một đóng góp có ý nghĩa và quan trọng, vì nó giúp chúng ta — người Việt — hiểu về mình tốt hơn.
Tóm lại, những kết quả trên cho thấy rõ ràng là có sự khác biệt về nhận thức và giá trị xã hội giữa hai miền Nam Bắc. Kết quả cho thấy người miền Nam quan tâm nhiều đến chính trị - xã hội hơn người miền Bắc. Người miền Nam tôn trọng người khác hơn, chuộng sự công bằng hơn, tin tưởng nhau hơn, và có xu hướng giúp đỡ người hơn người miền Bắc. Trong quan hệ ngoại giao, người miền Nam chuộng Mĩ hơn người miền Bắc, nhưng người miền Bắc thích Nga hơn người miền Nam. Kết quả cho thấy xã hội Việt Nam bị sứt mẻ niềm tin nghiêm trọng, và người ta sống chỉ muốn lợi dụng lẫn nhau hơn là giữ sự công bằng. Những kết quả này không nhất quán với nhận định "cơ đồ đất nước" chưa có bao giờ đẹp như hôm nay.
===
(1) Nghiên cứu này nằm trong một cuộc điều tra xã hội "Asia Pacific Values Survey" do một nhóm nghiên cứu bên Nhật thực hiện tại Nhật, Mĩ, Bắc Kinh, Thượng Hải, Hồng Kong, Đài Loan, Nam Hàn, Singapore, Úc, Ấn Độ, và Việt Nam. Tôi đang tìm cách xin số liệu của họ để phân tích thêm. Trích vài kết quả qua các bảng dữ liệu dưới đây.
https://www.jstage.jst.go.jp/article/bhmk/42/2/42_167/_pdf
Câu hỏi về giúp đỡ lẫn nhau, công bằng với người, và tin tưởng lẫn nhau. Kết quả hơi 'depressive', vì có đến 80% người trả lời sẵn sàng lợi dụng người khác, và chỉ có 20% là cô gắng công bằng. Chỉ có 23% là tin tưởng lẫn nhau, nói lên một xã hội bị sứt mẻ niềm tin.
Khác biệt về ý thức chính trị giữa miền Nam và Bắc. Chỉ có 24% người miền Bắc cho rằng ý thức chính trị là quan trọng hay rất quan trọng, nhưng trong Nam con số này lên đến 50%! Hồi nào đến giờ, chúng ta vẫn nghĩ người Bắc quan tâm đến chính trị hơn người Nam, nhưng kết quả này cho thấy ngược lại!
Quốc gia kết bạn. Khoảng 1/5 người miền Bắc thích kết bạn với Nga, và con số này cao gấp 2 lần tỉ lệ ở miền Nam. Đáng chú ý là trong nhóm trẻ ở miền Bắc, có đến 6% chọn Tàu là quốc gia bạn bè, trong khi đó ở miền Nam con số này chỉ 0.3%. Nhưng ở nhóm 'già' (trên 50 tuổi) thì tỉ lệ chọn Tàu ở miền Nam cao hơn miền Bắc!