"Ta về một bóng trên đường lớn" Tô Thùy Yên (1938 - 2019)
Một trong những thi sĩ sáng chói nhất trên văn đàn miền Nam, Thi sĩ Tô Thùy Yên, qua đời ngày hôm nay ở Mĩ, ông thọ 81 tuổi (1). Tuy không phải là người trong văn giới, nhưng tôi là độc giả ngưỡng mộ Tô Thùy Yên từ những 45 năm trước qua những sáng tác trác tuyệt thời đó. Một trong những sáng tác (năm 1974) của ông ít người biết là bài "Trường Sa Hành" rất mang tính thời sự ngày nay. Sự ra đi của Tô Thùy Yên có thể xem như là dấu chấm của một thế hệ văn nghệ vàng son thời trước 1975.
Tô Thùy Yên (1938 - 2019). Ông tên thật là Đinh Thành Tiên, sanh năm 1938 tại Gò Vấp, Gia Định.
Theo báo Người Việt, ông tên thật là Đinh Thành Tiên, sanh năm 1938 tại Gò Vấp, Gia Định. Thân phụ ông là chuyên viên thuộc Viện Pasteur, sau này có thời gian làm việc cho Bịnh viện Chợ Rẫy. Ông học trường Petrus Ký, rồi một vài năm ở Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ông nhập ngũ từ năm 1964 đến 1975, và chức vụ sau cùng là thiếu tá. Sau 1975, ông bị bắt đi tù cải tạo suốt 13 năm trời. Ra tù, ông được cho đi định cư ở Mĩ từ năm 1993.
Có thể nói Tô Thùy Yên có thi tài thiên phú. Ông sáng tác thơ và có thơ được đăng báo từ năm 16 tuổi! Đến cuối năm 1956, ông đã tham gia nhóm Sáng Tạo, một văn đàn nổi tiếng nhất ở miền Nam, cổ võ cho 'Thơ Tự Do' và gián tiếp 'đoạn tuyệt' với phong cách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn trước kia. Tô Thùy Yên trở thành cây bút chủ lực của nhóm. Những nhân vật quan trọng khác của Sáng Tạo là Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, Duy Thanh, và Thái Tuấn. Sau này, vào đầu thập niên 1970s, tôi biết đến Tô Thùy Yên qua đọc tạp chí Sáng Tạo vì thấy những sáng tác mới lạ và độc đáo.
Ca khúc "Chiều trên phá Tam Giang" do Nhật Trường phổ từ thơ của Tô Thùy Yên. Đây là một trong những ca khúc tâm đắc nhất của Nhật Trường Trần Thiện Thanh. Hoàn cảnh ra đời của ca khúc này được Nhật Trường kể ở đây: https://nhacxua.vn/hoan-canh-sang-tac-bai-chieu-tren-pha-tam-giang-cua-nhac-si-tran-thien-thanh
Chủ trương thơ của Tô Thùy Yên có lẽ được phát biểu qua nhận xét này của ông: "Thơ biến cái thật thành không thật… Bất cứ nhà thơ nào cũng sử dụng và đồng thời chối nhận ngôn ngữ. Sự mới mẻ độc đáo trong thơ trái với các bộ môn khác trong văn chương là không nằm trong đề tài (đề tài trong thơ thường khi rất thông thường và được coi như hằng cửu)."
Do đó, đề tài của thơ Tô Thùy Yên không mới, nhưng chữ nghĩa thì mới. Đây cũng là một nhận xét của nhà phê bình Đặng Tiến khi ông viết rằng các nhà thơ trong phong trào Thơ Mới thường làm mới chữ. Hoàng Cầm ("Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông") và Huy Cận ("Đêm thở sao lùa nước Hạ Long", "Sóng đã cài then, đêm sập cửa"), theo Đặng Tiến, làm mới các động từ. Còn Tô Thùy Yên thì làm mới hình dung từ (theo nhận xét của Nguyễn Hưng Quốc): "Em độc thoại lời kinh ánh xanh", "Ta dậy khi gà truyền nhiễm gáy", "Tiếng võng đưa đưa tịch mịch mùi", "Ở đâu còn cụm mây hư ảo / Bay tự ngàn năm trắng cổ thi / Tưởng tượng ta gom vào hiện kiếp / Trọn luân hồi ấy, một lần đi."
