top of page

Lời cám ơn nhân dịp được “inducted” vào Viện hàn lâm y học Úc

Hội nghị khoa học thường niên của Viện hàn lâm y khoa (AAHMS) năm nay diễn ra ở Viện nghiên cứu Harry Perkins, Đại học Western Australia. Chủ đề năm nay là bệnh truyền nhiễm, và có rất nhiều bài giảng rất hay. Học được rất nhiều điều và những việc làm của các nước trong vùng về bệnh truyền nhiễm mà mình không biết trước đây. Hơi buồn là không thấy họ đề cập đến Việt Nam, nơi cũng có nhiều công trình về bệnh này.

Hội nghị cũng là dịp AAHMS công bố danh sách tân fellow được bầu. Quá trình tiến cử và bình bầu là 1 năm. Trong thời gian đó có nhiều dự báo. Tin đồn là năm nay sẽ có 20 tân fellow được bầu vào Viện hàn lâm y khoa, nhưng thực ra là 40 người; trong đó có 19 nữ. Sáng nay, AAHMS công bố danh sách trên website (1).

Hình 1: Tôi và Giáo sư Ian Frazer, Chủ tịch Viện hàn lâm y khoa Úc. Ông là người có công lớn trong phòng chống ung thư cổ tử cung. Các nghiên cứu của ông (và một đồng nghiệp Tàu) được Merck triển khai thành vaccine để phòng ngừa ung thư cổ tử cung.

Tôi vinh dự được bầu vào Viện. Tôi là người gốc Á châu duy nhứt lần này được bầu. (Trước đây đã có vài người Tàu và Ấn Độ được bầu). Ngoài tôi ra, Đại học New South Wales (UNSW) còn có 7 nhà khoa học khác cũng được bầu vào AAHMS (2). Trong danh sách này, có Gs Ian Jacob, Hiệu trưởng UNSW và cũng là sếp lớn của tôi. Trong số người ngoài UNSW Sydney, tôi còn thấy có tên của Gs Emna Duncan thuộc Đại học Queensland, người có vài công trình chung với tôi trong lĩnh vực xương.

Trong Hội nghị, tôi còn có dịp gặp vài người nổi tiếng khác như Giáo sư Ian Frazer, Chủ tịch Viện hàn lâm AAHMS (người mà nghiên cứu dẫn đến phát triển vaccine HPV để ngừa ung thư cổ tử cung), Giáo sư Barry Marshall (Giải Nobel Y sinh học năm xưa), và Giáo sư Bruce Robinson, cựu Khoa trưởng y khoa ĐH Sydney. Cả ba người đều có nhiều gắn bó với Việt Nam, nên nhìn thấy tên "Nguyen" là họ nhận ra tôi là người Việt. Thật ra, tôi và Bruce Robinson đã quen nhau khá lâu, nên gặp nhau thì có nhiều chuyện để nói.

Trong bài phát biểu ngắn, tôi nói rằng sự việc này là một ghi nhận những công trình nghiên cứu của tôi và đồng nghiệp nhằm đóng góp vào việc chẩn đoán và phòng ngừa các bệnh nhân loãng xương. Tôi cũng nói về tình trạng khủng hoảng trong nghiên cứu khoa học hiện nay, và chúng ta phải có nhiệm vụ nâng cao tính khoa học trong các công trình nghiên cứu trong tương lai.

Đối với cá nhân tôi, đây là một hành trình dài. Hành trình từ một kẻ tị nạn vào đầu thập niên 1980, một người phụ bếp, đến một labo tầm quốc tế, và nay là Viện hàm lâm y học Úc. Trong hành trình đó, tôi được sự giúp đỡ của rất nhiều người, và tôi muốn nhân dịp này để một lần nữa bày tỏ lòng cám ơn đến các đồng nghiệp, các nghiên cứu sinh, các postdoc, và những bạn đã ủng hộ tôi trong thời gian qua. Không có sự giúp đỡ của các bạn, tôi không có được cái ‘milestone’ ngày hôm nay. Xin chân thành cám ơn.

===

(1) https://aahms.org/news/new-fellows-2019/

(2) https://newsroom.unsw.edu.au/news/health/unsw-researchers-elected-academy-health-and-medical-sciences

Hình 2: Với Giáo sư Barry Marshall, khôi nguyên giải Nobel Y sinh học năm 2005 và giải Albert Lasker năm 1995. Ông và đồng nghiệp Robin Warren khám phá rằng H. Pylori chính là thủ phạm của loét bao tử (và khám phá này làm thay đổi quan điểm 'chính thống' thời đó về nguyên nhân của bệnh là do thức ăn cay và giàu acid).

Hình 3: Với hai giáo sư có cùng tên Bruce Robinson. Thật là tình cờ. Cả hai đều là giáo sư y khoa. Cả hai có cùng tên và họ. Người ốm hơn từng là Khoa trưởng Y khoa ĐH Sydney, còn người kia là chuyên gia về các bệnh hô hấp thuộc Đại học Western Australia.

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page