top of page

Đọc sách “Tâm lí dân tộc An Nam”

Trong chuyến công tác vừa qua ở Việt Nam, tôi được hai bạn tặng hai cuốn sách dịch từ cuốn “Psychologie du peuple annamite” của Paul Giran xuất bản năm 1904. Bản thứ nhứt là của dịch giả Bác sĩ Phan Tín Dụng gởi tặng trong Hội nghị Loãng xương ở Quy Nhơn, còn bản thứ hai là do dịch giả Nguyễn Tiến Văn chuyển ngữ do PGS Phan Thị Lý gởi tặng. Xin cám ơn hai bạn. Rất tiếc là tôi không có dịp gặp Bs Phan Tín Dụng để nói lời cám ơn, dù tôi đoán là anh có mặt trong Hội nghị ở Quy Nhơn. Thôi thì tôi xem bài điểm sách này thay cho lời cám ơn vậy.

Trong Hội nghị Loãng xương ở Quy Nhơn vào tháng 8/2019, tôi nhận được quà tặng từ Bs Phan Tín Dụng, người dịch cuốn “Psychologie du peuple annamite” của Paul Giran.

Trước hết là vài dòng về tác giả Paul Giran. Tác giả xuất thân là một quan chức hành chánh từng có thời làm việc ở Đông Dương vào đầu thế kỉ 20. Ông sanh ngày 2/12/1875, lớn lên theo học tại Ecole Coloniale (Trường Thuộc Địa). Năm 1899, tức mới 24 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương. Từ 1907 đến 1913, ông được bổ nhiệm chức Phó Công Sứ của vài tỉnh ở miền Bắc, và năm 1913 được thăng chức Công Sứ tỉnh Phan Rang. Sau Việt Nam, ông còn được bổ nhiệm chức Ủy Nhiệm Viên Chánh Phủ ở Lào một thời gian. Như vậy, thời gian ở Việt Nam và Đông Dương nói chung của ông không nhiều. Nhưng rõ ràng trong thời gian đó, ông đã tiếp xúc với nhiều thành phần xã hội Việt Nam và có những phân tích theo cách nhìn của một người quan chức phương Tây.

Những cái nhìn của ông được đúc kết trong cuốn sách nhỏ này. Đây là một cuốn sách dễ làm cho rất nhiều người Việt nổi giận. Nổi giận vì tự ái dân tộc. Trong sách, tác giả Paul Giran hầu như không có một nhận xét tích cực nào cho dân tộc mà ông gọi là ‘An Nam’. Nếu có nhận xét tích cực, thì cách ông viết làm cho người đọc thấy như là một cách mỉa mai. Chẳng hạn như ông nhận xét người An Nam là can đảm, nhưng ngay sau đó ông viết rằng đối với người Pháp thì đó là “táo bạo, mạo hiểm, và liều lĩnh” chứ không phải can đảm như cách người Pháp hiểu. Đó là một dân tộc -- theo Giran – yếu đuối về thể chất, nghèo nàn về cảm xúc, có tâm hồn trẻ con, sợ quyền thế nhưng hám quyền, không có tính sáng tạo, tàn nhẫn và man rợ. Những ‘tố chất’ dân tộc đó, theo Giran, là do kết tinh từ môi trường tự nhiên khắc nghiệt và chịu ảnh hưởng sâu đậm từ văn hóa Trung Hoa.

Tóm lược cuốn sách

Sách chỉ gồm 2 phần: đặc điểm quốc gia và tiến hóa của dân tộc An Nam. Phần đặc điểm dân tộc, tác giả bàn về nguồn gốc dân tộc, môi trường sống, và tâm hồn dân tộc. Trong phần tiến hóa dân tộc, tác giả dành gần 100 trang bàn về lịch sử tiến hóa của dân tộc, tiến hóa trí tuệ, và tiến hóa xã hội - chánh trị. Tôi thấy một số chi tiết và dữ liệu về thể chất trong sách có thể là những thông tin đáng tham khảo cho thế hệ mai sau.

Nhân trắc

Về thể chất, Giran mô tả dân tộc An Nam như là một nhóm người yếu đuối. Giran cung cấp số liệu thống kê cho thấy chiều cao trung bình của người An Nam thời đó là 160 cm ở nam giới và 150 cm ở nữ giới (trang 33). (Cần nói thêm rằng, hiện nay chiều cao của người Việt là 165 cm ở nam giới và 155 cm ở nữ giới, tức sau 100 năm chiều cao người Việt chỉ tăng 5 cm). Vào đầu thế kỉ 20, trọng lượng cơ thể trung bình là 55 kg ở nam giới và 45 kg ở nữ giới, nhẹ hơn nhiều so với các chủng tộc Âu châu. (Ngày nay, trọng lượng tiêu biểu là 62 kg ở nam giới và 55 kg ở nữ giới). Với cấu hình này, không ngạc nhiên khi ông kết luận rằng “Toàn bộ cấu trúc giải phẫu tạo ấn tượng mảnh mai và yếu đuối. Thật hiếm thấy người An Nam béo phì; xương lộ ngay dưới da.”

