top of page

Năng suất khoa học của các ứng viên giáo sư

Kì xét duyệt công nhận chức danh giáo sư vừa qua đã để lại vài dư âm về năng suất khoa học của các ứng viên (và cả những thành viên trong hội đồng xét duyệt). Câu hỏi đặt ra là công bố khoa học của các ứng viên ra sao, và so sánh với nước ngoài hay trong nước như thế nào. Cái note này sẽ trả lời một phần câu hỏi đó, và các bạn sẽ thấy rất ngạc nhiên ... Dựa vào phân tích này tôi đưa ra 9 đề nghị.

1. Các ứng viên giáo sư Nhà nước

Rất khó có con số chính xác về công bố khoa học quốc tế của các ứng viên. Lí do đơn giản là vì họ liệt kê danh sách bài báo lẫn lộn giữa bài báo trên các tập san chánh thống, tập san dỏm, tập san gần dỏm, tập san tiếng Anh nhưng đáng ngờ, thậm chí cả hội nghị. Có người liệt kê cả những bài báo mà họ không phải là tác giả!

Để có một vài con số khả tín, một bạn ở Cần Thơ đã chịu khó sưu tầm danh sách bài báo khoa học của các ứng viên ngành y. Ở đây, tôi chỉ tập trung vào danh sách bài báo trên các tập san trong danh mục chủ yếu là Clarivate và Scopus. Các bài báo công bố trên các tập san trong nước không được tính ở đây. Kết quả phân tích (rất sơ bộ) dữ liệu trong danh sách này là như sau:

• Ở cấp giáo sư, chỉ tính ngành y, số bài báo khoa học tính trung bình [median] là 15. Nhưng số bài báo của mỗi ứng viên dao động rất lớn, từ 3 đến 159 bài. Đa số (hơn 80%) trong số những bài này ứng viên không phải là tác giả chánh.

• Ở cấp phó giáo sư, chỉ tính riêng cho ngành y, số bài báo trung bình là 18. Nhưng độ dao động cũng rất cao giữa các ứng viên, có người không có bài nào, nhưng cũng có người là tác giả của 80 bài. Đa số các bài báo này, ứng viên không phải là tác giả chánh.

• Về tần số trích dẫn thì các ứng viên cấp giáo sư có chỉ số trích dẫn trung bình chỉ 15 (chủ yếu nhờ vào 1 giáo sư có nhiều trích dẫn từ các bài báo hợp tác quốc tế), nhưng cấp phó giáo sư thì chỉ số này lên đến 33. Người có trích dẫn cao nhứt là PGS Trần Tuyết Hạnh (ĐH Y tế Công cộng Hà Nội). Ở cấp giáo sư, người có nhiều trích dẫn là GS Hoàng Văn Minh. (Tuy nhiên, số liệu này chưa đầy đủ vì các ứng viên cung cấp thông tin rất rời rạc).

Những con số trên nói lên một xu hướng rất nghịch lí: ứng viên cấp phó giáo sư có năng suất khoa học cao hơn các ứng viên cấp giáo sư! Ngay cả tính bằng chỉ số trích dẫn, các phó giáo sư cũng cao hơn các giáo sư.

Một điều rất thú vị khác là đa số (76%) các bài báo chỉ được công bố trong thời gian 2017 - 2018! Có vài ứng viên, gần 95% bài báo chỉ trong vòng hai năm 2018 - 2019!

2. Ứng viên giáo sư nước ngoài

Có lẽ nhiều bạn muốn biết so với các ứng viên giáo sư nước ngoài thì sao? Nhưng câu trả lời thì không hề đơn giản. Thật ra, ở nước ngoài (cụ thể là Úc và Mĩ, nơi tôi biết chút chút) không có qui định ứng viên phải công bố bao nhiêu bài báo để được đề bạt hay bổ nhiệm chức vụ giáo sư. Lí do đơn giản là số lượng không quan trọng; phẩm chất khoa học mới quan trọng. Khi nói đến công bố khoa học (ở Việt Nam người ta quen nói ‘công bố quốc tế’) thật ra là nói đến 3 chỉ số chánh: (i) số bài báo công bố trên các tập san ISI; (ii) số lần những bài báo đó được trích dẫn; và (iii) chỉ số H.

