top of page

Tin mừng tài trợ khoa học

Bộ trưởng Y tế Úc mới công bố danh sách các nhà khoa học được trao 'phần thưởng' để theo đuổi nghiên cứu y khoa trong 5 năm tới [1]. Tôi may mắn được chọn để tiếp tục hướng nghiên cứu về di truyền học loãng xương. Mừng quá! Trong thời đại 'gạo châu củi quế' mà được may mắn như thế này là một nỗi vui khó tả.

Mỗi năm, vào tháng này, là thời gian hồi hộp cho những người trong giới nghiên cứu y khoa Úc. Đây là thời điểm mà NHMRC (Hội đồng Quốc gia về Nghiên cứu Y khoa và Y tế Úc) công bố danh sách ứng viên được trao giải thưởng (award) cho nghiên cứu khoa học. Người được giải thì mừng (dễ hiểu), còn người không được giải thì buồn (càng dễ hiểu). Năm nào cũng vậy và gần như là một qui luật: số người vui ít hơn số người buồn.

Người không được trao giải thưởng dứt khoát không có nghĩa họ là những nhà khoa học kém cỏi, mà chỉ vì ngân sách hạn chế. Vì ngân sách thay đổi mỗi năm, nên NHMRC phải căn cứ vào điểm mà cắt ngang một ngưỡng nào đó để quyết định trao giải cho ai. Ngưỡng này thay đổi mỗi năm, và điều này có nghĩa là năm trước ứng viên có thể đạt chuẩn, nhưng năm nay thì không, vì chuẩn đã thay đổi theo phân bố điểm! Rất khó đoán trước ai sẽ được hay không được giải thưởng.

Người được award thì dĩ nhiên là mừng. Mừng vì 'sống' được 5 năm với một ngân sách đủ để tự trả lương và làm nghiên cứu. Trường đại học mừng vì không phải trả lương mà còn có thêm tiền. Hầu như ai cũng phải qua vài lần thất thất bại trước khi được giải này. Cá nhân tôi năm ngoái chỉ thiếu 0.4 điểm (trên max 7) để được giải thưởng; năm nay thì dư gần 0.8 điểm. Họ chỉ tài trợ cho người có điểm 6 và 7 [2].

Năm nay, theo như thông báo thì có 1780 người nộp đơn xin tài trợ cho chương trình "Investigator Grant", có nghĩa là tài trợ cho cá nhân nhà khoa học. Số người được tài trợ là 237 người, tức tỉ lệ thành công là 13%. Nhưng tỉ lệ này dao động giữa các cấp. Họ chia thành 5 cấp:

  • EL1 (Emerging Leader 1) là những người mới tốt nghiệp tiến sĩ trong vòng 10 năm và được xem là ngôi sao đang lên;

  • EL2 (Emerging Leader 2) là những người mới tốt nghiệp tiến sĩ trong vòng 10 năm và được xem là ngôi sao đang lên, và sắp độc lập;​

  • L1 (Leadersip 1) là những người đã độc lập và có tiếng cấp quốc gia (trước đây gọi là Senior Research Fellowship);​

  • L2 (Leadership 2) là các nhà khoa học có tiếng cấp quốc gia và quốc tế (trước đây gọi là Principal Research Fellowship);​

  • L3 (Leadership 3) là các nhà khoa học cấp quốc tế qua những đóng góp quan trọng (trước đây gọi là Senior Principal Research Fellowship và Australia Fellowship)

Năm nay, số người trong cấp EL1 và EL2 lần lượt là 83 và 39. Còn nhóm L1 – L3 là 42, 28 và 45 người. Nói chung là rất ít. Năm nay có tin mừng là có đến 3 người Việt được cái Investigator Award này. Hai người kia (một họ Nguyễn, một họ Huỳnh) đều ở Melbourne. Trước đây, thời của tôi (khoảng 2008), ngoài tôi ra, không có người Việt trong NHMRC. Nay thì thế hệ mới giỏi giang và có chân rồi. Chúc mừng đồng hương đã đặt được chân vào 'hệ thống'.

Nhìn lại và bài học

Trong thời đại dịch bệnh này mà Úc vẫn dành một ngân sách khá lớn để yểm trợ nghiên cứu y khoa là một nghĩa cử đáng trân trọng. Thoạt đầu, tôi và nhiều người nghĩ chắc họ sẽ cắt ngân sách để dành cho nghiên cứu virus Vũ Hán, nhưng hoá ra không phải vậy; số tiền năm nay và năm ngoái tương đương nhau. Điều này chứng tỏ chánh phủ Morrison nói vậy (cắt tài trợ) mà không phải vậy. May phước thiệt!

Tôi vẫn quan tâm đến bức tranh lớn hơn cho các đồng nghiệp gốc Á châu và Việt Nam. Không biết vô tình hay hữu ý mà sự hiện diện của người gốc Á châu trong thượng tầng khoa bảng và khoa học ở Úc rất khiêm tốn. Chỉ tính tại UNSW, trong số 22 người được cái "Investigator Fellowship" năm nay, chỉ có 4 người là gốc Á châu [3].