Giran còn trình bày dữ liệu cho thấy tỉ suất sanh sản ở người An Nam khá cao. Ông viết “tần suất sinh của 100 phụ nữ đã lập gia đình dưới 50 ở Phổ là 29, ở Anh 26, ở Pháp 16, người ta tính rằng số lần sinh trên 100 phụ nữ An Nam, trong cùng điều kiện, lên tới khoảng 170.” Tuổi dậy thì ở thiếu niên An Nam là khoảng 12 tuổi (tức không khác mấy so với chủng tộc Âu Mĩ), nhưng độ tuổi kết hôn là 16 tuổi 4 tháng, tức hơi sớm. Do đó, Giran nhận xét rằng “Họ thành niên ở tuổi 13, làm cha ở tuổi 16, và thành một ông già ở tuổi 50, trừ một số ngoại lệ hiếm hoi.”

Tôi thấy có một dữ liệu thú vị khác liên quan đến tử vong và tuổi thọ. Năm 1900, trong số 65,498 trường hợp tử vong, chỉ có 7075 người (hay 11%) chết trên 60 tuổi. Nói cách khác, chỉ chừng 10% dân số An Nam sống đến tuổi 60 mà thôi (trang 35).

Tố chất

Cái ‘luận án’ chánh của Giran là tố chất của một dân tộc chịu sự chi phối của yếu tố môi trường tự nhiên, nên ông dành khá nhiều trang mô tả môi trường sống ở Việt Nam. Về môi trường, ông cho rằng khí hậu khắc nghiệt ở Nam Kì không tốt cho sức khỏe, vì đất lúc nào cũng ẩm ướt, thường bị ngập lụt, cây cối sinh sôi nẩy nở nhanh, và dưới cái nóng, tạo nên nhưng lam chướng độc hại. Những yếu tố môi trường này là yếu tố nguy cơ cho các bệnh truyền nhiễm như kiết lị, tiêu chảy, sốt rét, tả, đậu mùa. Có lẽ đó là một trong những lí do giải thích tại sao tuổi thọ ở người An Nam vào đầu thế kỉ 20 còn khá thấp.

Về tâm lí, Giran mô tả dân tộc An Nam là vô cảm và lãnh đạm. Ông lấy trường hợp những bệnh nhân phong cùi “bị đuổi ra khỏi nhà như súc vật” để minh họa cho sự vô cảm. Ngay từ đầu thế kỉ 20 mà Giran đã nhận xét rằng người An Nam lãnh đạm và thụ động, bằng lòng với sự thiếu thốn, vì không có nhu cầu to tát, không có mong ước lớn, nên họ là “một dân tộc hạnh phúc”. Tuy nhiên, ngay sau đó (trang 71), Giran nhận xét rằng “điểm chính yếu trong sự hạnh phúc của họ là tiêu cực và rất ít ham muốn”!

Không chỉ vô cảm và lãnh đạm, dân tộc An Nam còn … tàn ác. Giran trích bộ luật Gia Long mô tả những nhục hình man rợ được áp dụng cho những phạm nhân như là một minh họa cho nhận xét tàn ác. Chẳng hiểu sao Giran trích lại lồi thuật của một du khách tên là Nicola viết vào năm 1430 mô tả sự tàn bạo của người Java: "Không có dân tộc nào, ông nói, có thể sánh với người dân Java và Sumatra về độ tàn ác. Giết một người đối với họ chỉ là chuyện vặt vãnh và không làm họ phải bị trừng phạt. Nếu một trong số họ, mua một thanh kiếm mới, muốn thử nó, anh ta chỉ đâm vào ngực người đầu tiên mà anh ta gặp. Người qua đường kiểm tra vết thương và khen ngợi sự khéo léo của kẻ giết người nếu nhát đâm được thực hiện tốt.”

Một khía cạnh tâm lí khác của người An Nam là tính nhẫn nhục và chịu đựng. Ông giải thích rằng vì tính chịu đựng tốt nên người An Nam không có ý chí phản kháng. Họ (người An Nam) rất sợ quyền lực, rất quị lụy trước người có quyền thế, cho dù là người có quyền thấp nhứt. Người An Nam sẵn sàng “dập đầu xuống đất liên tục, chắp tay van xin, sau đó khoanh tay trước ngực, mọi biểu hiện nơi phong thái đó gợi lên sự tầm thường.