Do đó, tìm những chỉ số này cho các chức vụ giáo sư không dễ, vì như nói trên, không trường đại học nào công bố con số cụ thể cả. Tuy nhiên, chúng ta có thể xem qua báo cáo của khoa y thuộc Đại học Johns Hopkins (Mĩ) để biết vài con số cụ thể. Theo báo cáo này, ở thời điểm những người được bổ nhiệm/đề bạt chức vụ giáo sư (full professor):

• Số bài báo khoa học đã công bố: 68, với 32 bài là tác giả chánh;

• Số lần trích dẫn (tính trung bình): 2974 (1431 là những bài tác giả chánh);

• Chỉ số H (trung bình): 25.

Ở một đại học trong nhóm G8 của Úc, hai năm trước đây có một báo cáo về những chỉ số công bố khoa học cho ba nhóm giảng viên và giáo sư thuộc ngành y là như sau (đây là báo cáo nội bộ nên họ không công bố ra ngoài):

• Cấp Senior Lecturer (tương đương với Associate Professor ở Mĩ): số bài báo trung bình là 35 (min-max: 23 – 120); số trích dẫn 710, cao gấp 2.5 lần so với trung bình thế giới; chỉ số H: 15.

• Cấp Associate Professor: số bài báo trung bình là 70 (32 – 72); số trích dẫn 1861, cao gấp 2.4 lần so với trung bình thế giới; chỉ số H là 23.

• Cấp Professor: số bài báo trung bình là 120 (52 – 141); số trích dẫn 4512, cao gấp 3.4 lần so với trung bình thế giới; chỉ số H trung bình là 33.

3. Đại học Tôn Đức Thắng

Một số bạn thắc mắc: còn ĐH Tôn Đức Thắng thì sao? Trường có qui định bổ nhiệm giáo sư từ năm 2017. Tính đến nay Trường đã bổ nhiệm được 15 Assistant Professor, 7 Associate Professor, và 3 Full Professor. Ở thời điểm họ được bổ nhiệm, các chỉ số công bố khoa học như sau:

• Cấp Assistant Professor: số bài báo trung bình là 16 (min-max: 4 – 40); số trích dẫn trung bình 147; chỉ số H là 6.

• Cấp Associate Professor: số bài báo trung bình là 28 (8 – 48); số trích dẫn 230; chỉ số H là 8.

• Cấp Professor: số bài báo trung bình là 102 (32 – 200); số trích dẫn 5898; chỉ số H trung bình là 39.

4. Nhận xét

Như có thể thấy, các ứng viên được HĐGSNN công nhận chức danh giáo sư năm nay, ngoại trừ 2 ca 'outliers' (ngoại hạng), số còn lại có năng suất khoa học rất khiêm tốn so với ngoài Nhà nước (ĐH Tôn Đức Thắng) và nước ngoài. Thật ra, năng suất khoa học của 3 cấp giáo sư của TĐT không hề kém, thậm chí cao hơn, năng suất khoa học của một số trường hàng đầu của Úc và Mĩ. Bảng dưới đây tóm tắt một số chỉ số quan trọng cho 3 nhóm giáo sư để tham khảo.

Đáng chú ý là tần số trích dẫn còn quá thấp. Tính trung bình, chỉ số trích dẫn chỉ 15 (cấp giáo sư, nếu tính 'outier' thì 26) và 33 (cấp phó giáo sư). Một lí do chánh là đa số những bài báo của các ứng viên giáo sư được công bố trong 2 năm 2017 và 2018, nên chưa đủ thời gian để thu hút chú ý. Sự thật đó (đa số công bố trong 2017-2018, và công bố không có định hướng) có thể nói lên xu hướng 'đối phó' cho có đủ bài, hơn là có một chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn.

