Một hành trình dài
Mấy hôm nay tôi nhận được rất nhiều lời chúc mừng từ các bạn trong và ngoài nước, kể cả các bạn báo chí -- xin cám ơn các bạn. Các bạn làm tôi cảm động, và điều này làm tôi có động cơ để viết cái note này. Hôm nói chuyện trong public seminar về loãng xương, theo đề nghị của cô PR, tôi có một slide mô tả hành trình của tôi đến với Garvan. Tôi chỉ sang cái nhà bếp của bệnh viện và nói “I started my journey from there” ... và tôi đã đến với chuyên ngành này qua một hạnh ngộ tại Viện Garvan.
Hành trình của tôi: từ cái thuyền, đến nhà bếp Bệnh viện St Vincent's, và các đại học Macquarie, Sydney, New South Wales và nhiều nơi khác trên nước Úc.
Cuộc hạnh ngộ đó xảy ra gần 30 năm trước. Lúc đó, công trình Dubbo Study mới ‘khởi động’, và sếp cần một chuyên gia về dịch tễ học và một người có khả năng phân tích dữ liệu. Câu chuyện dài trở thành ngắn: sau một vài trao đổi, tôi quyết định chuyển về Viện Garvan. Nhưng thay vì mướn 2 người, sếp tôi phát hiện ra chỉ cần 1 vì gã này có thể làm cả hai việc! Từ đó đến nay đã gần 30 năm, công việc cũng có nhiều lúc thăng trầm, nhưng nhìn chung và nhìn lại thì đúng là một hạnh ngộ.
Cứ mỗi lần tôi được một giải thưởng nào đó hay công bố một bài báo có ý nghĩa, sếp tôi thường nói “You have come a long way” (Mày đã đi một đoạn đường dài). Mà, đúng như vậy thật. Khi bước lên bờ Thái Lan, không có một đồng xu dính túi, đâu có ai trong chúng tôi nghĩ mình sẽ có ngày đến nước Úc. Khi tới Úc, với hành trang tiếng Anh loại ‘tào lao’, tôi chỉ mong mình đi học lại để kiếm việc làm yểm trợ bên nhà, chớ đâu có nghĩ mình trở thành một ‘scientist’. Nhưng đường đời có những ngã rẽ bất ngờ, và với tôi thì cái rẽ đó xảy ra vào đầu (hay giữa) năm 1990 [tôi quên] khi tôi đến Viện Garvan. Từ Garvan, tôi hay gọi là “world class laboratory”, tôi được cơ hội đi khắp thế giới, làm quen với những nhân vật quan trọng trong chuyên ngành, và qua đó làm được những việc có ích.
Tất cả đều bắt đầu từ cái … nhà bếp bệnh viện St Vincent’s. Năm 1982, khi mới đặt chân tới Sydney, tôi chỉ có một đôi dép và bộ đồ Tây trong vali. Giống như cây bị bứng từ mảnh đất này sang mảnh đất khác, tôi thoạt đầu rất bỡ ngỡ, bơ vơ. Cái gì cũng mới đối với tôi. Cái gì cũng làm lại từ đầu. Thời đó (đầu thập niên 1980), Việt Nam bị cấm vận, nên bà con trong nước cái gì cũng cần, từ cây kim, tấm vải, cái quần jean, đến vài viên thuốc, v.v. đều vô cùng quí báu. Gia đình tôi cũng không phải là ngoại lệ. Do đó, ưu tiên số 1 của tôi và nhiều bạn bè lúc đó là tìm một công việc để kiếm tiền gởi về nhà. Người thì đi lựa thơ cho Bưu Điện Úc, người thì tìm việc trong các hãng xưởng (thời đó Úc có nhiều công ti làm tivi, đồ điện tử, kĩ nghệ nhỏ). Còn tôi thì may mắn tìm việc trong nhà bếp St Vincent’s.
