top of page

Toàn cảnh về dịch Covid-19: hỏi và đáp

Dịch COVID-19 đã diễn ra tại nhiều nơi, và đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học tuyệt vời, với những thông tin mới. Tôi soạn cái note này (có lẽ hơi dài) cho một bạn bác sĩ ở trong nước, nhưng thật ra cũng là để tôi tự hệ thống hóa những thông tin liên quan đến dịch COVID-19. Tôi sẽ tập trung vào những chủ đề như nguồn gốc của dịch, qui mô của dịch, về coronavirus, cơ chế lây lan, điều trị, và phòng ngừa. Đây là tài liệu cá nhân, không phải của một cơ quan nào, dù nguồn thông tin và nghiên cứu khoa học đều được tham khảo.

Nguồn gốc của dịch COVID-19

1. Dịch bắt đầu từ lúc nào và ở đâu?

Dịch COVID-19 (trước đây gọi là Dịch Vũ Hán) bắt nguồn từ chợ Thủy Sản thuộc thành phố Vũ Hán bên Tàu. Đây là chợ nổi tiếng nhứt nhì ở Vũ Hán, và phía Tây của chợ chuyên bán những động vật hoang dã (nhưng không có bán dơi). Ngày 11/2/2020, dịch được WHO chánh thức định danh là "COVID-19" và kèm theo câu "public enemy number one" (kẻ thù số 1 của công chúng) [1].

2. Dịch Covid-19 bộc phát từ ngày nào?

Theo báo chí và WHO thì dịch bộc phát vào tháng 12/2019, nhưng không rõ ngày nào. Tuy nhiên, trong một bài báo trên Bloomberg, tôi chú ý thấy 1 ca được nhập viện vào tháng 11/2019 [2]. Do đó, rất có thể dịch đã bộc phát trước hay trong tháng 11/2019, và mãi đến tháng 12/2019 thì nhà chức trách Tàu mới báo cáo cho WHO.

3. Có phải ‘xổng chuồng’ từ labo vi sinh ở Vũ Hán?

Trong mạng xã hội và thậm chí được một dân biểu Mĩ đề cập một 'thuyết âm mưu' rằng virus gây dịch COVID-19 là một vũ khí sinh học do một labo ở Vũ Hán chế ra, và vì lí do nào đó bị 'xổng chuồng'! Một nhóm gồm 27 nhà khoa học ngoài Tàu đã xác định là virus Covid-19 không phải do nhân tạo [3]. Hơn thế nữa, phân tích di truyền cho thấy con virus mới (nay gọi là SARS-Cov-2) có nguồn gốc từ coronavirus tìm thấy trong dơi, với tỉ lệ tương đồng lên đến 96% [4]. Cần nói thêm rằng con virus mới có 6 đột biến tại vùng thụ thể giúp nó kết nối với thụ thể ACE2 ở người, heo, mèo, tê tê (và có thể động vật khác). Sự đột biến này nhất quán với quá trình tiến hoá của virus hơn là từ nhân tạo. Trong tổng số 585 mẫu lấy từ chợ thuỷ sản Vũ Hán, 33 có kết quả dương tính cho SARS-Cov-2. Và, trong số 33 này, 31 mẫu được thu thập ở phía Tây chợ Vũ Hán, nơi bán động vật hoang dã. Tất cả những sự thật này nói lên rằng SARS-Cov-2 là tiến hóa từ virus corona trong dơi, chớ không phải do nhân tạo.

4. Dịch COVID-19 đã lây lan đến đâu?

Tình hình lây lan càng ngày càng rộng trên thế giới. Tính đến nay (ngày 27/2/2020), dịch đã diễn biến ở 45 quốc gia trên thế giới, từ Á châu (Tàu, Nhật, Hàn, Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Úc), Mĩ, Nam Mĩ, Trung Đông (Iran, Ai Cập), đến Âu châu (Ý, Đức, Thụy Sĩ).

