top of page

Giáo sư Sydney Brenner (1927 - 2019)

Một trong những nhà khoa học thuộc vào hàng 'visionary' và cũng là một nhà thực nghiệm lớn trên thế giới vừa giã từ cõi đời ở tuổi 92 tại Singapore. Đó là Sydney Brenner, khôi nguyên giải Nobel 2002. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là những bài học sáng cho giới trẻ theo con đường khoa học phụng sự xã hội.

Sydney Brenner trong phòng thí nghiệm (ảnh của New York Times)

Thần đồng từ nhỏ

Có thể nói Sydney Brenner là một thần đồng gốc Do Thái. Ông sinh ngày 13/1/1927 ở Nam Phi trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động. Cha mẹ là di dân từ Latvia và Lithuania, thân phụ ông mù chữ. Ông được mấy người hàng xóm dạy chữ, nhưng ông tự học là chính. Học từ sách trong thư viện. Ngay từ nhỏ, ông đã tỏ ra là một 'prodigy'. Ông kể lại rằng khi vào tiểu học, ông đã học 3 lớp trong 1 năm, và ở tuổi 6 ông được cho học lớp 4!

Ông được nhận vào trường y thuộc đại học Witwatersrand (Nam Phi) năm 15 tuổi. Nhưng vì người ta nghĩ sau 6 năm ông chỉ mới 21 tuổi, còn quá trẻ để hành nghề y, nên ông được cho phép theo học và tốt nghiệp bằng cử nhân khoa học (chuyên về anatomy và physiology), nhưng ông ở lại học thêm 2 năm để hoàn tất chương trình cử nhân danh dự và tiếp đó là bằng cao học. Đến năm 1951, ông tốt nghiệp trường y ở tuổi 24.

Năm 1952 ông thành hôn với người bạn học là May Balkind, lúc đó theo học tiến sĩ tâm lí học ở Nam Phi. Nhưng hai người li dị sau đó. Không ai rõ tại sao họ li dị, nhưng Brenner có lần cho biết cuộc hôn nhân có phần trắc trở vì bà May là người sống trong một thế giới tâm lí học và ... độc đoán. Tuy vậy, sau li dị, hai người lại tái hợp không chính thức và có thêm 3 đứa con! Bà May Balkind sau này là một chuyên gia tâm lí giáo dục. Bà qua đời năm 2010.

Từ Nam Phi đến Oxford và Cambridge

Con đường khoa học của ông khởi đầu từ Anh. Sau khi xong chương trình y khoa, ông không hành nghề y mà quyết định theo đuổi khoa học, vì ông nói những năm theo học chương trình cao học đã định hình tương lai của ông là giải quyết một vấn đề khoa học lớn hơn là chăm sóc bệnh nhân. Ông xin học bổng "Royal Commission for the Exhibition of 1851" và chính học bổng nào dẫn ông đến 'ánh sáng' khoa học ở Đại học Oxford, nơi ông theo học tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của Giáo sư lừng danh Cyril Hinshelwood. Sau tiến sĩ, ông quay về Nam Phi, nhưng sự trở về đó được mô tả là 'unhappy', và thế là ông quay lại Anh, nhưng lần này đầu quân cho Laboratory of Molecular Biology (LMB) thuộc Đại học Cambridge vào năm 1956. Bốn năm sau, ông trở thành Đồng giám đốc LMB với Francis Crick (người sau này cùng với James Watson được trao giải Nobel cho khám phá cấu trúc DNA).

Năm 1977, trong lúc LMB gặp vấn đề về tài chánh, Sydney Brenner đồng ý làm giám đốc LMB, thay thế cho Max Perutz lúc đó muốn nghỉ hưu. Nhưng công việc quản lí và hành chánh làm ông chán và nhức đầu giải quyết những vấn đề nội bộ. Ông nói làm giám đốc LMB ông phải trở thành một kể trung gian, một bên là những kẻ 'monsters' (quái vật) và một bên là những kẻ ngu xuẩn. Ông chỉ 'trụ' được chức này 4 năm.

