top of page

Giới thiệu sách mới "Cẩm nang nghiên cứu khoa học"

Tôi xin giới thiệu đến các bạn quyển sách "Cẩm nang nghiên cứu khoa học". Đây là cuốn sách tôi soạn cho các bạn sinh viên sau đại học, nhất là các bạn có ý định hay đang làm nghiên cứu tiến sĩ.

Sách 'mới': Cẩm nang nghiên cứu khoa học (giá bán 118,000 đồng) và Câu chuyện khoa học (105,000 đồng). Cả hai cuốn do Nxb Tổng Hợp in và phát hành.

Cuốn sách này được soạn từ những bài giảng trong các chương trình ‘workshops’ ở Việt Nam trong hơn 10 năm qua. Tôi nhắm đến các sinh viên đại học đang có ý định theo đuổi nghiên cứu khoa học như là một sự nghiệp. Do đó, trong sách tôi cố gắng trả lời những câu hỏi như bắt đầu nghiên cứu như thế nào, thiết kế một nghiên cứu ra sao, và công bố khoa học chỗ nào cho tốt. Đó chính là những lí do tại sao tôi đặt tựa đề cho sách là ‘Cẩm nang nghiên cứu khoa học’ kèm theo tiêu đề ‘từ nghiên cứu đến công bố’.

Nội dung sách bao gồm 4 phần chính, từ ý tưởng đến công bố. Phần đầu liên quan đến những vấn đề chung như thế nào là nghiên cứu khoa học, ý tưởng nghiên cứu đến từ đâu, và cách tiếp cận câu hỏi nghiên cứu như thế nào. Phần II của sách là các vấn đề liên quan đến 'kĩ thuật' như chọn mô hình nghiên cứu, cỡ mẫu, tính đại diện, thiết kế bộ câu hỏi, phân tích và diễn giải dữ liệu. Phần III là cách viết bài báo khoa học và chọn tập san để công bố. Tôi có đưa ra những nguyên tắc về cách viết abstract, phần dẫn nhập, phương pháp, bàn luận, kèm theo những ví dụ cụ thể (phần này dài hơn 50 trang). Và, phần IV là những vấn đề 'vĩ mô' như khoa học VN đang ở đâu và con đường để trở thành nhà khoa học độc lập. Sách này soạn để cung cấp cho các bạn muốn làm nghiên cứu khoa học biết được con đường phía trước là gì và làm sao đi trên những con đường đó.

Cuốn sách đã nhận được sự chào đón nhiệt tình từ các bạn nghiên cứu sinh. Hôm qua, tôi nhận được email của một em nghiên cứu sinh bên Đức cho biết cuốn sách đó và cuốn R là ‘hành trang’ của em ấy trong những ngày học ở bên Đức. Chẳng những thế, em ấy còn thấy nhiều bạn học khác cũng có cuốn đó khi họ tham khảo viết bài báo khoa học. Nhận được những email như thế làm tôi thấy vui, vì những gì mình làm đã giúp ích cho một số người.

Sách dù mới in chưa đầy 1 năm nhưng đã in lại lần thứ hai. Sau lần in thứ nhất, một số bạn phát hiện vài sai sót nhỏ trong sách và có báo cho tôi hay. Tôi rất cám ơn các bạn đó, vì không có những độc giả như thế thì sách khó mà hoàn chỉnh được. Đáng lí ra lần in thứ 2 là đã chỉnh sửa, nhưng nhà xuất bản do nhu cầu cấp thiết nên họ in luôn và tôi cũng chỉ mới biết đây. Nhưng chắc chắn lần in thứ 3 thì tôi sẽ chỉnh sửa và thêm một vài chương mà một số bạn đã góp ý.

Các chương sách:

0 Lời nói đầu 1 Tại sao nghiên cứu khoa học? 2 Thế nào là nghiên cứu khoa học? 3 Ý tưởng nghiên cứu đến từ đâu? 4 Cách tiếp cận câu hỏi nghiên cứu 5 Thế nào là “cái mới” trong khoa học? 6 Chọn mô hình nghiên cứu 7 Cỡ mẫu và huyền thoại con số 30 8 Ngộ nhận về tính đại diện 9 Cách thiết kế bộ câu hỏi 10 Phân tích dữ liệu 11 Hai trường phái phân tích thống kê 12 Trị số P trong nghiên cứu khoa học 13 Diễn giải kết quả nghiên cứu khoa học 14 Cách viết bài báo khoa học 15 Tiếng Anh trong bài báo khoa học 16 Kinh nghiệm viết bài báo khoa học 17 Vấn nạn tập san khoa học "dỏm" 18 Cách đọc bài báo khoa học 19 Khoa học Việt Nam đang ở đâu 20 Những vấn đề thời sự 21 Con đường trở thành một nhà khoa học độc lập

Câu chuyện khoa học

Nhân dịp này, cũng xin giới thiệu một cuốn khác có tên là "Câu chuyện khoa học", xuất bản năm 2017 và đã tái bản lần 2 năm ngoái. Đây là sách loại tạo cảm hứng cho nghiên cứu khoa học. Tôi chia sách thành 3 phần: Phần I là những câu chuyện về khám phá trong khoa học; Phần II là những câu chuyện về con số; và Phần III là những câu chuyện về nhà khoa học.

Trong phần I, các bạn sẽ đọc những câu chuyện thú vị đằng sau những khám phá nổi tiếng. Những câu chuyện về các giải thưởng Nobel và cách nhìn các khám phá đó của người bình thường, có chút thi vị và văn hóa tính. Các bạn sẽ biết khám phá gen LRP5 bắt đầu từ một tai nạn giao thông, hay khám phá leptin từ một em bé rất mập.

Phần II là những bài liên quan đến con số, cụ thể là xác suất. Tôi dành 3 bài để nói về trị số P trong khoa học. Ngoài ra, tôi cũng dành một số bài viết về cái tôi gọi là 'căn bệnh con số' trong giới báo chí. Thật ra, đây là bài tôi nói trong một hội thảo về báo chí và khoa học ở Vĩnh Phú vào năm mà ông Nguyễn Quân còn làm thứ trưởng Bộ KHCN. Các bạn sẽ ngạc nhiên thấy con số thú vị như thế nào.

Phần III viết về những nhà khoa học lừng danh. Trong đó có Charles Darwin, Alexandre Yersin, Paul Erdos, v.v. Nhưng tôi cũng viết về những người thầy [đã qua đời] của tôi, như là những lời tri ân cho họ. Tôi không viết theo cách 'ca ngợi' và cảm tính như hay thấy trên báo chí (kiểu như 'hi sinh', 'dấn thân', 'chinh phục', 'làm rạng danh', v.v.) mà viết theo cách nhìn nhận của người trong cuộc.

Tôi nghĩ sách sẽ rất thú vị với các bạn đang theo đuổi sự nghiệp khoa học. Xin mời các bạn ủng hộ!

Ghi thêm: Sách có bán tại nhà sách Minh Khai trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Em cũng có thể mua qua mạng và họ giao sách tận nhà. Trang mạng là: https://www.nxbhcm.com.vn/sach-cua-gs-ts-nguyen-van-tuan-34

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page