Qui mô và 'độc lực' của dịch

5. Bao nhiêu người bị nhiễm và bao nhiêu phần trăm là bệnh nặng?

Một lần nữa, tình hình thay đổi hàng ngày, nên khó có thể nói chính xác. Tính đến nay (27/2/2020), đã có 82,419 ca nhiễm trên thế giới; trong số này 95% là từ Tàu, kế đến là Nam Hàn (1766 ca), du thuyền Diamond Princess (705 ca), Ý (470), Nhật (207), Iran (141). Trong tổng số 82419 ca, có 35,979 (44%) đã được 'giải quyết', tức có kết quả: 2808 (8%) tử vong và 33171 (92%) xuất viện và hồi phục. Số còn lại (46440) đang được điều trị, và trong số này 18% được xem là 'serious hay critical' [5].

6. Thời tiết ấm/nóng có làm giảm qui mô lay lan của dịch?

Ý tưởng về ảnh hưởng của thời tiết đến khả năng sống sót của virus (như SARS-Cov-2) đã được đề cập ngay từ những ngày đầu trong dịch Covid-19. Ngay cả Tổng thống Mĩ Donald Trump -- có lẽ qua cố vấn của các chuyên gia -- cũng dự báo rằng dịch Covid-19 sẽ giảm đi vào mùa xuân.

Nhìn lại các trận dịch ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp trước đây, kể cả dịch cúm mùa, thường xảy ra vào mùa đông và tàn lụi vào mùa nắng ấm. Chẳng hạn như năm nay, dịch Covid-19 xảy ra vào mùa đông ở Vũ Hán. Hơn thế nữa, các nước đang ở vào nhiệt độ lạnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, và Nhật Bản cũng bị dịch nặng hơn các nước có khí hậu ấm (như Nam Dương). Trước đó, dịch SARS cũng xảy ra vào mùa đông ở Hồng Kông. Tuy nhiên, cũng có một ca ngoại lệ là dịch H1N1 xảy ra vào mùa hè năm 2009, mặc dù con virus này được xem là 'virus mùa đông'. Do đó, rất nhiều chuyên gia Mĩ và Á châu hi vọng rằng dịch Covid-19 lần này cũng sẽ suy giảm vào mùa xuân và mùa hè.

7. Tỉ lệ tử vong là bao nhiêu?

Rất khó ước tính tỉ lệ tử vong trong khi dịch vẫn còn diễn ra. Tuy nhiên, tính chung theo 'case fatality rate' thì tỉ lệ tử vong hiện nay là 3.4% (2808 tử vong trên 82419 ca nhiễm). Tuy nhiên, sau khi phân tích dữ liệu của một bài báo [6], tôi ước tính tỉ lệ tử vong trong 30 ngày là 4.6%, với khoảng tin cậy 95% dao động từ 4.4 đến 4.9%. Tuy nhiên, đa số ca tử vong là nam giới (64%) và trên 60 tuổi (81%). Ở những người không có bệnh đi kèm, nguy cơ tử vong là 1.6 /100-người-tháng. Nhưng những bệnh nhân tim mạch có nguy cơ tử vong lên đến 20.4 / 100-người-tháng, tức cao gấp ~13 lần so hơn những người không có bệnh đi kèm. Nguy cơ tử vong cũng tăng cao ở những bệnh nhân tiểu đường (13.4 / 100-người-tháng), hô hấp mãn tính (~12), cao huyết áp (11), và ung thư (~11) [7].

Nguy cơ tử vong tính bằng tỉ suất trên 100 người-tháng theo độ tuổi (bên trái) và tính theo CFR (bên phải: tức tỉ lệ tử vong trên 100 người bị nhiễm -- bất kể thời gian theo dõi). Đường đứt đoạn màu nâu là nguy cơ trung bình. Người trên 60 tuổi có nguy cơ tử vong tăng gấp 2.2 lần so với trung bình (4.6 / 100 người-tháng). Nguồn: Tôi tính toán và vẽ biểu đồ dựa trên số liệu từ bài báo "The Epidemiological Characteristics of an Outbreak of 2019 Novel Coronavirus Diseases (COVID-19) — China, 2020", CCDC Weekly / Vol. 2 / No. x.

