Qui luật 80/20 (Pareto Law)
Mấy ngày làm việc từ nhà (WFH) tôi chợt nhận ra rằng Qui luật Pareto (hay có khi còn gọi là Qui luật 80/20) rất ứng nghiệm trong nhiều việc mình làm, cả trong trận dịch Vũ Hán, và cả … vụ án Hồ Duy Hải. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là ứng dụng Qui luật này sao cho công việc chúng ta làm có hiệu quả cao nhứt, và đó là điều tôi muốn chia sẻ.
1. Qui luật Pareto
Qui luật Pareto, cũng có thể gọi là Luật phân bố Pareto, thì chắc nhiều người đã biết, nhưng tóm tắt cho các bạn chưa biết như sau (không cần dùng đến công thức thống kê). Qui luật Pareto, do nhà kinh tế học người Ý Vilfredo Federico Damaso (1848 – 1923) [1] phát kiến, sau khi ông quan sát rằng sự phân bố về tài nguyên không đồng đều trong một quốc gia. Cụ thể hơn, qua tính toán thống kê, ông phát hiện rằng 80% đất đai và tài sản của nước Ý thuộc quyền sở hữu của chỉ 20% dân số. Từ quan sát đó và một số quan sát sau này, Pareto đi đến kết luận như là một qui luật rằng:
"Có đến 80% tác động hay đầu ra xuất phát chỉ từ 20% nguyên nhân (80% of the effects come from 20% of the causes)."
Sau này, trong khoa học, giới thống kê học đặt tên cho luật phân bố này là "Pareto Distribution". Luật phân bố này chỉ có 1 tham số chánh, nhưng chúng ta sẽ không đào sâu vào đó.
Qui luật 80/20 được minh hoạ bằng biểu đồ. Trục tung là thành quả, trục hoành là nỗ lực.
Pareto viết một luận văn dài 3000 trang nhan đề "Treatise on general sociology" vào năm 1916 để giải thích về khám phá đó. Tác phẩm này được Pháp xem là một 'élite' dù nó được viết bằng tiếng Ý. Pareto đề nghị xếp hạng mọi người bằng cách dùng một thước đo có thang điểm từ 1 đến 10. Những người nào có điểm cao nhứt trong lĩnh vực chuyên môn được xếp vào hạng 'eligere'. Pareto dùng thang điểm đó để đánh giá giới luật sư, chánh trị gia, thậm chí những người chơi cờ!
Trong luận phẩm đó, Pareto muốn nhấn mạnh rằng thiểu số -- ông gọi là 'eligere' (dịch sang tiếng Anh là elite, tinh hoa) -- lúc nào cũng thống trị (tức hoàn toàn trái ngược với quan điểm của mấy người theo chủ nghĩa Marx). Tôi sẽ quay lại ý tưởng này trong một cái note sau, nhưng ở đây, chúng ta chỉ quan tâm đến Qui luật 80/20 trong đời sống.
2. Quan sát Pareto
Qui luật Pareto không chỉ ứng nghiệm trong kinh tế, mà còn ở nhiều lãnh vực khác như khoa học tự nhiên, xã hội học, di truyền học, và công việc làm hàng ngày. Những ứng nghiệm này có thể tóm tắt bằng một phát biểu như sau:
Cần phải lưu ý một hiểu lầm phổ biến là Qui luật Pareto không hẳn phải cộng đủ 100. Nói cách khác, không nhất thiết phải 20 / 80, mà có thể 10 / 80, 10 / 90, 10 / 50, 1 / 20, v.v. Chẳng hạn như đối với nhiều tập đoàn dược phẩm, chỉ có 1% sản phẩm nhưng chiếm đến 20% tổng thu nhập của công ti. Con số 80 / 20 chỉ là qui ước.
Có thể minh hoạ cho phát biểu/qui luật đó như sau:
• Chánh trị: đa số các bộ trưởng và thứ trưởng trong nội các làm việc ở mức trung bình hay dưới trung bình, chỉ có 10-20% bộ trưởng và thứ trưởng có ý tưởng hay và việc làm của họ đóng góp hơn 80% vào uy tín của chánh phủ.
• Y tế: nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trong mỗi ngày, chừng 80% thời gian và công sức của bác sĩ và y tá dồn cho 20% bệnh nhân phức tạp.
• Kinh doanh: thường, chỉ có 20% số khách hàng của một công ti chiếm 80% giá trị hoàng hoá mà công ti bán ra. Có lẽ chính vì vậy mà các công ti quan tâm đến các khách hàng họ gọi là 'VIP' hay 'Loyal' hay những cái danh xưnng hoa mĩ.
