“Tôi cố gắng tạo một dấu ấn Việt Nam về chuyên ngành loãng xương trên trường quốc tế”
Xin giới thiệu một bài phỏng vấn của tạp chí "Kiểu bào & Quê hương" nhân dịp tôi được trao một giải thưởng ở trong nước. Bài này gợi nhớ những kỉ niệm thời mới tới Úc, nhưng cũng có vài ước nguyện thầm kín (mà chắc sẽ không thực hiện được). NVT
Hình chụp cùng các em sinh viên Việt Nam ở Seoul, năm 2018 (?) trong dịp tôi đi nói chuyện trong một hội nghị nội tiết học bên Hàn Quốc. Các em ấy tổ chức một buổi seminar rất thân tình, và tôi nói về hành trình trở thành một nhà khoa học độc lập. Buổi nói chuyện có chừng 50 em, nhưng vì trời tối nên một số phải đi xen điện về các thành phố khác, và chỉ còn một số trong hình. Sau seminar, chúng tôi kéo nhau đi ... nhậu. (Nói đùa thôi, chớ thật ra là đi ăn tối).
GIÁO SƯ NGUYỄN VĂN TUẤN “Tôi cố gắng tạo một dấu ấn Việt Nam về chuyên ngành loãng xương trên trường quốc tế”
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn hiện đang làm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Y khoa Garvan (Sydney, Úc). Ông được bổ nhiệm điều hành một phòng thí nghiệm nghiên cứu về loãng xương và giữ chức vụ 'Senior Principal Research Fellow' – một chức danh dành cho giáo sư xuất sắc trong hệ thống ngạch bậc khoa học của Hội đồng nghiên cứu Y khoa và Y tế (NHMRC) của Úc. Ngoài ra, ông còn được bổ nhiệm chức vụ Giáo sư Y khoa của Đại học New South Wales, Giáo sư tiên lượng y khoa của Đại học Công nghệ Sydney (UTS), và Giáo sư kiêm nhiệm (Adjunct Professor) về dịch tễ học và thống kê học của Đại học Notre Dame Australia. Ông được cộng đồng loãng xương quốc tế đánh giá là một trong những nhà khoa học hàng đầu trong chuyên ngành vì đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc chẩn đoán loãng xương, đánh giá gãy xương, khám phá gen, ứng dụng gen trong đánh giá nguy cơ gãy xương. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với GS Nguyễn Văn Tuấn để có thể hiểu rõ hơn về những công việc mà ông đã và đang làm trong thời gian qua.
Phóng viên (PV): GS có thể chia sẻ lý do tại sao lại quyết định lựa chọn Australia để phát triển sự nghiệp mà không phải là một quốc gia nào khác? GS có thể chia sẻ lại hành trình những ngày đầu khi ở nơi “đất khách quê người”, trong khoảng thời gian ấy, GS đã trải qua những khó khăn như thế nào?
GS Nguyễn Văn Tuấn (NVT): Câu chuyện định cư ở Úc thì có lẽ hơi dài dòng, nhưng ngắn gọn là tôi được người thân bên Úc bảo lãnh cùng phái đoàn Đại Sứ quán Úc phỏng vấn và chấp nhận cho định cư ở Sydney vào năm 1982. Cũng như bất cứ người Việt nào thời đó (thập niên 1980), 'hành trình' sự nghiệp của mỗi cá nhân, kể cả của tôi, là một lịch sử. Tôi bắt đầu bằng công việc làm phụ bếp trong Bệnh viện Saint Vincent's, và có thời gian làm thêm một việc phụ bếp cho Khách sạn 5 sao Regent lúc đó mới mở ở Sydney. Sau phụ bếp, tôi làm phụ tá labo chuyên xử lí các mẫu sinh phẩm và phân tích di truyền trong phòng thí nghiệm bệnh lí học thuộc Bệnh viện Royal North Shore. Chính nhờ vào công việc này mà tôi trở nên thích thú với di truyền học. Làm việc ban ngày, ban đêm đi học lại. Trong thời gian đi học, tôi làm việc như là một trợ lý nghiên cứu (Research Assistant) và sau này trở thành chuyên gia nghiên cứu (Research Officer) cho một trung tâm nghiên cứu y tế thuộc Bộ Y tế bang New South Wales. Đó là nơi tôi được tiếp cận các nghiên cứu về dịch tễ học mà sau này trở thành một chuyên ngành tôi theo đuổi cho đến nay. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi quay về Đại học Sydney, rồi Đại học New South Wales và sau cùng là quay về Bệnh viện St Vincent's! Nói cách khác, tôi bắt đầu từ Bệnh viện St Vincent's và sau này lại quay về nơi mình khởi đầu.