Nhưng điểm thú vị nhứt trong phân tích này là các ứng viên phó giáo sư có năng suất khoa học cao hơn các ứng viên giáo sư. Đó là một nghịch lí. Nghịch lí này có lẽ nói lên rằng tiêu chuẩn để công nhận hai chức danh giáo sư có vấn đề. Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh rằng đó là con số trong ngành y; tôi chưa xem qua các chuyên ngành khác, nên chưa thể khái quát hoá cho các chuyên ngành khác.

5. Bảy vấn đề

Đọc qua hồ sơ của các ứng viên, tôi thấy dường như hơi đơn giản. Qui định chỉ cần trình bày vài dòng lí lịch, 5 bài báo tiêu biểu, danh sách bài báo trong và ngoài nước. Danh sách bài báo thì được trình bày rất ư là ... phản khoa học (sẽ nói thêm và đề nghị dưới đây (1)). Nhưng ở đây, tôi nhận ra 7 vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn và các thước đo đánh giá. Viết ra đầy đủ thì cần đến chục trang giấy, nhưng tôi chỉ tóm tắt ý chánh như sau:

Vấn đề 1: Tiêu chuẩn quá ư là định lượng, nhưng thấp. Tiêu chuẩn 2-5 bài báo 'quốc tế' là quá định lượng và quá thấp. Như chúng ta thấy, đa số ứng viên đều dễ dàng đáp ứng tiêu chuẩn này. Ở nước ngoài, chẳng ai quan tâm đề ra con số bài báo cụ thể cho mỗi cấp giáo sư. Vả lại, một giáo sư mà lí lịch chỉ số 2-5 bài báo thì rất khó coi với đồng nghiệp quốc tế.

Vấn đề 2: Cách đánh giá tập san quốc tế không hợp lí. Cách đánh giá (cho điểm) tập san quốc tế hiện nay là 'cá mè một lứa'. Cách đánh giá này vô cùng phản khoa học. Không thể nào xem New England Journal of Medicine bằng một tập san địa phương được. Tiêu chuẩn này rất dễ bị lạm dụng. Trong thực tế, có ứng viên công bố một loạt 7 bài trên một tập san địa phương ở bên Nam Âu Châu! Lại có ứng viên công bố trên tập san dỏm hay gần dỏm, mà hội đồng vẫn xem là 'công bố khoa học' chánh thống!

Vấn đề 3: Không có đánh giá tác động. Năng suất khoa học là một yếu tố, nhưng yếu tố còn quan trọng hơn năng suất là tác động. Tác động đến tri thức khoa học, tác động đến xã hội, tác động đến kinh tế. Một ứng viên có thể công bố hàng chục bài báo nhưng qua 5 năm mà có 0 trích dẫn thì 5 bài báo đó coi như là zero. Nghiên cứu và công bố nhiều mà không có ứng dụng thì chỉ làm đẹp lí lịch mà thôi. Nghiên cứu cơ bản mà không dẫn đến RCT thì cũng coi như là tác động thấp. Không đánh giá tác động một cách nghiêm chỉnh theo tôi là một khiếm khuyết -- nếu không muốn nói là sai lầm -- lớn.

Vấn đề 4: Qui đổi thiếu tính khoa học. Có qui định về qui đổi từ sách sang điểm bài báo, hay hướng dẫn sinh viên sau đại học, nhưng chẳng có cơ sở khoa học nào cho sự qui đổi đó cả. Nghiên cứu khoa học phải được và nên đánh giá qua công bố quốc tế trên các tập san có bình duyệt, chớ không phải dùng các con số khác để qui đổi sang nghiên cứu khoa học.

Vấn đề 5: Không đánh giá sự độc lập và 'leadership'. Đa số các bài báo ứng viên liệt kê đều là do hợp tác với nước ngoài, mà ứng viên không phải là tác giả chánh. Có những bài báo không nằm trong chơng trình nghiên cứu của ứng viên. Điều này nói lên ứng viên chưa chứng minh được vai trò lãnh đạo trong khoa học, và cũng chưa chứng minh được sự độc lập của mình. Tuy nhiên, HĐGSNN thì không có tiêu chuẩn nào hay thước đo nào để đánh giá khả năng lãnh đạo khoa học của ứng viên.

