top of page

Hội chứng ái kỉ trong y khoa

Y khoa được xem là môi trường rất lí tưởng cho sự sinh sôi nẩy nở của Hội chứng Ái kỉ (narcissism, hay narcissistic personality disorder -- NPD). Giáo sư Leanne Rowe mới viết một bài ngắn (1) về hội chứng ái kỉ trên Medical Journal of Australa (MJA) và được nhiều người chia sẻ với nhau để đọc và bàn luận. Bác sĩ Rowe cho rằng tình trạng ái kỉ trong y giới làm ảnh hưởng xấu đến việc chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân!

Hội chứng ái kỉ (narcissim). Chữ này có gốc Hi Lạp,Narcissus, một nhân vật huyền thoại đẹp trai. Anh chàng Narcissus biết mình đẹp trai nên suốt ngày nhìn vào hồ nước để thấy dung nhan của mình. Anh ta tự yêu mình, nên mới có tên "Ái kỉ".

Hội chứng ái kỉ là một rối loạn tâm lí với những đặc điểm nổi bậc như phô trương, ích kỉ, tự cảm thấy mình đặc biệt, chăm chút đến quyền lợi của mình và chỉ của mình. Người ái kỉ thường hay phô trương, thể hiện sự tự tin thái quá, tự đánh giá mình quá cao, hám quyền, hám danh, thích được chú ý, có khả năng tương tác tốt, và quyến rũ với truyền thông. Nói cách khác, những người ái kỉ đặt nặng tính cách "trước và trên", tức là cái gì cũng muốn làm hơn người, trước người khác, chứ không muốn đi cùng người khác.

Bất cứ ai trong chúng ta cũng có một chút "dose" của hội chứng ái kĩ, và có khi nó giúp cho chúng ta đối phó với những tình huống khó khăn (gọi là "healthy narcissism"). Nhưng nặng dose quá thì có thể trở thành một hội chứng, có khi cần phải điều trị.

Giới tâm lí học định nghĩa những bác sĩ với NPD là những người tự xem mình là đặc biệt, thông minh, quí tộc. Ngay từ thời sinh viên, họ nghĩ mình có điểm cao nên phải là đặc biệt. Khi mới năm thứ 3-4 họ được sờ bệnh nhân vốn ở vị thế bất lợi, nên họ càng thấy mình quan trọng. Khi ra trường, họ càng thấy mình quan trọng hơn vì có thể quyết định sinh mệnh của một cá nhân. Theo thời gian, họ tự thấy mình là nhất, không ai hơn họ, không ai có thể cãi lại họ. Hội chứng ái kỉ phát sinh từ mội trường đó. Nhưng dĩ nhiên, không phải bác sĩ nào cũng suy nghĩ kiểu đó; trong thực tế nhiều sinh viên y khoa cũng biết được hạn chế của mình, và họ hiểu rõ những gì họ học chỉ mới là sơ khởi. Tuy nhiên, cái môi trường và mối quan hệ bất bình đẳng giữa bác sĩ và bệnh nhân biến họ thành những kẻ có nguy cơ cao mắc chứng ái kỉ.

Do đó, bác sĩ với NPD thường có những biểu hiện như phách lối, tự cho mình hay cảm thấy mình được đặc quyền, đặc lợi, và được ưu tiên hơn người khác. Họ thấy mình là những người "bề trên", những người ban ơn cho bệnh nhân (họ không thấy đó là nhiệm vụ, mà là ban ơn). Do đó, họ hay xem thường bệnh nhân như những người dốt về khoa học, và họ lúc nào cũng cảm thấy họ đúng. Họ lúc nào cũng tỏ ra là người ra lệnh ("y lệnh"), và bệnh nhân phải làm theo lệnh; họ không khi nào muốn bàn lợi và hại với bệnh nhân.

Giáo sư Rowe cho rằng bác sĩ với hội chứng NPD không chỉ làm tổn hại đến mối quan hệ giữa bác sĩ và người bệnh, mà còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến công việc chăm sóc sức khoẻ. Người mắc chứng ái kỉ không bao giờ chấp nhận mình sai, và hay đổ lỗi cho người khác. Trong môi trường y khoa, sai sót trong xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị, v.v. xảy ra tương đối thường xuyên, và nếu giới bác sĩ mắc chứng ái kỉ thì có thể gây tác hại cho bệnh nhân. Không chỉ gây tác hại, hội chứng ái kỉ còn làm cho mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân bị gãy đổ (Tôi cũng từng gặp một bác sĩ loại này (2)).

Khó mà biết có bao nhiêu phần trăm bác sĩ mang chứng ái kỉ, vì bất cứ ai (kể cả người ngoài y giới) cũng có -- không ít thì nhiều -- mang hội chứng này. Cách đây 3-4 năm, một bác sĩ gốc Việt ở Sydney bị rút bằng hành nghề vì quan tòa cho rằng anh ta mắc chứng ái kỉ và gây tác động tiêu cực đến việc chẩn đoán và điều trị bệnh nhân. (Nhưng bác sĩ tâm thần thì cho rằng anh ta bình thường, chỉ "khó tính" thôi). Theo những gì được trình bày trước tòa và bởi nhân chứng, anh bác sĩ thể hiện sự ngạo mạn và thô lỗ với bệnh nhân. Anh ta nói với bệnh nhân mắc bệnh tim rằng thuốc channel blocker và statin chẳng giúp gì mà còn gây hại, và do đó không nên dùng! Nhiều chẩn đoán khác cũng sai lầm nghiêm trọng, nhưng anh ta không bao giờ thừa nhận sai sót của mình và luôn thấy người khác sai. Ngay cả đồng nghiệp của anh cũng cảm thấy khó làm việc chung. Tòa đề nghị anh nên tìm bác sĩ tâm thần để được điều trị. Đó là tác động rất xấu của hội chứng ái kỉ.