Tô Thùy Yên sáng tác không nhiều, nhưng bài nào cũng đặc sắc. Trước 1975, ông chưa từng in một tập thơ nào, nhưng công chúng đều dành cho ông nhiều mến mộ đặc biệt. Nhà văn Võ Phiến trong bộ sách Văn Học Miền Nam đã dành gần 20 trang sách để viết về Tô Thùy Yên, và so với các tác giả khác, đây là một dung lượng chữ nghĩa khá nhiều cho một thi sĩ. Võ Phiến nhận xét rằng thơ của Tô Thùy Yên mang tính siêu hình, và đó chính là yếu tố làm nên cái lớn của sáng tác. Có lẽ điều này đúng, vì đọc thơ của ông, ai cũng dễ dàng thấy những lời độc thoại đầy ưu tư, khắc khoải. Thấp thoáng trong thơ là những "ta" sầu vạn cổ, sầu hiện sanh, sầu vũ trụ. Chỉ qua phà Vàm Cống (nay vừa mới có cây cầu) mà thi sĩ đã tức cảnh sáng tác một bài thơ với những chữ rất Tô Thùy Yên:
Đêm qua bắc Vàm Cống
Mối sầu như nước sông
Chảy hoài mà chẳng cạn
Cuốn phăng kiếp bềnh bồng
Tôi đi xuống Lục Tỉnh
Để rắc bỏ ven đường
Tài, tâm hồn, kỷ niệm…
Giữ làm gì đau thương
Đã đôi lần nhầm lẫn
Còn gõ cửa ái tình
Van nài chút lưu luyến
Của không về người xin
Tôi châm điếu thuốc nữa
Đốt tàn thêm tháng năm
Chiếc bắc xa dần bến
Đời xa dần tuổi xanh
Nước tách nguồn về biển
Sầu lại chảy về hồn
Khi tôi vuốt lấy mặt
Nghe bàn tay trống trơn
Một trong những sáng tác tiêu biểu và nổi tiếng nhất là bài "Ta Về". Đó là một bài thơ ông viết sau khi được trả tự do (ông đi tù cải tạo suốt 13 năm). Bài thơ được nhiều nhà phê bình văn học khen ngợi về nội dung cũng như cách dùng chữ. Nội dung mô tả cái chí khí chánh nghĩa của một tù nhân sau trận chiến, và tấm lòng bao dung ông dành cho những người bỏ tù và đày đọa ông. Bài "Ta Về" có những câu -- nói theo ngôn ngữ thời nay là -- hết sức 'ấn tượng' và cảm động (2):
Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai...
Sao vẫn nghe đau mềm phế phủ?
Mười năm, đá cũng ngậm ngùi thay.
Vĩnh biệt ta -mười- năm chết dấp
Chốn rừng thiêng ỉm tiếng nghìn thu
Mười năm, mặt xạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ.
Ta về qua những truông cùng phá
Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may
Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ,
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay
[...] Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cám ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi
Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này …
Những vần thơ đó được viết sau khi ra tù. Ông kể rằng trong thời gian tù cải tạo, có thời gian bị biệt giam đến 7 tháng liền, nằm chung với muỗi, thằn lằn mà ông tả là "uể oải" và "lũ dán hôi tanh":
Ta khắc khoải chờ nghe
Những tiếng động của người
Tiếng động nào bất kể
Đột phá những trùng vây điếc đặc muỗi râm ran …
Ta nhìn theo
Mấy con thằn lằn uể oải
Lũ dán lào xào
Con nhện bỏ trống lưới giăng …
Ta nhìn lên những giòng chữ trên tường
Viết bằng gạch, bằng than và hình như bằng cả máu …
Một bài thơ khác cũng tiêu biểu cho sáng tác của Tô Thùy Yên là bài "Trường Sa Hành". Tuy Hoàng Sa và Trường Sa thường được ví von nằm trong tim của người Việt, nhưng ngạc nhiên thay, rất ít sáng tác thơ văn về hai hòn đảo này. "Trường Sa Hành" có lẽ là một trong những bài thơ hiếm, hiếm nhưng rất hay. Bài này được sáng tác vào năm 1974, sau biến cố Tàu cộng đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Bài Trường Sa Hành như sau (3):
Toujours il y eut cette clameur,
Toujours il y eut cette fureur...