Vấn đề 6: Không đánh giá về 'recognition'. Công bố khoa học chỉ là một yếu tố (có thể quan trọng), nhưng quan trọng hơn là ứng viên có được đồng nghiệp quốc tế công nhận -- tiếng Anh gọi là 'recognition'. Công nhận qua các giải thưởng quốc tế và quốc gia, qua lời mời giảng chánh, phục vụ trong ban biên tập của các tập san quan trọng, hay phục vụ trong các hiệp hội chuyên ngành quốc tế.

Vấn đề 7: Không có bình duyệt từ các giáo sư nước ngoài. Hiện nay, qui trình đánh giá chủ yếu là nội bộ trong nước. Nội bộ đánh giá là hợp lí, nhưng quan trọng hơn là cần phải có bình duyệt từ các đồng nghiệp nước ngoài. Các giáo sư được bổ nhiệm là 'bộ mặt' của trường đại học, của quốc gia, họ cần phải có một sự 'visibility' khả kính trong cộng đồng quốc tế. Nếu không có bình duyệt từ đồng nghiệp quốc tế thì đó là một thiệt thòi cho các ứng viên.

6. Chín đề nghị

Nêu ra vấn đề trên cũng là đề nghị vậy. Tôi đề ghị 9 điểm cụ thể như sau:

Đề nghị 1: Nâng cao tiêu chuẩn số bài báo, nhưng không xem đó là tiêu chuẩn cứng, mà là tiêu chuẩn tối thiểu. Chẳng hạn như lấy tiêu chuẩn của ĐH Tôn Đức Thắng cấp Assistant Professor phải có ít nhứt 10 bài, Associate Professor ít nhứt 20, và cấp Professor ít nhứt 50, với 50% là tác giả chánh.

Đề nghị 2: Đánh giá lại uy tín tập san qua các chỉ số định lượng như hệ số tác động (IF) của tập san, các chỉ số do altmetric đề ra. Tôi nghĩ không cần phải tính các tập san trong nước, vì rất khó so sánh tập san trong nước với các tập san nước ngoài do cơ chế bình duyệt và cơ cấu hội đồng biên tập quá khác nhau.

Đề nghị 3: Thêm tiêu chuẩn về tác động, phản ảnh qua chỉ số trích dẫn (trong danh mục Clarivate/ISI), chỉ số altmetric, và ứng dụng trong thực tế với chứng cứ rõ ràng. Ở các nước như Úc, Anh, Mĩ, Canada, v.v. các hội đồng bổ nhiệm rất quan tâm đến tác động của nghiên cứu khoa học, chứ họ chẳng mấy quan tâm đến con số bài báo khoa học.

Đề nghị 4: Nên bỏ qui định về qui đổi điểm các hoạt động khác sang bài báo khoa học. Cách qui đổi đó chẳng có cơ sở khoa học nào cả. Nghiên cứu khoa học và giảng dạy là hai lãnh vực khác nhau, không thể và không bao giờ có một công thức qui đổi chính xác và thuyết phục.

Đề nghị 5: Đưa vào tiêu chuẩn về lãnh đạo và độc lập. Tránh đề bạt những người không có chương trình nghiên cứu cụ thể mà chỉ là 'lính thuỷ đánh bộ' vào chức vụ khoa bảng. Giáo sư không chỉ là một danh xưng, hay chỉ là người 'sản xuất' ra bài báo khoa học, mà phải là một người lãnh đạo khoa học. Do đó, tiêu chuẩn lãnh đạo rất cần thiết.

Đề nghị 6: Phải thêm tiêu chuẩn về 'tầm vóc' như mô tả trên. Cần phải hỏi giáo sư về tầm nhìn (vision) của họ là sẽ đóng góp gì cho Việt Nam và cho thế giới. Nên nhớ rằng các giáo sư là bộ mặt của trường và của Việt Nam, nên họ cần phải có một uy danh nhất định trong cộng đồng khoa học quốc tế.

