top of page

Giới thiệu sách "Hai tuần du ngoạn nước Úc"

Hai hôm trước, tôi nhận được một món quà thú vị từ một người tôi chưa có cơ duyên gặp ngoài đời. Đó là cuốn tạp ghi "Hai tuần du ngoạn nước Úc" của tác giả Nguyễn Chí Thành. Tôi đọc một mạch cuốn sách, và hôm nay tôi hân hạnh giới thiệu đến các bạn.

Cuốn sách là một món quà ... ngạc nhiên. Hôm thứ Ba, nhận được email xuống kho nhận 'parcel', tôi phải hỏi lại anh thủ kho cho chắc ăn là có phải parcel dành cho tôi (Tuan Nguyen), chớ không phải của người khác có tên giông giống (Tina Nguyen), vì vài lần trước có vài lẫn lộn rồi. Người thủ kho cười trong điện thoại nói "lần này thì đúng là parcel của ông". Nhìn cái parcel từ Amazon, tôi cố gắng nhớ lại mình đã đặt mua sách gì trong hai tuần qua, nhưng không tài nào nhớ nổi. Mở parcel ra thì mới biết là sách của một tác giả tôi chưa có cơ duyên quen ngoài đời! Cũng không có dòng chữ nào đề tặng. Thật ra, tôi và tác giả cũng chưa bao giờ liên lạc nhau qua email hay các phương tiện truyền thông xã hội. Các bạn thử tưởng tượng cái cảm giác nhận quà từ một người mình chưa quen! Hồi hộp và cảm động.

Cuốn sách, như tựa đề gợi ý, là một dạng kí. Nói chính xác hơn là 'du khảo kí', vừa du lịch vừa ghi chép như là một nhật kí. Cuối năm ngoái (2018), tác giả có dịp sang Úc thăm người thân trong gia đình, và sẵn dịp đi một chuyến du lịch 14 ngày chủ yếu là ở Melbourne, và một phần Sydney và Canberra. Mười bốn ngày ở Úc là 14 câu chuyện mà tác giả kể lại cho chúng ta. Bằng một nhãn quan tinh tế và một kiến thức tốt, tác giả đi đến đâu đều không chỉ ghi lại những hình ảnh mà còn kèm theo những chú thích mang tích lịch sử và văn hoá nữa, giống như cách ‘vừa đi đường, vừa kể chuyện’. Thành ra, người đọc có cảm giác như vừa theo chân tác giả đi đến những vùng xa lạ và thú vị, mà vừa biết thêm nhiều sự kiện thú vị về nơi mình tới.

Nước Úc đã để lại cho tác giả nhiều ấn tượng đẹp. Đẹp ngay từ lúc tiếp xúc với các viên chức hải quan và di trú ở phi trường Melbourne đến những người dân Úc mà tác giả mô tả là ‘dễ thương’, ‘luôn nở nụ cười tươi’ và ‘luôn miệng Hello’. Có lẽ các bạn còn nhớ tôi hay phàn nàn rằng các viên chức hải quan Sydney là tồi tệ nhứt, kém thân thiện nhứt, và có thể là kì thị nhứt thế giới. Không phải kì thị với tôi, mà với đồng hương Việt Nam. Nhưng tác giả Nguyễn Chí Thành thì có những ấn tượng đẹp đối với các nhân viên hải quan ở phi trường Melbourne. Nhìn chung thì tôi đồng ý với tác giả là người Úc rất thân thiện vào hào hiệp nhứt nhì thế giới. Không hào hiệp sao được khi mà họ mở cửa chào đón cả trăm ngàn người Việt tị nạn vào thập niên 1980s và 1990s. Cánh cửa đó thật ra vẫn còn mở rộng cho người nước ngoài.

Mười bốn ngày là 14 lần trải nghiệm. Những nơi mà tác giả đi qua như khu du lịch Hanging Rock (Đá Treo), trung tâm thành phố Melbourne, khu phố Footscray, xe điện, đường cao tốc, đài tưởng niệm chiến tranh, tiệm làm bánh mì, chùa Quang Minh, nhà thờ Chánh Tòa, tòa nhà Quốc hội, v.v. tác giả đều ghi lại tỉ mỉ. Có khi tác giả còn so sánh với Việt Nam làm cho người đọc có dịp mở mắt. Chẳng hạn như viết về hệ thống wifi của phi trường Melbourne, tác giả nhận xét ‘À, tôi gọi qua Messenger xài wifi miễn phí tại sân bay, Melbourne, miễn phí hoàn toàn chứ không dỏm như sân bay Tân Sơn Nhất của xứ mình, mang tiếng là miễn phí, kết nối mạng được xong chẳng làm được gì.’ Quá chính xác! Tôi cũng ngạc nhiên là tại sao phi trường Tân Sơn Nhứt cung cấp wifi làm gì khi mà chẳng khách nào dùng được. Hay so sánh chánh sách chăm sóc cho người dân, tác giả so sánh “Ở Úc, chính phủ thực sự lo nghĩ đến những nhu cầu thiết thực của công dân chứ không sáo rỗng và vô hồn như những băng rôn treo đầy đường mà tôi gặp nhan nnản khắp quê nhà.’ Những so sánh như vậy có thể làm cho vài người tự ái, nhưng hoàn toàn chính xác.

