top of page

Ghi chép linh tinh ở Manila 9/2019

Hội nghị khoa học lần thứ 6 của Liên hội Loãng xương Châu Á (Asian Federation of Osteoporosis Societies - AFOS) năm nay diễn ra ở Manila, Phi Luật Tân. Thế là tôi có dịp ghé thành phố này lần thứ hai (lần thứ nhứt là gần 20 năm trước). Sau gần 20 năm quay lại, thành phố này có vẻ bận rộn hơn, giàu có hơn, nhưng đâu đó cái nghèo vẫn còn đeo đuổi. Xin chia sẻ cùng các bạn vài ghi chép nhanh trong những ngày tôi lưu lại Manila …

Một lần trải nghiệm với Philippines Airlines

Welcome aboard, sir!

Anh tiếp viên, trong trang phục chemise truyền thống Phi Luật Tân, chào đón tôi bằng một li shiraz và một phong cách chuyên nghiệp. Không ngon chút nào, nhưng tôi cũng khen để anh ấy vui. Thức ăn khai vị càng tệ, nhưng tôi vẫn dùng để họ hài lòng. Còn thức ăn chính thì cũng không có gì ấn tượng. Rất có thể chuyến bay chỉ 2 giờ đồng hồ nên họ cũng chẳng cần quá quan tâm đến chuyện ăn uống.

Người tiếp viên trưởng mặc áo truyền thống nhưng các tiếp viên nam thì mặc đồng phục veston. Các nàng tiếp viên thì khó chê, vì nàng nào cũng xinh gái, trang điểm sắc nét, ăn mặc rất sharp. Tuy nhiên, so với “phe nhà” VNA thì tôi vẫn nghĩ người mình xinh hơn (chỉ không hay ở chỗ mặc áo dài mà phục vụ cơm nước). Tiếp viên Phil có thể không xinh hơn VNA, nhưng họ chăm sóc khách hàng rất tuyệt vời.

Hãng hàng không mang cờ quốc gia này thuộc nhóm 4 sao, nhưng thành thật mà nói, còn kém hơn 4 sao của Vietnam Airlines (VNA).

Bị “chặt chém” ngay tại phi trường

Chia tay các nàng chiêu đãi viên xinh xinh, tôi làm thủ tục nhập cảnh. Phi trường Ninoy Aquino khá rộng, nhưng còn đang trong giai đoạn xây dựng tiếp, nên rất … bề bộn. Nhưng các nhân viên di trú làm việc rất nhanh, không đầy 5 phút tôi đã được nhập cảnh vào Phi Luật Tân. Về cái khoản này thì Phi Luật Tân có vẻ hơn Việt Nam khá xa.

Do ban tổ chức hơi kém, nên tôi bị bơ vơ ở phi trường cả 30 phút. Chẳng ai đến đón mình, cũng chẳng biết về khách sạn nào. Phải mất $20 để nối mạng thì mới liên lạc được ban tổ chức và biết nơi mình lưu trú. Tôi đón taxi limo về khách sạn, họ nói là 30 phút và giá là 1650 peso (chừng $30 USD). Tôi tính thử và so sánh với thu nhập của dân Phi thì nghĩ giá có vẻ hợp lí. Tôi lầm to. Đến nơi thì có người của ban tổ chức đón tôi, và họ xin lỗi rối rít vì để tôi ‘bơ vơ’ 30 phút ở phi trường trong cái nóng 30 độ C.

Người của ban tổ chức còn kinh ngạc hơn khi nghe tôi trả tiền taxi, vì cái giá đó cao gấp 2 lần giá thường! Trời ơi, là người đi đây đó khắp nơi trên thế giới mà bị bọn taxi Phi Luật Tân ăn cướp ban ngày. Nghĩ đến đó tôi giận, nhưng cũng an ủi rằng mình đã giúp anh ta và gia đình. Tuy nhiên, ban tổ chức hứa sẽ trả đầy đủ cho tôi, và họ lại xin lỗi. Xin lỗi thì xin lỗi, chứ thú thật tôi không có ấn tượng đẹp từ cái trải nghiệm “vạn sự khởi đầu nan” mà đau thương này. Tôi thấy mình vô cùng thông cảm cho du khách nước ngoài đến VN bị vài tài xế taxi bất lương lường gạt và cướp cả trăm USD. (Tôi cũng thấy mình khá may mắn vì họ chưa cướp tôi đên độ đó).

