Tôi và Chương trình “Người Việt Bốn Phương”
Phóng viên cho tôi biết hôm 9/1/2020 vừa qua, đài truyền hình VTC trình chiếu chương trình về … tôi. Chính xác là một chương trình trò chuyện và phóng sự về những việc làm của tôi ở Việt Nam trong chương trình “Người Việt Bốn Phương”. Tôi xin có đôi dòng bị chú để khán giả hiểu thêm …
Một hôm vào khoảng tháng 7/2019, tôi nhận được một tin nhắn (không nhớ của ai) từ ĐH Tôn Đức Thắng rằng đài VTC10 muốn làm một chương trình phóng sự về tôi. Ah không, chính xác là về những việc làm của tôi ở Việt Nam trong suốt hơn 20 năm qua. Nhận được tin nhắn như vậy làm tôi phân vân. Ở Úc thì tôi có xuất hiện trên tivi quốc gia chừng 5 lần, mỗi lần chỉ cao lắm là 1 phút để trả lời phỏng vấn. Còn ở Việt Nam, tôi rất ít xuất hiện trên tivi, mà mỗi lần xuất hiện là tôi không muốn nhìn lại mình. J Nói không thông. Hình ảnh không như mình mong muốn. Nói chuyện mà phải nhìn chung quanh vì có quá nhiều người đang bấm nút ghi hình và theo dõi, làm cho mình kém tự nhiên. Có khi mình nhìn thẳng, mà chẳng hiểu sao chiếu lên màn hình thì mình nhìn xéo. J Nói chung là tôi không phải là người ăn hình trên tivi. Tuy nhiên, chẳng hiểu sao và cơ duyên nào xui khiến mà tôi nói ‘Yes’ với nhã ý của VTC.
Nhận lời rồi đâm ra lo. Lo lắng là chẳng biết phóng viên sẽ hỏi gì. Có lẽ tôi không ngại câu hỏi, mà chỉ ngại những nội dung mà tôi cho là ‘cảm tính’ (kiểu như ‘yêu nước’, ‘quê hương’, ‘hi sinh’, v.v.) vì tôi không thuộc típ người đó. Tôi cũng không thuộc típ người kể công, bởi vì tôi quan niệm rằng mình làm hết mình khi còn sống, làm bất cứ việc gì thấy có lợi cho bà con và đồng nghiệp, còn ai hưởng được những gì mình cống hiến thì đó là chuyện tương lai. Tôi cố gắng chuyển tải ý tưởng đó, nhưng đồng thời tránh kiểu nói ‘thành công’. Tôi thuộc tín đồ của câu châm ngôn ‘làm người hữu dụng hơn là làm người thành công’.
Thế rồi tôi được chuyển cho một phóng viên rất xinh tên là T.T.X. Cô này thật ra chỉ chừng tuổi cháu gái tôi mà thôi, nhưng có lẽ là dân báo chí nên rất khá năng nổ hơn những cô cùng tuổi. Rồi phải liên lạc qua lại khá lâu mới sắp xếp được lịch quay phim. Ngày quay phim được quyết định là thời gian tôi về giảng ở Bịnh viện Chợ Rẫy và dự Hội nghị Đau Thần Kinh do Gs Nguyễn Thi Hùng tổ chức. Lúc đó là tuần đầu của Tháng 8 năm 2019.
Cảnh quay phim xoay quanh 3 nơi: khuôn viên ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, và Bịnh viện Chợ Rẫy. Ở ĐH Tôn Đức Thắng hôm đó là ngày khai mạc Trường học Việt Nam – Phần Lan (VFIS), và tôi là một khách mời (vì tôi là thành viên lãnh đạo của Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Đại học). Hội nghị Đau Thần Kinh được tổ chức tại ĐH Phạm Ngọc Thạch. Đó chính là lí do tại sao tôi mặc veston, và chỉ có một bộ thôi J (đi công tác xa mà, nên đâu thoải mái được). Còn tại Bịnh viện Chợ Rẫy thì hôm đó là chương trình CME về phương pháp nghiên cứu cho chừng 170 bác sĩ khắp nước, rất vui. Một số học viên trong lớp được phỏng vấn để họ nhận xét về tôi.
Sau những lần quay phim là phỏng vấn. Phỏng vấn được thực hiện tại Thư viện ĐH Tôn Đức Thắng. Đó là một khung cảnh rất tuyệt vời cho phỏng vấn. Hôm đó, tôi hơi lúng túng vì quá nhiều ánh đèn, các chuyên gia quay phim vây quanh, v.v. làm tôi ‘khớp’. Trong lúc trả lời phỏng vấn tôi nhìn vào ống kính, nhưng bị người quay phim bảo phải nhìn thế này, nhìn thế kia, rồi biểu cảm nữa. Bây giờ tôi mới biết đóng phim là rất khó!
Nhân dịp này, tôi xin chân thành cám ơn các bạn và đồng nghiệp: PGS TS Lê Anh Thư (Chủ tịch Hội Loãng Xương TPHCM); PGS TS Nguyễn Thi Hùng (Chủ tịch Hội Đau TPHCM); TS Thi Ngọc Bảo Dung (ĐH Tôn Đức Thắng, người ‘đạo diễn’ hôm quay tại Trường); GS TS Nguyễn Thời Trung (Phó hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng); TS Hà Tấn Đức (Bệnh viện Đa Khoa Trung Ương Cần Thơ); các bạn bác sĩ ở Chợ Rẫy đã sắp xếp việc quay phim, và cám ơn các em bác sĩ trong nhóm nghiên cứu VOS đã giúp đỡ. Trân trọng cám ơn các bạn đã bỏ thì giờ trả lời phỏng vấn và có những chữ đẹp về tôi. Tình cảm của các bạn làm tôi xúc động.
Sau cùng, tôi xin chân thành cám ơn phóng viên Trần T. Xuân đã có nhã ý làm một chương trình về những việc tôi làm và chịu khó đi theo tôi đến những chỗ ‘xa lạ’ để quay phim. Mỗi người có một chương trình để đời, và chương trình này đối với tôi là vậy.