Tác giả dành một số trang về con Kangaroo (người Việt chúng ta thỉnh thoảng gọi là "chuột túi") rất thú vị. Đây là một con vật độc đáo, mà hình như chỉ có Úc mới có. Nó chính là con vật đã giúp tôi đến định cư ở đất nước ngày gần 40 năm trước. Thời trước 1975, tôi học địa lí và rất thích thú với con kangaroo, và mơ có ngày mình nhìn thấy nó. Do đó, khi còn ở trại tị nạn, khi hết lí do để đi Úc, tôi nói thật là mình muốn nhìn con kangaroo. Không ngờ câu trả lời đó làm cho anh nhân viên sứ quán Úc nhận cho đi Úc. Qua đây rồi, phải vài năm sau mới thấy tận mắt con vật này, và sau này có dịp đi về miền quê mới biết nông dân Úc rất đau đầu với đội quân kangaroo. Nhìn chúng dễ thương như vậy (và quả thật dễ thương), nhưng chúng phá phách nương ruộng của nông dân dữ lắm. Do đó, có năm khi dân số kangaroo tăng trưởng quá nhanh, nhà chức trách phải dùng trực thăng để tiêu diệt chúng! Chỉ việc này thôi, chánh phủ Úc bị các hiệp hội bảo vệ thú vật chỉ trích rất nhiều. Nhưng với du khách như tác giả của chúng ta thì con kangaroo là rất đặc biệt và đã có không biết bao nhiêu bài viết về những chú chuột túi này.

Tôi đã sống ở Úc này gần 40 năm, nhưng chưa có dịp đi nhiều nơi trên nước Úc như tác giả. Tôi chưa từng ghé qua những nơi như Uluru, chưa có dịp ghé qua những danh lam thắng cảnh ở Victoria, chưa từng đến Darwin (nhưng sẽ đến vào tháng 10 này), v.v. Chẳng những cá nhân tôi, mà tôi nghĩ nhiều đồng hương định cư ở Úc cũng vậy, tức chưa từng đi nhiều nơi trên đất nước mênh mông này. Do đó, vớ được một cuốn sách mà tác giả đi nhiều và ghi chép tỉ mỉ thì chẳng khác gì chính mình được đi du lịch và thưởng lãm những địa danh nối tiếng trên quê hương thứ hai.

Sách có vài chỗ tôi nghĩ là có sự hiểu lầm. Chẳng hạn như có những ngôi nhà (như trang 43) mà tác giả gọi là ‘biệt thự’, trong thực tế ở Úc chỉ thì đó là ngôi nhà khang trang chớ không phải là biệt thự. Biệt thự ở Úc là những ngôi nhà thường có tuổi cao và trị giá từ 10 triệu AUD trở lên. Có đoạn tác giả nghĩ rằng ‘phần lớn dân Úc lúc đầu xuất thân từ nông dân làm việc trong các trang trại’ (trang 1) theo tôi là không hẳn vậy. Sự thật là trong thời gian đầu đa số người định cư ở Úc là tù nhân từ Anh. Tính từ 1780 đến 1868, Anh đã chở sang Úc hơn 160,000 tù nhân. Sau Thế chiến thứ II thì đa số di dân là từ Âu châu và họ chủ yếu là công nhân trong các hãng xưởng kĩ nghệ. Những người Anh đầu tiên đến Úc đã phạm phải những lỗi lầm ghê gớm, vì họ tàn sát rất nhiều người thổ dân, chẳng những thế mà còn bắt cóc con người thổ dân; còn người Hà Lan đến đây vào thế kỉ 17 (không phải 18) thì không có chứng cứ nào cho thấy họ tàn ác như người Anh. Những hiểu lầm nho nhỏ đó chẳng làm thay đổi nội dung phong phú của cuốn bút kí.

Đây là một cuốn sách có xuất xứ từ ... facebook. Lí do là trước khi xuất bản thành sách, tác giả chỉ viết những cái note trên facebook và chia sẻ với bạn bè mà thôi. Có lẽ chính vì vậy mà sách được viết bằng một văn phong mộc mạc, và đó là một lợi thế vì văn phong đó rất dễ gần gũi và dễ đọc. Tác giả viết văn theo phong cách 'thấy gì viết nấy'. Tác giả viết văn như viết nhật kí, mỗi ngày là mỗi chương sách. Văn chương đơn giản, không dùng những cấu trúc câu văn cầu kì, không có những chữ màu mè, nên rất dễ theo dõi. Người ta hay nói 'văn là người', đọc sách này chúng ta cũng có thể đoán rằng tác giả là một người tinh tế, vui tính, và khiêm nhường. Tác giả không muốn nói về mình, mà chỉ ghi đôi dòng như trang cuối của sách:

"Sinh ra trong chiến tranh Suýt chết vì bom đạn Thơ ấu ở Hải Phòng Sống tại Sài Gòn Viết là thú vui".

Nhân dịp này, tôi chân thành cám ơn tác giả đã có lòng nghĩ đến tôi và tặng sách. Hi vọng rằng có ngày chúng ta sẽ gặp đâu đó ở Việt Nam hay Úc. Xin trân trọng giới thiệu đến các bạn cuốn du kí "Hai tuần du ngoạn nước Úc" của tác giả Nguyễn Chí Thành. Nếu các bạn sắp đi du lịch bên Úc thì nên mua một cuốn để làm hành trang đọc trên máy bay trước khi đến Úc.

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page