Tuy nhiên, khi đã làm quen với thành phố, thì tôi thấy giá cả taxi khá rẻ, có vẻ bằng hay rẻ hơn ở VN. Chẳng hạn như đoạn đường 10 phút (không kẹt xe) giá chừng 120 peso (khoảng 2.5 USD hay 56,000 đồng). Không cần tiền tip.

Đường lộ Manila

Đường từ phi trường về khách sạn trong trung tâm thành phố rộng thênh thang. Con đường này rộng đến 12 làn xe. Xe hơi chạy đầy, rất rất hiếm xe gắn máy. Thỉnh thoảng có loại xe chở khách giống như xe đò ở miền Nam thời trước 1975. Ở đây, người địa phương gọi là xe “Jeepney”. Đường xá và phố xá Manila có vẻ dơ dấy, giống y chang như ở Sài Gòn hay Hà Nội ngày nay.

Tuy nhiên, đường phố ở Manila có vẻ rộng rãi hơn so với các thành phố lớn ở Việt Nam. Manila cũng có vài đại lộ đẹp. Như con lộ dưới đây phủ đầy cây xanh hai bên đường, trông vừa mát vừa ‘nhiệt đới’. Hôm tôi đi dạo một vòng là ngày cuối tuần nên ít xe cộ; còn ngày thường xe nhiều kinh khủng. Anh tài xế taxi phàn nàn là Manila (11 triệu dân) không đủ đường hay đường lộ nhỏ quá. Tôi nói sẽ không bao giờ đủ đường xá cho xe hơi đâu, còn chê Manila đường quá hẹp thì xin mời anh sang tp hồ chí minh hay hà nội. Tuy xe kẹt kinh khủng, nhưng tôi không thấy hỗn loạn, vì người dân ở đây cũng chấp hành luật giao thông rất tốt, chẳng khác mấy so với các nước như Úc và Mĩ.

Một đại lộ đẹp trong nội thành Manila

Phố xá

Manila có một trung tâm shopping rất lớn, gọi là “Mall of Asia” (MoA). Tôi mon men đến đó cho biết, và quả thật là rất lớn, nghe nói là lớn nhứt châu Á. Trong MoA có rất nhiều tiệm thời trang loại “upmarket”, rạp chiếu phim, khu vui chơi, hàng quán ăn uống, v.v. Nói chung, đó là một thế giới riêng, rất Tây nhưng cũng rất Phi.

Ở đây giá cả sinh hoạt có vẻ rẻ hơn VN. Món ăn bình thường chỉ 200-250 peso (tức 5 USD) là ăn no nê cả ngày. Một cái quần jean hiệu Lee giá chỉ 30 USD. Một đôi giày coi được của Hush Puppy chỉ 20-40 USD. Giày dép phong phú hơn và giá cả cũng rẻ hơn VN.

Hôm nọ tôi bị anh chàng taxi chặt chém, thì hôm nay tôi gặp người tử tế. Vào tiệm đồ mua một món hàng mà giá đề là 590 peso, đem ra tính tiền, cô nhân viên phân vân một chút, rồi nói với tôi là nếu tôi chọn món hàng đó, nhưng ở cái rack bên trong thì giá chỉ ... 190 peso! Trời, sao có người hay như thế. Cô ta còn dẫn tôi đến cái rack đó và thế là tôi tiết kiệm được ít tiền. Đúng là xã hội nào cũng có người thế này thế kia.

Nhân viên bán hàng rất niềm nở và lúc nào cũng gọi khách bằng danh xưng “Sir” dù mình chẳng mua món hàng nào cả. Họ nói tiếng Anh đặc thù Phi, hơi khó nghe. Nhưng họ vui vẻ lặp lại nếu mình yêu cầu.

Bên ngoài của trung tâm shpping Mall of Asia, được cho là lớn nhất ở Á châu

Ẩm thực

Tôi phải nói rằng ẩm thực ở đây rất nghèo nàn. Một khách sạn loại ‘high quality’ (Sangri La) như thế này mà xem ra các món ăn sáng rất bình thường. Nhìn mấy món trên hình của một nhà hàng có hạng, tôi thật chẳng muốn kêu món nào. Nhưng chẳng lẽ đã vào đây và an toạ rồi mà đi ra thì kì quá. Kêu món gà nướng và salad cùng với chai bia. Ôi, món ăn gì mà dở tệ. Bù lại chai bia thì ngon không chê được. Tôi nhủ thầm mình sẽ còn đói dài dài trong mấy ngày sắp tới ...