Đề nghị 7: Tất cả hồ sơ nên được bình duyệt bởi ít nhất 2 giáo sư nước ngoài. Ở Đại học Tôn Đức Thắng, tất cả hồ sơ đều được gửi ra nước ngoài bình duyệt, thường là 2 đến 3 giáo sư từ các trường 'top 200' trên thế giới. Không có một hội đồng nào có thể đánh giá ứng viên chính xác hơn đồng nghiệp của họ. Do đó, có bình duyệt độc lập từ ngoài là rất quan trọng.

Đề nghị 8: Cái này hơi nhỏ, nhưng quan trọng. Đó là ra qui định mới về cách trình bày danh sách bài báo khoa học như giải thích dưới đây (1).

Đề nghị 9: Nên có 2 ngạch giáo sư: giảng dạy và nghiên cứu. Những người giảng dạy mà không hay ít làm nghiên cứu cũng cần phải ghi nhận đóng góp của họ.

Tóm lại, qua phân tích vài dữ liệu về công bố khoa học của vài ứng viên chức danh giáo sư vừa qua, một nghịch lí phát sanh: phó giáo sư cóvẻ có thành tích khoa học tốt hơn giáo sư. Đó là một nghịch lí tôi không thấy ở đâu có. Nghịch lí này có lẽ do các tiêu chuẩn và qui chế đánh giá chưa được chặt chẽ và khoa học. Chín đề nghị trên sẽ khắc phục khiếm khuyết trên và sẽ giúp đảm bảo sự công bằng cho các ứng viên.

====

(1) Qua so sánh này, tôi nghĩ Hội đồng GSNN nên ra qui định cụ thể về cách mà ứng viên trình bày danh sách bài báo khoa học. Hiện nay, họ chỉ yêu cầu ứng viên liệt kê:

• Năm công bố • Trang • Tập / số • Số trích dẫn • Tạp chí quốc tế uy tín (IF?) • Tên tạp chí (thật ra là ‘tập san’) • Số tác giả • Tên bài báo

Qui định này rất … dở. Chẳng những dở mà còn không cần thiết. Chẳng hạn như số tác giả, số ISSN, số trang, v.v. là thông tin không cần thiết; thông tin cần thiết là ứng viên ở đâu trong danh sách tác giả. Chẳng hạn như, nếu người ta báo cáo như sau:

Tên bài báo: Dataset on improved nutritional quality and safety of grilled marinated and unmarinated ruminant meat using novel unfiltered beer-based marinades.

Số tác giả: 8

Tạp chí hoặc kỷ yếu khoa học: Data Brief

Tạp chí quốc tế uy tín (IF?): ?

Số trích dẫn: 0

Tập/số: 15/11

Trang: NA

Năm công bố: 2019

Nhìn qua cách liệt kê đó, chúng ta không biết ứng viên đứng vị trí nào trong bài báo. Những thông tin như số trang thì không quan trọng mấy. Nhưng nếu báo cáo theo công thức sau đây:

Manful CF, Vidal NP, Pham TH, Nadeem M, Wheeler E, Hamilton MC, Doody KM, Thomas RH. Dataset on improved nutritional quality and safety of grilled marinated and unmarinated ruminant meat using novel unfiltered beer-based marinades. Data Brief. 2019 Nov 15;27:104801. doi: 10.1016/j.dib.2019.104801.

thì sẽ giúp người đọc có được những thông tin cần thiết (tuy chưa đủ). Do đó, ở Úc, người ta yêu cầu ứng viên phải viết ra vai trò của mình trong bài báo và lí giải về tầm quan trọng, tầm ảnh hưởng của bài báo. HĐGSNN cần phải thay đổi ngay qui định cách liệt kê bài báo khoa học theo công thức Harvard hay JAMA, tức là liệt kê toàn bộ tác giả, tựa đề bài báo, tên tập san, năm công bố, bộ và trang. Phải phân chia theo thể loại là original research, review, book chapter, letter, v.v. Hãy loại bỏ abstract (trong ngành y dược) vì nó chẳng có ý nghĩa gì. Ngoài ra, mỗi bài, ứng viên phải giải thích rõ vai trò của họ là gì trong bài báo và kèm theo chứng cứ. Chứ như cách làm hiện nay thì rất dễ bị lạm dụng.

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page