Sau khi nghỉ chức giám đốc và tập trung vào nghiên cứu khoa học. Với một ít cộng sự trong một labo nhỏ ở ĐH Cambridge, ông nghiên cứu hệ gen củapufferfish (giống như cá nóc ở miền Tây) và cá nhật (Fugu rubripes). Năm 2002, ông và cộng sự đã giải mã toàn bộ hệ gen của cá Fugu rubripes. Cá này có số gen bằng con người, nhưng ngắn hơn khoảng 7 lần so với con người. Kết quả giải mã gen này là một bổ sung rất tuyệt với cho hệ gen của con người.

Giải Nobel y sinh học 2002

Năm 2002 cùng với John Sulston và H. Robert Horvitz, ông được trao giải thưởng Nobel y sinh học. Nhưng công trình được giải Nobel không phải là giải mã hệ gen cá nhật, mà là nghiên cứu trên con giun C. elegans. Con giun này chỉ có 959 tế bào, và do đó dễ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Các cộng sự cùng với ông đã dùng máy tính và các phương tiện sinh học để tái câu trúc toàn bộ hệ thống thần kinh của C. elegans. Họ có thể theo dõi vai trò của mỗi tế bào từ trong lúc còn trong trứng cho đến khi trưởng thành, và qua đó khám phá được tại sao một số tế bào được 'lập chương' để chết. Sulston và Horvitz sau đó giải mã toàn bộ hệ gen của C. elegans. Công trình này đem đến cho họ giải thưởng Nobel.

Nhưng công trình quan trọng và đóng góp mà ông tự hào không hẳn là C. elegans, mà là công trình với Francis Crick về DNA. Chúng ta biết rằng DNA có 4 kí tự (A, C, G, T), nhưng năm 1961, ông và Crick chứng minh rằng DNA được cấu thành từ các dãy 3 kí tự và họ gọi là "codon". Codon mã hóa amico acid để sản sinh ra protein. Khám phá đó, ông kể lại, trong thời gian ông và Francis Crick 'share' phòng làm việc tại Cambridge. Ông (Sydney Brenner) cũng là người khám phá messenge RNA, một thành tố chuyển tải thông tin di truyền trong DNA đến protein. Đó là một trong những khám phá quan trọng nhất trong thời đại vàng son của sinh học phân tử.

Sydney Brenner nhận giải thưởng Nobel từ vua Thụy Điển (2002).

Nhà tổ chức

Khi được hỏi những đóng góp của ông cho xã hội và khoa học là do từ đâu, ông không ngần ngại nói rằng do năng khiếu tổ chức. Có thể nói rằng ông là một nhà tổ chức khoa học, người tạo môi trường cho giới trẻ khoa học thực hiện những hoài bảo của mình. Ông chính là người đã giúp Singapore lập Viện sinh học phân tử vào thập niên 1990, và những ngày cuối đời, ông quay lại Singapore làm việc cho đến ngày qua đời.

Trước Singapore, ở tuổi lục tuần, ông lại chuyển sang Mĩ làm việc. Ông trở thành Fellow của Viện Scripps (Scripps Research Institute, Nam California) ở tổi 68, và tiêu ra thời gian ở Scripps theo đuổi các dự án mới. Năm 1996, công ti thuốc lá Philip Morris tài trợ cho ông nhiều triệu USD để thành lập [viện] Molecular Sciences Institute tại Berkeley (California) để tạo môi trường cho giới trẻ theo đuổi nghiên cứu khoa học và những ý tưởng mang tính thách thức. Một điều 'thú vị' ở đây là Sydney Brenner là người nghiện thuốc lá nặng. Cuối cùng thì ông lại hội với Francis Crick và trở thành Giáo sư Xuất ắc của Viện Salk (Salk Institute, cũng ở Nam California).

Người khiêm tốn và hài hước

Ông được trao rất nhiều giải thưởng và nhận nhiều danh dự. Ngoài giải thưởng Nobel (2002), ông còn nhận những danh dự này bao gồm giải thưởng Lasker (1971), huân chương "Companion of Honour" (1987), công dân danh dự đầu tiên của Singapore (2003), huân chương "Grand Cordon of the Order of the Rising Sun" của Nhật (2017).