• Sản xuất: khoảng 80% giá trị làm ra là do đóng góp của chỉ 20% công nhân viên. Nên tập trung nhận ra những người đó và tưởng thưởng cho họ.
• Mạng xã hội: đa số những người dùng mạng xã hội như facebook và twitter thụ động: chỉ có 20% người dùng viết chừng 80% tổng số 'status'; đa số là chỉ theo dõi và không có ý kiến.
• Đại học: bất cứ ai làm quản lí khoa học trong các đại học đều biết rằng chỉ có chừng 10-20% giáo sư và giảng viên 'sản xuất' ra 80-90% tổng số bài báo khoa học của trường. Do đó, tại nhiều đại học phương Tây, người ta dành một diễn đàn riêng cho các giáo sư trong nhóm 10-20% đó và cho họ những danh xưng huê hoè để dụ họ làm việc tốt hơn nữa!
• Năng suất khoa học: trong khoa học có hai con số đo lường năng suất của một nhà khoa học: đó là số bài báo công bố và số lần trích dẫn. Qui luật Pareto dự đoán rằng 80% tổng số trích dẫn của nhà khoa học đó chỉ xuất phát từ 20% bài báo. Nói cách khác, nhà khoa học có thể công bố cả 100 bài báo, nhưng chỉ có 20% trong số đó đóng góp đến 80% số trích dẫn.
3. Qui luật Pareto và thời sự
Các bạn có thể nghĩ đến nhiều ứng nghiệm khác của Qui luật Pareto. Riêng tôi thì ngay cả mỗi ngày có một danh sách 10 việc cần làm, nhưng quả thật 2 việc làm đó chiếm 80% thời gian và công sức của tôi.
Nhìn lại những vấn đề mang tính thời sự hiện nay như dịch Vũ Hán, Qui luật Pareto hình như cũng ứng nghiệm khá tốt. Nhà dịch tễ học Adam Kucharski phân tích dữ liệu từ nhiều nơi trên thế giới và đi đến kết luận rằng Gần 80% các ca nhiễm virus Vũ Hán trên thế giới là xuất phát từ 10% bệnh nhân.
Ngoài ra, 80% các ca nhiễm virus Vũ Hán là nhẹ, không cần nhập viện và họ sẽ tự hồi phục. Tuy nhiên, chỉ 20% ca nhập viện làm ảnh hưởng đến 80% hay có khi 100% tài nguyên của ICU. Một nghiên cứu khác cho thấy các bệnh nhân trên 80 tuổi với các bệnh đi kèm như cao huyết áp, tiểu đường, và ung thư chiếm 80% tổng số ca tử vong liên quan diến virus Vũ Hán.
Ngay cả vụ án Hồ Duy Hải cũng có vẻ tuân theo Qui luật Pareto. Có khá nhiều chứng cớ mới chưa từng xuất hiện trước đây là do chỉ 2-5 người đưa ra. Ngoài ra, đa số (có thể nói lên đến 95%) những ý kiến trái chiều nhưng có tác động lớn đến phiên toà vừa qua chỉ xuất phát từ 5% trong số những người lên tiếng.
4. Bài học từ Qui luật Pareto
Biết qui luật là một điều thú vị, nhưng áp dụng vào cuộc sống thì chắc khó hơn. Tôi nghĩ ở cấp độ cá nhân, bài học đầu tiên là mỗi ngày chúng ta chỉ tập trung vào một hay 2 công việc đem lại hiệu suất cao nhứt (như mô tả trong hình tứ giác dưới đây). Mỗi ngày chúng ta có rất nhiều việc để làm, nên cần phải ưu tiên hoá việc nào cần làm trước, việc nào làm sau. Việc làm trước là phải làm ngay lúc buổi sáng (sau khi xong một tách cà phê) vì lúc đó tinh thần phấn khích và mức độ sáng tạo còn cao. Việc nào không quan trọng để vào buổi chiều cũng không gây tác động đến hiệu suất. Do đó, bài học đầu tiên của Qui luật Pareto là ưu tiên hoá công việc và chọn thời điểm.
Bài học thứ hai, ở cấp độ lâu dài, là chọn công việc để làm sao cho đem lại tác động cao nhứt. Tôi thử đếm trên Google Scholar (dễ làm) những bài báo khoa học của tôi, thì thấy quả thật là hơn 75% số trích dẫn chỉ từ ~20% bài báo từ trước đến nay. Bài học là phải tập trung vào những công trình nghiên cứu có phẩm chất cao và có tác động lớn. Quên đi những công trình làng nhàng hoặc những công trình không có tác động, những công trình mà tôi hay nói là 'Không mợ thì chợ vẫn đông.'
