top of page

Làm thế nào để nhận dạng một tập san khoa học dỏm?

Một trong những khủng hoảng khoa học ngày nay là vấn nạn tập san dỏm (dịch nôm na từ ‘predatory journal’). Trong kì xét duyệt công nhận giáo sư vừa qua, một số phóng viên đã nêu vấn đề tập san dỏm làm ảnh hưởng đến quyết định của hội đồng GSNN. Nhưng câu hỏi căn bản vẫn là làm sao nhận ra một tập san dỏm. Cái note này xin chia sẻ vài đặc điểm tập san dỏm (1).

Hình 1: Một số đặc điểm chánh để phân biệt tập san chánh thống và tập san dỏm

Sự ra đời của tập san dỏm

Kĩ nghệ công bố khoa học gần như không thay đổi trong 300 năm qua. Trong cái kĩ nghệ đó, nhà khoa học nộp bản thảo bài báo khoa học; bài báo sẽ qua một quá trình bình duyệt của đồng nghiệp (thường là nặc danh); dựa vào bình duyệt, ban biên tập sẽ quyết định chấp nhận hay từ chối bài báo. Nếu được chấp nhận cho công bố, tác giả phải trả tiền ấn phí. Tiền ấn phí có thể dao động trong khoảng 500 đến 5000 USD. Tập san càng nổi tiếng (như Nature, Science), ấn phí càng cao. Cái qui trình đó vẫn được duy trì từ ngày Royal Society công bố bài peer-reviewed đầu tiên cho đến ngày hôm nay đã hơn 300 năm.

Trong cái qui trình đó, nhà xuất bản là người hưởng lợi. Nhà xuất bản có rất nhiều tập san. Ngay cả các hiệp hội chuyên môn cũng nhờ nhà xuất bản quản lí việc ấn bản và phân phối tập san. Mỗi tập san có một ban biên tập, và thành viên ban biên tập thường là những nhà khoa học có tiếng trong chuyên ngành. Nhà xuất bản không trả lương cho ban biên tập, không trả phí cho các chuyên gia bình duyệt. Nhà xuất bản yêu cầu tác giả làm đúng theo format mà họ yêu cầu. Ấy vậy mà khi bài báo được công bố, nhà xuất bản lấy tiền ấn phí của nhà khoa học. Chẳng những ấn phí, mà nhà xuất bản còn kinh doanh bài báo khoa học; nếu ai muốn đọc bài báo đó, họ phải trả tiền (chừng 30-50 USD một bài). Nói cách khác, nhà xuất bản chỉ ‘ngồi một chỗ’, nhờ vào website, và nhờ người khác làm việc cho họ … miễn phí. Do đó, không ngạc nhiên khi người ta phân tích cho thấy tỉ lệ lợi nhuận của kĩ nghệ xuất bản còn cao hơn cả các công ti như Apple và Microsoft!

Cái mô hình kinh doanh đó trong thời đại internet đã làm cho nhiều người … thèm thuồng. Bạn chỉ cần mở một website, và dùng website đó tạo ra hàng trăm tập san, rồi kêu gọi các nhà khoa học nộp bài báo, và bạn chẳng cần phải bình duyệt hay bình duyệt qua loa, rồi công bố, và lấy phí. Bạn làm y chang như Springer và Elsevier làm. Họ có thương hiệu, còn bạn thì ... chưa. Thay vì lấy ấn phí 1000 USD một bài, bạn chỉ lấy 200 USD một bài. Bạn cũng làm lời lớn.

Tình huống vừa mô tả trên không phải là tưởng tượng, mà đã trở thành thực tế. Thật vậy, trong thực tế đã có hàng ngàn nhà xuất bản sử dụng internet để kinh doanh như thế. Tính đến năm 2015, số trạm xuất bản trên thế giới là 996, và họ xuất bản 11,800 ‘journals’. Số bài báo các tập san này xuất bản lên đến 420,000 mỗi năm, tức là gần bằng số bài báo trên các tập san chánh thống! Đa số các trạm xuất bản này là từ Ấn Độ, Phi châu, Trung Đông, nhưng cũng có khoảng 10% xuất phát từ Mĩ. Trong giới khoa học, người ta gọi đó là kĩ nghệ xuất bản dỏm (predatory publishing), và các tập san mà họ xuất bản có tên là “predatory journal”. Chữ ‘predatory’ dĩ nhiên dùng hình tượng con cá mập tìm con mồi.