Ban ngày đi làm, ban đêm đi học. Ôi, nhớ hoài những ‘ngày xưa thân ái’. Ngày tôi nhận việc lột củ hành Tây trong cái bao bố mà tôi hay nói từ lúc cha sanh mẹ đẻ tôi chưa bao giờ thấy củ hành nhiều như vậy. Tôi chỉ bao củ hành và nao núng hỏi: “Tôi phải lột hết bao củ hành này à?” Anh chàng giám thị Gerry nhìn tôi rồi nhún vai nói “That is your job” (đó là việc của anh). Tôi thấy mình ngây ngô làm sao: ừ thì người ta mướn mình chỉ làm việc đó, vậy mà cũng hỏi! Lột chưa đầy 5 củ hành, nước mắt đã dàn dụa. Gerry hỏi tôi “Mày nhớ nhà hả”. Thực ra, tôi bị cay mắt chớ nhớ nhà gì đâu. Phải một hồi tôi mới tìm ra cách lột củ hành khỏi cay mắt: lột trong bồn nước. Mẹo nhỏ, nhưng rất hiệu quả. Sau đó, tôi được làm phụ bếp khác và học nhiều kĩ thuật nấu ăn của người phương Tây, họ dùng rất nhiều sữa và rượu vang. Thời gian làm nhà bếp tập cho mình cái kỉ luật trong công việc và nghiêm chỉnh với giờ giấc.
Sau mỗi ngày làm nhà bếp, tôi cũng mệt lắm, nhưng vẫn cố gắng đi học. Hồi đó hỏi ai trong ngà bếp cũng đều nói họ đã làm cả chục năm, và họ khuyên tôi: mày còn trẻ nên đi học lại, chớ bọn tao già rồi, không học hành gì nữa. Đi học thì phải lái xe từ Darlinghurst sang tận North Ryde (nơi Trường Macquarie tọa lạc), chừng 30 km. Lúc đó, họ không có test tiếng Anh (chớ nếu có test thì chắc tôi đâu được cho đi học). Vì vậy, vào học cũng cực khổ lắm, thầy nói 100 chữ, tôi nhớ chỉ chừng 50 chữ. Vả lại, mình cũng chưa quen cách học độc lập ở đây, nên theo các sinh viên khác cũng vất vã. Ngán nhứt là những kì thi, câu hỏi rất ngắn, nhưng mình phải viết khá dài! Tiếng Anh làng nhàng mà viết dài thì cả một thách thức. Có điều người Việt mình học nhanh; chỉ cần 6 tháng thôi là tôi đã biết được cách dạy ở đây, và dần dần cảm thấy thoải mái. Ngày nào của tôi cũng bắt đầu sớm (6 AM đã phải rời nhà) và về đến nhà là chừng 11 PM. Bây giờ nhìn lại, tôi cũng không hiểu sao mình có sức khỏe tốt như vậy.
Nghĩ lại cuộc đời mình cứ xoay quanh cái bệnh viện St Vincent’s. Bắt đầu công việc phụ bếp ở đó, nhưng 10 năm sau lại quay về St Vincent’s. Do đó, tôi viết trong trang web cá nhân của UNSW là “My life and career have revolved mainly around the St Vincent’s Hospital campus”. Tôi hay gọi đùa trong các cuộc phỏng vấn là “St Vincent’s Republic” – Cộng hòa St Vincent’s. Lí do tôi gọi vậy là vì chung quanh bệnh viện này là các viện nghiên cứu lừng danh thế giới. Ngoài Viện Garvan, còn có Viện Victor Chang, Viện Kirby, Trung tâm nghiên cứu AIDS với David Cooper là một cái tên lừng lẫy trong thế giới nghiên cứu HIV. Năm nọ, bà Thủ tướng Úc ghé thămViện Garvan, bà nói rằng cái góc đường này [ý nói St Vincent’s] là nơi có mật độ trí thức cao nhứt nước Úc. Nghĩ đi nghĩ lại, bà này nói cũng đúng, bởi vì cái góc đường Victoria và Liverpool này có hàng trăm giáo sư (loại full professor), hàng trăm bác sĩ hàng đầu trên thế giới, và cũng là nơi ghép tim đầu tiên ở Úc hay trên thế giới (sau ghép tim ở Nam Phi).