Nguy cơ tử vong tính bằng tỉ suất trên 100 người-tháng theo bệnh đi kèm. Đường đứt đoạn màu nâu là nguy cơ trung bình (4.6 / 100-người-tháng). Bệnh nhân tim mạch, tiểu đường, ung thư, hô hấp mãn tính có nguy cơ tử vong liên quan đến SARS-Cov-2 tăng cao. Nguồn: Tôi tính toán và vẽ biểu đồ dựa trên số liệu từ bài báo "The Epidemiological Characteristics of an Outbreak of 2019 Novel Coronavirus Diseases (COVID-19) — China, 2020", CCDC Weekly / Vol. 2 / No. x.

8. Như vậy, có thể xem dịch COVID-19 là 'đại dịch' (pandemic) chưa?

Theo định nghĩa của WHO thì dịch COVID-19 chưa được xếp vào 'đại dịch', nhưng là dịch địa phương 'epidemic'. Tuy nhiên, vài nước (như Úc) đã chuẩn bị một đại dịch và sẵn sàng đối phó.

Về coronavirus

9. Coronavirus gây dịch lần này có liên quan gì với virus gây dịch SARS và MERS trước đây?

Virus gây dịch COVID-19 được định danh là SARS-Cov-2, và điều này cho thấy nó có liên quan mật thiết với virus SARS-Cov gây dịch SARS trước đây. Các con coronavirus thuộc chi (genus) beta-coronaviruses (viết tắt là beta-Cov). Chi beta-Cov được chia thành 4 dòng (lineages) như sau:

  • Dòng A: OC43, HKU1

  • Dòng B: SARS-Cov và SARS-Cov-2

  • Dòng C: MERS-Cov

  • Dòng D: Rousettus trong dơi, HKU9

10. Cơ cấu sinh học của coronavirusnhư thế nào?

Cấu trúc của các con vi khuẩn corona bao gồm 4 protein cơ cấu: nucleocapsid, envelope, membrane và spike. Protein nucleocapsid có chức năng hình thành các chất liệu di truyền cơ bản, và có hình trái banh tròn. Bề ngoài của nucleocapsid là cái ‘bao thư’ (envelope) và màng nhầy (membrane). Còn cái protein ‘spike’ nó có hình dáng của một cái dùi cui, và nó cắm trên ‘trái banh’. Thành ra, nhìn con virus này thì chúng ta thấy nó giống như cái vương miện hình tròn. Chính vì vậy mà người ta đặt cho nó cái tên hơi vương giả là ‘corona’.

Các coronavirus được xếp vào nhóm ‘enveloped single-stranded RNA’, tức là hệ gen của chúng là RNA (chứ không phải DNA) và hai là hệ gen của chúng ‘gói’ trong một cái vỏ giống protein như bao thư. Các coronavirsus có ‘sợi dây’ RNA dài đến 30,000 mẫu tự, và độ dài này được xem là dài nhất so với các cgi virus khác.

Cấu trúc của các con vi khuẩn corona bao gồm 4 protein: nucleocapsid, envelope, membrane và spike. Nguồn: Peiris et al. Nature Medicine 2004; 10:S88-97.

11. Cơ chế tấn công người của coronavirus ra sao?

Tất cả virus chỉ có một việc: xâm nhập vào kí chủ và nhân bản càng nhiều càng tốt. Để xâm nhập vào kí chủ, chúng phải kết nối với thụ thể của tế bào người. Các SARS-Cov kết nối với thụ thể có tên là ACE2 (angiotensin-converting enzyme 2), nhưng virus MERS thì dùng thụ thể DPP4. Cả hai thụ thể ACE2 và DPP4 đều được tìm thấy ở tế bào phổi và vài cơ phận khác (Jia et al. Virol 2005;79:14614-21). Thụ thể DPP4 hoạt động tích cực ở phần dưới của phế quản. Sự phân bố của các thụ thể này trong các mô và cơ phận có thể là yếu tố giải thích tại sao một số virus như MERS lại độc hại hơn virus Covid-19.

Sau khi xâm nhập vào tế bào của con người, chúng bắt đầu nhân bản (hoặc tiếp tục xâm nhập vào các tế bào khác). Để nhân bản, chúng phải dùng đến ‘bộ máy’ RNA (và sự thật này có liên quan đến thuốc điều trị sẽ đề cập dưới đây). Sau khi xâm nhập vào phổi, chúng tấn công vào tế bào celia của phổi (vốn có chức năng sản xuất ra chất nhầy để bảo vệ phổi).