Dù được vinh danh như thế nhưng ông không bao giờ tỏ ra là người khoa trương. Ngược lại, ông rất bình dân, có óc hài hước, và hay châm chọc làm cho diễn đàn cười ngất. Trong cột báo "Current Biology", ông hay kí tên là "Bác Syd" (“Uncle Syd”), và thêm một dòng quảng cáo cá nhân: “Elderly, white, male, column writer, seven years experience, self-employed scientist, explorer, adventurer, inventor and entrepreneur seeks young, naive, preferably female editor of newly formed scientific journal with a view to obtaining unrefereed access to as wide an audience as possible.” (Tạm dịch: người cao tuổi, da trắng, nam giới, bỉnh bút, 7 năm kinh nghiệm, nhà khoa học độc lập, nhà thám hiểm, nhà sáng chế, và nhà kinh doanh đang tìm một biên tập trẻ, ngây thơ, ưu tiên cho nữ biên tập của một tập san mới với tầm nhìn tiếp xúc với càng nhiều độc giả càng tốt).

Một cột báo của Sydney Brenner, ông kí tên là "Bác Syd".

Có lần ông kể vui về cách chơi chữ của ông làm khán phòng cười ngất. Ông nói "Một kí giả của tạp chí The Economist bên Anh hỏi cái khoa học omic quan trọng nhất trong công nghệ sinh học là gì; tôi nói với anh ấy cái khoa học đó là econ-omics." Đó một cách chơi chữ, nhưng ý nghĩa là khoa học hà tiện.

Ông có nhiều cá tính không 'hiện đại'. Trong nhiều bài giảng, ông không dùng đến Powerpoint, vì ông cho rằng nó phản tác dụng!

***

Không như các nhà sinh học khác qua đời ít người chú ý, sự qua đời của Sydney Brenner được cộng đồng khoa học ghi nhận công trạng và đóng góp của ông cho khoa học. Báo chí toàn cầu đưa tin về cuộc đời và sự nghiệp lớn của ông. Cái điểm son nhất của ông là xuất phát từ một gia đình nghèo, thuộc giai cấp lao động, thân phụ thậm chí không biết chữ, nhưng ông đã vươn lên bằng tự học. Tự học cộng với đam mê khoa học và kiên trì theo đuổi mục tiêu đã giúp ông có những khám phá để đời. Chỉ riêng công trình C. elegans ông đã tạo nên một hướng nghiên cứu cho hàng ngàn nhóm khoa học trên thế giới theo đuổi. Chỉ với messenger RNA và codon, ông đã giúp cho tất cả chúng ta hiểu về chúng ta nhiều hơn. Ông xứng đáng được tôn vinh và ngưỡng phục.

Nhưng ông không chỉ là người làm khoa học, mà còn là một nhà giáo, một người đào tạo. Có thể con số tiến sĩ ông đào tạo không nhiều, nhưng ông đã gián tiếp đào tạo cho hàng ngàn tiến sĩ trên khắp thế giới. Như ông từng tiết lộ và tâm sự, ông thích tạo ra những môi trường khoa học để giới trẻ theo đuổi ước mơ của mình. Ông có thể không giảng trực tiếp cho ai, nhưng ông tạo ra môi trường để người khác chuyển tải khoa học đến hàng ngàn, hàng vạn nghiên cứu sinh.

Vậy những bài học của Sydney Brenner là gì? Tôi nghĩ đến 3 bài học về môi trường khoa học, giả thuyết và có mục đích mang tính phúc lợi trong nghiên cứu:

Theo tôi bài học quan trọng nhất là tìm những 'địa chỉ' đúng để theo đuổi sự nghiệp. Môi trường khoa học rất quan trọng, và ông Brenner đã đi qua những trung tâm và viện nghiên cứu quan trọng, nơi mà môi trường khoa học tốt để ông thực hiện những hoài bảo của mình. Đó là những -- nói theo ngôn ngữ khoa học -- là "right address". Từ Witwatersrand, ông đến Oxford, qua Cambridge, rồi Scripps và Salk, toàn những địa chỉ khoa học quan trọng. "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" có lẽ là câu nói thích hợp nhất cho ông.

