Giao thoa thi ca và âm nhạc: kí ức Sài Gòn
Tôi trân trọng giới thiệu một người bạn của tôi, Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên, và chương trình sinh hoạt văn nghệ đặc sắc của anh ở Sài Gòn. Chương trình có tên là ‘Giao thoa thi ca và âm nhạc’ diễn ra vào một ngày đầu tháng 1/2020, nhưng hôm đó tôi dự 2 hội nghị khoa học nên không tham dự được. Tiếc ghê! Nhưng buổi sinh hoạt văn nghệ được tường thuật bằng video và tôi xin post lại ở đây như là một cách giới thiệu.
Tiến sĩ Nguyễn Lê Tuyên là một nhạc sĩ thuộc nhóm ‘xưa nay hiếm’. Hiếm là vì anh chuyên về nhạc dân tộc nhưng mang tính hàn lâm, vừa là một nhà nghiên cứu và giảng viên âm nhạc. Anh tốt nghiệp tiến sĩ âm nhạc từ Đại học Quốc gia Australia — đại học số 1 của Úc và ‘top 50’ trên thế giới. Anh có công giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam đến Úc, và đã từng trình diễn một số chương trình. Ngoài đời, anh là người nho nhã, nhiệt tình, và lúc nào cũng trăn trở về quê hương. Anh có một trang blog cá nhân ở đây: https://nguyenletuyen.wordpress.com.
NVT
===
https://nguoidothi.net.vn/giao-thoa-thi-ca-va-am-nhac-ky-uc-cua-mot-sai-gon-tho-mong-22101.html
“Giao thoa thi ca và âm nhạc”: ký ức của một Sài Gòn thơ mộng
Chương trình “Giao thoa thi ca và âm nhạc” lấy cảm hứng từ ký ức lãng mạn siêu thực của một Sài Gòn thơ mộng độc đáo, sẽ diễn ra tại Salon Saigon (6D Ngô Thời Nhiệm, Quận 3, TP.HCM) vào lúc 19 giờ tối ngày 15.1.2020.
12 sáng tác nghệ thuật gồm các bài thơ của nhà thơ Hạnh Ngộ và các bản nhạc của soạn giả Nguyễn Lê Tuyên, với sự tham gia trình diễn của các nghệ sĩ piano trẻ đến từ Nhạc viện TP.HCM.
Trao đổi với Người Đô Thị, nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên cho biết, những tác phẩm sáng tạo mới này được lấy chất liệu từ những thứ dung dị, bình thường trong đời sống hàng ngày của Sài Gòn, từ góc phố thân quen, những hàng cây xanh rợp bóng mát, những tiếng lá khô gió thổi bay trên đường, những cơn mưa bất chợt, dòng người xuôi ngược, những tiếng rao hàng rong, những con hẻm, những giao lộ, hay là ánh mắt nụ cười vô tình lướt qua nhau của những người xa lạ gặp gỡ ở Sài Gòn.
Đối với các sử gia, lịch sử của một thành phố được ghi chép bằng chữ viết, các công trình khảo cổ; đối với nhiếp ảnh gia, lịch sử được ghi bằng hình ảnh; đối với họa sĩ, kiến trúc sư lịch sử được ghi dấu bằng các tác phẩm hội họa, điêu khắc... Và với vai trò của nhà soạn nhạc, nhà thơ, lịch sử được viết bằng nốt nhạc và lời thơ.
Đây là điều mà mà cả nhà thơ Hạnh Ngộ và nhạc sĩ Lê Tuyên cùng tâm đắc: “Lời thơ ý nhạc chứa đựng những vết tích của quá khứ cùng những giấc mơ và khát vọng của hiện tại và tương lai. Đây là sự kết tinh của âm thanh, màu sắc, hình ảnh, của những sinh hoạt bình dị ở Sài Gòn, lồng ghép vào những bản piano được sáng tác theo phong cách cổ điển”.
Sự giao thoa của lời thơ và những nốt nhạc lấy cảm hứng về Sài Gòn mang thông điệp sâu hơn tên gọi của chương trình, nhạc sĩ Lê Tuyên chia sẻ.
Đối với những khán giả thuộc thế hệ đi trước, các tác phẩm sẽ đưa người nghe về một Sài Gòn trong quá khứ, níu kéo những kỷ niệm rất xa giờ có thể đã trở thành ảo ảnh và không còn tìm thấy hôm nay. Và cả một Sài Gòn tưởng đã thuộc về quá khứ nhưng vẫn tiếp nối đến hiện tại với bao thay đổi ngoài sự mong muốn của những người hoài cổ, và họ đang phải lãng mạn hóa thực tại, dù đó là điều rất khó chấp nhận, để tiếp tục yêu thành phố này hơn.
Còn với những người yêu Sài Gòn thuộc thế hệ thiên niên kỷ, những tác phẩm như là món quà từ quá khứ mà những người từng sống, cảm nhận về Sài Gòn nhiều thập niên trước mang tặng cho thế hệ sau, tạo cảm hứng cho thế hệ trẻ tự tin sáng tác các tác phẩm âm nhạc mang đậm tính lịch sử về một thành phố thân yêu nơi mình từng sống.
Nhà thơ Hạnh Ngộ, sinh năm 1980, là hội viên hội Nhà văn TP.HCM và cũng là nhà biên kịch của nhiều phim truyền hình. Các tập thơ của chị đã được xuất bản gồm: Vang vọng (2004), Rơi ngược (2008), Nắng từ những ngón chân (2010), Thơ tình với Sài Gòn (2014) và Lặng soi (2019).
Nhạc sĩ Lê Tuyên, nhà soạn nhạc người Úc gốc Việt, Giảng viên Đại học quốc gia Australia và Uỷ viên ban sáng tạo nghệ thuật của Bộ Giáo dục New South Wales, cho biết sáu bản nhạc cho đàn piano đã từng được giáo sư về sáng tác Diana Blom trình diễn trong buổi ra mắt đầu tiên tại Playhouse Theatre, Western Sydney University Australia hôm 27.11.2019.
Chương trình đặc biệt này diễn ra tại một tòa nhà mang tính lịch sử của thành phố – Salon Saigon, cái tên được lấy từ ý tưởng liên quan đến sự tụ hội, tập trung lại một nơi từng nở rộ ở Pháp vào những năm thuộc thế kỷ 17-18. Tòa nhà là nơi mà gia đình đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge Jr từng ở trong nhiệm kỳ tại Việt Nam (1963-1967).
Hiện nơi này có chức năng không gian dành cho các sáng tác đương đại, như các triển lãm, trình diễn, hội thảo, chiếu phim hay các chương trình giáo dục, cũng như các bộ sưu tập liên quan đến văn hóa Việt Nam.
Chọn Salon Saigon làm không gian trình diễn “Giao thoa thi ca và âm nhạc”, những người thực hiện mong muốn mang đến cho người thưởng thức những món quà trọn vẹn về âm thanh, không gian, và lời thơ đậm chất Sài Gòn.
Cũng trong tháng 1.2020 tại Salon Saigon, một số bộ sưu tập của các nghệ sĩ như Dinh Q. Lê, Bùi Công Khánh, Tiffany Chung, Hà Mạnh Thắng, Hoàng Dương Cầm, Chinh Lê, Lê Hoàng Bích Phượng, Lê Thừa Tiến được triển lãm. Đây là những tác phẩm thể hiện cách các nghệ sĩ đưa quan điểm truyền thống và di sản của Việt Nam vào những vấn đề đương đại, đồng thời giới thiệu tác phẩm của nhiều nghệ sĩ trẻ khác.
Kim Dung