Diễn biến tâm lí (vụ án Hồ Duy Hải)
Trong phiên toà 'Giám đốc thẩm' có một nhận xét có chút 'hơi hám' khoa học của một chánh án hay thẩm phán là 'diễn biến tâm lí' của Hồ Duy Hải. Nhưng khi đọc kĩ thì hình như cách hiểu về diễn biến tâm lí của người này không giống như trong y văn. Trong thực tế, chính diễn biến tâm lí có thể giải thích tại sao lời khai của Hồ Duy Hải – nói theo tiếng Anh là – false self-confession (hay tự thú tội giả).
Trước những bằng chứng thiếu nhứt quán về vụ án, một viên chánh án hay thẩm phán trong phiên toà trên nhận xét rằng (nguyên văn):
"Trong quá trình điều tra, Hồ Duy Hải có một số lời khai có nội dung mâu thuẫn như viện dẫn của kháng nghị giám đốc thẩm, điều này phù hợp diễn biến tâm lý tội phạm trong quá trình điều tra, xét xử và thể hiện các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm không mớm cung, ép cung đối với bị cáo".
Nhưng câu hỏi đặt ra là 'diễn biến tâm lí' là gì? Không phải là dân tâm lí học, nên tôi phải tìm hiểu trong y văn và nghĩ là có câu trả lời.
Nói đến vấn đề thú tội giả là phải đề cập đến Giáo sư Hugo Münsterberg (Đại học Harvard) và Giáo sư Saul Kassin (John Jay College of Criminal Justice, New York City). Năm 1908 Giáo sư Münsterberg đã cảnh báo về hiện tượng nhận tội giả (false confession) trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi quyền lực thái quá. Trong thực tế, Münsterberg là người đi trước thời cuộc, vì mãi đến thập niên 1980s và qua phân tích DNA người ta mới nhận ra rằng hiện tượng nhận tội giả phổ biến như thế nào.
Người có công tiếp nối Münsterberg là Giáo sư Kassin, một nhà tâm lí học đã dành cả đời để nghiên cứu vấn đề này. Trong hàng loạt nghiên cứu quan trọng, Giáo sư Kassin chỉ ra rằng thú tội giả là một hiện tượng khá phổ biến (có thể lên đến 30%) trong các bản án oan [1]. Do đó, trong bài này tôi đọc vài kết quả quan trọng của ông để hiểu hơn về trường hợp Hồ Duy Hải.
Giáo sư Saul Kassin, chuyên gia số 1 về tâm lí và thú tội giả. Ông dành cả đời chỉ nghiên cứu về thú tội giả. Những nghiên cứu của ông giúp minh oan cho nhiều tù nhân bị giam cầm vì thú tội giả.
Cẩm nang lấy cung của cảnh sát Mĩ
Con đường dẫn Kassin đến chuyên ngành tâm lí tội phạm học là ông muốn biết cách cảnh sát thẩm vấn nghi phạm ra sao. Ông cho biết sau khi đọc cuốn cẩm nang thẩm vấn của cảnh sát (của tác giả John Reid, công bố vào năm 1962) ông phát hoảng, bởi vì đó là phương pháp được mô tả trong thí nghiệm Milgram (xem bài trước đây của tôi [2]). Theo cuốn cẩm nang của John Reid, cảnh sát làm theo trình tự hai bước chánh như sau:
Vào đầu thẩm vấn, cảnh sát điều tra sẽ bắt đầu bằng những câu hỏi mang tính đánh giá hành vi qua các câu hỏi có khi liên quan, có khi khiêu khích, và cùng lúc quan sát dấu hiệu nói dối (như không nhìn thẳng, uể oải, khoanh tay). Nếu đối tượng có dấu hiệu nói dối, người tra vấn sẽ vào giai đoạn 2 với thẩm vấn nghiêm chỉnh.
Trong bước hai, thẩm vấn viên sẽ tăng cường thẩm vấn, bằng cách đưa ra những cáo buộc đối tượng có tội. Chẳng những vậy, thẩm vấn viên sẽ liên tiếp lặp lại cáo buộc, gây áp lực lên đối tượng. Thẩm vấn viên sẽ bỏ qua tất cả những phủ nhận của đối tượng, giả bộ không nghe, không biết.
Mặt khác, thẩm vấn viên sẽ giả bộ thông cảm cho đối tượng, tỏ ra thấu cảm, cố gắng làm giảm mức độ tội phạm (kiểu như "chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra nếu cô ấy không ăn mặc hở hang, phải không?")
Đó là cách cảnh sát Mĩ thẩm vấn nghi can. Nhưng cảnh sát VN có thể làm khác, vì có thể họ theo mô hình của Stasi (Đông Đức cũ). Nhưng nguyên lí và mục tiêu thì chắc đều giống nhau: làm cho nghi can suy sụp tinh thần và thú tội.
