top of page

Ganh tị: khi thành công của bạn là nỗi đau của tôi, và nỗi đau của bạn là lợi lộc của tôi (2)

Có lẽ trong chúng ta, ai cũng từng là nạn nhân của thói ganh tị, hay có thể nhìn ra những người ganh tị chung quanh mình. Nhưng đa số chúng ta xem đó là một khía cạnh tiêu cực trong cuộc sống, chứ ít ai nghĩ đến ganh tị như là một chủ đề khoa học. Nhưng hôm nọ, tôi đi nghe một báo cáo nghiên cứu về 'envy' (ganh tị) của một diễn giả chuyên nghiên cứu về lãnh vực này thuộc Đại học UTS. Bài báo cáo rất hay, nhiều ví dụ minh họa, và có nhiều điểm mới (với tôi), và ở đây tôi xin chia sẻ vài ý chính từ bài báo cáo đó.

Ganh tị là một đặc tính sinh học xuất phát từ não. Tham khảo: https://science.sciencemag.org/content/323/5916/937

Một trong những cảm tính xã hội (social emotion) nguy hiểm nhất là thói ganh tị (ghen tị, đố kị). Cũng có thể xem ganh tị là một vice - thói xấu. Trong Genesis, nhân vật Cain vì ghen tị mà đã ra tay giết chết người em là Abel. Xin nhắc lại là Cain và Abel là con của Adam và Eva. Trong lịch sử đã có không biết bao nhiêu câu chuyện về chiến tranh xảy ra chỉ vì thói ganh tị giữa người với người. Phật xem ganh tị và ghen ghét là một trong 16 vết nhơ bẩn của tâm trí.

Theo nhận định của các nhà văn hóa, người Việt cũng có thói ganh tị khá lớn, và thói này gây ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực xã hội. Một chuyên gia xã hội học người Việt (TS Trần Phương) nhận định rằng thói đố kị của người Việt là do tính tò mò và so đo: "Người Việt hay để ý của nhau nên mới biết nhà kia có gì hay, có gì hơn của nhà mình. Nếu thấy người ta mua được con xe máy đắt tiền thì cũng cố để mua được con xe... đắt tiền hơn. [...] Ngược lại, nếu mình không được như nhà hàng xóm thì sinh ra ganh ghét, so bì, thậm chí còn viện lý do để an ủi bằng những suy nghĩ nhỏ nhen kiểu 'chắc nó lại được bố mẹ, anh em cho', 'chắc gì tiền để làm những thứ ấy là trong sạch' ..." Chỉ vài ngày trước đây, một người Việt nổ súng bắn chết bà con ông vì ông ganh tị với vợ bảo lãnh được thân nhân sang Mĩ còn ông thì không làm được việc đó! Nhìn chung, ganh tị quả thật là một đặc tính nguy hiểm của con người, và nó cần phải được nghiên cứu nghiêm chỉnh để giúp chúng ta hiểu hơn.

Trước hết là nguồn gốc của chữ. Tôi không biết chữ 'ganh tị' trong tiếng Việt xuất phát từ đâu, nhưng nó tương đương với chữ 'Envy' trong tiếng Anh. Chữ 'envy' có nguồn gốc từ chữ Latin là 'invidia', có nghĩa là 'non sight' (tạm hiểu là 'mù quáng'). Nguồn gốc của chữ envy nói lên ý nghĩa chính của ganh tị là xuất phát từ sự mù quáng (1).