PV: GS có thể chia sẻ một kỷ niệm mà mình nhớ nhất trong hành trình đầy những khó khăn và vất vả ấy?
NVT: Nói về kỉ niệm thì nhiều lắm. Kỉ niệm đầu tiên và đáng nhớ nhất có lẽ là lột củ hành tây. Công việc đầu tiên của tôi ở nhà bếp là rửa chén, nồi niêu, xoong chảo, v.v. Nói là 'rửa chén', nhưng thật ra tất cả đều làm bằng máy và tôi chỉ đứng đó chất chén, xoong, nồi niêu lên và điều khiển máy.
Nguyên tắc trong nhà bếp là làm tích cực như nhà mình. Điều này có nghĩa là sau khi xong việc chính thì phải tìm việc khác để làm. Một hôm, tôi được giao việc lột củ hành tây và nhìn thấy bao hành tây lớn ơi là lớn (mà tôi thường hay nói 'từ hồi cha sanh mẹ đẻ đến giờ chưa bao giờ thấy nhiều hành tây đến vậy'). Tôi hơi ngại và hỏi anh giám thị là tôi phải lột hết bao hành này ư, thì anh ta nhún vai nói 'Ừ, việc của anh mà.' Tôi lột đến củ hành thứ 3 là nước mắt đã giàn giụa. Anh giám thị đến hỏi tôi là do nhớ nhà hay sao mà khóc như vậy! Thực ra, không phải khóc vì tủi thân hay nhớ nhà, mà vì củ hành quá cay. Thế là anh ấy chỉ tôi cách lột củ hành bằng rưới nước để tránh bị cay mắt. Sau này, anh ấy nói tôi không có kinh nghiệm việc đó, nên chuyển sang làm phụ bếp cho bếp chánh (chef). Công việc trong nhà bếp tuy cực nhọc, nhưng tôi học được rất nhiều về phong cách làm việc của người phương Tây, kỉ cương về vệ sinh an toàn thực phẩm gần như tuyệt đối, phải chú ý đến chi tiết trong cách trình bày thức ăn và nhất là phải làm tốt công việc được giao phó bất kể việc đó nhỏ hay lớn.
PV: GS có thể chia sẻ những thành tựu mà mình đã đạt được trong suốt quá trình công tác của mình đến bạn đọc Bản tin Kiều bào với Quê hương? Trong những thành tựu mà GS đã gặt hái được, xin GS có thể cho biết mình tâm đắc nhất với thành tựu nào và có thể cho biết lý do, thưa GS?
NVT: Đối với một người làm nghiên cứu khoa học, công trình nào cũng là 'đứa con tinh thần' đáng được trân quý. Nhưng nếu hỏi về thành tựu tâm đắc thì tôi nghĩ công trình phát triển và triển khai mô hình tiên lượng gãy xương là có ý nghĩa thực tế nhất. Tôi và một em nghiên cứu sinh nghĩ ra cách xây dựng một mô hình để giúp bác sĩ có thể đánh giá nguy cơ gãy xương cho mỗi bệnh nhân. Chúng tôi làm trước cả Tổ chức Y tế Thế giới. Khi mới xuất bản, đồng nghiệp trên thế giới gọi là "Nguyen's model" (Mô hình Nguyễn), nhưng sau này thì Viện Garvan 'giành' lại tên. Mới đây, phòng thí nghiệm của chúng tôi thành công tạo ra một 'chữ kí gen' mà tôi gọi là 'Osteogenomic Profile' để tiên lượng nguy cơ gãy xương ngay từ lúc mới sanh ra. Chữ kí gen này thật ra là một nghiên cứu chuyển giao từ khám phá những gen có liên quan đến loãng xương thành một 'hồ sơ gen'. Phòng thí nghiệm chúng tôi đi đầu thế giới về lĩnh vực này.