Khoa học thú tội giả
Kassin nghi ngờ rằng kĩ thuật thẩm vấn của Reid mà cảnh sát sử dụng có thể dẫn đến thú nhận sai. Để kiểm định giả thuyết này, Kassin làm hàng loạt thí nghiệm trong labo, với sinh viên là tình nguyện viên để biết hành vi và tâm lí của nghi can trong các điều kiện tâm lí khác nhau.
Trong một thí nghiệm được đặt tên là "computer crash", Kassin yêu cầu tình nguyện viên đọc chánh tả thật nhanh trên máy tính. Ông cảnh báo họ rằng máy tính có vấn đề là nếu nhấn phiếm ALT thì máy tính sẽ bị tắt. Nhưng trong thực tế, máy tính đã được lập trình sao cho tình nguyện viên đụng bất cứ nút nào trên bàn phiếm máy cũng 'chết'.
Khi tình nguyện viên làm cho máy tắt, ông bèn cáo buộc rằng tình nguyện viên đã đụng vào phiếm ALT! Thoạt đầu, chẳng có tình nguyện viên nào thú nhận là họ đã đụng vào phiếm ALT.
Sau đó, Kassin dùng các sở đoản của cảnh sát làm cho tình nguyện viên tự nghi ngờ mình, thì một số tình nguyện viên bắt đầu 'thú tội'. Kassin cho một người đứng ra làm chứng rằng người này đã thấy tình nguyện viên nhấn vào nút ALT. Kết quả là tình nguyện viên bắt đầu thú nhận rằng họ đã bấm nhầm nút ALT! Họ còn thậm chí giải thích về thú tội của mình và cảm thấy có tội!
Trong một thí nghiệm biến thể khác, Kassin cho tình nguyện viên biết rằng khi họ gõ bất cứ phiếm nào của máy tính đều được lưu trữ trong máy chủ (server) để xem xét sau này. Kassin còn áp dụng chiến lược cáo buộc của cảnh sát là 'tố cáo' tình nguyện viên đã nhấn sai nút làm cho máy tính bị 'chết'. Kết quả cho thấy số tình nguyện viên 'thú tội' tăng rất nhanh và cao, lên đến 35%.
Yếu tố nào làm cho hay có liên quan đến thú tội giả? Theo nghiên cứu của Giáo sư Kassin, các yếu tố sau đây có thể xem là yếu tố nguy cơ quan trọng nhứt [3]:
• Trẻ tuổi: người trẻ tuổi, nhứt là thiếu niên và tuổi 20s, là những người có xu hướng thú tội giả nhiều nhứt;
• Yếu ớt về tâm lí hay sức khoẻ tinh thần không tốt: những người này dễ bị chao đảo trước những vu cáo và đe doạ của cảnh sát;
• Nghiện ngập: những người này thường có sức khoẻ tâm thần không ổn định, nên cũng dễ bị 'tan chảy' trước những lời đường mật và cảm thông của người thẩm vấn;
• Căng thẳng hoặc khủng hoảng tinh thần: người trong lúc bị căng thẳng do khủng hoảng tinh thần (có thể bị tra tấn hay nhục hình) thường có xu hướng thú tội giả nhiều hơn người ở trạng thái bình thường. Cảnh sát thường lợi dụng hay làm cho đối tượng bị căng thẳng để khai thác tâm lí đối tượng.
• Tin vào công lí: những người này thường kí vào văn bản tự thú với hi vọng sẽ được trả tự do sớm và được minh oan. Trong điều kiện này, Kassin cho biết niềm tin rằng mình vô tội và niềm tin vào hệ thống công lí chính là những yếu tố dẫn đến thú tội giả.
Yếu tố nguy cơ dẫn đến thú tội giả (false self-confession): (1) Cô lập nghi can với gia đình và bạn bè; (2) Thẩm vấn trong phòng nhỏ và riêng tư; (3) Tìm những câu chuyện mâu thuẫn từ nghi can; (4) Cố lấy lòng tin của nghi can; (5) Đối đầu với nghi can về chứng cớ tội; (6) Chiêu dụ quyền lợi cá nhân của nghi can; (7) Giả bộ thông cảm cho nghi can; (8) Cắt ngang những bác bỏ và phản biện của nghi can; (9) Giả bộ có chứng cớ độc lập; (10) Tối thiều hoá tính chất đạo đức của tội phạm. https://www.semanticscholar.org/paper/False-Confessions-Causes%2C-Consequences%2C-and-for-Kassin/dd59406ee20ee65acd0c435fa878a23ba20ce289
Vài trường hợp tiêu biểu
Tự thú tội luôn là một "chuẩn vàng" của tội phạm, mặc dầu một số tự thú là hoàn toàn sai lệch như thí nghiệm khoa học chỉ ra. Giáo sư Saul Kassin cho biết chừng 25% trong số 365 người được minh oan từng tự thú là có tội mà họ không hề dính dáng. Nhưng vài nghiên cứu khác cho thấy con số có thể lên đến 35% các trường hợp được minh oan. Dưới đây là 2 trường hợp tiêu biểu về thú tội giả [3].
