top of page

“Ấm ức” trong kì xét công nhận chức danh giáo sư năm 2019

Hội đồng giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách những người được công nhận chức danh giáo sư và phó giáo sư (GS/PGS). Hôm qua (15/11/2019) tôi nhận được một email từ các bạn tự gọi là “Nhóm nhà khoa học trẻ” bày tỏ những bức rức chung quanh kết quả xét duyện công nhận GS/PGS vừa qua. Nhìn qua cách viết và cách lên xuống dòng, đánh vần, tôi đoán rằng các bạn ấy đã rất ư là tức tối. Các bạn ấy nhờ tôi đăng tải lá thư mà các bạn ấy đã gởi cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Trích thư của “Nhóm nhà khoa học trẻ”:

Kính gửi thầy GS Nguyễn Văn Tuấn

[…]

Chúng em là một nhóm các nhà khoa học trẻ, có nhiều công bố quốc tế và bằng phát minh, sáng chế, rất hồ hởi với sự ra đời của QĐ 37 do Thủ tướng ban hành quy định tiêu chuẩn mới về xét phong GS, PGS, tuy nhiên sau một mùa xét 2019, có quá nhiều khuất tất, oan ức, tiêu cực khiến chúng em thất vọng vô cùng. Rất nhiều nhà khoa học trẻ, với lý lịch rất sáng, bị loại từ hội đồng cơ sở. Lên đến hội đồng nhà nước, còn rất ít các anh chị xứng đáng:

Sau đó, qua hội đồng nhà nước thì còn tệ nữa có qua nhiều ứng viên lý lịch khoa học rất kém lại lọt qua được để vào danh sách được đề cử GS, PGS. Điều ấm ức nữa là một số ứng viên thật sự xuất sắc, (có anh, chị với lý lịch gần 60 bài báo quốc tế) nhưng bị loại không được vào danh sách đề nghị xét công nhận GS, PGS năm này:

Điều khó khăn của chúng em, là cơ chế hiên thời ở Việt nam, khiến chúng em chưa dám đứng ra tố cao những tiêu cực này và vì thế đã cùng nhau viết ra tâm thư này gửi đến phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

Em hy vọng […] Thầy hãy giúp chúng em đưa thông tin và tâm thư này này nên mang xã hội, để phó thủ tướng Vũ Đức Đam có thể đọc được, biết được những đen tối, tiêu cực của nền giáo dục Việt Nam.

Chúng em hy vọng một lần nữa Thầy sẽ chung tay cùng chúng em phơi bày ra những tiêu cực còn ẩn khuất ở cấp cao nhất của nền giáo dục Việt Nam. Chúng em hy vọng sơm nhìn thấy những dòng Tâm thư này trên mạng xã hội!

Nhóm nhà khoa học trẻ.”

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2019

TÂM THƯ

Kính gửi: Thầy Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Kính thưa Thầy,

Chúng em đại diện cho nhóm các nhà khoa học trẻ, rất quan tâm đến sự nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học và giáo dục, vì thế đặc biệt quan tâm đến quy trình xét phong chức danh GS, PGS cao quý của Nhà nước.

Đội ngũ những nhà khoa học chân chính đã thật sự vui mừng đón nhận sự ra đời QĐ 37/22018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 37) “Ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư”.

QĐ này được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích mới, thể hiện khát khao của Đảng và Nhà nước định hướng các chuẩn mực mới cho đội ngũ GS, PGS - lực lượng trí thức chủ yếu tạo động lực cho công cuộc đổi mới, tạo đà cho sự nghiệp giáo dục và phát triển đất nước.

Kính thưa Thầy, lớp trí thức trẻ hiểu rằng, GS, PGS không chỉ là người truyền đạt kiến thức như nhà giáo trong các trường phổ thông mà còn là phải là những người tạo ra tri thức. Để làm được điều đó buộc họ phải tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học mà về bản chất là tìm ra những chân lý mới hoặc phản biện lại những quan niệm không còn phù hợp với thời cuộc.

Sản phẩm điển hình của nghiên cứu khoa học không chỉ là các Ths, TS, mà cao quý hơn, rõ ràng hơn chính là những bằng phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc các công trình nghiên cứu khoa học được đăng trên những tạp chí khoa học quốc tế có phản biện mà cụ thể hơn cả là những bài báo nằm trong hệ thống nhận diện scopus/ISI. Việc làm này, ngoài thể hiện trí tuệ và cống hiến của các nhà khoa học Việt Nam bắt nhịp với cộng đồng khoa học quốc tế, còn là minh chứng của đổi mới sáng tạo, tiền đề cho công cuộc hội nhập phát triển, góp phần tạo nên một xã hội tiến bộ như mong đợi của Đảng và Nhà nước. Điều này cần phải được ghi nhận và khuyến khích, được ban thưởng ở các mức độ phù hợp.

Kính thưa Thầy, cộng đồng các nhà khoa học chân chính đã thực sự vui mừng vì tất cả những gửi gắm, ước vọng ủng hộ cho phát triển và tiến bộ đã được cụ thể hoá, rất chi tiết trong QĐ 37:

1. Yêu cầu hội đồng cơ sở, hội đồng ngành, hội đồng chức danh GS nhà nước phải công khai danh sách ứng viên và lý lịch khoa học của ứng viên trên Website chính thức của Hội đồng cơ sở và Hội đồng GSNN.