Tôi phải nói đến một công trình rất quan trọng khác là công trình nghiên cứu loãng xương và bệnh lý mãn tính mà tôi đặt tên là 'Vietnam Osteoporosis Study' (VOS). Tôi đặt chữ 'Vietnam' trước để nhấn mạnh đây là công trình của người Việt ở Việt Nam. Công trình này do các đồng nghiệp trong nước điều phối được đánh giá là quy mô nhất nhì ở Á châu và đóng vai trò quan trọng trên thế giới.
PV: Được biết, GS hiện đang hợp tác với Trường Đại học Tôn Đức Thắng và là Giám đốc Phòng thí nghiệm nghiên cứu cơ xương của trường, GS có thể chia sẻ thêm về việc hợp tác này? Lý do tại sao GS lại lựa chọn Đại học Tôn Đức Thắng mà không phải là một trường Đại học nào khác, thưa GS?
NVT: Tôi làm việc với rất nhiều đại học ở trong nước, từ Bắc chí Nam, nhưng gắn bó chính thức thì chỉ với Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU). Hơn 5 năm trước, tôi được mời về Trường làm cố vấn khoa học và thành lập một Phòng nghiên cứu. Tôi nhận lời làm cố vấn và có tổ chức một buổi họp bàn về chiến lược phát triển TDTU. Tôi rất vui khi thấy TDTU đã phát triển nhanh theo hướng chúng tôi bàn bạc và đề ra từ 5 năm trước. Sau này, tôi được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Hội đồng Đào tạo và Khoa học của Trường và Chủ trì Hội đồng tuyển dụng và bổ nhiệm giáo sư cho Trường. Hội đồng này có nhiệm vụ đề ra tiêu chuẩn học thuật, phỏng vấn và đánh giá các ứng viên trong và ngoài nước cho các chức vụ khoa bảng của Trường. Đồng thời, tôi tiến hành thành lập phòng thí nghiệm nghiên cứu về cơ và xương, mà tôi gọi là "Bone and Muscle Research Group" (BMRg).
Tôi thích làm việc với Đại học Tôn Đức Thắng vì Ban giám hiệu của Trường không can thiệp vào việc làm của tôi, không tác động vào những kiến nghị của tôi; nhà trường trao cho tôi gần như độc lập để theo đuổi việc của mình nhưng cho Trường. Tất cả những gì tôi làm ở ĐH Tôn Đức Thắng là do Trường đầu tư.
PV: GS có thể chia sẻ lý do tại sao lại quay trở về Việt Nam trong khi đã gặt hái nhiều thành công tại các nước sở tại?
NVT: Một cách chính thức, tôi chưa về Việt Nam làm việc lâu dài; những gì tôi đã làm chỉ là ngắn hạn, không lương (chủ yếu là tự nguyện và được mời). Trong thực tế, tôi đã gắn bó nhiều với Việt Nam từ đầu thập niên 1990. Lúc đó, tôi khảo sát và viết rất nhiều bài về chất độc màu da cam (Agent Orange) và công bố trên báo Tuổi Trẻ. Loạt bài này sau này được Nhà xuất bản Trẻ in thành sách và dịch sang tiếng Pháp và tiếng Anh.