(Saint John Perse)
Trường Sa! Trường Sa! Đảo chuếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề
Lính thú mươi người lạ sóng nước
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi
Mùa Đông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa
Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh Lớn
Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ
Đảo hoang, vắng cả hồn ma quỉ
Thảo mộc thời nguyên thủy lạ tên
Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
Lên xác thân người mãi đứng yên
Bốn trăm hải lý nhớ không tới
Ta khóc cười như tự bạo hành
Dập giận, vác khòm lưng nhẫn nhục
Đường thân thế lỡ, cố đi nhanh
Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời
Mùa gió xoay chiều, gió khốc liệt
Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi
Đám cây bật gốc chờ tan xác
Có hối ra đời chẳng chọn nơi?
Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng
Những cụm rong óng ả bập bềnh
Như những tầng buồn lay động mãi
Dưới hồn ta tịch mịch long lanh
Mặt trời chiều rã rưng rưng biển
Vầng khói chim đen thảng thốt quần
Kinh động đất trời như cháy đảo...
Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân
Ta ngồi bên đống lửa man rợ
Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi
Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi
Chú em hãy hát, hát thật lớn
Những điệu vui, bất kể điệu nào
Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ
Cho mái đầu ta chớ cúi sâu
Ai hét trong lòng ta mỗi lúc
Như người bị bức tử canh khuya
Xé toang từng mảng đời tê điếng
Mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê
Ta nói với từng tinh tú một
Hằng đêm, tất cả chuyện trong lòng
Bãi lân tinh thức âm u sáng
Ta thấy đầu ta cũng sáng trưng
Đất liền, ta gọi, nghe ta không?
Đập hoảng Vô Biên, tín hiệu trùng
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc
Con chim động giấc gào cô đơn
Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên
Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ
Kêu dòn như tiếng nứt hoa niên
Ôi lũ cây gầy ven bãi sụp
Rễ bung còn gượng cuộc tồn sinh
Gắng tươi cho đến ngày trôi ngã
Hay đến ngày bờ tái tạo xanh
San hô mọc tủa thêm cành nhánh
Những nỗi niềm kia cũng mãn khai
Thời gian kết đá mốc u tịch
Ta lấy làm bia tưởng niệm Người
Đáng lẽ bài Trường Sa Hành nên có trong bộ sưu tập về Hoàng Sa - Trường Sa và đưa vào sách giáo khoa trung học.
Nền văn học miền Nam chỉ tồn tại trong một thời gian tương đối ngắn (1954 - 1975), nhưng đã để lại một di sản vừa qui mô vừa phong phú. Thỉnh thoảng nhìn lại những sáng tác văn thơ nhạc thời đó, tôi thấy kinh ngạc. Tuy nhiên, thế hệ trẻ ngày nay thì chẳng bao nhiêu người biết đến nền văn học đó, và càng ít người biết đến Tô Thùy Yên, một nhà thơ mà Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc đánh giá là "là một trong những nhà thơ lớn nhất của miền Nam trong giai đoạn 1954-75, hơn nữa, cũng là một trong những nhà thơ lớn nhất của Việt Nam nói chung trong cả nửa sau thế kỷ 20" (2). Và, tôi muốn mượn đánh giá đó làm lời kết của cái note này. Sự ra đi của thi sĩ Tô Thùy Yên, cùng với sự ra đi của những văn nghệ sĩ lừng danh trước đó (như Phạm Duy, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo) gần như là một dấu chấm hết cho một thế hệ vàng son của nền văn nghệ miền Nam trước 1975.
====