Bài học thứ hai là nghiên cứu phải có giả thuyết, chứ đừng quá lệ thuộc vào công nghệ. Trong nhiều bài giảng gần đây, ông tỏ vẻ không hài lòng với hướng nghiên cứu mà chúng ta gọi là 'high throughput' vì quá lệ thuộc vào máy tính và không có giả thuyết. Ông nói chúng ta có một văn hóa mà theo đó cái gì cũng dựa vào số nhiều (high-throughput), rồi ông kết luận "Tôi gọi đó là văn hóa sinh học đầu vào thấp, đầu ra nhiều" ( “I like to call it low-input, high-throughput, no-output biology"). Ông nói thêm rằng "cái hứa hẹn của giải mã gen là chúng ta sẽ có hàng triệu mục tiêu sinh học, và chúng ta có thể dùng tất cả hóa chất, và chúng ta chỉ cần phân tích lượng lớn -- high-throughput -- tất cả các mục tiêu và hóa chất đó và sẽ có thuốc cho tất cả bệnh tật. Tôi nghĩ đây là hướng hoàn toàn sai lầm".

Bài học thứ ba là nghiên cứu khoa học phải nhắm tới con người, tới bệnh nhân. Nói về những người làm nghiên cứu xa rời thực tế, ông đưa ra quan điểm là nên nghiên cứu trên người hơn là trên chuột trước. Ông nói "Đa số những người làm nghiên cứu cơ bản trong lab không biết gì về sinh lí học và bệnh lí học. Thành ra, tôi tin rằng hãy bỏ qua những nghiên cứu trên chuột và đi thẳng vào nghiên cứu trên người. Tôi đề nghị đến năm 2053, kỉ niệm 100 năm ngày khám phá DNA, chúng ta nên ngưng thí nghiệm trên chuột." Tôi nghĩ đó là một lời khuyên rất quan trọng, nhưng có lẽ ít ai chú ý đến lời nói của một ông cụ nên nhiều nghiên cứu khoa học ngày nay chẳng có ý nghĩa gì thực tế.

Ba bài học này không chỉ có tính liên đới đến cá nhân người làm khoa học. Ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới, nhiều người làm nghiên cứu khoa học với mục tiêu lợi nhuận. Họ phải làm ra cái gì đó để làm ra tiền, càng nhiều tiền càng tốt. Điều đó chẳng có gì quá sai trái, nhưng nếu chỉ thấy tiền thì sẽ làm lạc hướng khoa học vốn có mục tiêu chính là 'diệt khổ' cho người. Một số khác thì làm khoa học vì danh vọng: công bố bài báo càng nhiều càng tốt -- có khi là tập san dỏm -- để có tên tuổi. Điều này thì hoàn toàn sai lạc. Khoa học không chỉ là công bố kết quả, mà là làm ra những 'sản phẩm' có giá trị thực tế, hoặc làm phong phú sự hiểu biết về và của con người.

Dưới đây là những câu nói để đời của Giáo sư Sydney Brenner:

Về vai trò của kĩ thuật: "Progress in science depends on new techniques, new discoveries and new ideas, probably in that order". (Tiến bộ khoa học tùy thuộc vào [có lẽ theo thứ tự] kĩ thuật mới, khám phá mới, và ý tưởng mới)

Về máy tính: "The modern computer hovers between the obsolescent and the nonexistent."(Máy tính tân tiến là bay lượn giữa lỗi thời và phi hiện hữu)

Về sáng tạo: "I think one of the things about creativity is not to be afraid of saying the wrong thing" (Tôi nghĩ một trong những điều về sáng tạo là không sợ hãi nói ra những điều sai).

Về triết lí sống: "Living most of the time in a world created mostly in one's head, does not make for an easy passage in the real world." (Phần lớn thời gian sống trong một một thế giới được tạo ra bởi một cái đầu không tạo được một lối đi dễ dàng đến với thế giới thực).

===

Phần lớn thông tin trong bài viết này lấy từ bài phân ưu trên báo Guardian:

https://www.theguardian.com/science/2019/apr/05/sydney-brenner-obituary

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page