12. Cơ thể con người 'chống trả' sự tấn công của virus corona như thế nào?

Khi tế bào bị virus tấn công, một hệ thống phòng thủ được hệ miễn dịch nội sinh kích hoạt. Sau kích hoạt, các tế bào sẽ tiết ra một protein có tên là interferon. Protein interferon lại kích thoạt một loạt hoạt động chống virus. Các hoạt động này bao gồm đóng cửa ‘nhà máy’ sản xuất protein để làm cho tế bào chết đi, và như thế thì virus sẽ khó có đường xâm nhập. Nhưng trong vài trường hợp, hệ miễn dịch trong người bị rối loạn, và các đội quân tế bào của hệ miễn dịch có thể tiêu diệt bất cứ vật nào trên đường chúng ‘hành quân’. Nói ví von theo tiếng Anh là ‘collateral damage’ – tác hại ngoài dự kiến. Một trong những tác động đó là làm suy giảm tế bào T và cytokines – hai yếu tố rất quan trọng trong phòng vệ. Nói cách khác, chúng ta mắc bệnh một phần là do hệ thống miễn dịch nội sanh phản ứng thái quá [khi virus tấn công], và một phần là do virus xấu tấn công.

Bởi vì hệ miễn dịch của chúng ta bị ‘cuống cuồng’ chống trả SARS-Cov, nên gây tổn hại không chỉ cho phổi mà còn vài cơ phận khác. Thật vậy, điều này có thể giải thích cho kết quả của một phân tích trước đây cho thấy hơn 90% bệnh nhân trong trận dịch MERS mắc một số triệu chứng khác như tăng men gan, suy giảm bạch cầu và platelet, suy giảm huyết áp. Trong vài trường hợp hơi hiếm, bệnh nhân còn bị tổn thương ở thận và suy tim.

Cơ chế lây lan

13. Coronavirus lây lan sang người bằng con đường nào?

Vi khuẩn chỉ sống nhờ vào một động vật hay người, hay gọi chung là ‘kí chủ’. Cho đến nay, chúng ta đã biết khá chắc chắn rằng kí chủ đầu tiên của coronavirus là loài dơi. Cơ sở khoa học là qua phân tích giải trình tự gen (gene sequencing). Kết quả giải trình tự gen con coronavirus trong dơi coronavirus gây ra dịch Covid-19 năm nay cho thấy 95%-97% trình tự gen của virus giống với trình tự gen của virus corona trong loài dơi [8].

Thật ra, dơi đã bị nhiễm coronavirus rất lâu, nhưng dơi không bị những chứng bệnh như người khi bị nhiễm coroavirus. Một giả thuyết có thể giải thích cho sự khác biệt này là hệ thống miễn dịch của dơi có vẻ chấp nhận coronavirus, còn hệ miễn dịch của người thì phản ứng thái quá trước sự xâm nhập của virus.

14. Từ dơi sang người qua trung gian nào?

Chưa ai biết rõ kí chủ trung gian. Nhưng rất có thể đó là con tê tê, cầy hương hay heo. Một nghiên cứu do Đại học Nông nghiệp, Quảng Châu (Guangzhou) so sánh trình tự gen của virus corona lây nhiễm con tê tê và người thì thấy trùng hợp đến 99%, hàm ý rằng tê tê là kí chủ trung gian đưa virus khuẩn corona đến người trong trận dịch Covid-19. (Ghi chú thêm: công trình này chưa được công bố trên một tập san khoa học, mới chỉ được báo cáo trong một hội nghị y khoa).

Một chứng cớ khác là thụ thể (receptor), ví von như là cánh cửa của một tế bào. Các coronavirus gây ra dịch SARS, MERS (và có thể Covid-19) đều dùng một thụ thể ACE2. Thụ thể này hiện diện trong loài dơi, heo, và cầy hương. Do đó, ngoài tê tê, rất có thể heo và cầy hương là những vật trung gian ‘đưa đường dẫn lối’ virus từ dơi sang người. Trước đây, người ta nghi ngờ rằng rắn hổ mang là vật trung gian, nhưng các phân tích mới cho thấy nghi ngờ này không có cơ sở khoa học.