Cái motif kinh doanh của các tập san dỏm này đúng như con cá mập. Mỗi ngày, họ gởi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn, email đến các tác giả để tìm bài. Cá nhân tôi mỗi ngày nhận 20-30 email như vậy, và hệ thống sàng lọc email của đại học phải gíup lọc ra. Nhìn qua email của họ, nếu có chút kinh nghiệm, rất dễ nhận ra. Họ thường có những cách viết rất mất lịch sự kiểu như “Dear Tuan Van Nguyen”, cách viết thì format vuông vắn, có khi có nhiều sai sót về văn phạm tiếng Anh hay cách dùng chữ ‘non-standard’. Chỉ cần nộp cho họ là tác giả không thể nào rút ra được, vì họ bằng mọi giá sẽ bám theo tác giả cho đến khi họ moi được tiền từ tác giả. Những email loại đó chẳng khác gì con cá mập đi tìm mồi.

Rất nhiều nhà khoa học là ‘con mồi’ (hay nạn nhân) của tập san dỏm. Con số có thể lên đến hàng trăm ngàn người. Tuy đa số những nạn nhân này là từ các nước đang phát triển (như Việt Nam), nhưng cũng có một số ít từ các nước tiên tiến như Úc, Anh, Mĩ, Canada, Pháp, Đức, v.v. Theo một thống kê thì chỉ tính riêng ở Đức đã có khoảng 5000 nhà khoa học công bố trên các tập san dỏm (2). Không ai biết có bao nhiêu nhà khoa học Việt Nam đã là nạn nhân của kĩ nghệ xuất bản dỏm, nhưng chỉ cần xem qua nhóm OMICS (một trạm dỏm khét tiếng dỏm ở Ấn Độ bị chánh phủ Mĩ kiện ra tòa) thì con số là hàng trăm người.

Một ví dụ về email của các trạm xuất bản dỏm. Cách viết email lôm côm, cách xưng hô mất lịch sự, và cách viết theo công thức hộp. Tất cả nói lên tín hiệu tập san dỏm

Tác động của kĩ nghệ xuất bản dỏm

Kĩ nghệ xuất bản dỏm và sản phẩm của nó gây tác hại lớn đến khoa học. Như mô tả trên, kĩ nghệ xuất bản dỏm không quan tâm đến phẩm chất khoa học, chẳng để ý đến chuẩn mực về học thuật. Nói nôm na là cái gì họ cũng công bố. Các bạn có thể nộp một bài hoàn toàn vô nghĩa (nhờ một phần mềm nào đó viết) và tiếng Anh thì sai từ đầu chí cuối, chắc chắn một tập san dỏm sẽ công bố (3). Chất lượng khoa học không phải là điều họ quan tâm, và chính vì những tình trạng này mà kĩ nghệ xuất bản dỏm đã gây ra một sự khủng hoảng về niềm tin khoa học ở công chúng.

Tuy nhiên, nguy hiểm nhứt là những bài có dáng vẻ nghiên cứu khoa học được kĩ nghệ xuất bản dỏm công bố. Đó là những nghiên cứu không đạt các chuẩn mực khoa học (nói thẳng ra là sai, hoàn toàn chẳng có giá trị gì cả) và được viết bằng tiếng Anh. Những bài loại này chiếm đa số trong kĩ nghệ xuất bản dỏm. Đối với người ngoài khoa học, hay người làm khoa học mà không phải trong chuyên ngành, người ta rất dễ bị ngộ nhận đó là những bài chánh thống. Đã có những nhóm ‘activists’ sử dụng các bài khoa học dỏm như thế để chống lại việc tiêm chủng ngừa trẻ em. Đã có không ít người dùng các nghiên cứu dỏm đó trên truyền thông xã hội để biện minh cho một thuật điều trị hoàn toàn phi chánh thống (4). Do đó, tác động của kĩ nghệ xuất bản dỏm là rất lớn, và công chúng cần phải biết.