Lúc nhận việc ở Viện Garvan, tôi không biết rằng cái góc đường này nổi tiếng như vậy. Nhưng khi Bác sĩ Victor Chang bị ám sát, và qua báo chí tôi mới biết mình đang làm việc ở một nơi rất ư đặc biệt. Thời đó, Viện Garvan không phải ‘sang’ như bây giờ, mà chỉ là một building 4 tầng, trông không đẹp mắt chút nào. Tôi làm việc trong môi trường rất chật hẹp, bên cạnh phòng lab thí nghiệm trên chuột. Thỉnh thoảng có mấy con chuột chạy trên bàn (không phải chuột thí nghiệm, mà là chuột ngoài đường chạy vào ghé thăm). Thỉnh thoảng đi về Dubbo để tham gia phỏng vấn bệnh nhân, đo lường DXA, postural sway, v.v. Đến năm 1992 dữ liệu đã khá nhiều. Tôi tự thiết kế database dùng dBASE III mà tôi cũng tự học luôn. Tôi làm hì hục, không biết ngày đêm là gì. Tôi đọc như điên, thấy cái gì cũng hay, cũng đáng học. Clinical meeting nào cũng tham gia để nghe người ta nói và bàn luận. Về nhà ngày thường cũng như ngày cuối tuần, tôi cũng làm, cũng đọc. Vì vậy tôi viết và công bố khá nhiều bài báo khoa học. Bài đầu tiên là thầy viết gần hết, bài thứ hai thì thầy vẫn viết là chánh; nhưng từ bài thứ 3 trở đi là tôi bắt đầu … làm chủ và cứng đầu. Cứng đầu ở đây có nghĩa là tôi viết theo cách mình nghĩ, chớ thầy can thiệp chút thôi. Tôi cũng bắt đầu ‘nổi loạn’ từ đó. Luận án của tôi có 13 hay 14 bài báo, và người ta cho tôi giải thưởng “UNSW/Garvan Best Thesis” ☺.
Từ Garvan tôi có dịp chu du qua nhiều trung tâm nổi tiếng trên thế giới. Nào là trung tâm nghiên cứu lâm sàng Sandoz ở Basle (Thụy Sĩ), Bệnh viện St Thomas (Anh), Mayo Clinic (Mĩ), UCSD School of Medicine, UC Denver, Southwest Foundation for Biomedical Research, v.v. Qua những nơi đó, tôi có dịp tiếp xúc và làm việc chung với những nhân vật rất nổi tiếng như L Riggs, J Melton, S Cummings, J Kanis, J Blangero, E Barrett-Connor, J Otts, v.v. Mỗi người là một cá tánh đã đành, nhưng còn là một bài học về đối nhân xử thế, làm ‘richness’ cá nhân mình.