Sau đó, qua một cơ duyên tình cờ, tôi được mời về nói chuyện trong một hội nghị về loãng xương ở Thành phố Hồ Chí Minh. Buổi nói chuyện đó thành công ngoài dự định và nhiều đồng nghiệp biết đến tôi. Năm 2005, chúng tôi và vài đồng nghiệp trong nước thành lập Hội Loãng Xương TP. HCM trực thuộc Hội Y học TP. HCM. Từ đó, chúng tôi đem hội nghị quốc tế về loãng xương về Việt Nam, một lần ở TP. HCM và một lần ở Đà Nẵng. Tôi vẫn gắn bó với Hội Loãng xương như là một cố vấn và chủ trì hội đồng khoa học mỗi năm. Tôi mới tổ chức được 3 lớp Đào tạo Y khoa liên tục (CME) loãng xương cho các bác sỹ ở TP. HCM, miền Tây và miền Trung.
PV: Khi quyết định trở về Việt Nam, GS có những ấp ủ, dự định gì? Và đến nay đã thực hiện những việc đó như thế nào, thưa GS? Xin GS có thể chia sẻ thêm với bạn đọc Bản tin kiều bào với Quê hương những dự định trong thời gian tới của mình?
NVT: Ấp ủ tương lai thì nhiều lắm, nhưng tôi chỉ sợ mình không làm được. Giấc mơ của tôi là thành lập một viện nghiên cứu y khoa ở Thành phố Hồ Chí Minh để có thể thu hút các chuyên gia hàng đầu gốc Việt trên thế giới về làm những công trình nghiên cứu tiền phong. Ở Việt Nam chúng ta chưa có một viện nghiên cứu y khoa đúng nghĩa (như Viện Garvan, Viện WEHI, QIMR ở Úc), nhưng Việt Nam có rất nhiều vấn đề y tế cần những nghiên cứu chuyên sâu và tiền phong và một viện nghiên cứu tốt sẽ là căn nhà qui tụ những người có tài năng thật sự tham gia nghiên cứu khoa học đẳng cấp quốc tế. Giấc mơ đó cho đến nay vẫn là mơ thôi, chưa làm được vì chưa có sự đồng thuận và hỗ trợ từ cấp cao.
Dự kiến trong tương lai nằm trong tầm tay của tôi là hoàn tất công trình 'Vietnam Osteoporosis Study' (VOS). Đây là công trình để đời của tôi và tôi cố gắng tạo một 'dấu ấn' Việt Nam về chuyên ngành loãng xương trên trường quốc tế. Trong tương lai, chúng tôi dự tính sẽ xin tài trợ để phân tích gen và giải trình tự gen, với hi vọng sẽ khám phá những gen liên quan đến các bệnh mãn tính ở người Việt. Tôi xem VOS như là một nguồn tài nguyên để lại cho tất cả nhà khoa học Việt Nam có thể khai thác nguồn dữ liệu phong phú mà chúng tôi đã tạo ra. Nhưng cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa có tài trợ để thực hiện ý định lớn của mình.
PV: Câu hỏi sau cùng là GS làm rất nhiều việc trong và ngoài nước, từ nghiên cứu, giảng dạy, viết hàng chục cuốn sách, viết hàng trăm bài báo ... GS có thể chia sẻ cách điều phối quỹ thời gian như thế nào?
NVT: Cách quản lý quỹ thời gian của tôi là mỗi ngày tôi có một danh sách việc phải làm và cứ theo danh sách đó mà làm. Cách lên kế hoạch hàng ngày như vậy giúp tôi tập trung và không xao lãng chuyện linh tinh. Mỗi người chúng ta chỉ có 24 giờ mỗi ngày và đa số thì có chừng 8 giờ để làm việc. Riêng tôi thì số giờ dành cho công việc lên đến 10-12 giờ mỗi ngày. Tôi bắt đầu từ sáng sớm và mãi đến 6-7 giờ chiều mới về tới nhà. Sau khi ăn cơm tối, tôi lại làm việc, chủ yếu là phụ trách biên tập cho tập san y khoa quốc tế. Đi trên xe điện tôi cũng làm việc. Ngày thứ bảy và chủ nhật tôi cũng dành thì giờ làm việc, chủ yếu là viết báo, viết sách và thu âm bài giảng. Tôi thường hay nói đùa là ban ngày làm việc cho Úc, ban đêm làm việc cho Việt Nam.
Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện này./.
Thu Ngân (thực hiện)