Từ điển Tiếng Việt định nghĩa ganh tị (hay ghen tị, đố kị) là "một cảm xúc xảy ra khi một người thiếu đặc điểm tốt đẹp, thành tích, vật sở hữu của người khác và mong muốn điều đó hoặc mong muốn người khác không có được điều đó." Đó là một định nghĩa rất chính xác. Theo định nghĩa này, có 3 yếu tố (hay điều kiện) hình thành thói ganh tị: đối tượng, cảm thấy kém cỏi, và đau khổ:

• Thứ nhất, người ganh tị đối đầu với một 'đối tượng' cùng nghề nghiệp nhưng người đó sở hữu tố chất, tri thức, khả năng hay tài sản tốt hơn mình. "Đối tượng" ở đây có thể là người láng giềng, đồng nghiệp, hay thậm chí thân nhân. Những vật thể dễ làm cho người ta trở nên ganh tị là tài năng, tiền bạc, địa vị, nhan sắc, sự thành công, v.v. Kẻ ganh tị chỉ nhắm đến đối tượng tương đương với mình hơn là những đối tượng quá xa. Người ăn xin ganh tị với những người ăn xin khác thành công hơn họ, chứ không ganh tị với những người triệu phú. Người ganh tị ghét bạn bè họ chỉ vì bạn bè họ thành công hơn.

• Thứ hai, người ganh tị muốn có những tài năng, tiền bạc, địa vị, nhan sắc, sự thành công mà 'đối thủ' đang sở hữu. Thật ra, người ganh tị không muốn 'đối phương' có những vật thể đó. Cảm giác này đúng với câu "khi thành công của bạn là nỗi đau của tôi, và nỗi đau của bạn là lợi lộc của tôi" (2).

• Thứ ba, người ganh tị cảm thấy đau khổ vì sự kém cỏi của mình; nỗi đau của người ganh tị được mô tả như là một cảm giác trống không, thất bại. Trong Tam Quốc Chí, La Quán Trung đã cho Chu Du than một cách thống khổ rằng "Trời đã sinh ra Du sao còn sinh Lượng?"

Ganh tị dẫn đến những phản ứng phòng vệ như mỉa mai, miệt thị, hợm hĩnh, và ái kỉ. Chúng ta thấy tất cả những phản ứng này trên báo chí và các mạng xã hội. Tất cả những hình thức phản ứng này có một mẫu số chung là dùng sự khinh miệt để tối thiểu hóa mối đe dọa đến từ người khác. Điều này giải thích tại sao những người có thói ganh tị thường hay tìm cách nói xấu và miệt thị người khác như là những kẻ bất tài và vô dụng, và qua đó, nhằm tự nâng cao tầm vóc của mình.

Ở mức độ cao hơn, nếu chủ nghĩa tư bản là sản phẩm của ích kỉ và tham lam, thì chủ nghĩa cộng sản là xuất phát từ ganh tị (1).

Diễn giả mà tôi đề cập là một nhà xã hội học với sở trường nghiên cứu về tiến hóa. Theo quan điểm của bà, ganh tị có nguồn gốc từ sinh học (1). Con người ganh tị vì thói ganh tị giúp họ đánh giá vị trí của họ trong cuộc cạnh tranh tìm kiếm tài nguyên. Một nghiên cứu mới đây công bố trên Science phát hiện ra vùng não được kích hoạt khi có suy nghĩ ganh tị (2). Vùng não này cũng chính là nơi kích hoạt đau thể xác. Cái đau của người ganh tị và cái đau thể xác xuất phát từ 1 chỗ. Nghiên cứu này được thiết kế rất hay.

Đối diện với một người thành công hơn và tài giỏi hơn, người ta thường có 2 phản ứng trái ngược nhau: ngưỡng mộ và ganh tị. Ngưỡng mộ giúp cho người ta phấn đấu để trở thành tốt hơn, tri ân hơn, và ghi nhận thực tế tốt hơn. Nhưng ganh tị thì có tác động ngược lại vì nó làm gãy vỡ các mối liên hệ xã hội và làm cho kẻ ganh tị trở nên độc địa trong suy nghĩ và việc làm.

===

(1) Hill & Buss: The evolutionary psychology of envy.

https://labs.la.utexas.edu/buss/files/2015/09/evolution-of-envy.pdf

https://www.psychologytoday.com/au/blog/hide-and-seek/201408/the-psychology-and-philosophy-envy

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page