15. Lây lan giữa người và người xảy ra như thế nào?

Một số báo cáo khoa học mới đây cho thấy coronavirus có thể lây lan từ người sang người. Tuy nhiên, Cơ chế lây lan từ người sang người cũng là một câu hỏi chưa có câu trả lời chính xác. Chúng ta biết rằng coronavirus không lây qua đường không khí. Chúng chỉ có thể đi với một yếu tố trung gian, và yếu tố đó là những cái hắt hơi và ho. Khi chúng ta hắt hơi hay ho, chúng ta phun ra môi trường hàng trăm ngàn giọt li ti (bao gồm chất lỏng, đàm, nước bọt, hay gọi chung là ‘droplets’).

Do đó, nếu một người bị nhiễm coronavirus hắt hơi hay ho, và nếu người đứng gần (1.8 mét) trong thời gian 10 phút sẽ rất dễ bị lây nhiễm. Một cơ chế lây nhiễm khác được đặt ra là các giọt droplets lắng đọng xuống bề mặt của các vật dụng như bàn, ghế, sàn, cánh cửa, tay cầm, v.v.

16. Thời gian virus sống sót trên mặt vật dụng là bao lâu?

Theo số liệu nghiên cứu thì các droplets chứa virus có thể tồn tại trên mặt các vật dụng như bàn, ghế, tay cầm của cửa, v.v. Thời gian tồn tại, theo một nghiên cứu từ Đức, dao động trong khoảng 4-5 ngày trong điều kiện nhiệt độ phòng (tức 20 độ C), nhưng tối đa chúng có thể sống đến 9 ngày. Nhiệt độ càng thấp và càng ẩm thì coronavirus sẽ sống lâu hơn.

17. Hệ số lây lan là bao nhiêu?

Hệ số này chỉ được ước tính trong điều kiện dữ liệu hiện hành. Theo WHO, hệ số lây lan (R0) của SARS-Cov-2 dao động trong khoảng 1.4 - 2.5. Mới đây, có một nghiên cứu cho thấy R0 là 2-3 [9]. Trước đây, hệ số R0 cho SARS-Cov là 2-5 [10].

18. Những người đã được điều trị hết bệnh có tiềm ẩn virus trong cơ thể hay không?

Đây là một câu hỏi đang được nhiều người quan tâm. Câu trả lời là có thể. Bằng chứng mới được công bố hôm nay (27/2/2020) trên JAMA [11] báo cáo rằng có 4 bệnh nhân được cho xuất viện theo tiêu chuẩn (không còn triệu chứng, 2 xét nghiệm âm tính, và không có dấu hiệu trên X quang), nhưng sau đó (5-13 ngày) thì lại có kết quả xét nghiệm dương tính! Do đó, có khả năng là virus vẫn tồn tại và tái nhiễm dù bệnh nhân tưởng như đã hết bệnh!

Lâm sàng

19. Triệu chứng hay thấy nhứt ở bệnh nhân nhiễm là gì?

Theo một nghiên cứu trên 138 bệnh nhân (75% nam bệnh nhân) ở Vũ Hán, các triệu chứng sau đây được ghi nhận: gần 99% sốt, 70% mệt mỏi, ~60% ho, 35% đau cơ. Ngoài ra, còn có một số triệu chứng khác: nhức đầu, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy, ói mửa. Gần 50% có bệnh đi kèm như cao huyết áp (31%), tiểu đường (10%), và bệnh tim mạch (14%) [12].

20. Thời gian ủ bệnh là bao lâu?

Theo WHO [13], thời gian ủ bệnh là 5-6 ngày (nhưng có thể dao động từ 0-14 ngày). Đó cũng chính là lí do các nhà chức trách cách li người có nguy cơ cao 14 ngày. Còn một nghiên cứu bên Tàu thì cho thấy thời gian trung bình (thật ra là trung vị) ủ bệnh của SARS-Cov-2 virus là 4 ngày, dao động từ 3 đến 5 ngày [14].

21. Virus gây cúm mùa và SARS-Cov-2 khác nhau như thế nào?

Một cách ngắn gọn, SARS-Cov-2 tấn công vào phần dưới của hệ thống hô hấp (phổi), còn virus gây cúm mùa tấn công vào phần trên (cổ họng, mũi, v.v.). Phổi là môi trường độc hại cho virus, nên chỉ có những con virus 'hung dữ' mới có thể tồn tại, chớ virus 'bình thường' thì không dám đến vùng hiểm nguy đó.