Ở Việt Nam đã có nhiều đồng nghiệp công bố trên các tập san dỏm. Chẳng những thế, đã có người dùng các bài báo trên các tập san dỏm đó để xin được xét duyệt chức danh giáo sư / phó giáo sư. Và, trong kì xét duyện giáo sư vừa qua, đã có vài trường hợp dùng bài báo trên tập san dỏm và họ được công nhận chức danh giáo sư / phó giáo sư. Do đó, kĩ nghệ xuất bản dỏm đã về đến Việt Nam và đã làm ảnh hưởng xấu đến khoa học Việt Nam. Ở bên Tàu, giới khoa học rất quan tâm đến vấn nạn tập san dỏm và các nhà chức trách đã có những biện pháp quyết liệt loại bỏ tập san dỏm (5). Nhưng ở Việt Nam chúng ta hay chê Tàu, nhưng các nhà chức trách Việt Nam chưa có những biện pháp mạnh như bên Tàu.

Làm sao nhận dạng tập san dỏm?

Quay lại câu hỏi yếu tố gì để nhận dạng đó là một tập san dỏm. Phân biệt tập san chánh thống và tập san dỏm không hề dễ dàng, nếu không phải là người trong chuyên ngành. Thật ra, ngay cả người trong chuyên ngành nhưng nếu kém kinh nghiệm xuất bản khoa học vẫn bị lầm như thường. Dưới đây là vài tín hiệu quan trọng để các bạn có thể nhận dạng tập san dỏm:

1. Tập san không có một hiệp hội chuyên môn là cơ quan chủ quản

Các tập san chánh thống đều có cơ quan chủ quản là một hiệp hội chuyên ngành. Chẳng hạn như JAMA là của hiệp hội y khoa Mĩ, JBMR là của hiệp hội loãng xương Hoa Kì. Có thể nói 100% các tập san dỏm dùng internet làm ‘nhà xuất bản’, nên họ không có hiệp hội nào là chủ quản cả. Có khi chỉ một cá nhân cũng có thể làm được một tập san dỏm.

2. Tên tập san chung chung hay nhái theo tâp san chính thống

Ngoại trừ các tập san đa ngành (như Science, Nature, PNAS), đa số các tập san chánh thống có những tên rất chuyên biệt và dễ nhận ra. Chẳng hạn như Osteoporosis International hay Archives of Osteoporosis hay Bone là ai cũng biết đó là tập san của ‘bộ lạc’ chuyên về xương. Nhưng các tập san dỏm thì rất bao quát như “Journal of Engineering and Medicine”, vì họ muốn thu tóm các bài báo liên quan đến cả y khoa và kĩ thuật. Ngoài ra, họ thường có những ngôn từ rất ‘đao to búa lớn’ và cố gắng nhái tập san thật. Chẳng hạn như tập san chính thống là “Journal of Biological Chemistry” thì họ nhái là “Journal of Biological Sciences”!

3. Không có trong danh mục ISI/Clarivate

Hầu hết các tập san chánh thống đều có trong danh mục ISI/Clarivate. Để được có tên trong danh mục này, tập san phải đạt một số tiêu chuẩn về học thuật, do đó có tên trong danh mục ISI/Clarivate là một (chỉ 1 thôi) tín hiệu của ‘chánh thống’. Thỉnh thoảng cũng có tập san được đưa vào danh mục ISI/Clarivate, nhưng sau đó thì bị loại ra vì cách làm việc gian dối (như cố tình nâng cao citation).

Tuyệt đại đa số các tập san dỏm không có trong danh mục ISI (danh mục này có khoảng 12,000 tập sa). Các thư viện quốc tế như Medline cũng không chấp nhận tập san dỏm. Tuy nhiên, một số tập san dỏm len lỏi vào Scopus (vốn là một cơ sở kinh doanh). Do đó, trái lại với nhiều người nghĩ rằng những tập san có trong danh mục Scopus là chánh thống, nhưng đó là một sai lầm. Rất nhiều tập san trong nhóm Q3 và Q4 của Scopus được xem là dỏm hay “gần dỏm”. Nhà khoa học có kinh nghiệm không bao giờ chọn những tập san trong nhóm Q3 hay Q4 của Scopus.

4. Ban biên tập và tổng biên tập không có thành tích khoa học tốt

Tập san chánh thống có ban biên tập nghiêm chỉnh. Ban biên tập thường là những nhà khoa học có tiếng trong chuyên ngành, họ được mời phục vụ, và nhiệm kì thường 3 đến 5 năm. Tổng biên tập của tập san chánh thống thường là người danh tiếng trong chuyên ngành mà đọc tên thì ai trong chuyên ngành cũng biết. Họ thường xuất phát từ những đại học và viện nghiên cứu có tiếng trên thế giới.