Nhưng còn có cơ duyên gặp người Việt nữa. Viện Garvan đầu thập niên 1990 đến gần cuối thập niên, tôi là người Việt duy nhứt. Thế rồi, một hôm Bs Nguyễn Đình Nguyên chẳng biết lang thang đâu đến đầu quân vào lab. Lúc đó, tôi có một ít tiền tài trợ từ MSD và dùng nó để trả scholarship cho Nguyên. Thực ra, lúc đầu phỏng vấn thì cũng ‘oải’ lắm vì lí lịch chỉ có vài bài báo làng nhàng, nhưng chẳng hiểu sao cả tôi và sếp đều nói ‘He is the man’. Mà, đúng là ‘he is the man’ với đầy đủ những cá tánh tốt của người Việt: ham học và quyết chí. Hai chúng tôi cho ra nhiều công trình để đời (cái này tôi nói thật) và đem về cho Garvan nhiều giải thưởng quí giá. Sau Nguyên là Ngọc Bích, cũng chẳng biết lang thang đâu đó và đầu quân về Garvan. Cũng như Nguyên, Bích có lí lịch khoa học lúc đó còn oải hơn và tiếng Anh thì lúc được lúc mất, nhưng sếp tôi nói tìm đâu ra người hoàn hảo, không có ai hoàn hảo trên đời này đâu. Nếu Nguyên đem đến cái lâm sàng tính, thì Bích đem đến lab cái kĩ năng về genetic research, và cũng có thể xem là một sinh viên Việt tiêu biểu: chịu khó học hành và có ý chí độc lập. Trước đó, tụi tôi cũng đã có nhiều công trình về gen, nhưng sau khi có sự sứt mẻ trong lab với nhiều người bỏ đi, nên chúng tôi chới với một thời gian. Cái ý tưởng “genetic profiling” là đến từ lúc Bích còn làm nghiên cứu sinh. Lúc đó, tôi không có tiền để làm genotype nên phải dùng đến mô phỏng. Rồi sau này, mỗi nghiên cứu sinh đem đến một cái mới, và sau cùng là Phương Thảo cũng là một gặp gỡ tình cờ vì tôi mới tham gia UTS bán thời gian. Lúc đó Thảo cũng đang bơ vơ, nên tôi kêu về làm cho lab và thế là có thêm những ‘sản phẩm’ thời genomics. Tại sao tôi kể đến 3 người này mà không đề cập đến hàng chục nghiên cứu sinh khác? Lí do là vì mỗi người đại diện cho một ‘thời đại’ của lab, và ba người này đem về cho lab tổng cộng hơn 15 giải thưởng cấp quốc gia và quốc tế. Nhiều giải thưởng đến nổi hôm phỏng vấn ở Garvan, có người còn đề cập và hỏi ‘bí quyết nào?’
Chẳng có bí quyết nào cả. Chỉ là thời cơ và tầm nhìn. Thời cơ đến từ những lần đi dự hội nghị khoa học và lắng nghe chủ đề ‘hot’ hiện nay là gì. Thành ra, ở nước ngoài (như Úc này chẳng hạn), cứ mỗi năm người ta họp lại trong các buổi ‘retreat’ để nói về viễn kiến trong tương lai. Năm nào, người ta cũng yêu cầu những người cấp professor phải nói ra cái vision của mình, của lab. Thoạt đầu, tôi ngạc nhiên tự hỏi ‘ủa, sao họ cứ ép mình nói hoài vậy, năm trước đã nói rồi mà’. Không phải. Lí do là cái viễn kiến thay đổi theo thời gian, và đó là cách mình tự làm mới mình, chớ không phải hiểu lầm rằng viễn kiến là cố định. Dĩ nhiên, có viễn kiến là một chuyện, nhưng phải đặt cái viễn kiến đó trong tầm quan trọng của thực tế. Hãy tự hỏi mình: mình có thể [nói như sếp cũ tôi] ‘make a difference’ cho những người đang đi trên đường kia hay không? Nói cách khác, những gì mình làm hay những gì mình suy nghĩ sẽ làm có đem lại phúc lợi cho những người trong cộng đồng. Tôi nghĩ trả lời được câu hỏi đó là một nguồn động lực rất lớn để có hướng đi đúng.
Đường đi dài không bao giờ là con đường trơn tru. Cũng giống như chúng ta lái xe trên xa lộ, chạy bon bon, nhưng thỉnh thoảng cũng có kẹt xe, cũng có … ổ gà; con đường khoa học cũng vậy thôi. Có những giai đoạn buồn chán, chẳng biết mình sẽ đi đến đâu và đạt được những gì. Có khi là những nhu cầu rất thực tế như làm sao tồn tại trong môi trường cạnh tranh, bao nhiêu đó cũng đã làm tiêu hao năng lượng để nghĩ đến cái gì xa xôi. Rồi chung quanh chúng ta lúc nào cũng có những người ghét mình, những kẻ ganh tị, tìm mọi cách nhấn chìm mình. Ở phương Tây người ta phân biệt giữa ganh đua và ganh tị. Ganh đua là một thái độ tốt, vì người ganh đua cố gắng làm sao để hơn người họ cạnh tranh, và do đó là động lực của phát triển; nhưng ganh tị thì chỉ làm tiêu hao năng lượng của họ mà thôi. Tiêu ra thì giờ để chỉ trích người khác thì làm sao có thì giờ để tự hoàn thiẹn hay làm mới mình. Trong thế giới phương Tây, số người tị hiềm này nói cho ngay rất ít, nhưng đối với họ thành tựu của mình là nỗi đau của họ.