2. Đặt ra yêu cầu bắt buộc đối với ứng viên PGS phải có ít nhất 02 bài báo quốc tế, GS phải có 03 bài báo quốc tế hoặc bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc những yêu cầu tương đương. Từ năm 2020 con số này sẽ là 03 bài – đối với PGS và 05 bài với GS.

3. Cho phép chuyển đổi công trình khoa học (bài báo quốc tế, hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế) thay thế các điều kiện khác như: viết sách; số lượng nghiên cứu sinh, giờ giảng,…

Đây được coi là cái nhìn chiến lược, có tính khuyến khích và coi trọng những cống hiến khoa học/sáng tạo của những người làm công tác nghiên cứu. Nó hoàn toàn hợp với xu hướng chung trong đánh giá các nhà khoa học ở các nền giáo dục tiên tiến.

4. Yêu cầu hội đồng GS các cấp phải minh bạch hoá quá trình đánh giá, kiểm phiếu khi đánh giá ứng viên.

5. Cho điểm cao hơn đối với tác giả chính của các công trình khoa học.

Những nội dung trên thật sự là bước tiến quan trọng trong cơ chế và chỉ đạo vĩ mô của Nhà nước.

Tuy nhiên, qua mùa đầu tiên triển khai xét phong chức danh GS, PGS theo chuẩn mới (QĐ 37) chúng em thật sự hoang mang, thất vọng bởi những lý do rất vô lý, có dấu hiệu ngang nhiên làm trái quyết định của Thủ tướng Chính phủ:

1. Có một số ứng viên được Hội đồng cơ sở, Hội đồng ngành đánh giá điểm khoa học cao và có lý lịch khoa học ưu tú với nhiều công trình được công bố quốc tế; các giải thưởng khoa học danh giá trong và ngoài nước, sở hữu nhiều bằng độc quyền sáng chế,… nhưng lại bị loại (trượt) khỏi danh sách được đề nghị xét phong GS, PGS. Điều này khiến cộng đồng các nhà khoa học và dư luận xã hội đặt câu hỏi lớn về tính minh bạch, công bằng của quy trình xét duyệt.

2. Theo kênh thông tin chính thống của Hội đồng GSNN http://hdgsnn.gov.vn/tin-tuc/danh-sach-ung-vien-duoc-hdgsnn-xet-cong-nhan-dat-tieu-chuan-chuc-danh-giao-su-pho-giao-su-nam-2019_517/ chúng em không thấy nêu lý do tại sao các anh chị ứng viên với số điểm công trình khoa học cao hơn mức sàn (10 điểm với PGS và 20 điểm với GS) lại bị loại khỏi danh sách đó? và số phiếu bầu của các ứng viên đó như thế nào?

3. Khi nhiều bất cập bộc lộ rõ tại các vòng xét công nhận GS, PGS: Ứng viên bị loại không rõ nguyên nhân; Cách hiểu máy móc và áp dụng sai lệch các nội dung của QĐ 37,… thì thêm một câu hỏi được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm là quy trình lựa chọn thành viên Hội đồng chức danh GS nhà nước cũng như lý lịch khoa học của các thành viên? Có lẽ trong tất cả các điều nêu trên thì đây là mối băn khoăn và gây lo ngại hơn cả cho cộng đồng các nhà khoa học trẻ.

Bởi, QĐ 37 yêu cầu các ứng viên GS, PGS phải là tác giả chính của 2-5 bài báo hoặc/và bằng độc quyền sáng chế, thì dứt điểm các thầy thành viên hội đồng, chủ tịch hội đồng, những người trực tiếp đánh giá các ứng viên phải có số lượng công trình công bố nhiều hơn thế.

Bên cạnh đó, các ứng viên được yêu cầu minh bạch toàn bộ lý lịch của mình cho xã hội phản biện, thì các thành viên hội đồng cũng cần công khai lý lịch khoa học, để không chỉ lớp thế hệ các nhà khoa học trẻ như chúng em chiêm ngưỡng, học tập mà cả xã hội đều nhìn nhận và ngưỡng mộ những đóng góp của họ cho sự nghiệp phát triển khoa học và sự nghiệp trồng người.

Kính thưa Thầy,

Với lòng kính trọng và ngưỡng mộ, chúng em trân trọng gửi tới thầy – người có những quan tâm đặc biệt tới sự nghiệp giáo dục và phát triển khoa học kỹ thuật của đất nước những chia sẻ tâm huyết và góc nhìn của những nhà khoa học luôn một lòng vì sự tiến bộ, phụng sự Tổ quốc. Chúng em mong nhận được đồng cảm và chia sẻ quan điểm của thầy về những vấn đề nêu trên và mong thầy sớm có những giải pháp toàn diện khiến QĐ 37 thực sự phát huy tác dụng trong thực tiễn, củng cố niềm tin cho các nhà khoa học chân chính nói riêng và dư luận xã hội nói chung.

Em kính chúc thầy sức khoẻ.

Em chân thành cảm ơn thầy đã lắng nghe tâm tư của chúng em.

Chân thành kính thư,

NHÓM NHÀ KHOA HỌC TRẺ CẦU TIẾN

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page