Điều trị

22. Đã có vaccine cho dịch Covid-19 chưa?

Cho đến nay, khoa học chưa có vaccine đặc trị cho bệnh nhân bị nhiễm SARS-Cov-2. Một số công ti đang ráo riết nghiên cứu sản xuất vaccine cho SARS-Cov-2, nhung thời gian thử nghiệm và đến bệnh nhân cũng phải mất ít nhứt là 12 tháng.

23. Có thể dùng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-Cov-2?

Không. SARS-Cov-2 là virus (chớ không phải bacteria - vi trùng), nên thuốc kháng sinh không có hiệu quả lâm sàng.

24. Vậy bệnh nhân được điều trị như thế nào?

Hiện nay, trong điều kiện không có vaccine đặc trị, điều trị bệnh nhân SARS-Cov-2 chủ yếu là bơm oxygen vào phổi, theo dõi các cơ phận thiết yếu, và đối phó với các biến chứng.

Hai nhóm thuốc đang được dùng cho điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-Cov-2 là nucleoside analogues (NA) và protease inhibitors (PI) [15].

Nhóm thuốc 'nucleoside analogues' đã được FDA phê chuẩn bao gồm favipiravir và ribavirin. Hai thuốc cũng trong nhóm NA là remdesivir và galidesivir thì còn đang được thử nghiệm trong giai đoạn III. Các thuốc NA có cơ chế ức chế sự hình thành RNA của virus. Cần nói thêm rằng chất liệu di truyền của các coronavirus là RNA.

Các loại thuốc trong nhóm PI bao gồm disulfiram, lopinavir và ritonavir vốn đã được dùng cho điều trị chống dịch SARS và MERS trước đây. Disulfiram là thuốc từng được dùng để điều trị những người nghiện alcohol nhưng có khả năng ức chế protease của MERS và SARS trên tế bào, nhưng trên người thì chưa có chứng cớ. Ở vài trường hợp cá biệt, các bác sĩ dùng thuốc điều trị HIV cho bệnh nhân nhiễm SARS-Cov-2, nhưng xin nhấn mạnh đây là những ca cá biệt.

Phòng ngừa

25. Biện pháp phòng ngừa thực tế nhứt là gì?

Bởi vì vi khuẩn có thể lây lan qua các giọt droplets khi hắt hơi, chúng ta cần phải tập thói quen của người phương Tây nhằm kiềm chế lây lan. Thói quen này bao gồm hắt hơi vào khuỷu tay, hoặc/và sử dụng giấy tissue để ngăn ngừa các giọt droplets phun ra ngoài môi trường.

Có người cho rằng dùng khẩu trang để ngăn ngừa bị lây nhiễm từ các giọt droplets. Tuy ý tưởng đó thoạt nghe qua thì hợp lí, nhưng rất nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy đeo khẩu trang không giúp làm giảm nguy cơ lây lan virus. Thậm chí, đa số công chúng đeo khẩu trang không đúng cách, hay vẫn theo thói quen dùng tay điều chỉnh khẩu trang, hay đeo khẩu trang lâu giờ mà không vệ sinh, tất cả những thói quen đó còn tạo điều kiện cho vi khuẩn lây lan dễ hơn!

Bởi vì virus có thể hiện diện trên bề mặt của các vật dụng trong nhà, nên việc lau chùi diệt khuẩn thường xuyên là biện pháp hữu hiệu giảm nguy cơ lây lan. Chúng ta hay sờ vào các vật dụng trong nhà, và nếu các vật dụng này hàm chứa coronavirus, thì khi chúng ta bắt tay hay sờ một người khác hay sờ mặt mũi chúng ta, thì nguy cơ lây nhiễm cũng rất cao. Do đó, cần phải tập thói quen rửa tay thường xuyên. Thật ra, rửa tay thường xuyên (chứ không phải đeo khẩu trang đại trà) được xem là biện pháp phòng ngừa lây nhiễm vi khuẩn hữu hiệu nhất ở qui mô cộng đồng.