Đi dạo một vòng ngoài MoA, tôi bắt gặp “hình bóng quê nhà”! Đó là một tiệm phở (nói đúng ra là nhà hàng) tên là “Phở Hoà”. Họ có cả một cô người Phi mặc áo dài chào khách nữa. Nhà hàng có nhiều món Việt Nam, như phở bò, bún thịt nướng, gỏi cuốn, mì xào, v.v. Tôi kêu món phở bò. Hm, chắc họ nấu cho người Phi ăn, chứ đối với người Việt thì khó mà thưởng thức vì thiếu vị phở. Giá cả khá phải chăng: tô phở 310 peso (chừng $6 hay 120,000 đồng). Không cần cho tip — họ ghi rõ trên cái bill tính tiền.

Tiệm Phở Hòa, ngay tại Mall of Asia

Vấn đề an ninh

Đến Manila tôi có cảm giác không an toàn. Đi đâu cũng có thấy bóng dáng security (bảo vệ). Vào khách sạn phải đi ngang cái máy scan hành lí y như ở phi trường. Thoạt đầu tôi nghĩ có lẽ do khách sạn ‘high quality’ nên họ phải như vậy để bảo đảm an toàn cho khách, nhưng khi đã đi qua vài chỗ thì tôi nghĩ khác. Vào các mall hay trung tâm mua sắm cũng phải qua security và rà soát cả người! Bước vào nhà hàng bình dân McDonald cũng phải qua security.

Ở ngoài đường, hầu như ở bất cứ ngã tư nào cũng có bóng dáng của security hoặc cảnh sát. Điều đáng chú ý là các nhân viên security ở đây có quyền mang súng, và nghe nói họ còn có quyền nổ súng khi cảm thấy cần thiết! Tôi có cảm giác an ninh ở đây còn siết chặc hơn cả Việt Nam!

Người dân

Người dân Manila có vẻ ở trong căn hộ cao tầng rất nhiều. Ngay tại trung tâm thành phố, có rất nhiều toà nhà cho dân ở, nghe nói là không hề rẻ. Nhìn thấy những toà nhà này xây sát nhau tôi thấy rùng mình, vì nếu có hoả hoạ thì vô cùng nguy hiểm. Nhìn các toà nhà này tôi thấy sao mà giống Hà Nội và SG ngày nay. Có thể xem đó là dấu hiệu của “developing countries”?

Ngay tại trung tâm thành phố này vẫn có dấu hiệu nghèo. Phía ngoài cái trung tâm mua sắm sang trọng là những người lao động trong những bộ đồ lam lũ. Họ mời khách hàng đi xe taxi, xe tự chế hay “xe đò.” Không quá chèo kéo như ở Việt Nam, nhưng cách họ mời làm cho khách cảm thấy không thoải mái. Dĩ nhiên họ là những người nghèo. Sự hiện diện của họ ở ngay đây là một minh hoạ cho con số thống kê về khoảng cách giàu - nghèo ở Philippines thuộc vào hàng cao nhất thế giới. Việt Nam ta khoảng cách giàu - nghèo cũng cao, nhưng không bằng Philippines, nơi mà một thiểu số nhỏ kiểm soát cả nền kinh tế.

Một phần của những tòa nhà cao tầng dành cho người nghèo

Những căn hộ này cũng khá giống Việt Nam ngày nay, tức người ta cũng phơi quần áo ngoài lan can

Xem ra mấy người mà tôi tiếp xúc thì thấy họ vẫn còn ái mộ Tổng thống Marcos. Bà Imelda Marcos nay đã 90 tuổi nhưng vẫn tham gia chánh trường. Con và cháu bà cũng là thượng nghị sĩ. Ông Marcos để lại nhiều công trình văn hoá ở Manila, nên giới tài xế taxi cũng có vẻ thích ông này. Riêng đương kim tổng thống thì có nhiều ý kiến trái chiều. Giới trí thức cười nhạo báng ông Duterte, họ cho rằng ông ấy khùng và “thất học.” Nhưng mấy người tài xế taxi tôi nói chuyện thì ai cũng thích ông ấy, họ nói ổng là “a great president”!