Tuy nhiên, người An Nam rất hám quyền và thích các chức vụ trong hệ thống công quyền. Tại sao? Tại vì, theo Giran nhận xét, “nghề này thỏa mãn tình yêu quyền lực, phỉnh nịnh thiên hướng của họ, đưa đến sự trơ ỳ và phù hợp với sự thiếu sáng tạo của họ. Vì vậy, hầu hết những người An Nam thông minh hoặc giàu có đều khao khát quan trường.”

Người An Nam có tài năng hay sáng kiến không? Theo Giran, người An Nam không có năng lực sáng tạo vì họ kém trí tưởng tượng. Cũng như người Trung Hoa, người An Nam nghèo nàn về cảm xúc và trí tưởng tượng. Thật ra, Giran viết rằng “Năng lực trừu tượng ở gần họ gần như hoàn toàn không có; đó là lí do tại sao các phương pháp của họ hoàn toàn tuân theo kinh nghiệm; họ không bao giờ biết rút ra các khái niệm khoa học ẩn giấu trong kinh nghiệm để nêu ra các định luật chung” (trang 75).

Do đó, người An Nam chỉ thích làm theo đường mòn, làm theo những gì người khác đã vạch ra, chứ không tự mình đặt ra con đường mới. Ông nhìn cách những người thợ tranh sơn mài và khảm xà cừ, và đi đến nhận xét rằng họ làm tỉ mỉ và khéo léo, nhưng đó chỉ là những thói quen, chớ không có sáng tạo. Ngay cả thiếu sót cũng trở thành một thói quen! Họ bắt chước sao cho gần như hoàn hảo. Ông kết luận “Sự thờ ơ, không có sáng kiến, không có tinh thần sáng chế, họ chưa bao giờ là người sáng tạo […] Họ có tài năng nhất định, nhưng không bao giờ là thiên tài”.

Trong sách, Giran cũng có những nhận xét tiêu cực về khoa học của người An Nam. Ông cho rằng người An Nam tin vào thuyết định mệnh, cộng thêm trí tưởng tượng ấu trĩ và nhận thức mơ hồ, nên họ không tạo ra được một nền khoa học đúng nghĩa. Những màn bói toán, thuật gọi hồn, y thuật phù thủy đối với ông là những ‘trò lừa đảo’ và ngụy tạo chứ không có gì gọi là khoa học cả.

Viết về lịch sử, Giran chê rằng An Nam không có lịch sử đúng nghĩa vì không có chứng tích và văn bản, mà chỉ là truyền thống. Còn pháp luật thì “có 12 tập luật của Trung Hoa, người ta không biết bình luận về nó; người dân không được phép tiếp cận và các quan lại hiếm khi đọc chúng”.

Giran không có chút ấn tượng tốt nào dành cho nền giáo dục An Nam. Ông nhận xét rằng trình độ học vấn được đánh giá dựa trên số chữ và số câu châm ngôn thời xa xưa mà một cá nhân biết được, chớ không dựa vào kiến thức. Còn những kì thi thì chỉ xoay quanh những bài luận văn triết học, đạo đức, tôn giáo, mà trong đó thí sinh phải thể hiện sự uyên bác chớ không có khoa học bài bản và thực sự. Người An Nam đánh giá “trí nhớ là tất cả trí thông minh; khoa học chỉ là uyên bác, triết học chỉ là thể thức.”

Một trong những lí do khoa học và giáo dục khó phát triển là vì người An Nam là nô lệ chính ngôn ngữ của họ. Đó là một thứ ngôn ngữ nghèo nàn mô phỏng hay vay mượn từ Trung Hoa. Ngôn ngữ đó không thể dùng để thể hiện những ý tưởng trừu tượng, nên người ta phải dùng cách nói “vòng vo và các cụm từ làm cho văn phong trở nên nặng nề, làm tổn hại đến sự tường minh và có thể đến cả nội hàm chung của văn bản.”

Bias

Hai yếu tố cần phải ghi nhớ khi đọc quyển sách này: thời gian và tác giả. Cuốn sách được viết ra từ hơn 100 năm trước, thời mà xã hội Việt Nam mới bắt đầu tiếp xúc văn hoá phương Tây (hay ngược lại, người Pháp mới tiếp xúc với người An Nam). Tác giả không phải là nhà tâm lí học, dù ông xem cuốn sách là viết về tâm lí người An Nam. Những nhận xét của Giran cần phải đặt trong bối cảnh của hai yếu tố thời gian và chuyên môn của tác giả.