Thành ra, tôi cố gắng chia sẻ công trạng (credit) cho công bằng giữa các đồng nghiệp. Trong những thời điểm 'vinh quang', chúng ta thường ăn mừng và vinh danh cá nhân. Điều này chẳng có gì sai, vì con người rất quan trọng. Nhưng chúng ta có xu hướng quên rằng khoa học hiện đại là một 'enterprise', thậm chí là một 'business'. Trong cái business/enterprise ecosystem đó có nhiều người đóng góp làm nên một cá nhân; thành ra cái thành tựu của cá nhân đó mang tính 'collective' (tập thể) hơn là cá nhân. Nhân dịp này, tôi một lần nữa bày tỏ lòng cám ơn đến các đồng nghiệp, các nghiên cứu sinh, các postdoc, và những bạn đã ủng hộ tôi trong thời gian qua. Không có sự giúp đỡ của các bạn, tôi không có được cái ‘milestone’ ngày hôm nay. Xin chân thành cám ơn.
Những lúc như thế này tôi hay nhớ về Ba Má tôi và bà con dưới quê. Tôi xuất thân từ một gia đình rất bình thường ở miền Tây Nam Bộ. Ba tôi hồi đó học đến Premier thời Tây (tức là tương đương với tiểu học ngày nay). Má tôi cũng chỉ học đến lớp 5 hay 6 thời xa xưa, chủ yếu là biết đọc biết viết. Có lẽ xuất phát từ truyền thống Trung kì, nên Ba Má tôi rất chú tâm đến việc học của con cái. Ba tôi có nhiều sách, chủ yếu là sách Tàu (Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Đông Châu Liệt Quốc, v.v.) nhưng cũng có một số sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Những giờ đi học về tôi trầm mình vào mấy cuốn sách đó. Tôi mê văn học cũng từ cái tủ sách đó. Nhưng năm 1975 Ba tôi đốt hết sách, vì Ba nghĩ sẽ bị qui kết là tàng trữ văn hoá phản động. (Ba tôi là sĩ quan của Việt Minh nên chắc biết trước?) Do đó, tuy bận rộn việc đồng áng, nhưng tất cả anh em tôi đều được (hay nói đúng hơn là “bắt buộc”) phải đi học. Học xong tiểu học, phải lên Rạch Giá để theo học trung học. Thời đó, phải thi từ tiểu học lên trung học, chớ không phải ‘tự động’ lên như bây giờ. Anh Hai tôi là người đầu tiên trong làng tốt nghiệp tú tài. Sau anh Hai tôi là con nhỏ em họ và tôi. Thời đó, tốt nghiệp tú tài rất quan trọng và … oai. Chỉ có 10-15% học sinh tốt nghiệp tú tài. Thời đại học không vui bằng và không để lại nhiều kỉ niệm như thời trung học. Theo hồ sơ học bạ thì tôi học rất ok, chưa bao giờ xuống hạng 3 từ tiểu học đến trung học. Nhưng đối với anh Hai tôi thì đó chỉ … may mắn. Anh Hai là người rất khó tánh, người lúc nào cũng đặt ra những cái ‘bar’ cao hơn để mấy đứa em phải nhảy qua; do đó anh chưa bao giờ khen bất cứ đứa em nào cả, học cỡ nào anh ấy cũng nói do … hên. (Nhưng trong lòng thì chắc cũng vui – tôi đoán vậy). Bây giờ thì Ba Má tôi và anh Hai đã ra người thiên cổ, nhưng nếu anh còn sống thì chắc anh ấy đã mỉm cười.