Trường hợp Huwe Burton. Năm 1991, Burton lúc đó là một thiếu niên phát hiện mẹ anh bị giết, anh bị bắt và đưa về đồn cảnh sát. Sau nhiều giờ tra khảo, đe doạ, và lừa phỉnh, Burton thú nhận điều mà cảnh sát muốn nghe: anh ta đã giết mẹ mình. Toà án New York tuyên án 15 năm tù đến chung thân về tội giết mẹ ruột.
Nhưng ngay sau đó, anh biết mình bị lừa và ân hận về lời khai đó, và hi vọng rằng có người sẽ minh oan cho anh. Sau 20 năm ngồi từ, anh ta được trả tự do trước thời hạn, nhưng kí ức của anh về lời khai trong đồn cảnh sát vẫn còn ám ảnh.
Người cứu anh chẳng ai khác hơn là Giáo sư Saul Kassin. Sáu tháng trước khi Burton được trả tự do, Kassin được mời giảng cho các công tố viên và chánh án về chủ đề thẩm vấn và tự thú giả. Sau khi nghe bài giảng, Chánh án Steven Barrett cho biết ông đã "mở mắt" về mối liên quan giữa thẩm vấn và thú tội giả, và ông liên tưởng đến trường hợp của Burton rơi đúng vào những 'yếu tố nguy cơ' mà Kassin nêu ra. Chánh án Barrett ra lệnh trả tự do cho Burton.
Trường hợp Burton được trả tự do là một ca đặc biệt về đóng góp của nghiên cứu tâm lí học.
Trường hợp thứ hai là cậu bé Marty Tankleff. Năm 1988, Tankleff phát giác mẹ em bị đâm chết trong nhà bếp, còn cha em thì đang hôn mê. Cảnh sát thấy Tankleff không tỏ ra buồn bã, nên nghi em là thủ phạm.
Sau nhiều giờ thẩm vấn chẳng đi đến đâu, một cảnh sát viên cho em biết rằng anh ta đã gọi cho cha em ở bệnh viện và cha em nói rằng chính em là thủ phạm. (Thật ra, cha em đã chết trong bệnh viện sau một thời gian không hồi phục khỏi cơn hôn mê.) Ngay sau đó, cậu bé Tankleff thú tội là đã giết cha mẹ mình! Sau 19 năm ngồi tù, luật sư có chứng cớ mới thì em mới được trả tự do.
Quay lại trường hợp Hồ Duy Hải, chúng ta biết rằng (qua báo chí), anh ta có những lời khai thiếu nhất quán [4]. Có viên chánh án trong phiên toà 'giám đốc thẩm' cho rằng đó là dấu hiệu muốn giảm mức độ nặng của bản án, người khác cũng trong phiên toà đó thì cho rằng đó là "diễn biến tâm lí". Tuy nhiên, cả hai không lí giải mối liên quan giữa diễn biến tâm lí và sự mâu thuẫn trong lời khai. Tôi sợ là các vị ấy chưa đọc những báo cáo khoa học của Giáo sư Saul Kassin.
Theo kết quả nghiên cứu của Kassin thì Hồ Duy Hải nằm trong nhóm có yếu tố nguy cơ cao về thú tội giả vì (1) trẻ tuổi; (2) căng thẳng hay khủng hoảng tinh thần, có thể do bị tra tấn như gia đình nói, nhưng công an bác bỏ cáo buộc đó; và (3) có thể anh ta tin vào việc khai như thế để được tự do, tức tin vào công lí.
Do đó, tôi nghĩ cần phải có sự tư vấn và đánh giá của các chuyên gia tâm lí có kinh nghiệm cao về thú tội giả để đảm bảo phiên toà công bằng cho Hồ Duy Hải. Có thể mời Giáo sư Saul Kassin thẩm định trường hợp Hồ Duy Hải, và tôi nghĩ ông sẽ cung cấp một cách diễn giải khoa học hơn và chuyên sâu hơn những nhận xét phi khoa học của các chánh án và thẩm phán.
__________________
[1] https://web.williams.edu/Psychology/Faculty/Kassin/files/White%20Paper%20online%20(09).pdf
Police-Induced Confessions: Risk Factors and Recommendations
[2] https://www.nguyenvantuan.info/single-post/2020/05/24/Tra-tan-va-thi-nghiem-milgram
https://www.jstor.org/stable/40062928?seq=1
The Social Psychology of False Confessions: Compliance, Internalization, and Confabulation
[3] https://www.sciencemag.org/news/2019/06/psychologist-explains-why-people-confess-crimes-they-didn-t-commit
[4] https://plo.vn/phap-luat/dieu-tra-vien-ly-giai-loi-khai-mau-thuan-cua-ho-duy-hai-910781.html