Dễ dàng thấy rằng nhiều nhận xét của Giran mang tính thành kiến (prejudice) chủng tộc hay cái mà tiếng Anh gọi là racial bias (có thể hiểu là dị biệt chủng tộc). Thành kiến là một đặc tính mà tất cả chúng ta đều có. Thành kiến xuất phát từ sự dị biệt. Họ mặc trang phục khác mình, họ hành xử khác mình, họ có những qui ước xã hội khác mình, v.v. và vậy là mình tìm cách để lí giải cho sự dị biệt. Về văn hóa, ông là người Pháp nên những nhận xét của ông xuất phát từ vị trí của người tự trao cho mình cái nhiệm vụ đi 'khai sáng' cho các dân tộc còn kém văn minh. Cái nhìn về một xã hội nông nghiệp của một người từ một nước kĩ nghệ hoá chắc chắn là có nhiều dị biệt. Do đó, tôi không ngạc nhiên mấy khi đọc những nhận xét mang tính thành kiến, thậm chí kì thị chủng tộc, của tác giả, bởi vì chính tâm lí học giải thích cho nhận xét tâm lí của ông.

Rất khó phán xét những nhận xét của ông ấy đúng hay sai, vì khái niệm đúng/sai trong khoa học xã hội rất khó xác định. Mỗi người có một cách nhìn tùy theo trình độ và trải nghiệm của cá nhân. Ngay cả bây giờ nhìn lại có lẽ chúng ta cũng đồng ý với Giran ở vài (thậm chí 'nhiều') nhận xét của ông. Ngay từ thời đó, Giran đã nhận xét rằng người An Nam rất mê cờ bạc mà ông xem là một trong những ‘dục vọng’, và điều này vẫn đúng cho ngày hôm nay. Những thái độ vô cảm, dã man, bầy đàn, .v.v thì vẫn còn đó hay tồn tại ở một dạng khác. Bất cứ ai đọc báo ngày nay cũng đều có thể lấy ra vài ví dụ để minh hoạ cho những nhận xét hơn 100 năm trước của Giran.

Nhận xét của Giran về làm theo đường mòn và trí lực kém của người Việt cũng không hẳn là sai. Chúng ta có thể lấy vài ca thiểu số xuất sắc để phản bác ông, nhưng sự thật là vài ca thiểu số không thể đại diện cho cộng đồng dân tộc. Người Việt Nam có thể sáng tạo, nhưng chỉ đi từ 1 đến 10, chớ không đi từ 0 đến 1. Nói cách khác, người Việt Nam (và ngay cả người Nhật cũng tự thú nhận rằng họ) không/chưa có những sáng tạo mang tính đột phá, mà chỉ là những sáng tạo mang tính cải tiến trên những gì người khác đã đột phá.

Tuy nhiên, sách cũng có nhiều khiếm khuyết. Đó là những khiếm khuyến chủ yếu mang tính học thuật và phương pháp, cũng như cách xử lí thông tin. Tuy nhiên, nói như vậy cũng không công bằng cho tác giả, vì ông không xem đây là một công trình nghiên cứu khoa học hay học thuật, mà chỉ là những ghi chú và nhận xét cá nhân, chủ yếu phục vụ cho việc cai trị của các quan chức Pháp.

Có thể nói rằng tất cả những nhận xét của Giran là ý kiến cá nhân. Từ những quan sát cá nhân, ông tham khảo một số sách (chủ yếu là tiếng Pháp) và những nhận xét chủ quan. Ý kiến cá nhân dễ chịu sự chi phối của trình độ chuyên môn và vốn văn hóa. Về chuyên môn, Giran không phải là một chuyên gia tâm lí hay văn hóa, mà là một viên chức hành chánh, nên cách lí giải của ông có phần thiếu tính hệ thống.

Dù là ý kiến cá nhân, qui luật chung là suy nghĩ dẫn đến hành động. Có phải do những suy nghĩ mang tính thành kiến và bias này mà người Pháp áp đặt một chế độ cai trị hà khắc lên Việt Nam.

Có thể xem cuốn sách là một phiên bản “Người Việt Xấu Xí”, nhưng do một người ngoại quốc viết. Những ai hay quan tâm đến tình hình xã hội hiện nay sẽ dễ dàng đồng tình với một số nhận xét của tác giả. Nhưng những ai thuộc thành phần 'elite' hay tự cho mình là 'elite' thì sẽ rất khó chịu với những nhận xét không khoan nhượng của Giran. Dù đồng tình hay không đồng tình với tác giả, cuốn sách vẫn là một lời cảnh tỉnh cần thiết cho những người Việt đang tự ru ngủ mình là một dân tộc đỉnh cao, nhân ái, can đảm, thông minh, và sáng tạo.

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page