Tôi nghĩ bài học trên cũng áp dụng cho việc chọn đề tài nghiên cứu khoa học để tài trợ. Tiền bạc và ngân sách có giới hạn, không thể nào tài trợ cho mọi dự án được. Do đó, chỉ nên tài trợ cho chừng 20% dự án mà chúng ta nghĩ là sẽ đem lại tác động cao. Tương tự, chỉ chọn chừng 10% nhà nghiên cứu thuộc nhóm 'high performing' để tài trợ và nuôi dưỡng, vì nhóm này có thể giúp Việt Nam nâng cao phẩm chất nghiên cứu khoa học về lâu dài. Không nên theo 'chủ nghĩa bình quân' trong tài trợ cho khoa học. (Vấn đề là nhận dạng ra ai là người 'high performing', nhưng đây là một vấn đề khác).
Còn nhiều bài học có thể rút ra từ hiểu Qui luật Pareto, tuỳ theo góc độ và chuyên môn của cá nhân. Tôi nghĩ đến giới quản lí doanh nghiệp, quản lí hành chánh, và đặc biệt là quản lí nhân sự (human resourse hay 'people and culture' mà họ hay gọi ngày nay), thậm chí thủ tướng, tổng bí thơ. Thủ tướng có thể dùng thang điểm của Pareto để đánh giá các bộ trưởng và thứ trưởng, và đuổi những người không có hiệu suất cao, có thể sẽ tiết kiệm rất nhiều tiền thuế của dân. Bộ trưởng cũng có thể áp dụng Qui luật Pareto và loại bỏ những viên chức không có năng suất cao, chỉ lưu giữ những người tài giỏi, và sẽ dẫn đến tinh giản hệ thống cai trị và hành chánh. Tuy nhiên, điều này nói cho vui thôi, vì VN sẽ không bao giờ áp dụng, do 'cơ chế', 'qui hoạch', và 5C.
Tóm lại, Qui luật hay luật phân bố Pareto (hay Qui luật 20/80) rất có ích trong việc quản lí cuộc sống cá nhân, quản lí thời gian cho mỗi ngày, và qua đó có thể đạt được hiệu suất cao nhứt. Có 3 bài học từ Qui luật Pareto: (i) xác định viễn kiến, mục tiêu, và cái mà mình muốn đạt được; (ii) xác định việc làm nào thuộc vào kĩ năng và thế mạnh của mình; và (iii) tập trung, duy trì kỉ luật cá nhân để hoàn thành mục tiêu đề ra.
__________
[1] Vilfredo Federico Pareto sanh ngày 15/7/1848 tại Pháp và qua đời ngày 19/8/1923 tại Thuỵ Sĩ, thọ 75 tuổi. Theo prabook.com, ông xuất thân từ một gia đình quí tộc gốc Ý nhưng lưu vong bên Paris vào thời 1848 lúc mà cuộc cách mạng xảy ra. Thân phụ ông là Raffaele Pareto, một kĩ sư cầu cống, và thân mẫu là Marie Metenier là người Pháp. Ngay từ còn nhỏ ông đã được theo học các trường trung học nổi tiếng bên Pháp. Ông thông thạo cả tiếng Ý và Pháp. Năm 1870, ông tốt nghiệp kĩ sư từ Đại học Bách khoa Turin (Ý). Sau khi tốt nghiệp đại học, ông làm việc cho công ti hoả xa Ý.
Ông là người đa tài, hiểu theo nghĩa vừa là kĩ sư, nhà xã hội học, nhà kinh tế học, nhà chánh trị học, và cả triết gia. Trong tất cả 'nhà' đó, có lẽ ông hợp với sở trường của nhà xã hội học, một chuyên ngành ông có nhiều đóng góp quan trọng. Mãi đến tuổi 40 ông mới bắt đầu quan tâm đến kinh tế. Năm 1886, ông trở thành giảng viên môn kinh tế và quản trị thuộc Đại học Florence, và lúc đó ông đã bất mãn với chánh phủ Ý. Năm 1889, sau cái chết của thân phụ và thân mẫu, ông bỏ việc và thành hôn với một cô gái người Nga là Alessandrina Bakunin (sau này bà bỏ ông và kết hôn với người đầy tớ của ông). Năm 1893, ông được bổ nhiệm làm giảng viên kinh tế thuộc Đại học Lausanne (Thuỵ Sĩ), nơi ông sống cho đến ngày qua đời. Năm 1906, ông đưa ra một quan sát nổi tiếng: 20% dân số Ý sở hữu 80% đất đai và tài sản của cả nước. Quan sát này sau đó thành qui luật và triển khai thành luật phân bố thống kê (Pareto Distribution).