Theo số liệu điều tra xã hội của Đại học Melbourne, trong tổng số giảng viên và giáo sư của 8 đại học hàng đầu Úc (Go8), 16% là người gốc Á châu. Nhưng ở cấp cao như giáo sư, thì người Á châu chỉ chiếm 7% trên tổng số giáo sư của Go8.

Ở cấp quản lí (như khoa trưởng, hiệu phó), chỉ có 3% là người gốc Á châu. Cho đến nay, Úc không có hiệu trưởng đại học Úc gốc Á châu. Điều này đáng chú ý vì giới khoa bảng gốc Âu Mĩ chiếm 1/3 ghế phó hiệu trưởng (Deputy Vice-Chancellors) và 1/4 ghế hiệu trưởng (Vice-Chancellors). Nhiều người nói đây là hiện tượng "Glass Ceiling".

Giới khoa học gốc Á châu cũng có vẻ bị thiệt thòi trong sự cạnh tranh xin tài trợ. Ở cấp thấp như tài trợ cho nghiên cứu sinh, ứng viên gốc Á châu chiếm khoảng 20%. Ở cấp "Early Career Fellowship" (sau tiến sĩ 10 năm), 12% là người gốc Á châu. Nhưng khi lên đến cấp cao như "Research Fellowship" thì chỉ có 3.5% là người gốc Á châu (dù họ chiếm 7% số giáo sư Go8).

Tôi thường tự hỏi tại sao người gốc Á châu mình có vẻ thiệt thòi. Tôi nghĩ đi nghĩ lại thì thấy giới khoa học gốc Á châu có 3 rào cản chánh:

Thứ nhứt là thiếu vốn văn hoá. Sanh ra và lớn lên ở Việt Nam, chúng ta không có cơ hội thu nhập cái văn hoá xã hội bản xứ và văn hoá học đường, chúng ta cũng không có cơ hội hoà nhập vào dòng chảy học vấn từ tiểu học trở lên. Hình như thuật ngữ tiếng Anh gọi là social & cultural capital. Nhưng cái vốn văn hoá đó lại đóng vai trò quan trọng trong công việc và thành đạt trong sự nghiệp như nhiều nghiên cứu xã hội học chỉ ra trước đây.

Thứ hai là kém khả năng 'networking'. Vì thiếu vốn văn hoá – xã hội, người gốc Á châu nói chung không phát triển được những mạng chuyên ngành và khoa học (professional and research networks). Tình trạng này đặc biệt là những người mới nhập cư, vì họ mới bước vào một môi trường địa phương hoàn toàn mới lạ.

Thứ ba là khả năng thuyết phục (nói). Ngoài kĩ năng viết, khả năng thuyết giảng (oration) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong khoa học. "Nói" ở đây không chỉ đơn giản là khả năng nói năng lưu loát về chuyên môn, mà còn là khả năng thuyết phục đồng nghiệp bằng lí lẽ. Nhưng vì đa số giới khoa học gốc Á châu, bất kể ở nước ngoài bao lâu, kém về tiếng Anh và càng kém hơn về khả năng nói. Tôi có thể nói rằng trong các cuộc họp quan trọng, những thương lượng cấp đại học, cách trình bày luận trôi chảy và lí lẽ khúc chiết đóng vai trò rất quan trọng. Nếu chúng ta nói không thông, người ta sẽ nản.

Tôi từng phục vụ trong các hội đồng bổ nhiệm và ngồi trong hội đồng đại học, nên từng chứng kiến và so sánh về khả năng nói của người gốc Á châu. Xu hướng chung là họ nói ngắn, dùng chữ cứng nhắc (ít dùng cách nói 'bóng bảy'), hay khẳng định, và khi có bất đồng ý kiến họ thường dứt khoát chớ không nhân nhượng.

Hôm nào có dịp tôi sẽ suy nghĩ kĩ hơn và viết xuống những bài học mình đã trải qua, với hi vọng giúp ích vài người.

__________________

[2] NHMRC dùng 6 tiêu chí để đánh giá một ứng viên:

• Công bố khoa học (trọng số 35%) • Tầm ảnh hưởng (7%) • Chương trình nghiên cứu (6%) • Uy danh cá nhân (7%) • Lãnh đạo khoa học (15%) • Kiến thức tạo ra (30%).

Mỗi tiêu chí được cho điểm từ 1 đến 7:

• Điểm 1 được xem là yếu (weak); • Điểm 2 là 'được' (tức satisfactory); • Điểm 3 là tốt (good); • Điểm 4 là rất tốt (very good); • Điểm 5 là xuất sắc (excellent); • Điểm 6 là ngoại hạng (outstanding); • Điểm 7 là kiệt suất (exceptional).

Một phân tích 'profile' của 5 bậc fellows của NHMRC trong chương trình Investigator Grant năm 2019.

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page