Còn các tập san dỏm thì ban biên tập rất … lôm côm. Họ có những người chẳng có thành tích khoa học nào, hay những người chỉ công bố trên tập san dỏm. Họ thường là những người đến từ các đại học bên Ấn Độ, Phi châu, Trung Đông, hay Mĩ mà ít ai biết đến. Có khi họ ghi tên sinh viên vào ban biên tập! Lại có khi họ ghi tên những nhà khoa học chánh thống và có uy tín vào ban biên tập mà những nhà khoa học này không hề hay biết. Có hay biết và yêu cầu họ rút xuống, các tập san dỏm cũng không chịu rút xuống!

5. Bài báo kém chất lượng

Các tập san chánh thống có cơ chế bình duyệt nghiêm chỉnh, nên những bài báo họ công bố thường có phẩm chất khoa học tốt. Tập san càng danh tiếng (qua IF) thì phẩm chất khoa học càng cao. Dĩ nhiên, cũng có những bài kém chất lượng, thậm chí sai, nhưng nhìn chung thì tuyệt đại đa số các bài trên tập san chánh thống là tốt. Thường, thời gian từ lúc nộp bài đến lúc công bố dao động từ 6 đến 12 tháng.

Như nói trên, bài báo từ các tập san dỏm không có cơ chế bình duyệt (hay có nhưng không nghiêm chỉnh), nên bài báo rất kém phẩm chất. Những bài báo bị các tập san chánh thống từ chối thường được tập san dỏm công bố. Tập san dỏm có thể nói là những thùng rác khoa học. Nói thẳng ra là tuyệt đại đa số bài báo trên tập san dỏm không có giá trị khoa học, và không nhà khoa học chánh thống nào trích dẫn từ mấy bài trên tập san dỏm. Với các tập san dỏm, thời gian từ lúc nộp bài đến lúc công bố dao động từ 5 đến 12 ngày.

6. Tiếng Anh sai nhiều

Các tập san chánh thống có các chuyên gia biên tập kiểm tra tiếng Anh của tác giả. Do đó, tuyệt đại đa số các bài báo công bố trên tập san chánh thống có chuẩn mực tiếng Anh tốt. Còn các tập san dỏm thì không có ai chỉnh sửa tiếng Anh, nên hầu như bài báo nào trên tập san dỏm cũng đều chứa nhiều sai sót về tiếng Anh. Có những bài báo trên tập san dỏm sai tiếng Anh từ trang đầu đến trang cuối!

***

Trên đây là vài dấu hiệu để các bạn có thể nhận dạng tập san dỏm. Các dấu hiệu này có thể chưa đầy đủ, vì các tập san dỏm biến hóa khôn lường. Cách tốt nhứt là các bạn hỏi một đồng nghiệp có kinh nghiệm về công bố quốc tế (phải có kinh nghiệm dày dặn nhé) để phân biệt giữ tập san chánh thống và tập san dỏm (6). Các hội đồng xét duyệt chức danh giáo sư cũng cần phải biết cách phân biệt tập san chánh thống và tập san dỏm để tránh những những quyết định sai lầm ảnh hưởng đến sự nghiệp của nhà khoa học.

=====

(1) Cần phải phân biệt ‘tạp chí’ và ‘tập san’. Ở Việt Nam, người ta dùng chữ ‘tạp chí’ một cách không đúng. Tạp chí là “Magazine’, còn tập san là ‘Journal’. Các ấn phẩm như The Scientist, American Scientist, Asian Scientist, Discover, Tuổi Trẻ Cuối Tuần, v.v. là tạp chí. Còn tập san thì ‘formal’ hơn, hiểu theo nghĩa có ban biên tập và bài vở phải qua bình duyệt nghiêm chỉnh. Chúng ta đang nói về tập san, không phải tạp chí.

(3) Vài năm trước, có một nhà khoa học bực mình vì bị làm phiền bởi kĩ nghệ xuất bản dỏm, anh ấy viết một bài báo với tựa đề "Get me off your fucking mailing list", và anh ấy lặp lại câu đó 863 lần suốt cả 8 trang giấy. ‘Bài báo’ được gởi cho tập san ‘International Journal of Advanced Computer Technology’, và họ … xuất bản. Lí do đơn giản là kĩ nghệ xuất bản dỏm không quan tâm đến nội dung; họ chỉ quan tâm đến túi tiền của các bạn.

(6) Tham khảo thêm 2 bài dưới đây:

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page