26. Có nên đóng cửa trường học để giảm lây lan?

Rất nhiều nghiên cứu trong quá khứ cho thấy đóng cửa trường trong mùa dịch có thể giảm số ca nhiễm ở đỉnh điểm và hoãn thời gian đến đỉnh điểm, nhưng không ngăn chận được dịch. Chủ trường đóng cửa trường hay mở cửa trường trong mùa dịch đều có những lợi ích và bất lợi và tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi có nguy cơ cao, hệ số lây lan, và phân bố của dịch [16].

Đóng cửa trường trước mắt là có thể giảm số ca lúc đỉnh điểm hay trì hoãn thời gian đến đỉnh điểm. Nhưng chủ trương này có vài bất lợi trong việc kiểm soát dịch. Thứ nhứt là không hạn chế được sự tiếp xúc và quây quần đám đông của trẻ em (như đi xem cinema). Thứ hai là không thể kiểm tra dịch, nếu dịch xảy ra, và không kiểm tra được những tiếp xúc nơi đông người. Đó là chưa nói đến tổn thất về kinh tế - xã hội, vì cha hay mẹ phải ở nhà để chăm sóc các cháu, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội.

Tuy nhiên, nếu mở cửa trường trong mùa dịch thì sẽ tăng cao nguy cơ nhiễm và lây lan, nên phải áp dụng các biện pháp sau đây một cách triệt để: Phun thuốc phòng chống virus; kiểm tra sốt hàng ngày; giám sát chặt chẽ những trẻ em có nguy cơ cao (tiền sử nhiễm virus); hạn chế tiếp xúc nới quá đông người; và áp dụng chủ trương cô lập hóa khi phát hiện ca nhiễm.

Dự báo tương lai

27. Đến bao giờ thì dịch sẽ hết?

Theo Bác sĩ Zhong Nanshan, người đang điều phối một nhóm chuyên gia để chống dịch, dự báo rằng dịch sẽ đạt đỉnh điểm vào cuối tháng này (2/2020) [17]. Dự báo này chỉ là định tính, chớ không có tính toán. Tuy nhiên, một phân tích định lượng của một nhóm nghiên cứu bên Anh cũng có vẻ nhất quán với dự báo của Zhong. Nhà thống kê học Sebastian Funk [18] dùng mô hình thống kê (với giả định hệ số lây lan R0 = 1.5 - 4.5) dự báo rằng khoảng 10% dân số Vũ Hán (1 triệu người) sẽ bị nhiễm SARS-Cov-2. Số liệu mới nhứt (số ca nhiễm giảm trong vài ngày gần đây) thì quả thật dự báo lạc quan là có cơ sở.

28. Dự báo chung cho tương lai như thế nào?

Hiện nay, ở bên Tàu thì số ca nhiễm đang chựng lại, nhưng ở vài nước trên thế giới (như Nam Hàn) thì lại đang tăng. Giới khoa học nghĩ đến 3 viễn cảnh [19] như sau:

Viễn cảnh 1: dịch Vũ Hán sẽ được kiểm soát sau 1 năm. Dịch bệnh truyền nhiễm sẽ chấm dứt khi nào giới khoa học có vaccine đặc chủng. Nhưng cho đến nay thì thế giới chưa có vaccine cho SARS-Cov-2. Tuy hiện nay đã có vài thử nghiệm vaccine, nhưng cũng phải chờ ít nhứt là 1 năm để vaccine có mặt trên thị trường. Trước đây, dịch SARS xảy ra vào tháng 2/2003, và các biện pháp can thiệp y tế công cộng được triển khai nhanh chóng. Đến giữa tháng 7/2003 thì đa số các nước tuyên bố là đã dứt dịch, và đến đầu năm 2004 thì SARS coi như chấm dứt. Do đó, với biện pháp y tế công cộng như hiện nay, dịch COVID-19 có thể sẽ còn với chúng ta cho đến cuối năm 2020.

