top of page

Đừng cố gắng làm người thành công; hãy cố gắng làm người có ích!

Đó là một trong những danh ngôn của Albert Einstein mà tôi treo trong phòng làm việc. Nhân dịp một anh bạn nhắc lại câu này, ngẫm nghĩ lại thấy câu nói này mang tính thời sự, nên có đôi ba dòng bàn thêm …

Câu chuyện đằng sau danh ngôn này được thuật lại trên tạp chí Life (1). Chuyện kể rằng trước khi Einstein qua đời vài tháng (năm 1955), có hai cha con chủ bút của tạp chí Life và giáo sư William Hermanns đến thăm ông Einstein. Người con (Pat Miller) của ông chủ tạp chí hỏi Einstein rằng ông có lời khuyên gì cho anh ta. Einstein trả lời rằng (tạm dịch): "Không bao giờ đánh mất sự tò mò thánh thiện. Cố gắng đừng trở thành một người thành công, mà hãy cố gắng trở thành người có ích. Người được xem là thành công trong thời đại chúng ta là người nhận từ đời hơn là đóng góp cho đời. Nhưng người có ích sẽ cống hiến cho đời hơn là nhận từ đời" (1).

Sau này, có khá nhiều phiên bản và diễn giải câu danh ngôn đó. Tôi nghĩ và muốn hiểu câu nói của ông Eistein là những kẻ nói về "thành công" chỉ là ảo tưởng về chính mình. Những kẻ nói về thành công là những kẻ ích kỉ (vì như ông nói là họ nhận từ đời hơn và đóng góp cho đời). Nhưng những người hữu ích (cũng có thể hiểu là "ý nghĩa") thì ngược lại: họ cống hiến cho đời hơn là nhận từ đời.

Câu này rất thời sự đối với xã hội Việt Nam. Việt Nam mới bước ra khỏi nghèo đói, và một số người làm giàu rất nhanh. Một số người khác thì có cơ hội thăng tiến trong bộ máy cầm quyền. Một số khác thì tìm cho mình những vị trí danh vọng. Trong xã hội mới ra khỏi nghèo khó, sở hữu nhiều tiền, có quyền thế, và có danh vọng là 3 thước đo của ‘thành công’. Nhưng trong một xã hội như thế, sự ‘thành công’ của họ thường không được nể phục. Nói như văn hào Honore de Balzac là đằng sau mỗi gia tài kếch xù là một tội phạm (Behind every great fortune there is a crime), đằng sau sự ‘thành công’ của một số người ở Việt Nam cũng là một dấu hỏi lớn. Nhiều người ‘thành công’ ở VN kiếm được nhiều tiền và quyền không phải qua cống hiến mà qua khai thác các mối quan hệ hoặc lợi dụng người khác, thậm chí làm điều phi pháp. Bởi vậy nên mới có những người chỉ mong làm người “tử tế”, hay mới đây nhất là làm người “liêm chính”.

Một đất nước mới thoát khỏi nghèo đói và lạc hậu trên con số, vẫn còn rất nhiều người nghèo khổ trong thực tế. Mượn câu nói của Einstein, chúng ta cũng có thể nói một đất nước như vậy cần những người có ích hơn là những người ‘thành công’. Làm người có ích để cống hiến cho đời.

Làm người có ích cũng rất nhất quán với sự hạnh phúc. Các chuyên gia tâm lí và các nhà hiền triết phân loại 3 cuộc sống hạnh phúc: good life, comfortable life, và meaningful life. Một cách ngắn gọn, good life (cuộc sống tốt) là được làm việc mình yêu thích và độc lập; comfortable life (cuộc sống thoải mái) có nghĩa là có cuộc sống có nhiều tiền và tiện nghi; và meaningful life (cuộc sống có ý nghĩa) là sống để dùng khả năng của mình giúp cho người khác sống tốt hơn và thoải mái hơn. Có thể nói người ‘thành công’ là người có cuộc sống tốt và thoải mái. Nhưng làm người có ích, theo ý của Einstein, là sống cuộc sống có ý nghĩa.

===

(1) https://quoteinvestigator.com/2017/11/20/value/. Nguyên văn câu nói của Einstein là "Never lose a holy curiosity. Try not to become a man of success but rather try to become a man of value. He is considered successful in our day who gets more out of life than he puts in. But a man of value will give more than he receives." Ông còn nói thêm và nhấn mạnh về sự có ích của tính tò mò: "Điều quan trọng nhất là không bao giờ ngừng đặt câu hỏi. Sự tò mò có lí do để hiện hữu. Chúng ta không thể không thấy nể sợ khi suy ngẫm về sự kì vĩ và huyền bí của cõi vĩnh hằng, của sự sống, của cấu trúc hiện thực huyền diệu. Nếu mỗi ngày chúng ta cố gắng tìm hiểu một chút về sự huyền diệu này thì cũng đủ" (1).

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page