Nhưng đối với Tàu cộng thì từ giai tầng trí thức đến tài xế taxi đều ghét cay ghét đắng. Có hôm trong một nhà hàng người chủ toạ nói đùa những câu mang tính chỉ trích Tàu, mà bà quên rằng trong buổi tiệc có đại diện từ Tàu sang dự. Cũng may, anh chàng Tàu tiếng Anh chưa đủ tốt nên không hiểu câu đùa của bà “chủ nhà”. Các bác tài taxi thì chửi Tàu là đồ phá hoại, họ chỉ những toà nhà và khu shopping toàn tiếng Tàu và lắc đầu nói “These crims are destroying our country” (bọn tội phạm này đang huỷ diệt đất nước chúng tôi). Nghe mà cay đắng và như là lời cảnh báo cho Việt Nam.

Phi Luật Tân có thể có thu nhập bình quân cao hơn Việt Nam, nhưng tôi nghĩ trình độ phát triển thì không chắc là hơn Việt Nam. Họ cũng tham ô hối lộ như Việt Nam. Nhìn qua khuôn mặt và ánh mắt người lao động, tôi thấy họ không sáng bằng người Việt. Nhưng giai cấp có học của họ thì chắc không thua Việt Nam. Nhìn chung, tôi muốn nghĩ rằng trong tương lai dài Phi Luật Tân sẽ không bằng Việt Nam.

Tinh thần khoa học

Hội nghị lần này có 470 người tham dự. Đa số là các bác sĩ từ nước chủ nhà Phi Luật Tân. Điều gây ấn tượng đẹp là họ đều có mặt đầy đủ từ ngày đầu đến ngày cuối. Các symposia, plenary session và oral presentation đều đầy hết, có lúc không có ghế ngồi! Đến giờ cuối vẫn còn đầy khán phòng. Điều đáng nể là họ sếp giờ chính xác đến từng phút; không có ai nói quá giờ. Thật đáng nể cho tinh thần khoa học của người Phi Luật Tân.

Hôm khai mạc hội nghị, tôi được giao trọng trách giảng bài plenary. Tôi nói về các mô hình đánh giá nguy cơ gãy xương. Bài giảng khơi dậy rất nhiều câu hỏi. Có những câu hỏi rất hay, và tôi vui vẻ trả lời. Cái gì biết thì trả lời, cái gì không biết thì nói … I don’t know. :-) Nhưng tín hiệu mừng là sau bài giảng, có rất nhiều đồng nghiệp đến hỏi han và đề nghị hợp tác.

Sau bài giảng plenary là bài cáo cáo nghiên cứu từ Thái Lan. Anh bác sĩ này làm tôi sốc. Anh ta chọn 36 bệnh nhân, rồi dùng DXA để đo thành phần cơ thể (lượng cơ/nạc, mỡ, xương). Sau đó anh ta cho bệnh nhân ăn các món ăn có năng lượng cao và nhiều mỡ, rồi đo thành phần cơ thể lần 2. Sau đó anh ta cho bệnh nhân ăn các món ăn có nhiều chất sợi và ít mỡ, rồi lại đo thành phần cơ thể lần 3. Chỉ 1 tuần mà anh ta đo DXA 3 lần cho mỗi bệnh nhân! Không hiểu hội đồng y đức nào cho anh ta làm như vậy. Kết quả thí nghiệm cho thấy thành phần cơ thể chẳng thay đổi. Anh ta kết luận là thức ăn có nhiều hay ít chất béo không có ảnh hưởng đến thành phần cơ thể! Tôi hỏi anh ta là dựa vào giả thuyết nào mà anh ta can thiệp và thiết kế nghiên cứu như vậy. Không trả lời được. Tôi nói rằng không thể nào kì vọng thay đổi thành phần cơ thể hay mật độ xương trong 1 tuần bằng DXA; nếu có thay đổi thì đó chỉ là ngẫu nhiên do sai số đo lường mà thôi. Mật độ xương sau khi điều trị ít nhất 1 năm mới thấy có thay đổi. Can thiệp 1 tuần bằng ăn uống thì ... chẳng có ý nghĩa gì cả. Nhưng tôi cũng mừng vì anh bác sĩ trẻ được trao giải thưởng!

Ngày thứ 2 của hội nghị bắt đầu từ ... 6:30 sáng! Cũng may là ở đây 6:00 sáng là trời hừng sáng rồi, nên cũng đỡ mệt. Lí do bắt đầu ngày mới hơi sớm là vì tôi phải dự buổi họp hội đồng biên tập của tập san Osteoporosis & Sarcopenia. Họp xong, chụp hình lưu niệm.