Hội chứng ái kỉ có thể đo lường và có vẻ khác biệt giữa các bác sĩ. Theo một nghiên cứu bên Anh (3) thì giới phẫu thuật là những người có biểu hiện hội chứng ái kỉ nhiều nhất. Trong nhóm ngoại khoa, các bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá gần như đứng đầu bảng. Các bác sĩ tiêu hoá còn đứng đầu bảng về hội chứng Machiavellianism (tức chỉ quan tâm đến chính mình, thiếu sự thấu cảm, và sẵn sàng lợi dụng người khác để làm lợi cho mình). Riêng giới ngoại khoa thần kinh thì thường mắc chứng “psychopathy” (tâm bệnh). Ái kỉ, Machiavellianism, và tâm bệnh được xem là 3 đặc tính đen (Dark Triad) của giới y khoa.

Đó là chuyện bên trời Tây, nhưng lúc nào tôi cũng nghĩ đến Việt Nam. Chắc chắn trong y giới Việt Nam cũng có những người mang hội chứng ái kỉ. Những phát biểu về Việt Nam là nhất, là không kém ai, là số 1 của kĩ thuật mổ này, kĩ thuật nội soi kia có thể bao hàm cả hội chứng ái kỉ. Nhưng không ai biết hội chứng này nó gây tổn hại như thế nào đến nền y tế và bệnh nhân. Tôi đoán rằng tình trạng sai sót y khoa ở Việt Nam -- cũng như ở bên Úc -- khá lớn và có thể gây ra tử vong cho hàng vạn người mỗi năm; bao nhiêu phần trăm là do ái kỉ và bao nhiêu là do sai sót không thể tránh khỏi. Những câu hỏi này rất cần được nghiên cứu. Nhưng kinh nghiệm về ái kỉ của nước ngoài cũng là một bài học cho y giới trong nước.

PS: Bạn nào muốn nghiên cứu về NPD -- không hẳn trong giới y tế mà có thể ngành khác -- tôi có bảng câu hỏi (questionnaire).

====

(1) https://insightplus.mja.com.au/2019/9/endemic-bullying-narcissistic-personality-disorder-in-medicine

(2) "Ok", "Understand", "I am the best" etc. Hôm kia, tôi đi tham vấn một anh bác sĩ, mà kết cục chẳng tới đâu, nên phải viết đôi ba dòng gọi là chia sẻ kinh nghiệm về hội chứng ái kỉ. Anh ta là một bác sĩ chuyên khoa, chừng 50 tuổi gì đó, gốc Ả Rập (nhìn tên thì đoán được). Cửa office anh ta thấy bằng cấp chi chít, nhưng là ... loại gì đâu. Nhìn qua cái bảng dài thòng đó, tôi chỉ biết mỉm cười một mình. Trong cái phong cách vội vã, bận rộn, anh ta mời tôi vào ghế ngồi và hỏi chuyện. Câu đầu tiên anh ta hỏi tôi ai giới thiệu, tôi nói một người bạn là bác sĩ C. Anh ta nhíu mày tỏ ý ngạc nhiên, rồi nói "Bác sĩ C đâu phải là chuyên khoa X", rồi có lẽ theo quán tính, kết thúc bằng chữ “understand?” (Hiểu không?) Tôi hơi khó chịu và trả lời: "Đúng vậy, chị ấy không phải là chuyên khoa X, nên chị ấy mới giới thiệu tôi gặp anh."

Anh ta lại lên giọng nói linh tinh và có vẻ tự khoe khoang. Anh ta nói người bạn tôi không biết gì về chuyên khoa X. (Ủa, sao nói xấu bạn tôi?) Anh ta cho biết anh là giáo sư ở một nước Ả Rập nào đó, rồi tự kết luận bằng câu "I am the best" (Tôi tài giỏi nhất). Mà câu nào cũng được kết thúc bằng câu hỏi “ok?” và “understand?” Nghe một lần thì cũng chịu đựng được, nhưng nghe đến lần thứ năm thì quả là một sự tra tấn và mất thì giờ. Tôi đến đây để được tư vấn, chứ đâu muốn nghe mấy chuyện linh tinh kia. Cái chữ “ok” và nhất là “understand” làm tôi quả thật mất kiên nhẫn. Rất có thể anh ấy thấy tôi không nói gì và nghĩ tôi không biết tiếng Anh?

Đến khi anh ta muốn tôi cởi áo để anh ta khám, thì tôi tỏ thái độ dứt khoát. Tôi nói rằng cuộc gặp mặt đến đây là chấm dứt. Tôi không đồng ý cho anh ta đụng vào người tôi. Tôi nói rằng tôi không cho phép anh ta hỏi thông tin về tiền sử bệnh lí. Anh ta có vẻ sững sờ trước thái độ dứt khoát và thản nhiên của tôi. Lúc này, tôi mới nói rằng anh ta đã xúc phạm tôi khi hỏi “ok” và “understand”, anh ta đã thiếu chuyên nghiệp khi nói về người bạn bác sĩ của tôi. Nói xong, tôi đứng dậy chào anh ta rồi ra về. Tôi nghĩ anh này có lẽ quen với thái độ hống hách, xem bệnh nhân như những kẻ không biết gì, nên anh ta cần phải nhận một bài học về tính chuyên nghiệp.

(3) http://www.medicalobserver.com.au/professional-news/which-doctors-are-the-most-narcissistic

Hội chứng ái kỉ trong y khoa đã được viết thành một cuốn sách. Đây là bài điểm sách trên New England Journal of Medicine.

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page