Ba Má tôi là dân làm nghề nông, nói chính xác hơn là làm ruộng. Do đó, tôi gắn bó với những cánh đồng và cây lúa. Hồi đó, qua làm lụng cực khổ, Ba Má tôi tích luỹ khá nhiều đất (mà sau 1975 bị nhà nước tịch thu gần hết). Ba tôi thậm chí còn có cả một đội máy cày. Bắt đầu là một cái máy cày nhập từ Pháp (quên hiệu, chỉ nhớ màu cam), sau này mua thêm 2 cái máy bày khác nhập từ Mĩ (hình như là hiệu John Deer). Do đó, nhà tôi có nhiều người làm (thực ra toàn là bà con trong đại gia đình), người lo làm ruộng, người làm tài xế lái máy cày, người sửa máy, v.v. Ba Má tôi rất thương cháu, đứa nào ‘bấp bênh’ là được Ba Má đem về nhà nuôi cho đi học chữ hay học nghề. Hàng xóm cũng vậy, ai có vấn đề là Má tôi giúp ngay. Có lẽ anh em tôi hưởng phước từ đó. Nói chung là cả nhà thời đó rất bận rộn, vừa làm ruộng vừa làm business máy cày. Tuy nhiên, ai bận thì bận, ai học thì học. Tôi chưa bao giờ tỏ ra mình là “công tử”. Khi thấy người làm vác lúa tôi cũng xung phong vác lúa (dù mới 13-14 tuổi), chớ không đứng nhìn. Tôi từng có thời xin đi theo mấy người anh họ lái máy cày đi đến những cánh đồng bát ngát từ Giồng Riềng, Gò Quao sang Cây Dương, Tân Hiệp, đến Châu Thành, v.v. Từ những cánh đồng đó đến Viện Garvan thì đúng như sếp tôi nói: you have come a long way.
Chẳng những “long way” mà còn may mắn nữa. Thời thập niên 1980s bước xuống ghe ra biển là chấp nhận nguy cơ chết 50%. Phải cả trăm ngàn đồng hương mình đã bỏ mạng trên Biển Đông, trong đó có anh Hai tôi. Ngay cả ngày nay, ra đi dù đường bộ cũng là nguy hiểm. Đọc dòng tin nhắn của cô bé Trà My gởi về cho má cô, tôi bị ám ảnh hoài và đau quặn lòng. Những dòng chữ heartbreaking ‘I'm dying because I can't breathe' nay đã vang xa khắp bốn biển năm châu. Hoá ra, mình còn may mắn hơn biết bao đồng hương.
Tôi nghĩ mỗi con người không chỉ đại diện cho con người đó, mà còn đại diện cho sự kết tụ của những mối tương tác giữa người với người, giữa người với môi trường. Tương tác giữa mình với bạn bè, đồng nghiệp, bà con, học trò, v.v. Tương tác với môi trường chung quanh từ cái làng quê đến môi trường "world class lab" mà tôi hay nói. Có lẽ chính vì sự tương tác đó mà mỗi chúng ta là unique -- đặc thù, có một không hai. Cái tính đặc thù đó rất có ý nghĩa, bởi vì sự kết tụ đó không xảy ra lần thứ hai. Những người chúng ta gặp gỡ -- dù ngoài đời hay trên mạng, dù giới báo chí hay đồng nghiệp -- nói như Hermann Hesse, có thể không phải là ngẫu nhiên, bởi vì mỗi người mình tiếp xúc là mỗi mục đích và bài học sống. Và, với ý nghĩa đó, xin nhận nơi đây lòng tri ân của tôi.
Lời khuyên của sếp John Shine, nay là Viện trưởng viện hàn lâm khoa học Úc.
===
PS: Viết cái note này trong phòng chờ của phi trường trước khi lên máy bay, nên chắc có nhiều sai sót. Xin các bạn bỏ qua cho.