Tôi tự hào là một trong những thành viên sáng lập tập san này. Hồi đó cãi nhau về cái tên; sau cùng đa số chọn cái tên Osteoporosis & Sarcopenia, mà tôi vẫn không hài lòng. Hiện nay thì nó được hội loãng xương bên Nam Hàn quản lí, và tôi chỉ phục vụ như là thành viên của ban biên tập, nhưng đóng vai trò hậu trường về chánh sách. Sáng nay, tôi đề nghị vài thay đổi quan trọng. Sẽ bỏ một số thành viên biên tập lười biếng và tuyển/mời người mới. Sẽ thêm 2 associate editors. Sẽ có loạt bài tổng quan, và loạt bài consensus. Sẽ lên kế hoạch vào ISI (hiện nay mới vào Pubmed).

Các bạn có nghiên cứu về bone, muscle, metabolic bone diseases, hormones, v.v. nên thử gởi cho O&S. Trước khi học PhD hay đang học masters mà có bài ở đây là một lợi thế. Khi nộp các bạn có thể nhắc tên tôi (vì tôi được mọi người trong ban biên tập thương yêu lắm). Tỉ lệ chấp nhận hiện nay là 60%, rất cao. Tuy nhiên, bài coi được vẫn còn ít quá. Mời các bạn nộp bài nghiên cứu. Bình duyệt nhanh (dưới 3 tháng). Không có ấn phí.

Ngày thứ ba ( ngày cuối cùng của hội nghị), và tôi là người “bao sân”. Không biết hữu tình hay cố ý mà ban tổ chức sắp xếp tôi nói bài đầu tiên, và bài bế mạc cũng là tôi. Tôi nghĩ, qua kinh nghiệm bên Việt Nam phe ta, sáng nay chắc chỉ còn vài người đến nghe thôi, nhưng tôi lầm to. Đến giờ cuối mà khán phòng vẫn còn chừng 80% đầy! Người Phi Luật Tân có tinh thần khoa học ghê!

Tôi nói về mối liên quan giữa bisphosphonate và giảm nguy cơ tử vong. Câu hỏi là mối liên quan này mang tính nhân quả hay chỉ là ... ngẫu nhiên. Đây là một chủ đề gây ra nhiều tranh cãi trong suốt 5 năm nay. Do đó, trong hội nghị này tôi muốn “khuấy động” giờ sau cùng để khán phòng đặt câu hỏi cho hào hứng. Quả thật có nhiều câu hỏi, có cả câu hỏi rất insightful từ một bà Phi Luật Tân. Nói chung thì outcome và dư âm bài nói rất rất ok, vì sau đó nhiều người đến chúc mừng kiểu “I enjoyed/appreciated/liked/loved your lecture/talk/presentation ...”

Có bà trong ban tổ chức nói riêng với tôi rằng bà không cần mấy ông Mĩ hay Tây, vì bà đã chọn đúng người (ý nói da vàng) để khai mạc và bế mạc. Chắc là cách nói ngoại giao thôi, nhưng hi vọng là … có phần hợp lí, vì những gì tôi báo cáo toàn là dữ liệu của tôi.

Đi dự hội nghị như thế này tôi đều liên tưởng về Việt Nam. Ở Việt Nam khả năng tổ chức hội nghị chắc chắn không kém, nếu không muốn nói là hơn, các bạn Phi Luật Tân. Nhưng vấn đề của các hội nghị Việt Nam là chúng ta không giữ đúng giờ (đa số đều nói quá giờ). Tình trạng phổ biến là người đăng kí thì nhiều nhưng dự chẳng bao nhiêu, đến ngày cuối cùng có khi may lắm là còn 20 người! ‘Phe ta’ cần phải học Phi Luật Tân về cái khoản này (tinh thần khoa học).

Sau hội nghị này, AFOS sẽ có thêm Việt Nam, Nepal và Sri Lanka là thành viên. Năm 2021 sẽ tổ chức lần thứ 7 ở Singapore.

Từ trái sang phải: tôi, Dr. Joon Kiong Lee (Mã Lai), và Dr. Leilani B. Mercado-Asis (Phi Luật Tân, chủ tịch hội đồng tổ chức địa phương)

Họ giới thiệu tôi nhưng đề sai bằng cấp!

Tôi nói bài khai mạc (plenary lecture)

Một buổi trình diễn văn nghệ truyền thống.

Chụp hình lưu niệm trong nhà hàng Barbara, gần bãi biển Manila

Ban biên tập nhiệm kì 2019 - 2021 của Tập san Osteoporosis and Sarcopenia

Hội đồng điều hành AFOS. Sau hội nghị này Việt Nam, Nepal và Sri Lanka sẽ tham gia AFOS.

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page