Viễn cảnh 2: Giới dịch tễ học xem dịch bệnh truyền nhiễm như lửa; mà trong đó virus là ngọn lửa và con người là củi. Đến một lúc nào đó thì ngọn lửa sẽ tàn khi củi không còn nữa. Tương tự, dịch bệnh truyền nhiễm sẽ ‘tàn lụi’ khi virus không tìm thấy người lí tưởng để nhiễm. Dịch Zika 2016, thoạt đầu chúng lây nhiễm rất nhiều người (hơn 35000 ca), nhưng đến khi kí chủ không còn bao nhiêu thì dịch bắt đầu suy giảm. Mặc dù các giới chức y tế cho biết Zika vẫn còn đó, nhưng chúng không còn lan nhiễm như trước đây.

Viễn cảnh 3: SARS-Cov-2 sẽ trở thành một trong đại gia đình virus thông thường với chúng ta. Giới truyền nhiễm học cho biết virus H1N1 trước đây (2009) bùng phát thành một đại dịch (pandemic), nhưng sau một thời gian thì nó trở thành một phần của quần thể virus sống chung với cộng đồng con người. Hiện nay, đã có 4 chủng coronavirus sống chung với cộng đồng con người và gây ra cảm cúm mỗi năm. Mặc dù chúng ta chẳng ai muốn có thêm coronavirus, nhưng chúng ta cũng khó có thể tiêu diệt chúng hoàn toàn, và có thể chúng ta phải chấp nhận sống chung với một thành viên thứ 5 trong gia đình coronavirus. Tôi nghĩ viễn cảnh thứ 3 là thực tế nhứt.

Hi vọng rằng note này -- trong môi trường thông tin giả tràn lan -- đã cung cấp vài thông tin và trả lời những thắc mắc liên quan đến dịch Covid-19 của nhiều bạn trong và ngoài ngành y. Tình hình dịch COVID-19 thay đổi hàng ngày, và có rất nhiều nghiên cứu được công bố mỗi tuần. Do đó, tôi sẽ cố gắng cập nhựt thông tin khi có thêm nghiên cứu.

Trong khi quan tâm đến dịch COVID-19 (chánh đáng), chúng ta cũng đừng quên rằng dịch cúm mùa giết chết rất nhiều người hàng năm. Chỉ riêng ở Mĩ tính đến tháng 2/2020 có ít nhứt 16,000 chết vì cúm mùa [20]. Ở VN, chúng ta chưa có dữ liệu về cúm mùa, nhưng dịch COVID-19 nhắc nhở chúng ta rằng còn có các bệnh truyền nhiễm khác (như lao chẳng hạn) vẫn là mối đe doạ dài lâu.

Một lần nữa, tôi phải nói rõ rằng đây là cái note cá nhân, nhận xét cũng mang tính cá nhân dù dựa trên dữ liệu nghiên cứu, chớ tôi không đại diện cho những nơi tôi làm việc.

Tài liệu tham khảo:

Dưới đây là danh sách tài liệu tham khảo cho các câu trả lời trên. Đa số tài liệu là những nghiên cứu đã được công bố trên Lancet, JAMA, NEJM, Nature, v.v. và có một số các bạn sẽ không có bản nguyên văn.

[7] Để xác định đúng nguy cơ tử vong, chúng ta cần phải xem xét đến yếu tố thời gian. Tôi sử dụng số liệu từ nghiên cứu (tài liệu tham khảo #6) và tính số tháng-người (person-months) và từ đó ước tính nguy cơ tử vong. Kết quả cho thấy tỉ suất tử vong trên 100 người-tháng là 4.6, với khoảng tin cậy 95% dao động từ 4.4 đến 4.9. Con số này có thể hiểu như sau: nếu chúng ta theo dõi 100 người trong vòng 1 tháng, chúng ta kì vọng sẽ ghi nhận khoảng 5 ca tử vong. Nói cách khác, nguy cơ tử vong [liên quan đến SARS-Cov-2] trong 1 tháng là 5%. Ở những người không có bệnh đi kèm, nguy cơ tử vong là 1.6 /100-người-tháng. Nhưng những bệnh nhân tim mạch có nguy cơ tử vong lên đến 20.4 / 100-người-tháng, tức cao gấp ~13 lần so hơn những người không có bệnh đi kèm. Nguy cơ tử vong cũng tăng cao ở những bệnh nhân tiểu đường (13.4 / 100-người-tháng), hô hấp mãn tính (~12), cao huyết áp (11), và ung thư (~11).

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page