Vấn nạn tập san khoa học 'dỏm'
Báo Thanh Niên nêu vấn đề tập san dỏm [1] rất đúng thời điểm. "Tập san" chớ không phải "tạp chí". Trước đây, tôi và vài bạn khác đã nêu vấn đề này qua báo Tuổi Trẻ [2]. Lúc đó thì ít ai chú ý, vì công bố khoa học chưa hẳn là ưu tiên hay được quan tâm. Đến khi công bố khoa học trở thành tiêu chuẩn để đề bạt các chức vụ khoa bảng thì 2 vấn đề xảy ra: tập san dỏm và viết mướn.
Vấn đề thứ nhứt là tập san khoa học dỏm [2]. Hiện nay, có hàng vạn trang web dưới danh nghĩa tập san khoa học trên thế giới. Họ 'săn' đuổi các nhà khoa học từ các nước đang phát triển để tìm bài. Thật ra, nạn nhân của họ còn là các nhà khoa học từ các nước đã phát triển như Mĩ, Úc, Anh, Canada, Âu châu. Đã có không biết bao nhiêu người trở thành nạn nhân của các tập san dỏm này.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng phải có hẳn chánh sách để phân biệt tập san dỏm và chánh thống. Ở Úc, cũng có nhiều đại học quan tâm đến vấn nạn tập san dỏm, và có biện pháp khắc phục. Nói chung, các ứng viên cho các chức vụ khoa bảng mà công bố trên tập san dỏm thì không được 'tính điểm' và thường gây khó chịu cho hội đồng xét duyệt.
Tuy nhiên, việc phân biệt tập san dỏm và chánh thống không hề đơn giản. Đối với các tập san dỏm hiển nhiên thì dễ nhận ra, nhưng với những tập san nằm giữa ranh giới dỏm và chánh thống thì rất rất khó khăn. Người công bố trên các tập san đáng ngờ đó không chấp nhận rằng đó là tập san dỏm, và họ tìm mọi cách biện minh. Biện minh chánh là tập san có trong Scopus hay một danh mục như Pubmed. Nhưng có tên trong Scopus hay Pubmed không phải là chứng chỉ của 'chánh thống'.
Nhớ có lần chúng tôi phải tiêu ra cả giờ để giải thích cho ứng viên về một bài báo trên một tập san ung thư học (Oncotarget) rằng tại sao hội đồng không chấp nhận. Nhưng ứng viên cãi rằng tập san đó có trong Pubmed, ISI và có cả impact factor khá cao, vậy thì "các ông bà căn cứ vào gì để nói là ... dỏm?" Rất khó thuyết phục. May quá, vài tháng sau thì tập san này bị loại khỏi ISI, nên dễ cho hội đồng thuyết phục ứng viên.
Có thời gian trường đòi liệt kê danh sách tập san dỏm để các nhà khoa học tránh. Ý tưởng nghe hay, nhưng không khả thi, bởi vì tập san dỏm mọc lên rất nhiều và rất nhanh. Cuối cùng thì chỉ nhờ vào đánh giá của chuyên gia, nhưng chuyên gia thì trình độ có khi có giới hạn. Nói chung là rất mất thì giờ và nhức đầu với vấn nạn tập san dỏm.
Vấn đề thứ hai là viết mướn và công bố mướn. Bài báo Thanh Niên [1] không đề cập đến vấn đề này, nhưng nó khá phổ biến bên Tàu và đang có mặt ở Việt Nam. Theo 'mô hình viết mướn' bên Tàu, công ti viết mướn sẽ sản xuất ra hàng loạt bài báo, thường là 'meta-analysis' (vì dễ làm), rồi gạ bán cho các nhà khoa học có nhu cầu. Họ chỉ cần để tên của nhà khoa học vào bài báo, và tìm tập san để công bố. Có khi một bài họ bán cho nhiều tác giả. Ở bên Tàu, các giảng viên cũng chịu áp lực công bố khoa học, nên họ có khi phải mua những bài báo như thế. Mỗi bài công ti viết mướn thường lấy giá từ 2000 đến 10,000 USD, tuỳ vào tập san.
Một số bạn cho biết dịch vụ viết mướn này đã có mặt ở Việt Nam, và họ cũng quảng cáo để tìm khách hàng. Tuy nhiên, không rõ họ lấy bao nhiêu tiền mỗi bài. Sự ra đời của dịch vụ kinh doanh bài báo khoa học như thế này chỉ làm vẩn đục môi trường khoa học mà thôi. Sợ rằng tình hình sẽ còn diễn biến phức tạp hơn trong tương lai.
_____
PS: Sẵn đây, tôi xin nêu ý kiến về cách dùng chữ 'tạp chí' và 'tập san'. Chẳng hiểu sao báo chí Việt Nam (và cả giới khoa học) dùng chữ 'tạp chí'; đáng lí ra phải là 'tập san'. Tạp chí là magazine, thường đăng những bài báo phổ thông (như 'Tuổi trẻ cuối tuần') dễ hiểu, dành cho đại chúng, và không cần tài liệu tham khảo. Còn tập san là journal, thuật ngữ dùng để chỉ các chuyên san khoa học, đăng những bài mang tính hàn lâm và có bình duyệt, dành cho giới khoa học, và phải có tài liệu tham khảo (xem bảng phân biệt).
Chữ 'Journal' này có một nguồn gốc thú vị. Theo tìm hiểu của tôi thì nó xuất phát từ chữ 'diurnal' trong nhà thờ, có nghĩa là sách ghi chép giờ cầu nguyện. Tóm lại, 'tập san' là một ấn phẩm khoa học, còn 'tạp chí' là ấn phẩm dành cho giới độc giả đại chúng. Xin các bạn báo chí và đồng nghiệp lưu ý cho.
[1] https://m.thanhnien.vn/giao-duc/thi-truong-ngam-mua-ban-bai-bao-khoa-hoc-cong-bo-tren-tap-chi-quoc-te-dom-1265819.html
[2] https://cuoituan.tuoitre.vn/tin/cuoc-song-muon-mau/cua-so-khoa-hoc/20180314/tap-san-khoa-hoc-dom-va-nhung-van-nan/1429086.html